Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 13/12/2024

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 13/12/2024

I. Vấn đề tinh giản bộ máy

1. Báo Lao động (12/12) có tin “Tổng cục Thuế quán triệt công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy”; Người lao động (12/12) có tin “Tổng cục Thuế khẳng định dừng bổ nhiệm, tạo đồng thuận trong tinh gọn bộ máy”; Baochinhphu.vn (12/12) có tin “Tổng cục Thuế: Quyết tâm sắp xếp tinh gọn bộ máy; phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao”; Pháp luật Việt Nam (12/12) có tin “Tổng cục Thuế quán triệt công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy” cho biết: Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 5712/TCT-TCCB chỉ đạo toàn ngành Thuế về công tác sắp xếp tổ chức bộ máy. Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành thống nhất trong nhận thức và hành động, chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đảm bảo tiến độ, chất lượng theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước và Bộ Tài chính.

Tổng cục Thuế khẳng định kể từ ngày 1/12/2024 đến khi hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo định hướng của Trung ương, tạm dừng việc bổ nhiệm, giới thiệu giữ chức vụ cao hơn. Đồng thời chỉ đạo cơ quan thuế các cấp cần tăng cường xây dựng tinh thần đoàn kết, đồng thuận trong tập thể đơn vị, nắm bắt tư tưởng của công chức, viên chức và người lao động để thống nhất trong nhận thức và hành động, chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đảm bảo tiến độ, chất lượng.

II. Vấn đề về chính sách thuế

2. Báo Tuổi trẻ (13/12) có bài “Đầu tư chứng khoán có lãi mới nộp thuế: Nhiều rắc rối, khó khả thi?” và tin “Thuế thu nhập chứng khoán quá cao là bất hợp lý” cho biết: Nhiều chuyên gia chứng khoán cho rằng việc áp thuế 0,1% trên giá trị từng lần bán chứng khoán, dù nhà đầu tư lỗ hay lãi là chưa hợp lý; nhưng ngược lại lại giúp giảm thiểu thời gian quyết toán thuế cá nhân đầu tư chứng khoán, vốn rất phức tạp vì tài khoản chứng khoán không cố định, thậm chí biến động hàng giờ.

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, nguyên lý cơ bản của thuế TNCN là phải "đánh" trên thu nhập thực tế, lỗ sẽ không cần nộp.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP.HCM Chứng khoán DSC thì cho rằng việc áp tỉ lệ 0,1% trên giá trị từng lần bán như hiện tại là đơn giản, minh bạch và thuận tiện với cả nhà đầu tư lẫn công ty chứng khoán. Với các nhà đầu tư đang có lợi nhuận tốt, cách tính thuế này sẽ có lợi hơn so với việc nộp thuế mức 20% trên số lãi mang về như phương án cơ quan thuế từng đề xuất vào năm 2007.

Giám đốc một công ty chứng khoán khác bày tỏ lo ngại rằng nếu sửa theo hướng thu 20% lợi nhuận, nhưng lỗ không được khấu trừ thuế trong các năm tiếp theo sẽ trở thành điểm bất hợp lý. Bởi việc thu 20% trên lợi nhuận có được từ đầu tư chứng khoán là cao, nên cần xem xét cả việc khấu trừ thuế nếu nhà dầu tư thua lỗ.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam cũng cho rằng nếu áp mức thuế 20%/thu nhập từ chứng khoán như phương án từng đưa ra trước đây là không phù hợp. Bởi mức thuế này tương đương thuế TNDN, trong khi doanh nghiệp hạch toán được tất cả các chi phí phát sinh, còn nhà đầu tư cá nhân không thể ghi nhận được các chi phí bỏ ra.

Các ý kiến cho rằng việc đánh thuế 20% thu nhập rất phức tạp, cần nghiên cứu kỹ để có thể xây dựng quy định thuế phù hợp và hiệu quả, vừa tránh thất thoát thuế vừa tránh đánh thuế sai, tạo sự công bằng trong đầu tư chứng khoán.

3. Báo Tuổi trẻ (13/12) còn có tin “Nghiên cứu bổ sung quy định riêng về thuế với chứng khoán phái sinh” cho biết: Luật Chứng khoán năm 2019 quy định chứng khoán bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh và các loại chứng khoán khác. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc tính thuế dựa trên toàn bộ giá trị bán với nhà đầu tư chứng khoán phái sinh là chưa được hợp lý.

Bộ Tài chính cũng thừa nhận có sự khác biệt về bản chất giữa chứng khoán cơ sở và chứng khoán phái sinh. Ngoài ra, trên thị trường phái sinh không diễn ra các giao dịch chuyển nhượng toàn bộ giá trị giao dịch và chuyển giao tài sản từ bên bán cho bên mua như thị trường cơ sở. Việc thanh toán chuyển giao giữa các nhà đầu tư chỉ là giá trị chênh lệch giá.

Do vậy, Bộ Tài chính đồng tình cho rằng cần nghiên cứu bổ sung quy định riêng về thuế TNCN đối với chứng khoán phái sinh để đảm bảo phù hợp với thực tiễn cũng như đặc thù của hoạt động này, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế cũng như cơ quan thuế trong quá trình tổ chức thực hiện.

III. Vấn đề về quản lý thuế

4. Báo Quân đội nhân dân (13/12) có bài “Tạm hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế” cho biết: Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đối với dự thảo nghị định quy định chi tiết khoản 9, Điều 6 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan, trong đó có Luật Quản lý thuế. Điều khiến dư luận quan tâm là dự thảo đề xuất áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân kinh doanh và chủ hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có số tiền thuế nợ quá hạn trên 120 ngày từ 10 đến 100 triệu đồng trở lên.

Bài báo cho rằng để chính sách được thực thi đúng cách và tránh tạo ra những hệ lụy không mong muốn, bên cạnh việc áp dụng biện pháp mạnh, các cơ quan chức năng cần rà soát quy trình thực hiện, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người nộp thuế. Cần xây dựng cơ chế phản hồi và giải quyết nhanh chóng, vận dụng linh hoạt các giải pháp tránh làm gián đoạn các hoạt động kinh doanh, hợp tác quốc tế của cá nhân, doanh nghiệp. Từ đó chính sách thuế mới thực sự phát huy vai trò trong việc bảo đảm nguồn thu ngân sách và xây dựng niềm tin với người nộp thuế. Nộp thuế không chỉ là nghĩa vụ tài chính của người làm trong lĩnh vực kinh doanh mà còn thể hiện trách nhiệm công dân trong xây dựng đất nước.

- Cũng liên quan đến vấn đề này, Dân trí (12/12) có tin “Đề xuất cá nhân nợ thuế 200 triệu đồng mới bị tạm hoãn xuất cảnh”; Tuổi trẻ (13/12) có tin “Kiến nghị hoãn xuất cảnh với cá nhân nợ thuế trên 200 triệu, doanh nghiệp nợ 1 tỉ” cho biết: Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng mức nợ thuế từ 10 triệu đồng bị cấm xuất cảnh theo dự thảo của Bộ Tài chính là quá thấp và đề xuất cá nhân nợ thuế từ 200 triệu đồng mới bị cấm xuất cảnh và lên mức 1 tỷ đồng đối với doanh nghiệp.

Theo VCCI, trong nhiều trường hợp, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp đi nước ngoài không phải để trốn tránh nghĩa vụ thuế mà là để thực hiện các giao dịch kinh doanh. Những giao dịch này có thể giúp doanh nghiệp có doanh thu và tiếp tục đóng thuế. Việc áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh trên diện rộng có thể gây tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

VCCI cũng đề xuất xem xét lại quy định tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật của doanh nghiệp không còn hoạt động nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, bất kể giá trị số tiền thuế là bao nhiêu. Bởi trên thực tế, có những trường hợp số thuế còn thiếu rất nhỏ, phát sinh sau khi doanh nghiệp đã dừng hoạt động (như lệ phí môn bài). Với giá trị nhỏ thì chi phí để thu sẽ lớn hơn số tiền thu được.

5. Báo Thanh niên (13/12) có bài “Bàn cách thu hút “đại bàng” sau thuế tối thiểu toàn cầu” cho biết: Từ đầu năm 2024, Việt Nam đã áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Qua rà soát của Tổng cục Thuế, có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu. Ngân sách sẽ ước tính sẽ thu được hơn 14.600 tỉ đồng khi các tập đoàn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam phải nộp thuế này.

Tuy nhiên, việc áp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích các doanh nghiệp FDI trong thời gian hưởng ưu đãi miễn thuế, có thuế suất thực tế thấp hơn 15%. Nghĩa là ưu đãi về thuế của Việt Nam dành cho các doanh nghiệp FDI sẽ không còn tác dụng nên có thể ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Một số chuyên gia cho rằng, việc Chính phủ đề xuất lập Quỹ hỗ trợ đầu tư với các chính sách mạnh hơn nhằm giữ chân, thu hút các tập đoàn lớn trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là cần thiết để tạo ra động lực thu hút và giữ chân các doanh nghiệp FDI.

6. Báo Đầu tư (13/12) có tin “Nguồn thu thuế thương mại điện tử sẽ “phá đỉnh” cho biết: Với sự thay đổi về chính sách và công nghệ, nguồn thu thuế từ TMĐT dự báo tiếp tục “phá đỉnh” trong năm 2025. Năm 2024, lần đầu tiên trong lịch sử, nguồn thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử vượt mốc 100.000 tỷ đồng. Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, lũy kế 11 tháng năm nay, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã nộp khoảng 108.000 tỷ đồng tiền thuế, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Đến nay, đã có 116 nhà cung cấp nước ngoài như Google, Meta, Netflix, TikTok… đăng ký, khai và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử.

IV. Vấn đề về kho bạc nhà nước

7. Báo Đại biểu nhân dân (13/12) có bài “Hiệu quả lớn từ mở rộng phối hợp thu ngân sách” cho biết: Thời gian qua, Kho bạc Nhà nước thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu ngân sách, tăng không gian và thời gian thu nộp ngân sách lên 24 giờ/7 ngày. Trong đó, mở rộng công tác phối hợp thu và thanh toán song phương điện tử với các ngân hàng thương mại là một điểm sáng.

8. Bnews (13/12) có bài “Tăng kiểm soát chi rút ngắn thời gian chuyển vốn đến dự án” cho biết: Để thực hiện mục tiêu của Chính phủ đề ra là giải ngân đạt 95% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, Kho bạc Nhà nước đã ban hành công văn để thực hiện Công điện số 104/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc đẩy mạnh vốn dầu tư công những tháng cuối năm 2024. Kho bạc Nhà nước yêu cầu các đơn vị trong toàn hệ thống tăng cường giải pháp nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương của cán bộ kiểm soát chi.

Bà Lương Thị Hồng Thúy, Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi, Kho bạc Nhà nước cho biết, thời gian kiểm soát chi càng nhanh thì số vốn đưa đến các dự án công trình càng nhanh, vì vậy, Kho bạc Nhà nước siết chặt kỷ luật, kỷ cương và quán triệt tới từng công chức làm kiểm soát chi trong thời gian từ nay đến cuối năm phải nâng cao tinh thần trách nhiệm để thực thi công vụ, không được rời vị trí, đảm bảo các hồ sơ, thủ tục qua dịch vụ công trực tuyến phải được xử lý ngay, kịp thời, không được để tồn đọng bất kỳ 1 hồ sơ nào mà không rõ lý do.

V. Vấn đề về quản lý giá

2. Báo Tiền Phong (13/12) có bài “5 năm xã hội hóa sách giáo khoa: Giá sách vẫn cao” “Lợi nhuận “nhạy cảm” cho biết: Từ năm 2024, giá SGK đã được định giá theo một tiêu chuẩn kĩ thuật do Bộ GD&ĐT ban hành. Nhưng thực tế, giá SGK không giảm nhiều so với khi chưa được định giá. Giá SGK của các đơn vị khác cao hơn giá SGK của NXB Giáo dục Việt Nam trên 20% (tính theo giá bìa), thậm chí có tên sách giá cao gấp đôi.

Trước khi Luật Giá 2023 có hiệu lực, theo quy định, Cục Quản lí giá (Bộ Tài chính) chủ trì tiếp nhận, rà soát văn bản kê khai giá SGK và rà soát nội dung kê khai giá để phục vụ công tác bình ổn giá, quản lí nhà nước về giá, kiểm tra, thanh tra theo quy định của pháp luật. Các nhà xuất bản tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá SGK đã kê khai với Bộ Tài chính.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow