Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 27/02/2025

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 27/02/2025

Điểm báo ngày 27/02/2025

I. Vấn đề về thuế

1. Báo Pháp luật Việt Nam (27/2) có tin “Bộ Tài chính đề xuất giảm 30% tiền thuê đất năm 2025”; Dân Việt (27/2) có tin “Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 30% tiền thuê đất năm 2025”; VnExpress (26/2) có tin “Bộ Tài chính đề xuất giảm tiếp 30% tiền thuê đất năm 2025”; Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (27/2) có tin “Bộ Tài chính đề xuất giảm 30% tiền thuê đất năm 2025” cho biết: Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định của Chính phủ về việc giảm 30% tiền thuê đất năm 2025. Chính sách này được xây dựng trên tinh thần thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và tạo đà cho mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025.

2. Báo Đại đoàn kết (27/2) có bài “Sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân: Phù hợp với bối cảnh kinh tế - Xã hội”; Tuần tin tức (27/2) có bài “Kiến nghị áp dụng mức giảm trừ gia cảnh mới” cho biết: Chính phủ dự kiến trình UBTVQH nâng mức giảm trừ gia cảnh theo biến động chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào kỳ họp tháng 10/2025. Đây là điều mà nhiều người lao động mong chờ vì hiện nay nhiều người phải chi tiêu tiết kiệm mà vẫn phải đóng thuế.

Theo Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên, những người nộp thuế bậc thuế 1, 2 và 3 có thu nhập chỉ ở mức đủ để trang trải cuộc sống. Do đó, Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên đề nghị thuế suất bậc 1 giảm một nửa còn 2,5% thay cho 5% như hiện nay, áp dụng cho phần thu nhập tính thuế 0 - 5 triệu đồng/tháng. Còn bậc 2, thuế suất 5% thay vì 10%, áp dụng thu nhập tính thuế từ 5 - 10 triệu đồng/tháng. Bậc 3 có thuế suất cũng giảm 5%, còn 10% áp dụng cho thu nhập tính thuế từ 10 - 18 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị giảm mức chênh lệch giữa các bậc thuế, nhằm giảm gánh nặng cho người có thu nhập trung bình khá.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Thuế Trọng Tín Nguyễn Văn Được đánh giá, trong quá trình thực thi, Luật thuế TNCN đã bộc lộ nhiều bất cập cần được xem xét và điều chỉnh ngay. Một trong những vấn đề nổi cộm là mức thuế suất còn cao so với thu nhập bình quân của người lao động. Bên cạnh đó, số bậc thuế quá nhiều (7 bậc) và độ nhảy bậc chưa khoa học, bậc thấp có độ nhảy bậc nhanh, ngược lại bậc cao có độ nhảy bậc chậm. Điều này làm gánh nặng thuế đối với người có thu nhập thấp và trung bình.

3. Báo An ninh thủ đô (27/2) có tin “VCCI: Ngành ô tô trong nước rất cần hỗ trợ” cho biết: VCCI vừa góp ý cho dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước của Bộ Tài chính, VCCI cho biết đồng thuận với chính sách mà Bộ Tài chính đang đề xuất. Trước bối cảnh kinh tế còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thị trường ô tô đầu năm 2025 có dấu hiệu chững lại, chính sách hỗ trợ ngành trong ngắn hạn, bên cạnh các chính sách hỗ trợ dài hạn, là vô cùng cần thiết để hỗ trợ ngành trong các giai đoạn này. Biện pháp này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp duy trì dòng tiền, giảm áp lực tài chính, có thêm nguồn lực thích ứng trước các biến động kinh tế.

4. Znews.vn (26/2) có tin “Samsung chuẩn bị hàng trăm triệu USD đóng bù thuế tại Việt Nam” cho biết: Trong báo cáo tài chính năm 2024 của Samsung Electronics, mục chi phí thuế TNDN bất ngờ ghi nhận gần 430 tỷ won (khoảng 316 triệu USD) chi phí thuế tối thiểu toàn cầu.

Đây là khoản thuế Samsung cần nộp thêm đối với phần chênh lệch giữa mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% và thuế suất hiệu dụng GloBE tại từng quốc gia - nơi các công ty thành viên của Samsung đăng ký hoạt động - căn cứ quy định của Trụ cột Hai.

Samsung cho biết tại Việt Nam, do thuế suất hiệu dụng GloBE thấp hơn 15% nên thuế bổ sung tối thiểu trong nước đạt chuẩn (QDMTT) được áp dụng. Trong khi đó, các công ty con tại các quốc gia khác - nơi có thuế suất hiệu dụng bằng hoặc cao hơn 15% - dự kiến không hoặc chỉ chịu tác động không đáng kể từ quy định này.

Ngoài ra, Samsung đã áp dụng miễn trừ tạm thời đối với việc ghi nhận và công bố thông tin về các tài sản thuế hoãn lại và nợ thuế hoãn lại liên quan đến Trụ cột 2. Trụ cột 2 là một phần của sáng kiến Thuế tối thiểu toàn cầu do OECD và G20 đề xuất, nhằm đảm bảo các tập đoàn đa quốc gia nộp ít nhất 15% thuế TNDN tại mỗi quốc gia mà họ hoạt động. Nếu một công ty được hưởng mức thuế suất thấp hơn, họ phải nộp phần thuế bổ sung để bù đắp chênh lệch.

III. Vấn đề về chứng khoán

5. Báo Kiểm toán (27/2) có bài “Thị trường chứng khoán Việt Nam trước chính sách thuế quan của Mỹ” cho biết: Chính sách thuế quan mà Mỹ liên tiếp đưa ra nhằm vào các đối tác thương mại đang làm dấy lên những lo ngại về chiến tranh thương mại toàn cầu. Bối cảnh này cũng tác động tới tâm lý nhà đầu tư chứng khoán, khiếp áp lực bán chốt lời xảy ra trong ngắn hạn, song về dài hạn, kịch bản tích cực cho thị trường vẫn là xu hướng bao trùm.

Theo Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VPBank Trần Hoàng Sơn, thông tin Mỹ dự kiến đánh thuế thép nhập khẩu khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng, dẫn đến áp lực chốt lời ngắn hạn. Tuy nhiên, lực cầu duy trì tích cực đã giúp thị trường nhanh chóng vượt qua những biến động này và lấy lại cân bằng vì thông tin áp thuế mới chỉ là bước đầu tác dụng đối với ngành thép Việt Nam là không quá lớn.

Về trung hạn, VN-Index vẫn có thể sẽ lặp lại kịch bản của năm 2024 khi vượt qua 1.300 điểm trong thời gian ngắn nhưng sau đó dễ điều chỉnh trở lại. Do vậy, trong nửa đầu năm, về mặt phân tích kỹ thuật, VN-Index đã tạo ra một vùng giá với đáy dưới là 1.2500 điểm và biên trên là 1.285-1.305 điểm. Tuy nhiên, kể từ sau tháng 8-9, khả năng chỉ số chung sẽ vượt 1.300 điểm với nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực.

III. Vấn đề về đầu tư công

6. Báo Lao động (27/2) có bài “Đẩy nhanh phân bổ vốn, tránh áp lực giải ngân cuối năm”; Znews (26/2) có bài “Gần hết tháng 2, giải ngân vốn đầu tư công vẫn 'ì ạch'”; Baochinhphu.vn (27/2) có bài “Giải ngân vốn đầu tư công 02 tháng đầu năm 2025 ước đạt 6,9% kế hoạch” cho biết: Dù đã bước sang tháng 2, nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương vẫn chưa hoàn tất việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công. Điều này gây áp lực lớn lên tiến độ giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn trong những tháng cuối năm.

Theo Bộ Tài chính, ước đến hết tháng 2/2025, tỉ lệ giải ngân của cả nước ước đạt 6,9% kế hoạch và đạt 7,32% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các nhiệm vụ, dự án trước ngày 31/3. Sau ngày 31/3, Bộ Tài chính sẽ báo cáo cấp thẩm quyền cắt giảm để điều chuyển cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn năm 2025 để bố trí cho các dự án quan trọng, các dự án hạ tầng chiến lược có khả năng giải ngân

Bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh cho rằng, năm 2025, với việc sửa đổi Luật Đầu tư công, 4 luật liên quan đến đầu tư và 9 luật liên quan về tài chính kỳ vọng sẽ tháo gỡ những nút thắt về thể chế, chính sách liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công. Để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2025, tránh việc đầu năm thư thả, cuối năm tất tả, cần tiếp tục nghiên cứu, nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn và bất cập.

Theo VinaCapital, một số động thái mới nhất của Chính phủ cho thấy sự quyết tâm trong việc giải ngân đầu tư công năm nay. Liên quan đến dư địa tài khóa, Việt Nam có nguồn lực dồi dào để tăng cường chi tiêu đầu tư công, trong đó, nợ Chính phủ thấp hơn mức 40%GDP và ước tính ngân sách chưa giải ngân có thể lên tới 40 tỉ USD. Nút thắt chính trong việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công là các khó khăn về cơ chế chính sách trong quá trình phê duyệt và phát triển những dự án có quy mô lớn.

IV. Vấn đề về quản lý công sản

7. Báo Lao động (27/2) có bài “Vẫn tắc trong xử lý nhiều trụ sở dôi dư sau sáp nhập ở Hà Tĩnh” cho biết: Hàng loạt trụ sở dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021 và giai đoạn 2023-2025 ở Hà Tĩnh hiện vẫn tắc trong việc xử lý, mặc dù tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, giao trách nhiệm.

Giai đoạn 2019-2021, tỉnh Hà Tĩnh thực hiện sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 46 xã nên nhiều trụ sở xã cũ đến nay vẫn đang bỏ hoang rất lãng phí, cơ sở vật chất ngày càng xuống cấp, hư hỏng. Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025 ở Hà Tĩnh, địa phương này dôi dư thêm 7 cơ sở nhà, đất là trụ sở các cơ quan, đơn vị cấp huyện ở huyện Lộc Hà (cũ) và dôi dư 9 trụ sở UBND xã ở một số huyện, thị khác. Còn có hàng loạt trụ sở của một số cơ quan, ban, ngành chuyển địa điểm mới nên trụ sở cũ hiện đang bỏ hoang, nhếch nhác, lãng phí.

Ông Nguyễn Quốc Hương, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Tĩnh cho biết, mới nhất, ngày 20/2, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành văn bản giao quản lý, xử lý 7 cơ sở nhà, đất dôi dư của huyện Lộc Hà (cũ) sau khi sáp nhập vào huyện Thạch Hà. Hiện nay, vẫn rất khó khăn trong việc xử lý các trụ sở dôi dư.

Bàn về việc xử lý trụ sở dôi dư, ông Nguyễn Xuân Ninh, Chủ tịch UBND xã Tân Lâm Hương cho rằng, cái khó ở chỗ xử lý đối với tài sản, bởi thiết kế xây dựng, công năng của trụ sở khó phù hợp với đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu mua, đưa vào sử dụng.

V. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

8. Báo Kiểm toán (27/2) có bài “Áp lực trả nợ trái phiếu đáo hạn sẽ ổn định dần trong năm 2025” cho biết: Theo ước tính của giới phân tích, TPDN đáo đáo hạn trong năm 2025 khoảng hơn 203.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ trái phiếu chậm trả sẽ ổn định dần về mức bình thường mới trong năm nay khi nền kinh tế vững mạnh, khung khổ pháp lý và hạ tầng thị trường dần hoàn thiện. Điều này giúp cải thiện dòng tiền, khả năng trả nợ và nhu cầu tái cấp vốn.

Chủ tịch FiinRatings Nguyễn Quang Thuân nhận định, con số đáo hạn năm nay vẫn còn rất lớn, mặc dù vậy, áp lực trả nợ toàn bộ những khoản vay này không quá lớn. Bản chất trái phiếu của nhóm ngân hàng không có vấn đề gì nghiêm trọng vì có thể dễ dàng cơ cấu kỳ hạn. Nhóm trái phiếu của các doanh nghiệp lớn vẫn hoạt động ổn định cũng không đáng ngại. Rủi ro tập trung từ trái phiếu bất động sản và các công ty được lập ra để triển khai dự án. Đây sẽ là nhóm cần được theo dõi sát trên thị trường.

                                                                                      VHP

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow