Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 13/03/2023

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 13/03/2023

I. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp – chứng khoán

1. Ngày 10/3, Văn phòng phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng phát thông tin báo chí thông tin về Nghị định số 08/2023/NĐ-CP. Nhiều báo đưa tin về nội dung này, như: Công an nhân dân (13/3) có tin “Hành lang pháp lý mới “khơi thông” thị trường trái phiếu”; Pháp luật Việt Nam (13/3) có tin “Doanh nghiệp còn dư nợ trái phiếu phải có trách nhiệm đến cùng”; Công Thương (11/3) có tin “Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đến cùng về dư nợ trái phiếu”; Lao động (10/3) có tin “Doanh nghiệp có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu”; Dangcongsan.vn (10/3) có tin “Doanh nghiệp còn dư nợ trái phiếu có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu”; Hà Nội mới (10/3) có tin “Doanh nghiệp có trách nhiệm đến cùng với nghĩa vụ nợ trái phiếu”; Tin tức – TTXVN (10/3) có tin “Minh bạch sẽ giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững”; VnEconomy (10/3) có tin “Minh bạch sẽ giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững” cho biết: Theo Bộ Tài chính, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP góp phần giải quyết vấn đề khó khăn trước mắt về thanh khoản, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) cân đối nguồn tiền phục vụ sản xuất kinh doanh và thanh toán nghĩa vụ trái phiếu đến hạn, đồng thời đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu trái phiếu, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Để phát triển thị trường TPDN an toàn, lành mạnh và củng cố niềm tin của nhà đầu tư, từng chủ thể tham gia trên thị trường tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó, DN còn dư nợ trái phiếu có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu, chủ động minh bạch thông tin tình hình tài chính, khả năng trả nợ của DN thông qua kết quả xếp hạng tín nhiệm, kiểm toán báo cáo tài chính, để đảm bảo uy tín trên thị trường.

Về phía nhà đầu tư, cần có hiểu biết đầy đủ về quy định của pháp luật, tiếp cận đầy đủ thông tin về DN phát hành và trái phiếu, đánh giá kỹ tình hình tài chính của DN phát hành, phân biệt rõ sản phẩm TPDN với tiền gửi ngân hàng, đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu và chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.

Các tổ chức cung cấp dịch vụ có trách nhiệm nâng cao chất lượng dịch vụ, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật và thực hiện nghĩa vụ báo cáo, cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư mua trái phiếu, làm rõ sự khác biệt giữa TPDN và tiền gửi tiết kiệm ngân hàng và đảm bảo nhà đầu tư phải đáp ứng đủ điều kiện nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động liên quan đến thị trường TPDN.

2. Báo Tiền phong (13/3) có bài “Hoán đổi trái phiếu lấy sản phẩm: Doanh nghiệp “khôn”, còn trái chủ khó chấp nhận”; Lao động (11/3) có bài “Những điều cần lưu ý khi hoán đổi thanh toán trái phiếu bằng bất động sản”; Diễn đàn doanh nghiệp (10/3) có bài “Băn khoăn bài toán hoán đổi trái phiếu” cho biết: Để gỡ khó cho thị trường, Nghị định 08 cho phép doanh nghiệp phát hành hoán đổi TPDN lấy sản phẩm. Trước khi Nghị định 08 ra đời, hoạt động hoán đổi này đã manh nha hình thành. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu DN quá “khôn” khi định giá sản phẩm cao với bất động sản thì tính pháp lý yếu, trái chủ khó chấp nhận.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Cty luật SB Law, việc hoán đổi trái phiếu thành bất động sản là thỏa thuận của DN phát hành và trái chủ. Vì vậy, nguy cơ tranh chấp, xung đột vẫn có thể xảy ra. Để tránh những trường hợp nói trên, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần đưa ra những hướng dẫn cụ thể về việc hoán đổi trái phiếu sang bất động sản. Trong đó gồm phạm vi chuyển đổi bất động sản, thời gian chuyển đổi, các biện pháp giám sát của Nhà nước trong quá trình chuyển đổi.

- Cũng liên quan đến hoán đổi trái phiếu lấy sản phẩm, Báo Lao động (11/3) có bài “Sợ ôm bất động sản dở dang, trái chủ chỉ mong nhận lại tiền” cho biết: Xung quanh giải pháp hoán đổi trái phiếu sang bất động sản, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đây là "con dao hai lưỡi". Về mặt tích cực, giải pháp này sẽ tạo cơ hội cho người dân có thể mua được nhà ở với giá rẻ hơn thị trường. Đồng thời chứng minh bên phát hành trái phiếu có tài sản để đảm bảo, giúp người dân yên tâm hơn khi đầu tư. Về mặt tiêu cực sẽ tạo tiền lệ không tốt khi DN cứ phát hành trái phiếu rồi lấy tiền đầu tư thoải mái, phân tán khắp nơi. Đến ngày trả nợ lại gán tài sản khác vào để thay thế.

3. Báo Lao động (11/3) có bài “Câu chuyện niềm tin vào thị trường trái phiếu”; Đầu tư Chứng khoán (13-19/3) có bài “Mở đường kháp lý, cần nhưng chưa đủ” cho biết: Niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường TPDN đang sụt giảm nghiêm trọng. Nghị định 08 cho phép doanh nghiệp giãn nợ, hoán đổi nợ, song trái chủ có chấp nhận hay không vẫn là vấn đề còn phải bàn luận nhiều. Dòng vốn trung và dài hạn cung ứng cho doanh nghiệp bị ách tắc.

Theo TS Vũ Đình Ánh, Nghị định 08 ra đời với kỳ vọng gỡ khó cho thị trường, nhưng lại chưa đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhà đầu tư. Thay vào đó tập trung chủ yếu mở đường cho doanh nghiệp hơn.

TS Cấn Văn Lực cũng chỉ ra vấn đề về thời hạn đàm phán và những yếu tố liên quan vẫn còn bị bỏ ngỏ trong Nghị định. Chính phủ không hướng dẫn chi tiết về vấn đề đàm phán. Đây sẽ là vấn đề phụ thuộc vào thiện chí của đôi bên.

4. Báo Đầu tư Chứng khoán (13-19/3) có bài“Nhà đầu tư chuyên nghiệp: Giữ hay bỏ?” cho biết: Nghị định 08 ngưng hiệu lực thi hành quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân được mua trái phiếu phát hành riêng lẻ không giúp ích nhiều cho thị trường ở thời điểm nhà đầu tư cá nhân đều muốn rời bỏ, đứng ngoài thị trường. Nhưng trong trung hạn, đây là điểm cần xem xét toàn diện từ góc độ quan điểm xây dựng chính sách để thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh.

5. Báo Đại đoàn kết (13/3) có tin “Cảnh báo lừa đảo đầu tư chứng khoán” cho biết: Ủy ban Chứng khoán nhà nước vừa phát đi thông báo tới các nhà đầu tư khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng, kiểm tra, đối chiếu các thông tin trước khi giao dịch, đầu tư theo thông tin tại các website hoặc tài khoản trên mạng xã hội. Theo UBCKNN, thời gian gần đây, một số đối tượng đã sử dụng tên, logo, thông tin của một số công ty quản lý quỹ (Dragon Capital Việt Nam, Công ty cổ phần quản lý quỹ VinaCapital…) để lập các website, tài khoản facebook, telegram… nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhà đầu tư.

Theo các chuyên gia pháp luật, thời gian gần đây có không ít đối tượng lập website giả mạo, sử dụng tên, hình ảnh và địa chỉ của DN khiến nhiều nhà đầu tư chứng khoán nhầm lẫn. Dù cơ quan quản lý liên tiếp đưa ra các thông tin khuyến nghị, nhưng bản thân là người dân khi đứng trước những thông tin mời gọi đầu tư hấp dẫn cũng cần nâng cao cảnh giác.

II. Vấn đề về bảo hiểm

6. Báo Tiền phong (13/3) có bài “Phía sau việc bán bảo hiểm nhân thọ - kỳ 1: Vào lò đào tạo” cho biết: Thị trường bảo hiểm nhân thọ chưa bao giờ nóng như những ngày qua, khi người dân mang đơn cầu cứu khắp nơi, căng băng rôn phản ứng vì gửi tiết kiệm bị biến thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Người vay tiền ngân hàng bị “ép” mua bảo hiểm mới được giải ngân. Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đồng loạt thanh tra, chuyển đơn sang cơ quan điều tra của Bộ Công an.

Đại lý bảo hiểm nhân thọ (tư vấn viên tài chính bảo hiểm) đại diện cho DNBH giới thiệu, chào mời, tư vấn quyền lợi cho khách hàng. Trong các vụ việc lùm xùm, tư vấn viên bảo hiểm được xem là một trong những nguyên nhân gây ra sự việc. Năm 2022, ước tính, cả nước có khoảng 900.000 người được cấp chứng chỉ hoạt động đại lý bảo hiểm nhân thọ.

Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tiền phong khi đóng vai một người có nhu cầu trở thành tư vấn viên bảo hiểm của cty TNHH Manulife Việt Nam, những kỳ thi từ đầu năm 2023 đến nay, ứng viên trượt rất nhiều bởi hàng loạt câu hỏi bổ sung mới của Bộ Tài chính. Đích thân giảng viên phải ra tay, thi chứng chỉ để tìm hiểu câu hỏi trong bộ đề mới do Bộ Tài chính cập nhật. Trước kia thi chứng chỉ đại lý bảo hiểm, câu hỏi chỉ trong ứng dụng Manulife. Sau khi xảy ra sự việc nhân viên ngân hàng tư vấn không rõ ràng, chuyển từ tiền tiết kiệm thành bảo hiểm nhân thọ, đề thi, quy trình thi của Bộ Tài chính chặt chẽ hơn. Với đại lý bảo hiểm là nhân viên ngân hàng, chỉ cần nửa ngày học và được cấp chứng chỉ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân xảy ra lùm xùm xoay quanh biến tướng bảo hiểm thời gian qua. Bên cạnh đó, khoản hoa hồng, thưởng khủng cho nhân viên tư vấn cũng chính là động lực để tư vấn viên vì lợi ích, bất chấp mọi cách để ký thành công hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

7. Báo Đầu tư chứng khoán (13/3) có bài “Xử lý kiện tụng bán bảo hiểm qua ngân hàng” cho biết: Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), ngày 5/1/2023, Cục nhận được đơn tố cáo của công dân về việc gửi tiền tại ngân hàng TP Bank bị biến thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ Sunlife Việt Nam.

Theo phóng viên, hiện tại khách hàng và Sun life Việt Nam đã hoà giải. Khách hàng rút đơn khiếu nại, tố cáo đã gửi trước đó. Sunlife Việt Nam hỗ trợ khách hàng một khoản tiền và hai bên chấm dứt hợp đồng.

Theo luật sư Đỗ Hồng Sơn, Đoàn Luật sư Hà Nội, mặc dù khách hàng đã rút đơn tố cáo, khiếu nại nhưng cơ quan công an vẫn có quyền điều tra những hành vi có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, gian dối của các đối tượng…Liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý, luật sư Đỗ Hồng Sơn cho rằng, bên tố cáo có quyền đề nghị Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm tiến hành kiểm tra hoạt động kinh doanh của các công ty bảo hiểm trong việc tư vấn, chào bán sản phẩm bảo hiểm, cung cấp thông tin cho khách hàng không đúng quy định, đại lý bảo hiểm tư vấn đánh tráo khái niệm để lừa dối khách hàng, nếu có sai phạm, xử lý theo quy định pháp luật. 

8. Báo Đầu tư chứng khoán (13/3) có bài “Điểm mặt nghiệp vụ bảo hiểm càng bán càng lỗ” cho biết: Hiện tại, về cơ bản, doanh thu chính của ngành bảo hiểm vẫn chủ yếu từ các nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khoẻ, trong khi đó, nhiều nghiệp vụ khác chỉ triển khai cho có bởi càng bán càng lỗ như bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thuỷ sản. Dù các cơ quan chức năng nỗ lực tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp cũng như người mua bảo hiểm nhưng ngoài yếu tố cung cấp, với những nghiệp vụ chứa hiều rủi ro, càng bán càng lỗ thì các doanh nghiệp buộc phải cân nhắc việc mở rộng thị trường và quy mô.

III. Vấn đề về quản lý nợ công

9. Báo Tuổi trẻ online (12/3) có bài “VEC: Cao tốc Bến Lức - Long Thành dở dang, vướng mắc do quan điểm của Bộ Tài chính”; Tuổi trẻ (13/3) có bài “Cao tốc Bến Lức – Long Thành: Bộ Tài chính bác việc dùng vốn trả nợ để làm tiếp” cho biết: Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa báo cáo về tình hình triển khai thực hiện, các vấn đề khó khăn, vướng mắc với cao tốc Bến Lức - Long Thành. Theo VEC, cao tốc Bến Lức - Long Thành có 11 gói thầu xây lắp, hiện đã đạt 81%. Từ năm 2019, khi dự án trong quá trình thực hiện thì gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật, dẫn đến không được bố trí vốn. Việc này dẫn đến dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành bị dừng giãn tiến độ, các nhà thầu dừng thi công từ giữa năm 2019.

Để tháo gỡ vướng mắc, Bộ Giao thông vận tải đã có Tờ trình trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, gồm điều chỉnh thời gian thực hiện đến 30/9/2025, gia hạn hiệp định vay lần 2 của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đến 31/12/2025. Điều chỉnh cơ cấu vốn đầu tư, cơ chế tài chính đối với từng nguồn vốn trong dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành. Trong đó cho phép VEC sử dụng số vốn khoảng 5.116 tỉ đồng từ nguồn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ các khoản vay, vốn hợp pháp của VEC để hoàn thành những công việc còn lại.

Các Bộ, cơ quan đều ủng hộ sự cần thiết phải điều chỉnh dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành tại thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là quan điểm từ phía Bộ Tài chính. Cụ thể, theo ý kiến của Bộ Tài chính, nguồn thu phí do VEC quản lý là dòng tiền tạm thời nhàn rỗi khi VEC chưa trả nợ vay cho Nhà nước thuộc sở hữu của Nhà nước, không phải là nguồn vốn chủ sở hữu của VEC. VEC tự bố trí từ nguồn vốn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ để bố trí vốn đối ứng cho dự án là không phù hợp.

Trong khi đó, phía VEC khẳng định sau khi cân đối trả nợ các khoản vay theo đúng kỳ hạn đã cam kết, nguồn vốn hợp pháp của VEC đảm bảo đủ để cân đối vốn cho các hạng mục, công việc trong dự án này.

IV. Vấn đề về thuế, phí, lệ phí

10. Báo Thanh niên (11/3) có bài“Nên tiếp tục giảm phí trước bạ cho ô tô trong nước?” cho biết: Trước tình hình tiêu thụ ô tô trong nước sụt giảm, các hiệp hội sản xuất ô tô, cơ khí, địa phương có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, trong đó, có đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước.

Bộ Công thương mới đây có báo cáo gửi Bộ Tài chính cho biết, giá xe tại Việt Nam không những cao hơn Thái Lan và Indonesia mà còn cao hơn cả xe từ các thị trường phát triển như Mỹ, Nhật Bản. Lý giải, Bộ Công thương cho rằng, các loại thuế, phí trong nước cao là lý do chính khiến giá xe tại Việt Nam cao hơn các nước.

Theo PGS-TS Ngô Trí Long, về chủ trương, Chính phủ đồng thuận với đề xuất giảm phí trước bạ và yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu. Ông ủng hộ chính sách giảm thuế phí để kích thích tiêu dùng nhưng việc xem xét của Bộ Tài chính theo Nghị quyết của Chính phủ cần lưu ý 3 điều: Giảm tiếp 50% phí trước bạ lúc này có ảnh hưởng gì đến NSNN không, bởi khoản phí này đã được giảm 2 lần trong đại dịch. Thứ hai, nghiên cứu xem giảm vậy có thực sự giúp kích cầu không hay người dân năm nay hết tiền, chỉ tập trung chi tiêu thiết yếu. Thứ 3, giảm lệ phí chỉ với xe trong nước có vi phạm cam kết của Việt Nam với các nước không?

Đồng quan điểm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, DN ô tô cơ bản có phục hồi so với nhiều ngành khác. Chính sách hỗ trợ đến đâu cũng phải hướng tới DN và nền kinh tế bắt buộc phải trở lại bình thường. Vì thế, chính sách thuế, phí phải dần dần quay trở lại theo cam kết của Chính phủ với nhà đầu tư.

11. Báo Nhân dân (12/3) có bài “Sớm triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp” cho biết: Áp lực điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô đang gia tăng trong quý đầu năm. Trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của công tác điều hành trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần thực hiện chính sách tài khoá có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực, chi phí đầu vào, thúc đẩy sản xuất và giảm giá đầu ra, góp phần kiểm soát lạm phát. Đồng thời, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Đối với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ông Dũng cho rằng, cần thực hiện đồng thời cả chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ nhưng chính sách tài khoá phải đóng vai trò quyết định. Do đó, cần xây dựng, bổ sung ngay các giải pháp hỗ trợ, nhất là thuế, phí và sớm hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.

12. Báo Phụ nữ Việt Nam (13/3) có bài “Thu thuế với bán hàng online: Doanh nghiệp chỉ ra những điều chưa hợp lý” thông tin: Cơ quan thuế đang mạnh tay thu thuế, truy thu thuế của người bán hàng online qua các sàn thương mại điện tử nhưng chuyên gia và các hộ kinh doanh cho rằng, mức nộp thuế và cách thức tính thuế hiện nay là chưa hợp lý.

Theo luật sư Phạm Minh Ngọc (Đoàn luật sư Tp. Hà Nội), ngưỡng quy định doanh thu 100 triệu đồng/năm trở lên phải nộp thuế áp dụng hơn 8 năm qua và so với mặt bằng giá cả hiện nay là quá thấp. Cơ quan thuế chỉ đặt ra ngưỡng 100 triệu đồng/năm để tính chung cho 1 hộ/cá nhân kinh doanh trong khi có hộ thì 1-2 người nhưng cũng có hộ 5-7 người thì chưa hợp lý. Bộ Tài chính cần kiến nghị sửa điều này.

Song song với kiến nghị sửa điểm bất hợp lý trong chính sách thuế đối với hoạt động TMĐT, các chuyên gia cũng khuyến cáo người kinh doanh online nên tự giác kê khai và nộp thuế vì nhiều người nghĩ không mở mặt bằng nên không phải đóng thuế.

13. Báo Đại đoàn kết (13/3) có tin “Gia hạn thuế để giảm khó khăn cho doanh nghiệp” cho biết: Bộ Tài chính vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất năm 2023. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế đối với thuế GTGT phát sinh phải nộp của kỳ tính thuế từ tháng 1 đến tháng 6/2023 (đối với trường hợp kê khai thuế GTGT theo tháng) và kỳ tính thuế quý I, quý II/2023 (đối với trường hợp kê khai thuế GTGT theo quý). Bộ Tài chính đề nghị: Gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2023 của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định, hoặc hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm. Thời gian gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31/5/2023 đến ngày 30/11/2023.

V. Vấn đề về hải quan

14. Báo Công thương (10/3) có bài “Chống buôn lậu, gian lận thương mại: Mạnh tay ngăn chặn thủ đoạn mới” thông tin: Tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt xuất hiện phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, khó lường nhằm qua mắt, trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Trước tình hình trên, Tổng cục Hải quan đã ban hành các văn bản chỉ đạo, cảnh báo cho Cục hải quan các tỉnh, thành phố, hướng dẫn thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại; ban hành Kế hoạch kiểm soát hải quan trong toàn ngành năm 2023. Đồng thời khai thác, thu thập, cung cấp thông tin về phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm để chủ động xây dựng kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả.

VI. Vấn đề về thanh tra

15. Báo Hà Nội mới (11/3) có tin “Thanh tra ngành Tài chính kiến nghị xử lý 17.489 tỷ đồng” thông tin: Trong 2 tháng đầu năm 2023, Thanh tra ngành Tài chính đã thực hiện 11.365 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 146.122 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan; kiến nghị xử lý tài chính 17.489 tỷ đồng. Trong đó, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) 4.724 tỷ đồng; kiến nghị xử lý tài chính khác 11.429 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 1.336 tỷ đồng; số tiền đã thu nộp NSNN 2.632 tỷ đồng.

VII. Vấn đề về quản lý giá

16. Báo Nhân dân (13/3) có tin “Hoàn thiện cơ chế quản lý thị trường xăng dầu” cho biết: Tại hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu do VCCI tổ chức mới đây cho thấy, công tác quản lý và điều hành trong lĩnh vực này còn tồn tại nhiều bất cập, do đó, Nhà nước cần sớm hoàn thiện cơ chế quản lý để xăng dầu vận hành một cách minh bạch, bám sát diễn biến thị trường.

Đánh giá về công tác quản lý, điều hành xăng dầu, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, có sự quản lý yếu kém của cơ quan chức năng khi để thị trường xăng dầu bất ổn thời gian qua. Điều đó được thể hiện qua việc thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan, chứ không hoàn toàn bất cập ở quy định pháp luật. Do đó, đã đến lúc để xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường, Nhà nước không điều hành giá mà để thị trường tự quyết định. Ngoài ra, muốn cung cấp xăng dầu ổn định, nên thành lập Quỹ dự trữ quốc gia, khi thị trường bất ổn thì bơm dự trữ quốc gia thay vì dự trữ tại DN.

Đề cập tới việc bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, TS. Phạm Thế Anh (Đại học KTQD) khẳng định, Quỹ BOG xăng dầu là một sáng tạo của Việt Nam, quỹ có xu hướng trích lập khi giá thế giới kỳ trước giảm và chi sử dụng khi giá tăng; việc trích lập khi giá thế giới tăng cũng diễn ra khá phổ biến, tuy nhiên nguyên tắc này không bảo đảm bình ổn và chưa thực hiện tốt chức năng bình ổn giá.

17. Báo Thanh niên (13/3) có tin “Cung xăng dầu bị giới hạn trước giờ điều chỉnh giá” cho biết: Đó là phản ánh từ các DN bán lẻ trong những ngày qua khi thông tin trên thị trường cho rằng giá xăng dầu trong nước sắp được điều chỉnh tăng. Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), điều hành của Nhà nước hiện vẫn át thị trường trong khi luật Giá không quy định việc nhà nước điều hành giá mà chỉ bình ổn giá. Ông Thỏa đề xuất: “Chúng ta đang biến giá cơ sở xăng dầu thành giá tối đa và chưa bao giờ có cạnh tranh. Bên cạnh đó, chi phí định mức đang cứng nhắc. Thế nên, cần sửa đổi cho mở rộng nguồn mua, không nên giới hạn bán lẻ được mua một đầu mối, phân phối chỉ mua từ 2-3 đầu mối…”

VIII. Vấn đề về đầu tư công

18. Báo Chính phủ (13/3) có tin “Thủ tướng Chính phủ đôn đốc bộ ngành, địa phương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2023”, VTC.vn (11.3) có tin “Thủ tướng Chính phủ đôn đốc việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2023”, báo Nhân dân (12/3) có tin “Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2023”, báo Đảng cộng sản (11/3) có tin “Khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023”, báo Quân đội nhân dân (11/3) có tin “Khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công”, báo Công thương (11/3) có tin “Khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công và vốn ngân sách nhà nước năm 2023”, Thời báo ngân hàng (13/3) có tin “Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công”, báo Hà Nội mới (13/3) có tin “Khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023” cho biết: Ngày 10/3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành Công điện số 123/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính chủ động thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023, kịp thời kiến nghị phương án xử lý đối với số vốn chậm phân bổ theo quy định nhằm thúc đẩy giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

19. Báo Chính phủ (13/3) có bài “Quyết tâm xây dựng 2 tuyến cao tốc chiến lược”, Báo Nhân dân (13/3) có bài “Đầu tư các tuyến cao tốc hoàn chỉnh, đồng bộ, bảo đảm chất lượng” cho biết: Sáng 12/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các Bộ, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp liên quan về phương án dự kiến đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình và Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Trong năm 2023, 2024 Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối nguồn vốn phù hợp, nhất là sử dụng các nguồn vốn đã có. Thủ tướng cho rằng các tỉnh cần tự tin để triển khai vì nguồn lực rất lớn, khi khởi công tuyến cao tốc thì giá trị gia tăng của đất đai sẽ tăng lên đáng kể; các tỉnh không nên trông chờ, ỷ lại. Thủ tướng lưu ý Bộ Tài chính cần tính toán nguồn, NHNN giải quyết các vấn đề liên quan tín dụng cho dự án.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00