Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 26/03/2025

Chi tiết bài viết Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 26/03/2025

I. Vấn đề về thuế, phí, lệ phí

1. Chiều 25/3, Văn phòng Bộ phối hợp với Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí cung cấp thông tin về việc sửa Nghị định 26/2023/NĐ-CP để điều chỉnh thuế suất một số nhóm mặt hàng đảm bảo hài hòa, hợp lý. Ngay sau đó, nhiều báo, tạp chí đã có tin, bài về nội dung này, như: Tin tức – TTXVN (25/3) có bài “Sẽ ban hành Nghị định sửa đổi thuế suất MFN trong tháng 3/2025”; Nhân dân (25/3) có bài “Dự kiến sẽ ban hành Nghị định sửa đổi thuế suất MFN trong tháng 3”; Chinhphu.vn (25/3) có bài “Điều chỉnh thuế suất nhập khẩu MFN – hướng tới hài hòa lợi ích với đối tác quốc tế”; Thanh niên (25/3) có bài“Đề xuất giảm mạnh thuế nhập khẩu ô tô từ tháng 3”, Vnexpress (25/3) có bài “Bộ Tài chính tính giảm thuế nhập khẩu ưu đãi ôtô, khí LNG”, Tuổi trẻ, Tuổi trẻ thủ đô (25/3) có bài “Sẽ giảm sâu thuế nhập khẩu MFN loạt mặt hàng, trong đó có một số loại ô tô”, Doanh nghiệp và tiếp thị (25/3) có bài “Điều chỉnh thuế nhập khẩu MFN một số nhóm mặt hàng”; VnEconomy (25/3) có bài “Dự kiến trong tháng 3/2025, giảm thuế nhập khẩu MFN với 10 nhóm mặt hàng” và nhiều báo khác. Các báo dẫn lại theo thông tin của Bộ Tài chính cung cấp cho biết: Để ứng phó với những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình địa chính trị kinh tế trên thế giới, đặc biệt việc thay đổi chính sách kinh tế, thương mại, thuế quan, tác động nhanh chóng, mạnh mẽ, sâu sắc, nhiều chiều đến kinh tế, đầu tư và thương mại toàn cầu, trong đó có Việt Nam, tại Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 10/3/2025, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ việc sửa Nghị định 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 để điều chỉnh thuế suất một số nhóm mặt hàng đảm bảo hài hòa, hợp lý theo trình tự thủ tục rút gọn, hoàn thành trong tháng 3 năm 2025.

Liên quan đến việc sửa đổi Nghị định nêu trên, ông Nguyễn Quốc Hưng, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí - đơn vị chủ trì sửa đổi Nghị định cũng đã trao đổi về một số nội dung về: vai trò của việc điều chỉnh sửa Nghị định 26/2023/NĐ-CP trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện; Hướng điều chỉnh Nghị định; dự kiến điều chỉnh thuế suất của các nhóm mặt hàng và hiệu lực của Nghị định.

2. Bản tin Thời sự 19h ngày 25/3 – Đài Truyền hình Việt Nam phát phóng sự “Đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh” cho biết: Mới đây, Bộ Tài chính vừa công bố bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu góp ý về xây dựng dự án luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế. Trong đó, hàng loạt bộ ngành, địa phương cùng kiến nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh. Nhiều bộ, ngành, địa phương đều cho rằng mức giảm trừ gia cảnh hiện nay đang áp dụng cho người nộp thuế 11 triệu đồng/tháng và 4,4 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc là không còn phù hợp với điều kiện kinh tế và mức sống của người dân hiện nay. Bởi mức này đã được áp dụng từ năm 2020 cho đến nay, trong khi giá cả hàng hóa đã tăng, kéo theo chi phí sinh hoạt tăng, thì mức thuế này đã ít nhiều bị lạc hậu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mỗi người dân. Không ít gia đình, nhất là các gia đình trẻ, mức sống chưa cao nhưng đã phải đóng thuế.

Theo quy định hiện nay thì mức giảm trừ gia cảnh chỉ được thay đổi khi nào chỉ số CPI biến động tăng hoặc giảm 20%. Nhưng để chỉ số CPI tăng đủ 20% có khi phải mất nhiều năm. Trong khi đó giá cả hàng hóa thì tăng hàng năm, mức giảm trừ gia cảnh lại không thay đổi, gây thiệt thòi cho hàng triệu người làm công ăn lương hiện nay. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng có thể đề xuất giao Chính phủ công bố và điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh hàng năm hoặc 2 năm 1 lần, thay vì căn cứ vào mức biến động CPI 20% như hiện nay.

3. Diễn đàn doanh nghiệp (26/3) có tin “Chính sách thuế ô tô “Tự bắn vào chân mình?” có nêu: Trong bối cảnh thị trường ô tô mở cửa, xe nhập khẩu giá rẻ tràn vào, những mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước có doanh số bán tốt cần được bảo vệ và tạo điều kiện để phát triển hơn nữa.

Nguy cơ sản lượng sản xuất lắp ráp trong nước sẽ không duy trì được trong thời gian tới. Theo dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ Tài chính đã đề xuất tăng thuế với ô tô pick up ca bin kép lên bằng 60%, so với xe con từ 9 chỗ ngồi trở xuống có cùng dung tích xi lanh. Nếu thuế tăng, doanh số giảm, dẫn đến sản lượng giảm, nhà máy có nguy cơ dừng sản xuất mẫu xe này, lại chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc về phân phối. Ford Thái Lan đang mừng thầm khi biết thông tin này và mong muốn cho đề xuất của Bộ Tài chính Việt Nam thành hiện thực. Nếu Ford VN dừng sản xuất lắp ráp xe pick up, Ford Thái lan sẽ có cơ hội tăng sản xuất mẫu xe này và xuất khẩu sang Việt Nam.

4. Ngày 26/3, một số báo tiếp tục đưa thông tin về việc Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo giảm thuế GTGT 2%, trong đó đề xuất điều chỉnh mở rộng đối tượng được giảm thuế suất thuế VAT 2% đồng thời, đề xuất áp dụng thời gian giảm thuế VAT lên tới 18 tháng kể từ ngày 1/7/2025 đến 31/12/2026.  Theo các báo, chính sách giảm thuế VAT 2% đã góp phần giúp giảm giá thành thông qua doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng dẫn đến giảm giá bán hàng hóa, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng…

5. Báo Tuổi trẻ (26/3) có bài “Ngăn chặn việc tạo khan hiếm, trục lợi” cho biết: Sản xuất chưa đáp ứng đủ và mô hình “mua đứt bán đoạn” đã khiến ô tô dễ rơi vào cảnh khan hiếm, giá tăng ngoài tầm kiểm soát. Việc hãng xe quản lý đại lý chưa chặt chẽ đã tạo ra cơ hội cho câu chuyện tiền chênh hàng trăm triệu đồng xuất hiện. Tại các đại lý Toyota ở TP HCM mà Tuổi trẻ ghi nhận, nhiều nhân viên bán hàng thẳng thắn chia sẻ về luật ngầm: muốn nhận xe Lan Cruiser sớm, phải lót tay 650-800 triệu đồng bằng tiền mặt, không hóa đơn.

Theo ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín, câu chuyện muốn có xe sang phải lót tay 750-800 triệu đồng cần nhìn ở nhiều khía cạnh. Cần xem có hay không việc nhà sản xuất và đại lý bắt tay nhau cùng tạo khan hiếm, đẩy giá xe lên cao thông qua khoản chi ngoài không có sổ sách hóa đơn, vi phạm pháp luật cạnh tranh.

Việc thu tiền mặt không hóa đơn cũng vi phạm tội trốn thuế. Không chỉ người bán mà cả người liên đới cũng chịu trách nhiệm. Ngoài xem xét ở khâu bán ra, cơ quan chức năng cần làm rõ các doanh nghiệp này có trốn thuế ở khâu nhập khẩu hay không. Thậm chí, cơ quan thuế có thể yêu cầu ngân hàng rà soát tài khoản cá nhân của những cá nhân nhận tiền để truy vết và yêu cầu giải trình…

Theo Luật sư Trần Xoa, cầm mạnh tay xử lý tội trốn thuế. Ngành thuế cần tập trung lực lượng để thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề như cơ quan thuế đã từng làm với kinh doanh online, thương mại điện tử, xăng dầu, truy thu thuế TNCN với người có thu nhập từ Facebook, Google,… Đồng thời, mở rộng ra không chỉ với xe ô tô mà còn cả các đại lý xe máy vì người tiêu dùng cũng phải mua xe với giá chênh cao so với giá công bố của nhà sản xuất.

6. Báo Người lao động (26/3) có bài“Bỗng dưng…thành giám đốc công ty nợ thuế!” cho biết: Đã có nhiều vụ việc người dân bị mượn tên đăng ký doanh nghiệp và bị nợ thuế mà không hề hay biết.

Theo ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín, điều này xuất phát từ việc thời gian qua nhà nước đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa để khuyến khích người dân thành lập DN nhưng vô tình tạo ra lỗ hổng để kẻ gian lợi dụng. Hiện nay, cơ quan cấp phép thành lập DN không yêu cầu hồ sơ đăng ký kinh doanh phải chứng thực giấy ủy quyền của người đại diện pháp luật. Người đại diện pháp luật cũng không cần thiết trình diện trước cơ quan quản lý nhà nước để xác nhận thông tin. Ngoài ra, cơ quan cấp phép thành lập DN (trước đây là Sở KHĐT) chỉ chịu trách nhiệm về các quy định liên quan đến việc cấp phép, còn hồ sơ đăng ký kinh doanh giả hay thật thì người đại diện pháp luật DN phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng sự thông thoáng này để sử dụng thông tin người khác, làm giả hồ sơ đăng ký kinh doanh.

Riêng cơ quan thuế, căn cứ quy định pháp luật, quy trình nghiệp vụ để thu NSNN. Thế nhưng khi kẻ gian đã mở công ty ma thì mọi thông tin liên hệ với DN này đều không thật khiến cơ quan thuế khó xác định người đại diện pháp luật là giả hay thật.

Để tránh những trường hợp như trên, có ý kiến cho rằng, cần chính sách đồng bộ từ cơ quan đăng ký cấp phép kinh doanh đến cơ quan thuế giúp người dân biết có bị nợ thuế; có nguy cơ bị cấm xuất cảnh hoặc có bị mượn hồ sơ giấy tờ cá nhân để mở công ty, bị trục lợi hay không.

7. Các báo: Dân trí (25/3) có bài“Xét xử 38 bị cáo vụ mua bán hóa đơn gây thất thoát 743 tỷ đồng”; Nhân dân (25/3) có bài “Xét xử 38 bị cáo trong vụ án mua bán hóa đơn trái phép”; Đại đoàn kết (25/3) có bài “Xét xử vụ án mua bán hóa đơn gây thất thoát hơn 743 tỷ đồng”; Công an nhân dân (26/3) có bài “38 bị cáo trong vụ mua bán trái phép hóa đơn gây thiệt hại hơn 743 tỷ đồng hầu tòa” cho biết: Ngày 25/3, TAND TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 38 bị cáo trong vụ mua bán hóa đơn trái phép, gây thất thoát hơn 743 tỷ đồng tiền thuế, xảy ra tại Công ty TNHH Thành An Hà Nội, Công ty TNHH thiết bị y tế Danh, Công ty TNHH thiết bị y tế Tràng Thi và các đơn vị liên quan.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cả 3 công ty đều do Nguyễn Đăng Thuyết, Tổng giám đốc thành lập và điều hành mọi hoạt động. Từ năm 2017 đến 2022, Nguyễn Đăng Thuyết và Nguyễn Nhật Linh đã chỉ đạo cấp dưới sử dụng 2 hệ thống sổ sách kế toán trong 1 kỳ kế toán. Từ đó, các bị cáo trên đã lập báo cáo tài chính không đúng thực tế kết quả kinh doanh, ký hợp đồng mua bán hàng khống, mua hóa đơn đầu vào của 110 công ty, hộ kinh doanh để hạch toán tăng giá vốn hàng hóa, tăng chi phí, giảm lợi nhuận; thực hiện mua bán trái phép hơn 19.160 hóa đơn, gây thiệt hại về thuế phải nộp cho Nhà nước với tổng số tiền lên tới hơn 743 tỷ đồng.

8. Các báo: Tuổi trẻ (26/3) có tin “Khoản hoàn thuế 582 tỉ treo 3 năm: Samsung than, bạn đọc nói ‘không thể chấp nhận’”, Vnexpress (25/3) có tin “Samsung kêu bị chậm hoàn thuế VAT hơn 580 tỷ đồng”, Pháp luật TP HCM (25/3) có tin “Samsung ba năm mòn mỏi chờ hoàn hơn 582 tỉ đồng thuế, lãnh đạo TP.HCM đề nghị trả lời dứt khoát”, VTCnews (25/3) có tin “Gặp lãnh đạo TP.HCM, Samsung phàn nàn bị chậm hoàn thuế 582 tỷ”, Người lao động (26/3) có tin “Hoàn thuế cho doanh nghiệp nước ngoài chưa thông suốt”, Tạp chí kinh tế Sài Gòn (25/3) có tin “Bị chậm hoàn thuế hơn 582 tỉ đồng, Samsung than phiền với lãnh đạo TPHCM” đưa tin: Ngày 25/3, tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo TP HCM và DN Hàn Quốc năm 2025 do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại thành phố tổ chức, nhiều nhà đầu tư lớn mong muốn được giải quyết dứt điểm những vướng mắc kéo dài để ổn định sản xuất, kinh doanh.

Ông Kwon Choon Ki, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex (SEHC), phản ánh đã nhiều tháng trôi qua mà công ty vẫn chưa được hoàn thuế GTGT với số tiền hơn 582 tỉ đồng. Khoản tiền này phát sinh trong giai đoạn từ tháng 6/2021 đến tháng 9/2024, sau khi Samsung SEHC chuyển đổi thành DN chế xuất. Việc chậm được hoàn thuế khiến công ty gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh.

Lãnh đạo Chi cục Thuế khu vực II và lãnh đạo Chi cục Hải quan khu vực II thông tin đã tiếp nhận phản ánh của nhà đầu tư Hàn Quốc này và đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đến tháo gỡ vướng mắc. Bộ Tài chính cũng đã có hướng dẫn triển khai gỡ vướng cho DN và đang chỉ đạo các đơn vị liên quan có sự thống nhất để sớm hoàn thuế. Theo lãnh đạo Chi cục Hải quan khu vực II, việc hoàn thuế cho Samsung SEHC đang chờ quyết định của Bộ Tài chính. Samsung SEHC có thể làm việc với Bộ Tài chính để đẩy nhanh tiến trình.

Cũng liên quan đến hoàn thuế, một vấn đề được nhiều DN Hàn Quốc nêu là tạm hoãn hoàn thuế GTGT liên quan đến hoạt động “xuất nhập khẩu tại chỗ” đối với các nhà cung cấp nguyên vật liệu. Theo ông Kim Nyoun Ho, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam, việc tạm hoãn hoàn thuế này đang gây ra nguy cơ lớn đối với sự tồn vong của nhiều DN. Bởi các DN phụ trợ tại Việt Nam đang hoạt động theo phương thức là nộp thuế GTGT từ 8%-10% khi nhập khẩu nguyên liệu. Sau khi gia công, họ sẽ cung cấp cho các DN xuất khẩu với mức thuế suất 0%. Việc tạm hoãn chưa hoàn thuế đang khiến các DN phụ trợ trong nước gặp bất lợi trong việc cạnh tranh giá với các nhà nhập khẩu nước ngoài. Điều này có thể ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp chế tạo của Việt Nam. Đề nghị các cơ quan sớm cải thiện thủ tục hoàn thuế để các DN phụ trợ có thể hoạt động một cách ổn định.

9. VnExpress (25/3) có bài “Đề xuất miễn thuế 3 năm cho hộ kinh doanh lên doanh nghiệp”; Hà Nội mới (25/3) có bài “Đề xuất miễn thuế 3 năm với hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp”;Tạp chí Đầu tư Tài chính (26/3) có bài “Hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp: Đề xuất miễn thuế 3 năm”; Tạp chí Doanh nghiệp hội nhập (25/3) có bài “Hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp: Đề xuất miễn thuế 3 năm” và một số báo khác cho biết: Tại hội thảo "Bức tranh kinh tế Việt Nam 2025 và những chính sách kinh tế cần quan tâm" sáng 25/3, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi sang doanh nghiệp là một trong các nội dung đang được thảo luận trong Nghị quyết sắp ra đời của Bộ Chính trị về kinh tế tư nhân. Theo ông Tuấn, chúng ta có thể mạnh dạn miễn thuế 3 năm cho các hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp.

Tuần trước, tại một tọa đàm về kinh tế tư nhân, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng nêu ý tưởng miễn thuế thu nhập trong 3-5 năm đầu cho hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp siêu nhỏ, để nuôi dưỡng nguồn thu. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục thành lập và có hỗ trợ về kế toán, quản lý…

II. Vấn đề về hải quan

10. Báo Tiền phong (26/3) có bài “Bất chấp “lệnh” dừng, Hải quan Lào Cai vẫn điều động 23 công chức?” cho biết: Trước thông tin Hải quan Lào Cai điều động 23 công chức sau khi đã có chỉ đạo dừng việc luân chuyển công chức để phục vụ sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Cục Hải quan (trước đây là Tổng cục Hải quan) yêu cầu Chi cục Hải quan khu vực VII (đơn vị quản lý địa bàn Lào Cai) rà soát, làm rõ. Trường hợp điều động sai phải thu hồi quyết định.

Theo báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Việt Quang, Cục trưởng Hải quan Lào Cai là người ký quyết định điều động công chức. Ông Quang xin nghỉ hưu theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP từ ngày 1/5/2025. Khi phóng viên liên hệ hỏi về việc ký quyết định này, ông Quang cho biết đang bận và tắt máy.

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên báo Tiền Phong, Lãnh đạo Ban Tổ chức cán bộ Cục Hải quan cho biết, chưa nhận được báo cáo kết quả rà soát của Chi cục Hải quan khu vực VII.

Trả lời phóng viên về việc rà soát điều động 23 công chức của Hải quan Lào Cai, ông Nông Phi Quảng, Chi cục trưởng Cục Hải quan khu vực VII cho biết đây là việc nội bộ. Chi cục hải quan đang rà soát toàn bộ công chức, bổ sung để  bộ máy mới hoạt động. “Việc điều động 23 công chức của Hải quan Lào Cai là bộ máy cũ. Hiện tại, chúng tôi đang rà soát và có thể điều động cán bộ để bộ máy mới hoạt động”- ông Quảng nói.  

III. Vấn đề về dự trữ nhà nước

11. Báo Lao động (25/3) có bài “Kho dự trữ bị ngập nước ở Hải Phòng không còn hàng hóa” cho biết: Ngày 25/3, thông tin về Kho dự trữ Quốc gia nằm cạnh Quốc lộ 5, trên địa bàn phường An Hưng, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng bị xuống cấp nghiêm trọng, ngập trong nước nhiều ngày, nguy cơ ảnh hưởng đến hàng hóa dự trữ bên trong được nhiều người quan tâm.

Thông tin về vụ việc, ông Lê Văn Dương – Chi cục trưởng Chi Cục Dự trữ Nhà nước khu vực III (trước đây là Chi cục DTNN khu vực Đông Bắc) - cho biết: Kho Dự trữ tại địa bàn phường An Hưng, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng được xây dựng từ những năm 1960 thế kỷ trước. Đến nay, trải qua nhiều năm, kho đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Ngay từ năm 2019, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đông Bắc đã có kế hoạch không sử dụng kho này làm nơi chứa hàng dự trữ hàng hóa nữa. Và đến năm 2022, toàn bộ hàng hóa đã được di chuyển. Khấu hao của kho hiện đã bằng 0.

Cũng theo ông Lê Văn Dương, sau khi di dời hàng hóa khỏi kho, năm 2023, Cục Dự trữ Khu vực Đông Bắc cũng đã triển khai thực hiện việc bàn giao địa điểm này về cho UBND TP Hải Phòng quản lý theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ. Tuy nhiên, việc bàn giao chưa xong thì đến nay, Cục phải dừng lại để triển khai việc bàn giao lại từ đầu theo Nghị định 03/2025/NĐ-CP về sắp xếp, xử lý tài sản công.

Hiện nay, Chi Cục Dự trữ Nhà nước Khu vực III còn nhiều kho dự trữ ở các địa bàn thành phố Thủy Nguyên, quận Hải An, Kiến An, huyện Vĩnh Bảo… đảm bảo dự trữ đủ các mặt hàng theo quy định.

IV. Vấn đề về đầu tư

12. Các báo: Lao động (25/3) có tin “6 địa phương vùng ĐBSCL giải ngân đầu tư công thấp”, Điện tử Chính phủ (25/3) có tin “Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công tại 3 bộ, cơ quan, 13 địa phương”, Veconomy (25/3) có tin “Phó Thủ tướng đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công tại Đồng bằng sông Cửu Long”, cho biết: Ngày 25/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đã chủ trì cuộc họp về tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công của 3 bộ, cơ quan Trung ương và 13 địa phương Đồng bằng sông Cửu Long thuộc Tổ công tác số 5. Các bộ, cơ quan gồm: Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam; các địa phương: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Đến nay, tỉ lệ giải ngân của các bộ, cơ quan, địa phương nêu trên đạt 7,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn mức trung bình cả nước là 7,32%. Tuy nhiên, vẫn có 2 bộ, cơ quan và 6 địa phương có mức giải ngân thấp, dưới mức trung bình cả nước.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chỉ đạo tập trung xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh, bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA, chỉ đạo chủ đầu tư và ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng. Đối với số vốn chưa phân bổ đến ngày 15/3/2025, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan và địa phương báo cáo, đề xuất phương án xử lý và gửi về Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét và quyết định. Phó Thủ tướng giao các Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Môi trường, Xây dựng, Tư pháp theo chức năng nhiệm vụ nghiên cứu, xử lý kịp thời các vấn đề thuộc thẩm quyền, hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền để hỗ trợ các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian sớm nhất.

V. Vấn đề về chứng khoán

13. Các báo: Dân trí (25/3) có bài “Anh em Trịnh Văn Quyết cam kết hết tháng 5 nộp khắc phục hơn 2.400 tỷ”; Nhân dân (24/3) có bài “Gia đình Trịnh Văn Quyết cam kết sẽ khắc phục hết 2.400 tỉ đồng”; Tuổi trẻ (26/3) có bài “Gia đình Trịnh Văn Quyết cam kết sẽ khắc phục hết 2.400 tỉ đồng”; Công an nhân dân (26/3) có bài “Hoãn phiên tòa phúc thẩm lần 2 xét xử cực Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết” cho biết: Sáng 25/3, phiên xét xử phúc thẩm 50 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan bước vào phần thủ tục.

Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội cho biết, đơn vị nhận được thông báo của Trại tạm giam T16 về việc bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC sức khỏe yếu, nguy cơ tử vong cao, không thể đến phiên tòa. Hầu hết các luật sư đều đề nghị HĐXX cho hoãn phiên tòa. Riêng ông Trần Đắc Sinh, cựu Chủ tịch Sàn giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đề nghị tiếp tục xét xử.

Đại diện Viện kiểm sát đánh giá, gia đình bị cáo có đơn cam kết trong tuần này khắc phục 100-200 tỷ đồng và trước 29/5 sẽ khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án. Thực tế cho thấy, từ 26/12/2024 đến nay đã thể hiện rõ sự cố gắng của gia đình khi khắc phục hậu quả vụ án, nộp vào Nhà nước số tiền lớn. Do đó, Viện kiểm sát thấy rằng để đảm bảo quyền cho bị cáo, bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa lần cuối.

14. Các báo: Vietnamnet (26/3) có bài “Nhầm lỗ thành lãi trước khi phát hành 1.800 tỷ đồng trái phiếu, điều gì diễn ra?”; Tuổi trẻ online (26/3) có bài “Hy hữu: Công ty nhiệt điện của Geleximco báo ‘nhầm’ lỗ đậm thành lãi, huy động nghìn tỉ trái phiếu”; Znews (26/3) có bài “Doanh nghiệp bất ngờ phát hiện nhầm lỗ thành lãi suốt 1 năm” và nhiều báo khác cho biết: việc Công ty Cổ phần Nhiệt điện Thăng Long - thành viên Tập đoàn Geleximco, có công văn gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) xin đính chính thông tin công bố ngày 27/3/2024 về báo cáo tài chính năm 2023.

Theo đó, Nhiệt điện Thăng Long đã nhầm cột “kỳ trước” thành “kỳ báo cáo” và ngược lại. Điều này đồng nghĩa với việc kỳ báo cáo năm 2023 của doanh nghiệp, trên thực tế lỗ hơn 528 tỷ đồng nhưng lại nhầm thành con số lãi gần 122 tỷ đồng của năm 2022. Đáng nói, sự nhầm lẫn này diễn ra ngay trước khi Nhiệt điện Thăng Long phát hành 2 lô trái phiếu mới, tổng cộng gần 1.800 tỷ đồng cho thị trường trong nước. Với việc đính chính kết quả kinh doanh từ lỗ thành lãi sau gần một năm công bố thông tin của Công ty CP Nhiệt điện Thăng Long, Luật sư Lê Thị Thủy cho rằng cơ quan chức năng nên xem xét nguyên nhân của việc công bố sai lệch thông tin.

VI. Vấn đề về xổ số kiến thiết

15. Các báo: Tuổi trẻ (26/3) có bài “Chủ nhân vé số giải đặc biệt bị rách ở Huế thắng kiện”; Sài Gòn Giải Phóng (26/3) có tin “Chủ nhân tờ vé số trúng giải đặc biệt bị rách thắng kiện Công ty xổ số Huế”; VnExpress (25/3) có bài “Chủ nhân tờ vé số bị rách thắng kiện, nhận 2 tỷ đồng giải đặc biệt” đưa tin: Tòa án nhân dân thị xã Hương Thủy (TP Huế) đã ra phán quyết chấp nhận yêu cầu của bà Nguyễn Thị Nguyệt, Công ty Xổ số Huế phải trả số tiền trúng thưởng 2 tỉ đồng cho tờ vé số trúng giải đặc biệt bị rách.

Theo đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Hương Thủy, tờ vé số trúng giải đặc biệt 386552 dù bị rách rời nhưng vẫn xác định được dãy số trúng thưởng. Tờ vé số này được xác định là thật, do Công ty Xổ số Huế phát hành, không bị làm giả, không tẩy xóa, bị rách do nguyên nhân khách quan. Tại phiên tòa, ông Lê Trung Phước, giám đốc Công ty Xổ số Huế, cho biết sẽ tuân thủ mọi phán quyết của hội đồng xét xử về vụ việc.

VII. Vấn đề về bảo hiểm xã hội

16. Tuổi trẻ có bài “Vô tư mua bán sổ bảo hiểm xã hội, nhiều rủi ro chực chờ người lao động” cho biết “Nhắm vào tâm lý cần tiền gấp và nhanh chóng, các hội nhóm mua bán sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) mọc lên "như nấm sau mưa" trên khắp trang mạng xã hội; các cá nhân và đơn vị thu mua, cầm cố công khai trả phí từ 20 - 40% giá trị thật của sổ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Dũng Hà - phó giám đốc BHXH TP.HCM cho hay, đơn vị từng cảnh báo đến người lao động về những rủi ro khi thanh lý, cầm cố sổ BHXH. Khi bán, cả hai bên cùng ra phòng công chứng để làm thủ tục ủy quyền, về mặt pháp lý sẽ không có dấu hiệu lừa đảo. Thế nhưng, rủi ro là trường hợp bên bán có gặp vấn đề như tử vong thì BHXH sẽ chỉ giải quyết cho thân nhân người kê khai chứ không phải người ủy quyền.

Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng sau khi bán sổ BHXH, nếu người lao động làm thủ tục đề nghị cấp lại sổ BHXH do bị mất, hư hỏng để tiếp tục hưởng lợi mà bị cơ quan BHXH phát hiện có dấu hiệu trục lợi thì tùy vào tính chất, mức độ hành vi mà người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

VIII. Vấn đề khác

17. VnExpress (25/3) có bài “Bốn dự án có dấu hiệu lãng phí bị đưa vào diện 'theo dõi'”; VTC news (25/3) có bài “Dự án xây dựng trụ sở Bộ Ngoại giao vào diện theo dõi 'có dấu hiệu lãng phí'”; Vietnamnet (26/3) có bài “Điểm chung của 4 đại dự án nghìn tỷ vào diện theo dõi của Ban chỉ đạo TƯ” và nhiều báo khác cho biết: Theo thông cáo của Ban Nội chính Trung ương, tại cuộc họp ngày 25/3, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thống nhất đưa một số vụ án, vụ việc có dấu hiệu lãng phí vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Các vụ án, vụ việc này gồm: Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" liên quan đến sai phạm tại DA Tòa nhà TT điều hành và GDTM, TCT Xi măng Việt Nam (VCEM); Dự án Thủy điện Hồi Xuân, tỉnh Thanh Hóa; Dự án xây dựng trụ sở Bộ Ngoại giao; Tiểu dự án 2 (Lim - Phả Lại), thuộc dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.

vhp

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow