Điểm báo ngày 22/01/2025
I. Vấn đề về thuế
1. Báo Đại đoàn kết (22/1) có bài “Đánh thuế bất động sản thứ 2: Không nên trở thành rào cản đối với thị trường”; VnEconomy (21/1) có tin “Bộ Tài chính trả lời về đề xuất đánh thuế bất động sản thứ 2” cho biết: Dư luận xã hội quan tâm đến việc đề xuất đánh thuế bất động sản thứ 2, điều này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong xã hội. Một số ý kiến cho rằng, đánh thuế bất động sản chỉ là một trong nhiều biện pháp giúp thị trường bất động sản phát triển minh bạch và bền vững, không nên trở thành rào cản đối với thị trường bất động sản. Nhiều ý kiến kiến nghị Chính phủ nghiên cứu có giải pháp cho phù hợp vừa hạn chế tình trạng đầu cơ, ảnh hưởng bất lợi cho thị trường bất động sản, đồng thời vừa tạo sự đồng thuận của xã hội.
Bộ Tài chính cho biết đang tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, xác định vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thi hành các chính sách thuế liên quan đến bất động sản trong thời gian qua để báo cáo các cấp có thẩm quyền vào thời điểm thích hợp, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam, phù hợp thông lệ quốc tế cũng như tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế liên quan đến bất động sản và đặt trong tổng thể cải cách hệ thống chính sách thuế giai đoạn 2021-2030.
2. Báo Lao động (22/1) có tin “Thưởng Tết không trọn vẹn vì thuế thu nhập cá nhân”; Znews (21/1) có tin “Thưởng Tết bị trừ 10% thuế thu nhập cá nhân, sau này có được hoàn?”; VTV.vn (22/1) có tin “Thưởng Tết bị trừ 10% thuế thu nhập cá nhân, sau này có được hoàn?” cho biết: Nhiều người băn khoăn khi tiền thưởng Tết thực nhận hụt 10% so với ký nhận do trừ thuế TNCN. Đây chỉ là tạm khấu trừ, khi nào quyết toán thuế cả năm, nếu không thuộc diện chịu thuế sẽ được hoàn. Chuyên gia thuế khẳng định việc tạm khấu trừ thuế TNCN đối với tiền thưởng Tết là đúng quy định hiện hành. Theo quy định, tiền thưởng Tết được tính gộp vào thu nhập chịu thuế và áp dụng biểu thuế lũy tiến từng phần. Điều này khiến người lao động có thu nhập cao hơn một chút đã phải chịu thuế suất cao hơn từ 10% đến 35%.
Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng dù thuế TNCN là nghĩa vụ pháp lý nhưng cách tính hiện nay chưa hợp lý. Ngưỡng chịu thuế lũy tiến tối thiểu 11 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/người phụ thuộc đã không còn phù hợp với thực tế. Chi phí sinh hoạt ở các thành phố lớn đã tăng gấp đôi, gấp ba so với thời điểm quy định này được ban hành. Người lao động thu nhập trung bình vẫn bị đánh thuế như thu nhập cao.
Chuyên gia về thuế Nguyễn Ngọc Tú cho rằng chính sách thuế TNCN hiện nay còn nhiều bất cập. Ngưỡng giảm trừ gia cảnh và biểu thuế lũy tiến đã lỗi thời, không còn phản ánh đúng mức sống hiện tại của người lao động.
II. Vấn đề về hải quan
3. Báo Pháp luật Việt Nam (21/1) có bài “Kỷ lục xuất nhập khẩu 786,3 tỷ USD: Đóng góp của ngành Hải quan trong tạo thuận lợi thương mại” cho biết: Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch XNK của cả nước năm 2024 đạt kỷ lục mới 786,3 tỷ USD. Trong thành tích đó, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng về tạo thuận lợi thương mại của ngành Hải quan.
Về thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), Tổng cục Hải quan tích cực cung cấp DVCTT để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tính đến ngày 30/12/2024, trong số 214 thủ tục hành chính (TTHC) do cơ quan Hải quan thực hiện, Tổng cục Hải quan đã cung cấp DVCTT toàn trình cho 132 TTHC và DVCTT một phần cho 61 thủ tục, 21 thủ tục được cung cấp thông tin trực tuyến. Đáng chú ý, tổng số hồ sơ trực tuyến toàn ngành thực hiện trong năm qua lên đến 48,54 triệu hồ sơ.
Kết quả triển khai Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) cũng là điểm sáng về cải cách của ngành Hải quan. Hiện NSW phục vụ triển khai TTHC cho 13 Bộ, ngành; thường xuyên có khoảng 60.000 doanh nghiệp thực hiện TTHC với khoảng trên 4 triệu giao dịch/năm, thủ tục cho tàu thuyền xuất nhập cảnh tại các cảng biển trên toàn quốc cũng như tàu bay xuất nhập cảnh tại các sân bay quốc tế đều được thực hiện thông qua NSW. Về phương diện quốc tế, mỗi năm có trung bình trên 400.000 chứng nhận xuất xứ (C/O) điện tử được trao đổi thông qua NSW, tiết kiệm hàng triệu USD cho doanh nghiệp…
4. Báo Đại đoàn kết (22/1) có bài “Quyết liệt ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại” cho biết: Thời điểm cuối năm lực lượng chức năng trên cả nước đã phát hiện, triệt phá nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho thấy tình hình buôn lậu, gian lận thương mại dịp cuối năm có xu hướng nóng lên và diễn biến phức tạp.
Theo Tổng cục Hải quan, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong năm 2024 vẫn diễn biến phức tạp, trên các tuyến, loại hình, địa bàn và cả trên không gian mạng. Đặc biệt, nổi lên tình trạng lợi dụng hình thức kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, các mạng xã hội và lợi dụng hoạt động bưu chính, chuyển phát nhanh. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để thực hiện các hành vi buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong năm 2024, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 16.390 vụ việc vi phạm pháp luật, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 29 nghìn tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã khởi tố 24 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 157 vụ.
III. Vấn đề về chứng khoán
5. Báo Lao động (22/1) có tin “Thị trường chứng khoán biến động khó đoán trước thời điểm nghỉ Tết” cho biết: Chỉ số VN-Index được các chuyên gia dự báo sẽ biến động trong tuần giao dịch trước thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán. Chiến lược đầu tư hướng vào các yếu tố vĩ mô có thể phù hợp cho mục tiêu đầu tư trung - dài hạn nhiều hơn. Trong ngắn hạn, TTCK thường có xu hướng giao dịch chậm lại trước Tết Nguyên đán, khiến cho giá một số cổ phiếu cơ bản tốt bị điều chỉnh, nhưng tạo cơ hội để tích lũy cổ phiếu cho danh mục. Bởi theo thống kê, diễn biến tích cực của thị trường xuất hiện trong các tháng đầu năm.
Theo dự báo của nhiều công ty chứng khoán, VN-Index năm 2025 có thể dao động phổ biến trong khoảng 1.400-1.500 điểm, nhờ vào triển vọng tích cực từ nhiều yếu tố hỗ trợ. Lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết được kỳ vọng tăng từ 16-19%, tập trung ở các nhóm ngành như ngân hàng, bất động sản, công nghệ và các cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công.
IV. Vấn đề về đầu tư công
6. Báo Pháp luật Việt Nam (22/1) có tin “Giải ngân đầu tư công 2024 đạt 80,32% kế hoạch Thủ tướng giao”, báo Điện tử chính phủ (21/1) có tin “Giải ngân vốn kế hoạch năm 2024 đạt 72,9%”, báo Tạp chí kinh tế Sài Gòn (22/1) có tin “Giải ngân vốn năm 2024 đạt gần 73% kế hoạch”, báo Công an nhân dân (21/1) có tin “Ước giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 93% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao”, báo Mekong Asean (21/1) có tin “Giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 ước đạt 84,47% kế hoạch”, báo Thanh tra (21/1) có tin “Giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 ước đạt 84,47% kế hoạch”, cho biết: Bộ Tài chính vừa có văn bản số 768/BTC-ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn NSNN 12 tháng, ước 13 tháng kế hoạch năm 2024.
Theo đó, ước giải ngân từ đầu năm đến ngày 31/01/2025 là 635.579,9 tỷ đồng, đạt 84,47% kế hoạch, đạt 93,06% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 82,47% kế hoạch và đạt 93,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó Chương trình phục hồi và phát triển KTXH là 6.192,09 tỷ đồng (đạt 97,38% kế hoạch), CTMTQG là 23.321,2 tỷ đồng (đạt 85,68% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Kết quả trong 13 tháng 2024, 16/46 bộ, cơ quan trung ương và 37/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân so với tổng kế hoạch đạt trên mức bình quân chung của cả nước (84,47%). Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài chính, 30/46 bộ, cơ quan trung ương và 26/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước.
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tổng hợp đề xuất của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, báo cáo cấp thẩm quyền về kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 sang năm 2025 của các dự án để kịp thời giao kế hoạch vốn kéo dài, tránh làm gián đoạn tiến độ thực hiện và giải ngân của các dự án.
V. Vấn đề về quản lý công sản
7. Báo Người lao động (22/1) có tin “Hàng trăm trụ sở bỏ hoang” cho biết: Sau sắp xếp đơn vị hành chính, nhiều trụ sở tiền tỉ mới xây dựng chưa lâu ở tỉnh Quảng Nam rơi vào tình trạng cửa đóng then cài, không ai trông coi, bảo vệ khiến chúng nhanh chóng bị hư hỏng, xuống cấp.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng vừa có công văn đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam khẩn trương, quyết liệt trong việc giải quyết đối với tài sản công, trụ sở dôi dư theo đúng quy định, công khai, minh bạch. Bộ Tài chính đề nghị tỉnh Quảng Nam chỉ đạo rà soát việc sử dụng nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; xác định cụ thể các cơ sở nhà, đất không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh. Trường hợp các cơ sở nhà, đất này phải thu hồi thì thực hiện thu hồi và xử lý đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định.
Đối với tài sản chưa có quyết định xử lý, Bộ Tài chính yêu cầu tỉnh Quảng Nam chỉ đạo lập, phê duyệt phương án xử lý đối với tài sản, trụ sở làm việc theo quy định của pháp luật. Trong đó, tập trung vào các trường hợp không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích để quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định xử lý theo quy định, không để lãng phí, thất thoát tài sản của nhà nước.
Hữu Nghĩa
Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính
Kết quả lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản
18 thg 6 2025 - 09:38:00Triển khai điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh hậu COVID-19
13 thg 6 2025 - 08:04:00Lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản
09 thg 6 2025 - 10:17:00Lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản
28 thg 3 2025 - 07:39:00Bồi dưỡng Kế toán trưởng hành chính sự nghiệp năm 2025
17 thg 3 2025 - 07:46:00Bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá tài sản nhà nước
17 thg 3 2025 - 07:39:00Thay đổi địa chỉ Phường 1 (mới), phường Mỹ Ngãi (mới) do sắp xếp đơn vị hành chính
06 thg 1 2025 - 08:39:00