Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 23/12/2024

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 23/12/2024

I. Vấn đề về thuế

1. Báo Thanh niên (21/12) có bài “Nhiều đề xuất xung quanh mức giảm trừ gia cảnh”; Đại đoàn kết (23/12) có bài “Thuế Thu nhập cá nhân: Cần thiết nâng mức giảm trừ gia cảnh” cho biết: Mới đây, các đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, Hà Nội, Vĩnh Long, Trà Vinh kiến nghị tăng mức giảm trừ gia cảnh tính thuế TNCN lên 15-18 triệu đồng/tháng. Các chuyên gia thì cho rằng, nên từ 18-20 triệu đồng/tháng. Việc tăng mức giảm trừ gia cảnh theo các chuyên gia nhằm chia sẻ khó khăn với người nộp thuế hiện nay.

Theo các chuyên gia, nhà nước cũng không phải lo ngại mức điều chỉnh này sẽ làm giảm số thu thuế cho ngân sách, vì thực tế, vào những thời điểm điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh trước thì số thu thuế TNCN vẫn tăng lên. Số thu thuế TNCN gần như tăng đều trong 13 năm qua. Trong giai đoạn 2011-2023 đã tăng gấp 3,8 lần. Đó là chưa kể số thu của sắc thuế này tăng khá tốt trong năm 2024. Số thu thuế TNCN dự kiến năm 2024 là 169.506 tỉ đồng thì chỉ trong 11 tháng đã đạt 181.200 tỉ đồng, chiếm khoảng 12,1% số thu nội địa. Thậm chí, số thu thuế TNCN 11 tháng đã vượt qua cả số thu sắc thuế này dự toán cho năm 2025. Tỷ trọng thuế TNCN trên tổng số thu NSNN liên tuc tăng cao trong những năm qua.

Theo báo Đại đoàn kết: Bộ Tài chính đã có công văn số 12738 lấy ý kiến rộng rãi tổ chức, cá nhân có liên quan và đăng tải trên Cổng TTĐT Chính phủ, Cổng TTĐT Bộ Tài chính về việc lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế TNCN (thay thế). Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, nghiên cứu ý kiến tham gia của các tổ chức, cá nhân, rà soát, đánh giá Luật Thuế TNCN để báo cáo Chính phủ, báo cáo UBTVQH xem xét sửa đổi, bổ sung theo Chương trình xây dựng luật của Quốc hội, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, cũng như thông lệ quốc tế, phù hợp với thông lệ quốc tế và bối cảnh kinh tế xã hội của Việt Nam.

Cũng về thuế TNCN, báo Thanh niên (23/12) có bài“Thuế thu nhập cá nhân, kêu đến bao giờ?” cho biết: Dù biết lộ trình sửa đổi thuế TNCN là đến cuối năm 2026, nhưng các đoàn đại biểu Quốc hội nhiều tỉnh thành trên cả nước vẫn tiếp tục kiến nghị. Những đề xuất như nói trên trong mấy năm qua rất nhiều, từ khắp các diễn đàn cho tới nghị trường Quốc hội..., phản ánh nhu cầu bức thiết từ thực tế; phản ánh sự bất cập của chính sách với biến động xã hội, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt và sự công bằng thuế với người dân nói chung và người làm công ăn lương nói riêng.

Những kiến nghị này, Bộ Tài chính đều đã nhận được. Dù vậy, Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên quan điểm là phải theo lộ trình, cụ thể thì đến cuối năm 2026 mới sửa đổi toàn diện luật Thuế TNCN và khả năng đến đầu năm 2027, chính sách mới đến được với người thụ hưởng.

Tuy nhiên bài báo cho rằng, giá cả thì không đợi quy định, biến động đời sống xã hội cũng không thể chờ quy trình, chính sách thuế không thể thiếu tính chất "khoan sức dân". Vậy thì sự lạc hậu, bất cập của các mức GTGC hiện tại của thuế TNCN vin vào những lý do như nói trên liệu có thỏa đáng.

2. Hà nội mới (21/12) có bài “Tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng”cho biết: Quốc hội XV đã thông qua Nghị quyết số 174/QH15 về kỳ họp thứ 8, trong đó đồng ý giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) với nhiều loại hàng. TS. Nguyễn Văn Hiến, chuyên gia kinh tế, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Gia Định đánh giá, việc tiếp tục thực hiện chính sách này có ý nghĩa thiết thực với thị trường, doanh nghiệp.

3. Báo Tuổi trẻ (21/12) có bài “Kinh doanh thương mại điện tử khó mà trốn thuế” cho biết: Từ chỗ phải “bắt cóc bỏ đĩa” khi thu thuế với người kinh doanh online trong giai đoạn đầu, hiện ngành thuế đã lập “bản đồ số” với hộ kinh doanh và lập được danh bạ, sổ bộ quản lý thuế hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Ngoài ra, ngành thuế đã áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào quản lý thuế, người kinh doanh online thời gian tới sẽ khó có cửa trốn thuế.

Thời gian qua, ngành thuế đã từng bước xây dựng và tích lũy được nguồn dữ liệu to lớn với lượng thông tin khổng lồ, phản ánh đầy đủ tình trạng hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính, thực hiện nghĩa vụ thuế của mọi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khi bắt đầu đến khi chấm dứt hoạt động. Trong năm 2025, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục cập nhập làm giàu kho cơ sở dữ liệu lớn về thương mại điện tử từ các nguồn thông tin từ các bộ, ngành, chủ thể tham gia vào hệ sinh thái thương mại điện tử… Ngành thuế sẽ sắp xếp khoa học, hiệu quả nguồn dữ liệu này, trên cơ sở đó áp dụng AI, máy học để xử lý dữ liệu và triển khai các biện pháp quản lý thuế phù hợp.

4. Báo Tuổi trẻ (21/12) có bài “Thảo cầm viên Sài Gòn “suýt” được tuyên dương nộp thuế tốt” cho biết: Ngày 20/12, Cục Thuế TP HCM tổ chức hội nghị tuyên dương doanh nghiệp có thành tích sản xuất kinh doanh hiệu quả và thực hiện tốt chính sách, pháp luật thuế năm 2023. Trong danh sách được Cục Thuế trình tuyên dương ban đầu có tên Thảo cầm viên Sài Gòn. Tuy nhiên, đến phút cuối thì Thảo cầm viên bị loại do dính lùm xùm bị truy thu tiền thuê đất. Trước đó, Thảo cầm viên Sài Gòn thu hút sự quan tâm của dư luận khi ngày 10/12, đơn vị này “kêu cứu” vì đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động vì không đủ kinh phí khi bị truy thu gần 800 tỉ đồng tiền nợ thuê đất.

5. Các báo: Sài Gòn giải phóng (21/12) có tin “Tuyên dương 136 doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách, pháp luật thuế”, Quân đội nhân dân (20/12) có bài “TP Hồ Chí Minh tuyên dương 136 doanh nghiệp thực hiện tốt pháp luật thuế”, báo điện tử Nhân dân (20/12) có bài “Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh tuyên dương 136 doanh nghiệp tiêu biểu” cho biết:  Ngày 20/12, Cục Thuế TPHCM tổ chức tuyên dương 136 doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách, pháp luật thuế năm 2023.

Cục trưởng Cục Thuế TPHCM Nguyễn Nam Bình biểu dương các doanh nghiệp, đồng thời cho biết ngành thuế sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ hoanh nghiệp, tạo điều kiện để người nộp thuế yên tâm tập trung phát triển sản xuất kinh doanh, bao gồm cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ thuế điện tử để giảm chi phí và thời gian cho người nộp thuế.

6.Báo Thanh niên (21/12) có bài “Lĩnh án tù do bảo kê đường dây mua bán hóa đơn khống” cho biết: Ngày 20/12, TAND TP. Hồ Chí Minh tuyên án đối với 55 bị cáo trong vụ cán bộ thuế nhận hối lộ, bảo kê cho đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị 14.000 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 100 tỷ đồng. Theo đó, Hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo: Lê Thành Nhân (công chức chi cục Thuế khu vực Quận 12 – Hóc Môn), Trần Quốc Duy (Công chức Chi cục Thuế khu vực Quận 7 – Huyện Nhà Bè) đồng lĩnh án 15 năm tù. Cựu Phó đội trưởng Đội kiểm tra nội bộ - Chi cục Thuế TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương) 7 năm tù về tội “nhận hối lộ”; bị cáo Bùi Thanh Liêm (cựu Phó đội trưởng Đội kiểm tra thuế số 3, Chi cục Thuế khu vực Quận 7 – Huyện Nhà Bè) lĩnh án 2 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

II. Vấn đề về kho bạc nhà nước

7. Các báo: Chinhphu.vn (20/12) có bài “Kho bạc Nhà nước: tinh gọn bộ máy, tăng cường ứng dụng công nghệ”, Tin tức (20/12) có bài“Xây dựng hệ thống Kho bạc Nhà nước đáp ứng cải cách hiện đại hóa”, Đại biểu nhân dân (20/12) có bài “Giải ngân đầu tư công qua Kho bạc Nhà nước đạt 61,8%” và nhiều báo khác đưa tin về Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) ngày 20/12.

Theo đó, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tài chính, hệ thống KBNN đã góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và quản lý ngân sách hiệu quả. Tính đến ngày 15/12/2024, thu NSNN đạt 1.870.596 tỷ đồng, vượt 9,97% dự toán năm. Không chỉ hoàn thành tốt chức năng tổng kế toán nhà nước, KBNN còn phối hợp hiệu quả với các đơn vị để trình Quốc hội Báo cáo tài chính nhà nước và quyết toán NSNN năm 2022, được thông qua với tỷ lệ đồng thuận cao.

Trước những biến động của mặt bằng lãi suất, KBNN đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu chính phủ. Lãi suất trung bình chỉ còn 2,52%/năm, giảm 0,69% so với năm 2023, giúp tiết kiệm chi phí vay cho ngân sách trung ương và đảm bảo vốn cho các dự án đầu tư. Hiện nay, 100% thủ tục hành chính đã được thực hiện trên dịch vụ công trực tuyến toàn trình, giúp các đơn vị sử dụng ngân sách đạt tỷ lệ xử lý hồ sơ trên 90%...

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, sự đóng góp tích cực của công chức toàn hệ thống KBNN đã tạo nên kết quả ấn tượng này. Năm 2025, nhiệm vụ chính trị của KBNN là rất nặng nề. Cần phát huy hơn nữa tinh thần chủ động, sáng tạo và trách nhiệm để hoàn thành mục tiêu chung. Theo đó, toàn ngành cần tập trung rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung, xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về KBNN phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy mới và yêu cầu quản lý, chủ động nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân để kịp thời hướng dẫn, giải đáp, tháo gỡ…

III. Vấn đề về chứng khoán

8. Các báo: Lao động (21/12) có bài “Thị trường chứng khoán năm 2025 hứa hẹn khởi sắc”; Đại đoàn kết (21/12) có bài “Chứng khoán một năm sóng gió” cho biết: Các chuyên gia nhận định TTCK năm 2025 sẽ khởi sắc, với triển vọng tích cực ở nhiềm nhóm ngành như dầu khí, cảng biển, tài chính và bất động sản. Với nhóm chứng khoán, sẽ có nhiều câu chuyện kích thích thanh khoản thị trường gia tăng, dự báo khớp lệnh mỗi phiên ước tính lên tới 25.000 tỷ đồng. Có những động lực để kỳ vọng thị trường tăng trưởng tốt, thu hút dòng tiền như định giá của VN-Index đang ở mức hấp dẫn. Câu chuyện nâng hạng thị trường cũng mở ra nhiều kỳ vọng. Với dòng vốn ngoại dự kiến đổ về khoảng 1 tỷ USD, các quỹ đầu cơ theo câu chuyện nâng hạng sẽ gia tăng tiền vào, nhờ đó thị trường được dự báo sôi động.

9. Báo Thanh niên (23/12) có bài “Ngăn chặn thao túng chứng khoán” cho biết: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Chứng khoán chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2025 quy định rõ 6 hành vi bị xem là thao túng thị trường chứng khoán. Những quy định này không phải hoàn toàn mới mà đã được nêu trong Nghị định số 156/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên hành vi thao túng được đưa vào luật để đảm bảo quy định thống nhất giữa luật Chứng khoán và bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi năm 2017) trong mô tả hành vi này.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN (VAFI), nhận định việc quy định cụ thể hành vi thao túng thị trường chứng khoán trong luật là một bước tiến hoàn thiện hành lang pháp lý nói chung. Tuy nhiên, để giảm mạnh hành vi vi phạm thì công tác thực hiện giám sát quan trọng hơn rất nhiều. Làm sao phải phát hiện nhanh, xử lý nghiêm minh các chiêu trò làm giá cổ phiếu để giảm thiệt hại cho nhà đầu tư.

IV. Vấn đề về bảo hiểm

10. Tạp chí đầu tư chứng khoán (23/12) có tin “Thị trường bảo hiểm sẽ phát triển chất lượng hơn” cho biết: Theo ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, tính đến 30/11/2024, thị trường bảo hiểm có 85 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm; tổng tài sản của thị trường bảo hiểm ước đạt 986.586 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 838.319 tỷ đồng, tăng 12,58% so với cùng kỳ; tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 205.288 tỷ đồng, tăng 6,63%; tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 204.109 tỷ đồng, tăng 0,22%; chi trả quyền lợi bảo hiểm ước khoảng 86.368 tỷ đồng, tăng 17,13%.

Trong năm 2024, Bộ Tài chính tiếp tục tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã có những thay đổi cơ bản nhằm thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, ổn định và bền vững, đảm bảo tối đa quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

Để thị trường bảo hiểm phát triển ổn định, bền vững, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh bảo hiểm. Tăng cường năng lực tài chính, quản lý rủi ro, quản trị doanh nghiệp, chất lượng dịch vụ khách hàng và công khai, minh bạch của doanh nghiệp bảo hiểm. Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm. phát triển và đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm và kênh phân phối bảo hiểm. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm: đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến về vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết của bảo hiểm, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đối với các tổ chức, cá nhân.

11. Tạp chí đầu tư chứng khoán (22/12) có tin “Gian nan đích đến 15% dân số có bảo hiểm nhân thọ” cho biết: Năm 2025, Chính phủ đã đặt ra hai mục tiêu lớn cho thị trường bảo hiểm là 15% dân số sẽ tham gia mua bảo hiểm nhân thọ và tỷ lệ thâm nhập tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ đạt 3,5% GDP. Chiến lược đến năm 2030 là có 18% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ. Bên cạnh đó, theo Chiến lược Phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, doanh thu ngành bảo hiểm tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 15%/năm, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 - 2030 là 10%/năm...

Theo ông Đặng Đình Chính, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ bảo hiểm ITmedia Việt Nam – doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, công nghệ và tư vấn bảo hiểm, cần có chính sách ưu đãi thuế, xem xét giảm thuế thu nhập cá nhân cho những người tham gia bảo hiểm nhân thọ, hoặc cung cấp các khoản khấu trừ thuế liên quan. Việc ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho khách hàng tham gia được bảo hiểm nhân thọ sẽ khuyến khích được người tham gia.

Theo các chuyên gia, bên cạnh việc tháo gỡ điểm nghẽn, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cần có chiến dịch truyền thông chuyên nghiệp, tạo ra các chương trình truyền thông tập trung vào lợi ích của bảo hiểm nhân thọ, nhấn mạnh vai trò bảo vệ tài chính và an sinh gia đình. Ngoài ra, cần đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phù hợp với nhiều phân khúc thu nhập, đặc biệt là tầng lớp trung lưu và người có thu nhập thấp.

V. Vấn đề khác

12. Báo Công an nhân dân (23/12) có tin “Sẽ tập trung kiểm toán những “vấn đề nóng” được dư luận xã hội quan tâm” cho biết: Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết, năm 2025, đơn vị sẽ thực hiện 116 nhiệm vụ kiểm toán. Trong đó, KTNN sẽ thực hiện kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN và Báo cáo nợ công năm 2024; Kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách năm 2024 tại 27 bộ, cơ quan Trung ương, trong đó có Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đồng thời, KTNN thực hiện 23 cuộc kiểm toán chuyên đề, trong đó một số chuyên đề, chủ đề kiểm toán có quy mô lớn, phạm vi rộng, như: Chuyên đề "Việc quản lý, sử dụng, sắp xếp lại và xử lý nhà, đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021" tại các bộ, cơ quan Trung ương và doanh nghiệp; Chuyên đề "Công tác kiểm tra, thanh tra thuế giai đoạn 2022-2024 tại Tổng cục Thuế và các địa phương"…

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow