Điểm báo ngày 01/7/2024
I. Vấn đề Quốc hội quan tâm
1. Báo Đầu tư (1/7) có bài “Lương tăng từ ngày 1/7, Luật Đất đai có hiệu lực sớm 5 tháng”, baochinhphu.vn (29/6) có các bài “Bế mạc Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội”, “Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội diễn ra thành công tốt đẹp”, “Điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2024”, vov.vn (29,30/6) có các bài “Quốc hội đồng ý tăng lương từ 1/7/2024”, “Quyết định nhân sự, tăng lương và các quyết sách của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7”, dangcongsan.vn (29/6) có bài “Quốc hội “chốt” tăng 30% lương cơ sở từ 1/7/2024 - mức tăng cao nhất từ trước tới nay”, congly.vn (30/6) có bài “Luật Đất đai sớm có hiệu lực: Không để tình trạng "chờ" nghị định, thông tư”, nhandan.vn (29/6) có bài “Chính thức điều chỉnh mức lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2024” và nhiều báo đưa tin, bài cho biết: Phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn cho biết, với tinh thần làm việc nghiêm túc, khoa học, dân chủ, trách nhiệm cao Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.
Tại Kỳ họp này đã xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025 và Nghị quyết chung của Kỳ họp. Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật; xem xét báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, NSNN năm 2023 và tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024; phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2022 và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng khác…
Một trong những nội dung đáng chú ý trong ngày họp cuối cùng (29/6) là Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, trong đó Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2024. Bên cạnh đó lần đầu tiên, Chính phủ đề xuất và Quốc hội đồng ý điều chỉnh thời điểm có hiệu lực sớm hơn từ 01/8/2024 đối với 3 luật liên quan bất động sản gồm: Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp lần thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5) để luật sớm đi vào cuộc sống, vì như các ý kiến đều nhận định rằng doanh nghiệp, người dân đang mong chờ.
II. Vấn đề về thuế, phí và lệ phí
2. Vietnamnet, Nhân dân, (30/6) có tin “Giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8% từ 1/7 đến 31/12/2024”, VTV.vn, Lao động thủ đô (30/6) có tin “Giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8% từ ngày 1/7/2024”, Dân trí, Lao Động, Chinhphu.vn, Sài gòn giải phóng, Thời báo Kinh tế Sài gòn, Thái Bình (30/6) có tin “Chính thức giảm 2% thuế VAT đến hết năm nay” và nhiều báo khác đưa tin cho biết: Ngày 30/6, Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2024/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội.
Nghị định nêu rõ: Giảm thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%. Các lĩnh vực tiếp tục không được giảm thuế này gồm bất động sản, chứng khoán, dịch vụ ngân hàng, viễn thông, công nghệ thông tin, than cốc, sản phẩm hóa chất, hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Việc giảm thuế VAT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại....Các tổng công ty, tập đoàn kinh tế thực hiện quy trình khép kín mới bán ra cũng thuộc đối tượng giảm thuế VAT đối với mặt hàng than khai thác bán ra.
Cơ sở kinh doanh tính thuế VAT theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế VAT 8% đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT. Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế VAT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế VAT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế VAT.
3. Dân trí, Chinhphu.vn, Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội, Đài tiếng nói TP. Hồ Chí Minh (28/6) có tin “Bộ Tài chính giảm 36 loại thuế, phí cho người dân, doanh nghiệp từ 1/7”, Tiền phong, Hà nội mới (28/6) có tin “36 loại thuế phí nào được giảm từ 1/7”, Thanh niên (28/6) có tin “Nhiều khoản phí, lệ phí giảm tới 50%, ngân sách hụt thu 700 tỷ đồng”, Vnexpress (28/6) có bài “Bộ Tài chính lần thứ 5 giảm phí cho người dân, doanh nghiệp” và nhiều báo khác cho biết: Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 43/2024/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Mức giảm từ 10% đến 50%.
Từ đầu năm 2025, các khoản phí trở lại mức phí như hiện hành. Đây là lần thứ 5 Bộ Tài chính ban hành thông tư quy định giảm mức thu phí, lệ phí từ 10-50% để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đang đề xuất nhiều chính sách giảm thuế, phí như giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; đề xuất giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp...
Theo tính toán của Bộ Tài chính, ngân sách sẽ giảm thu khoảng 700 tỷ đồng từ việc giảm các loại phí, lệ phí này. Việc giảm các loại phí lần này giúp doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
4. Báo Pháp luật Việt Nam (1/7) có tin “Sửa Luật Thuế Thu nhập cá nhân phải theo trình tự, thủ tục” cho biết: Sáng 29/6, tại buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Trả lời về thời điểm sửa Luật Thuế TNCN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy cho biết, trong kế hoạch của UBTVQH về định hướng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã đưa ra yêu cầu Chính phủ nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung pháp luật về thuế. Tại phiên họp của Quốc hội thảo luận về kinh tế, xã hội vừa qua, phản hồi ý kiến của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc có nêu vấn đề sửa đổi Luật Thuế TNCN liên quan tới xác định mức thời điểm và giảm trừ gia cảnh. Dư luận xã hội thấy đây là vấn đề cần triển khai ngay nhưng để đưa vào Chương trình thì phải tuân thủ các yêu cầu chặt chẽ. Do đó, khi nào Bộ Tài chính là cơ quan trực tiếp phụ trách lĩnh vực này chuẩn bị và tham mưu Chính phủ hoàn thiện hồ sơ để đề nghị đưa dự án này vào chương trình thì UBTVQH sẽ xem xét, báo cáo Quốc hội bổ sung việc sửa Luật này vào kỳ họp gần nhất có thể.
5. Thời báo ngân hàng (1/7) có bài “Sửa luật sớm để tăng hiệu quả chính sách” cho biết: Những lo ngại về khả năng phát sinh thuế TNCN của người dân sau đợt tăng lương ngày 1/7 là có cơ sở vì ít nhất đến giữa năm 2026, Luật Thuế TNCN với các điều chỉnh (nếu có) về mức giảm trừ gia cảnh, cách tính thu nhập chịu thuế, cách phân chia bậc thuế…mới được ban hành. Để triển khai Luật Thuế TNCN (sửa đổi), nhiều khả năng lại sẽ phải chờ Chính phủ và các Bộ, ngành ban hành văn bản hướng dẫn, đồng nghĩa là trong khoảng hơn 2 năm nữa, sau khi được tăng lương, nhiều người lao động sẽ phải đóng thuế nhiều hơn và mục tiêu của chính sách tăng lương sẽ phần nào bị hạn chế.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cần đẩy nhanh việc sửa đổi Luật Thuế TNCN để tăng hiệu quả và ý nghĩa của chính sách tăng lương cơ sở. Việc sửa luật cũng cần giải quyết được những điểm cơ bản nhất để tránh chuyện vừa sửa xong đã lạc hậu, đơn cử như mức giảm trừ gia cảnh cần nghiên cứu đưa ra mức linh hoạt, không cào bằng vì mặt bằng thu nhập, tính chất, đặc điểm từng người, từng địa bàn khác nhau; các quy định về mức giảm trừ gia cảnh cũng cần bám sát mức lương tối thiểu vùng và tỷ lệ chi tiêu trên thu nhập thực tế của từng địa bàn, từng đối tượng người nộp thuế; nên giảm 4 bậc tính thuế TNCN với các mức 5%, 10%, 20% và 30% với mức thu nhập 60 triệu đồng/tháng chịu mức thuế cao nhất là 30%....
6. Báo Tiền phong (01/7) có tin “Lúng túng xử lý nợ thuế TNCN” cho biết: Sau khi bất ngờ nhận thông báo nợ thuế, chậm nộp phạt thuế TNCN, nhiều người dân ngỡ ngàng và lúng túng khi đối mặt việc xử lý khoản thuế với đủ vướng mắc như: Xử lý việc bị kê khai khống thu nhập, thủ tục quyết toán thuế. Người nộp thuế mong muốn cơ quan thuế tiếp tục đơn giản thủ tục, tạo thuận lợi cho NNT.
Theo Tổng cục Thuế, trường hợp cá nhân có từ 2 nguồn thu nhập trở lên phải tự quyết toán thuế hằng năm. Hiện nay, ngành thuế đã hỗ trợ người nộp thuế tra cứu khoản thuế TNCN trong các năm trên ứng dụng Etax. Đối với khoản nợ thuế TNCN những năm trước vì lý do người nộp thuế không biết, một cán bộ Tổng cục Thuế cho biết, khi kê khai lại, người nộp thuế sẽ bị phạt hành chính vì kê khai sai thuế TNCN.
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, cơ quan thuế thời gian qua đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, khi người nộp thuế gặp vướng mắc, cơ quan thuế cần lắng nghe, tiếp thu, sửa đổi để việc nộp thuế thuận lợi hơn nữa.
7. Báo Công Thương (1/7) có bài “Thuế giá trị gia tăng với phân bón: Mức nào phù hợp?” cho biết: Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi đã đưa phân bón thành mặt hàng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5% thay vì là đối tượng không chịu thuế GTGT như hiện hành. ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đề nghị cần khảo sát, đánh giá kỹ và có báo cáo đầy đủ hơn về tác động của đề xuất trên ở cả hai góc độ: tác động đến sự phát triển của ngành sản xuất, kinh doanh phân bón, phục vụ nông nghiệp và tác động đến thu nhập của người nông dân.
Bên hành lang Quốc hội, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực UBKT của Quốc hội cho rằng, việc Chính phủ đưa mặt hàng phân bón từ diện không chịu thuế GTGT sang diện chịu thuế GTGT là đúng đắn và cần thiết. Hiện nay, Chính phủ đang đề xuất phân bón chịu thuế là 5%. Cho ý kiến về việc mức thuế GTGT áp cho phân bón ở mức 5% hay 0% là phù hợp, ông Hiếu cho rằng, nếu so sánh, cả hai kịch bản đều mang lại lợi ích cho nhà sản xuất, người tiêu dùng, tạo cơ hội giảm chi phí sản xuất, tạo cơ hội lớn để giảm giá bán. Do vậy, ông Hiếu mong muốn Chính phủ tiếp tục tính toán kỹ lưỡng lợi ích của hai phương án để Quốc hội có thêm cơ sở lựa chọn phương án tối ưu.
8. Báo Thanh niên (29/6) có bài “Một cá nhân lập 116 công ty: Cần bịt lỗ hổng từ khâu đăng ký kinh doanh”; Pháp luật Việt Nam (1/7) có tin “Cục Thuế TP HCM: Rà soát mở rộng cá nhân có nhiều doanh nghiệp” cho biết: Ngày 19/6, Chi cục Thuế Quận 6 đã có văn bản gửi Cục Thuế TP HCM và các Chi cục Thuế trên địa bàn TP HCM để cảnh báo, phối hợp kiểm soát các doanh nghiệp (DN) rủi ro, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, vi phạm về hóa đơn.
Chi cục Thuế Quận 6 cho biết, qua rà soát thông tin đăng ký DN của người đại diện pháp luật và tra cứu dữ liệu người nộp thuế trên ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS) đã phát hiện bà Nguyễn Thị Hương (huyện Hải Hậu, Nam Định) đang làm đại diện pháp luật cho 116 công ty trên địa bàn TP HCM. Trong đó có 5 công ty đặt tại Quận 6 tuy nhiên qua xác minh thực tế trụ sở làm việc cho thấy, cả 5 công ty đều không có hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh.
9. Báo Hà Nội mới (29/6) có bài “Nợ thuế có xu hướng tăng: “Mạnh tay” áp dụng các biện pháp cưỡng chế” cho biết: Trong 5 tháng đầu năm 2024, ngành thuế thu nợ thuế đạt hơn 37.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ thuế vẫn có xu hướng tăng. Vì vậy, nhiều biện pháp sẽ được ngành Thuế triển khai trong thời gian tới nhằm thu hồi vào ngân sách nhà nước và kéo giảm số nợ thuế.
Để đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế, bảo đảm tỷ lệ nợ đọng thuế, phí đến thời điểm ngày 31/12/2024 không vượt quá 5% tổng số thực thu ngân sách nhà nước, mới đây, Bộ Tài chính đã đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan thành lập ban chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn…
10. Báo Hà Nội mới (29/6) có tin “Một số dấu hiệu giả mạo cán bộ, cơ quan thuế để lừa đảo” cho biết: Theo Cục Thuế Hà Nội, thời gian qua đã nhận được thông tin một số đối tượng xấu giả mạo cán bộ, cơ quan thuế liên hệ với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp qua điện thoại, tin nhắn, email... yêu cầu hoàn thiện thủ tục hoàn thuế thu nhập cá nhân, kê khai thông tin lên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, xác minh số tiền nộp thuế... nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cục Thuế Hà Nội khẳng định, không yêu cầu người nộp thuế cung cấp thông tin cá nhân thông qua tin nhắn, email, Zalo, Facebook, phần mềm chat… Bởi vậy, việc xuất hiện các tin nhắn có nội dung “cơ quan thuế yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân của người nộp thuế” là bất thường. Cá nhân, doanh nghiệp chỉ làm việc trực tiếp tại cơ quan thuế hoặc liên hệ qua số điện thoại được công bố trên trang thông tin điện tử của cục thuế/chi cục thuế.
11. Báo Tuổi trẻ (1/7) có bài “Giảm 50% phí trước bạ hỗ trợ ô tô sản xuất trong nước: Có phải ưu đãi người giàu?” cho biết: Bộ Tài chính vừa đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng như ba lần trước. Tuy nhiên ở lần thứ tư này, không ít ý kiến trái chiều.
Ông Nguyễn Minh Đông, chuyên gia từng nhiều năm làm việc cho hãng ô tô lớn ở nước ngoài cho rằng, thị trường ô tô trong nước lâu nay vẫn thiếu vắng những chính sách căn cơ, lâu dài để thúc đẩy sự phát triển bền vững. Năm nào cũng đề xuất giảm vài tháng sẽ tạo thói quen “chờ đợi” cho người tiêu dùng. Cần có những chính sách có tầm nhìn dài hơi hơn cho ngành công nghiệp ô tô, để chi phí sản xuất giảm, giá thành hạ xuống, DN tăng năng lực cạnh tranh thực sự.
Trước ý kiến về giảm phí trước bạ có phải ưu đãi người giàu, ông Phan Phương Nam (Đại học Luật TP.HCM) cho rằng, việc kích cầu có thể thúc đẩy nền sản xuất trong nước, tạo tác động lan tỏa chứ không chỉ người giàu hưởng lợi. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần phải có giải pháp hài hòa, tránh bất cập thuế phí. Để phát triển bền vững, cần có lộ trình rõ ràng, sòng phẳng. Từ đó tạo điều kiện cho chính doanh nghiệp sản xuất lắp ráp nội địa lẫn phía nhập khẩu chủ động, thay vì cảnh thấp thỏm và bị động.
III. Vấn đề về chứng khoán
12. Báo Tiền phong (29/6) có tin “Khối ngoại bán ròng gần 2 tỷ USD trên thị trường chứng khoán: Có gây áp lực lên tỷ giá?” cho biết: Theo chuyên gia Nguyễn Quang Huy (Trường ĐH Nguyễn Trãi), 12 tháng qua, giá trị đồng USD liên tục tăng, đặc biệt trong tháng 6/2024. Lần đầu tiên USD trên thị trường tự do vượt mức 26.000 đồng. “Nhà đầu tư ngoại đã bán ròng vượt mốc 50.000 tỷ đồng (xấp xỉ 2 tỷ USD) trên sàn HoSE tính từ đầu năm 2024 tới nay. Việc họ bán và chuyển tiền sang USD là một trong những nguyên nhân góp phần làm tăng tỷ giá trong thời gian qua.
Giới phân tích cũng cho rằng, về tổng thể, tỷ giá tăng chỉ là vấn đề trong ngắn hạn. NHNN vẫn dư sức can thiệp với nguồn dự trữ ngoại hối khoảng 100 tỷ USD vào cuối năm 2023. Đồng thời, Việt Nam vẫn đảm bảo xuất siêu 6 tháng đầu năm hơn 9 tỷ USD, giải ngân FDI cũng đạt khoảng 9 tỷ USD, đảm bảo ổn định các cán cân thanh toán lớn. Bên cạnh đó, lượng kiều hối luôn có xu hướng tăng mạnh về 6 tháng cuối năm.
IV. Vấn đề về quản lý giá
13. Báo Sài gòn giải phóng (1/7) có các bài “Tăng lương từ ngày 1/7: Mang lại sự phấn khởi, tạo động lực mới”, “Tăng lương kèm giải pháp bình ổn giá”, “Kìm giá, kích cầu tiêu dùng”, Báo Đại đoàn kết (01/7) có các bài “Nhiều biện pháp bình ổn chặn giá tăng theo lương”, “Tránh cú sốc về giá” cho biết: Hôm nay 01/7, tiền lương cơ sở chính thức được tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng; lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội tăng 15%; lương tối thiểu vùng tăng 6%. Đây là chính sách được mong chờ và đem lại niềm vui cho hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cả nước. Song, cũng không ít người lo lắng việc tăng lương không còn nhiều ý nghĩa nếu vật giá leo thang.
Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo ổn định giá cả thị trường, chống lạm phát, nhất là những mặt hàng tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng “tát nước theo mưa”. Theo ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cần phải quan tâm đến vấn đề khi lương tăng thì giảm trừ gia cảnh nộp thuế TNCN cũng cần phải nghiên cứu. Mức sống tăng lên, chi phí đắt lên thì giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng. Tăng 30% lương thì ít nhất mức giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng 30%, thậm chí 50%.
Bà Lê Thị Tuyết Nhung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, với những chỉ đạo kịp thời, hy vọng việc tăng lương sẽ không ảnh hưởng lớn đến tăng giá trong những tháng cuối năm. Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực BCĐ điều hành giá đã, đang và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường…
14. Báo Công thương (01/7) có tin “Áp lực lạm phát và giải pháp ứng phó” cho biết: Theo Bộ Tài chính, bình quân 5 tháng đầu năm, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm 2023, song vẫn nằm trong kế hoạch Quốc hội giao. Nhằm tăng cường công tác kiểm soát giá những tháng cuối năm, đặc biệt từ việc tăng tiền lương, Bộ Tài chính đã chủ động kịch bản ứng phó. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, trước đây, đã xảy ra tình trạng lương chưa tăng, giá đã tăng dẫn đến việc tăng lương nhưng không tạo tác động, lợi ích thực chất cho các đối tượng hưởng lương. Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, Chính phủ, thị trường cũng như người dân đã thích ứng, không bị tác động đến tâm lý nhiều khi thực hiện tăng lương. Thực tế cho thấy, nhiều lần tăng lương, cũng không tăng giá.
V. Vấn đề về công sản
15. Thanh niên (1/7) có bài “Bất cập cách tính tiền sử dụng đất” thông tin: Dự thảo Nghị định quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến còn nhiều quy định bất cập, thậm chí có thể khiến DN đang lời thành lỗ, ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của môi trường đầu tư.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, kiến nghị khi có quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết thì tiền sử dụng đất (TSDĐ) cần được tính lại đối với toàn bộ dự án tại thời điểm có quyết định điều chỉnh quy hoạch. Số TSDĐ mà DN đã nộp trước đó được tính lại tại thời điểm phê duyệt lại quy hoạch và được trừ vào TSDĐ sau khi tính lại, mức được trừ không vượt quá số TSDĐ phải nộp.
Theo dự thảo Nghị định, hiện chỉ còn quy định một trường hợp sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư tại địa bàn ưu đãi đầu tư được miễn tiền thuê đất. Dự thảo đã thu hẹp đáng kể các trường hợp được miễn tiền thuê đất so với quy định hiện hành. Nếu quy định này được thông qua, nhiều lo ngại các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài, sẽ không còn được hưởng chính sách miễn tiền thuê đất do các địa phương này không thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư.
Sau khi tham vấn các DN, VCCI cho rằng so với chính sách hiện hành tại Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 thì chính sách miễn giảm tại dự thảo kém hấp dẫn hơn. Nghị định cần cân nhắc quy định theo hướng mở rộng các trường hợp được miễn tiền thuê đất, thay vì chỉ giảm tiền thuê. Nếu làm được điều này sẽ thu hút được vốn đầu tư vào những địa bàn khó khăn hoặc những lĩnh vực đặc biệt ưu đãi.
VI. Vấn đề về kinh tế vĩ mô
16. Báo Tiền phong (29/6) có tin “Dồn lực cho mục tiêu tăng trưởng” cho biết: Kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2024 tiếp tục ghi nhận nhiều điểm sáng, tạo tiền đề cho mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 6 - 6,5%. Dự báo mới nhất của IMF, hay nhiều tổ chức trong nước, quốc tế ủng hộ cho mục tiêu này. Tuy vậy, Việt Nam được khuyến nghị còn nhiều yếu tố cần cải thiện như đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, dồn lực cho đầu tư công, xuất khẩu.
17. Báo Nhân dân (30/6) có tin “Tăng trưởng GDP năm 2024 có thể đạt 6-6,5%”; Quân đội nhân dân (30/6) có tin “Kinh tế phục hồi mạnh mẽ, mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% khả thi”; Đầu tư (1/7) có tin “Nền kinh tế phục hồi vượt dự báo”; Kinh tế & Đô thị (30/6) có tin “Nhiều chuyên gia lạc quan về mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2024”; Tuổi trẻ (30/6) có tin “Tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 6,42%, vượt xa cùng kỳ năm trước”; Người lao động (30/6) có tin “GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42%”; Công an nhân dân (29/6) có tin “GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42%”; Hà Nội mới (29/6) có tin “6 tháng năm 2024, GDP của cả nước tăng 6,42%” và nhiều báo khác cho biết: Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi rõ nét hơn. Tính riêng trong quý II năm nay, GDP tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của quý II/2022 nếu xét trong 10 năm trở lại đây. Tính chung 6 tháng, GDP tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 nếu xét trong giai đoạn 2020-2024.
Hữu Nghĩa
Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính
Kết quả lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản
18 thg 6 2025 - 09:38:00Triển khai điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh hậu COVID-19
13 thg 6 2025 - 08:04:00Lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản
09 thg 6 2025 - 10:17:00Lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản
28 thg 3 2025 - 07:39:00Bồi dưỡng Kế toán trưởng hành chính sự nghiệp năm 2025
17 thg 3 2025 - 07:46:00Bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá tài sản nhà nước
17 thg 3 2025 - 07:39:00Thay đổi địa chỉ Phường 1 (mới), phường Mỹ Ngãi (mới) do sắp xếp đơn vị hành chính
06 thg 1 2025 - 08:39:00