Điểm báo ngày 24/12/2024
I. Vấn đề về thuế
1. Báo Đại đoàn kết (24/12), Tạp chí Tài chính doanh nghiệp (22/12) có tin “Hơn 6.600 người nộp tiền nợ thuế”; VnEconomy (23/12) có bài “Ngành thuế thu nợ 4.289 tỷ đồng nhờ biện pháp hoãn xuất cảnh” thông tin: Theo Tổng cục Thuế, trong năm 2024 toàn ngành thuế thu nợ được 61.227 tỷ đồng, tăng 33,2% so với 2023. Tỷ lệ tổng tiền thuế nợ trên tổng thu NSNN năm 2024 là 11,3%, trong đó tỷ lệ tiền thuế nợ có khả năng thu trên tổng thu năm 2024 là 7,8%. Cơ quan thuế đã ban hành 58.687 lượt thông báo tạm hoãn xuất cảnh với tổng số tiền thuế nợ là 80.512 tỷ đồng, qua đó đã thu được 4.289 tỷ đồng của 6.648 người nộp thuế. Về công tác hoàn thuế, đến 16/12 đã ban hành 18.402 quyết định hoàn thuế GTGT với số tiền hoàn là 141.513 tỷ, bằng 83% dự toán, tăng 4% so với cùng kỳ.
Trong năm 2024 cơ quan thuế đã thu thuế TMĐT khoảng 116 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Đã có 120 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng TTĐT với số thuế đã khai, nộp trực tiếp qua cổng là 8.687 tỷ đồng, bằng 126% số thu cùng kỳ năm 2023, đạt 174% dự toán.
2. Báo Đại đoàn kết (24/12) có bài “Đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030”, Vneconomy.vn (21/12) có bài “Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030”, VnExpress (22/12) có bài “Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp”, Tienphong.vn (21/12) có bài “Đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thêm 5 năm” cho biết: Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các cơ quan liên quan để lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31/12/2030, thay vì kết thúc vào ngày 31/12/2025 như quy định hiện hành.
Một số chuyên gia cho rằng, hiện nay, các địa phương khác đang tập trung triển khai quyết liệt tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong khi đó, gần 70% dân số sống ở nông thôn, sinh kế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ giúp cho người nông dân gắn bó hơn với đồng ruộng, yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp; chia sẻ khó khăn với nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển…
3. Báo Đầu tư (23/12) có tin “Nợ thuế trên 50 triệu đồng trong 120 ngày có thể bị tạm hoãn xuất cảnh” thông tin: Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật về lĩnh vực tài chính - ngân sách, trong đó có Luật Quản lý thuế vừa được công bố, Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn quy định ngưỡng tiền thuế nợ và thời gian nợ sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.
Ông Hoàng Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cho biết, theo quy định hiện hành thì cá nhân, hộ gia đình nợ thuế 90 ngày thì bị tạm hoãn xuất cảnh. Còn tại dự thảo nghị định chuẩn bị trình Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất ngưỡng tiền thuế nợ là trên 50 triệu đồng và nâng thời gian từ 90 lên 120 ngày để phù hợp thực tế. So với dự thảo nghị định trước đó, ngưỡng tiền nợ thuế áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh mà Bộ Tài chính đề xuất tăng gấp 5 lần, từ 10 triệu đồng lên 50 triệu đồng.
4. Báo Thanh niên (24/12) có bài “Cấm xuất cảnh cá nhân nợ thuế quá hạn 50 triệu đồng” cho biết: Bộ Tài chính đã nâng mức đề xuất cá nhân, chủ hộ kinh doanh nợ thuế quá hạn 120 ngày với mức 50 triệu đồng trở lên sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh. Tuy vậy, đề xuất này đang gây nhiều tranh cãi.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, quy định ngưỡng nợ thuế để buộc tạm hoãn xuất cảnh cá nhân người nộp thuế qua mấy lần sửa đổi vẫn nặng cảm tính, chưa rõ theo căn cứ nào nên chưa thuyết phục. Hiện đặt ra ngưỡng nợ thuế 50 triệu đồng sẽ bị hoãn xuất cảnh, vậy 2-3 năm sau đồng tiền trượt giá, chính sách thuế thay đổi hay vì lý do bất khả kháng nào đó, liệu mức nợ thuế này có được áp dụng nữa không hay lại phải thay đổi. Vì vậy, không cần luật hóa một con số nợ thuế để tạm hoãn xuất cảnh. Nếu vẫn muốn áp dụng ngưỡng nợ thuế để tạm hoãn xuất cảnh, có thể dựa trên thu nhập bình quân của cá nhân, hộ gia đình đó.
TS Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, việc đưa ra ngưỡng nợ thuế bao nhiêu sẽ bị hoãn xuất cảnh là không nên. Bộ Tài chính nên xây dựng bộ tiêu chí rõ ràng để có thể áp dụng, chế tài với các trường hợp chây ì, nợ thuế số tiền lớn, kéo dài, thiếu hợp tác, thiếu trách nhiệm và nghĩa vụ thuế với cơ quan nhà nước. Nếu vẫn muốn áp dụng ngưỡng nợ thuế bao nhiêu sẽ tạm hoãn xuất cảnh, cần có hệ thống tính toán khoa học, phù hợp cho mỗi nhóm DN, hộ kinh doanh, nhóm ngành hàng sản xuất kinh doanh. Đến nay, cơ quan soạn dự thảo nghị định vẫn chưa có đánh giá khả thi, mới chỉ theo góp ý của truyền thông và các ý kiến của chuyên gia. Luật pháp phải dựa trên đánh giá, phân tích, dữ liệu khoa học, không thể đi theo dư luận được.
II. Vấn đề về ngân sách nhà nước
5. Báo Tiền phong (24/12) có bài “Thấy gì từ kỷ lục thu ngân sách nhà nước?” cho biết: Theo Tổng cục Thuế, năm 2024, thu NSNN hơn 1,7 triệu tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Theo TS Nguyễn Quốc Việt, phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, đây là tín hiệu tích cực. Tỷ trọng đóng góp nguồn thu NSNN từ các loại thuế đều tăng lên tích cực. Trong đó, đáng chú ý là nguồn thu từ thuế GTGT. Theo ông Việt, 3 năm liên tiếp, nhà nước thực hiện chính sách giảm thuế GTGT mỗi năm 2% nhưng tỉ trọng đóng góp thuế GTGT trong tổng thu NSNN những năm qua không giảm mà còn tăng lên, nhất là năm 2024. Điều này cho thấy tiêu dùng trong nước đã khôi phục, đến từ nhiều yếu tố như chính sách hoãn, giãn, miễn, giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp, khoan thu sức dân đã phát huy tác dụng. Bên cạnh đó, nguồn thu bền vững liên quan đến thuế TNDN tăng lên rất đáng kể.
Dù thu NSNN đạt kỷ lục song tỷ lệ chi NSNN vẫn tiềm ẩn nhiều bất cập. Trong đó, tỷ lệ chi thường xuyên ở mức cao. Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2024 gần đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện nay, tỷ lệ chi thường xuyên chiếm 70% chi NSNN, chỉ còn 30% chi cho đầu tư phát triển, an ninh – quốc phòng.
III. Vấn đề về hải quan
6. Báo Tiền phong (23/12) có bài “Tổng cục Hải quan sẽ sắp xếp, cắt giảm mạnh tay với những đầu mối nào?” cho biết: Tổng cục Hải quan đã khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của đơn vị để báo cáo Bộ Tài chính. Theo phương án sắp xếp, hệ thống tổ chức của ngành hải quan đề xuất sẽ gồm 3 cấp là: Hải quan Việt Nam; hải quan khu vực/vùng; hải quan cửa khẩu/ngoài cửa khẩu, đồng thời sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị bên trong của Hải quan Việt Nam bảo đảm tinh gọn, giảm đầu mối cấp trung gian, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Hải quan Việt Nam sẽ là đơn vị tương đương cấp cục trực thuộc Bộ, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về hải quan và tổ chức thực thi pháp luật về hải quan trong phạm vi cả nước. Hải quan Việt Nam sẽ tổ chức, sắp xếp lại từ 16 đầu mối giảm xuống dự kiến còn 12 đầu mối tham mưu (giảm 4 đầu mối, tương đương 25%). Trong đó, một số đơn vị được thành lập các phòng/đội để thực hiện tham mưu và trực tiếp thực hiện công tác thuộc phạm vi chức năng nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Số lượng dự kiến khoảng 55 phòng/đội (giảm 21 đầu mối, tương đương 27,6%). Hải quan cửa khẩu/ngoài cửa khẩu là đơn vị trực thuộc hải quan vùng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kiểm soát hải quan trên địa bàn cửa khẩu, các khu công nghiệp, khu chế xuất… được phân công. Hải quan cửa khẩu/ngoài cửa khẩu không có tổ chức cấu thành phần bên trong.
IV. Vấn đề về công sản
7. Báo Sài Gòn giải phóng (23/12) có tin “Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị”; Dangcongsan.vn (21/12) có bài “Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tổng kiểm kê tài sản công”; Báo Đại đoàn kết (24/12) có bài “Chống lãng phí của công” và một số báo khác cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 138/CĐ-TTg về việc thực hiện Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý. Tại Công điện, Thủ tướng đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa ban hành Kế hoạch Tổng kiểm kê, chưa tập huấn Tổng kiểm kê có trách nhiệm ban hành kế hoạch, tổ chức hướng dẫn, tập huấn đầy đủ các nội dung của Đề án, các chỉ tiêu kiểm kê, việc tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm kê đến toàn bộ đối tượng thực hiện kiểm kê thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương. Thời gian hoàn thành trước ngày 23/12/2024…
Việc tổng kiểm kê tài sản được xem là một bước đi cụ thể nhằm ngăn chặn việc lãng phí tài sản công. ĐBQH Hoàng Văn Cường từng nhận xét, tham nhũng làm thất thoát tài sản công chuyển thành tài sản cá nhân, nhưng lãng phí gây thất thoát cả tài sản công, tài sản của xã hội, làm mất đi lợi ích của xã hội.
Hữu Nghĩa
Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính
Kết quả lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản
18 thg 6 2025 - 09:38:00Triển khai điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh hậu COVID-19
13 thg 6 2025 - 08:04:00Lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản
09 thg 6 2025 - 10:17:00Lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản
28 thg 3 2025 - 07:39:00Bồi dưỡng Kế toán trưởng hành chính sự nghiệp năm 2025
17 thg 3 2025 - 07:46:00Bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá tài sản nhà nước
17 thg 3 2025 - 07:39:00Thay đổi địa chỉ Phường 1 (mới), phường Mỹ Ngãi (mới) do sắp xếp đơn vị hành chính
06 thg 1 2025 - 08:39:00