Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 24/3/2022

Điểm báo ngày 24/3/2022

I. Vấn đề Quốc hội quan tâm

1. Tuổi trẻ (23/3) có bài “Từ 1/4 giảm thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng/lít xăng”, Vietnamnet, VTC, VTV, Vietnamplus, Thanh tra (23/3) có bài “Giá xăng sắp giảm mạnh do thuế bảo vệ môi trường giảm một nửa”, Lao Động (24/3) có bài “Giảm thuế môi trường với xăng, dầu từ ngày 1/4”, Người lao động (24/3) có bài “Giảm thuế, “hạ nhiệt” giá xăng dầu”, Pháp Luật Việt Nam (24/3) có bài “Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 1/4”, Vneconomy (23/3) có bài “Chính thức thông qua Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu” và nhiều báo đưa tin, bài cho biết: Chiều 23-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường, trong đó giảm 2.000 đồng/lít xăng, 1.000 đồng/lít dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn. Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Thường vụ Quốc hội đồng ý giảm thuế bảo vệ môi trường theo mức đề nghị của Chính phủ. Mức điều chỉnh áp dụng từ 1- 4 đến 31-12-2022. Từ ngày 1-1-2023, mức thuế này sẽ thực hiện theo quy định hiện hành tại nghị quyết số 579 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Phú Cường cho hay, đa số các ý kiến thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc giảm thuế. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ chưa báo cáo rõ căn cứ tính toán mức độ giảm thuế đối với từng mặt hàng theo các kịch bản điều hành tương ứng với mức độ biến động của giá dầu thô trên thế giới.

Ông Cường phân tích trên thực tế, vừa qua giá dầu thô trên thị trường thế giới đã biến động khó lường. Tại thời điểm Chính phủ dự thảo tờ trình, giá dầu có lúc đã lên tới mức 130 USD/thùng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, giá dầu thô đã giảm xuống quanh mức 100 - 110 USD/thùng.

Từ đó, ông Cường đề nghị Chính phủ giải trình rõ các căn cứ để xác định và đề xuất mức giảm đều 50% đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu và bổ sung số liệu so sánh giá xăng, dầu với các nước trong khu vực để tránh buôn lậu, chuyển xăng, dầu ra bên ngoài.

Tuy nhiên, theo ông Cường, một số ý kiến cho rằng, đa số các quốc gia thực hiện giảm thuế thông qua chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. Cùng với đó, nhiều ý kiến đánh giá, thuế nhập khẩu cũng là một công cụ chính sách phù hợp, có thể được sử dụng để linh hoạt điều chỉnh giá bán xăng, dầu trong nước.

Bên cạnh đó Chính phủ nghiên cứu khả năng giảm chu kỳ điều hành giá để cập nhật hơn với biến động của thị trường thế giới. Về lâu dài, ngoài việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu bằng tiền, Chính phủ cần nghiên cứu khả năng bổ sung công cụ cho quỹ bằng hiện vật (xăng dầu)...

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, hiện nay, xăng dầu đóng góp 3,52% GDP và chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Trong khi giá xăng chịu biến động rất lớn trên thế giới, tất cả các nước đều phải gánh chịu. Vì vậy, VN cần có chiến lược lâu dài, đặc biệt cần tạo dự trữ chiến lược xăng dầu quốc gia để bảo đảm an toàn năng lượng và cho hoạt động của kinh tế. Về việc điều chỉnh giá cả, nên điều chỉnh trong vòng 2 ngày.

Để giá xăng dầu không ảnh hưởng tới tăng trưởng và lạm phát năm 2022, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng thuế hay còn gọi là khoản thu ngân sách chỉ là một trong những công cụ để can thiệp vào biến động của giá xăng dầu đến đời sống kinh tế xã hội. Vì vậy, phải sử dụng đồng bộ một hệ thống các công cụ, không nên đặt vấn đề hôm nay thuế bảo vệ môi trường trừ một nửa không đủ, ngày mai trừ thêm một nửa không đủ lại trừ cả và nếu tiếp tục không đủ thì lại trừ tiếp thuế tiêu thụ đặc biệt…

2. Thanh niên (24/3) có tin “Nghịch lý quỹ ngoài ngân sách” cho biết: Tại phiên họp của UBTVQH, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đều muốn giữ lại quỹ tài chính ngoài ngân sách thuộc quản lý của 2 bộ này. Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm thành lập từ năm 2010 theo Luật kinh doanh bảo hiểm, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, tới nay đã kết dư 1.000 tỉ đồng, nhưng 12 năm qua “chưa chi đồng nào”; còn Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh được quy định tại Luật điện ảnh năm 2006, tới nay vẫn chưa lập được vì chưa tìm được nguồn thu.

Các cơ quan QH thẩm tra 2 dự án luật sửa đổi đều đề nghị bỏ các quỹ này. Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm ngoài việc chưa chi được đồng nào và ít có khả năng chi, theo UBKT, còn chung mục đích với Quỹ dự trữ bắt buộc, tạo gánh nặng cho cả DN và người mua bảo hiểm.

Kết quả giám sát của UBTVQH về quản lý sử dụng các quỹ tài chính ngoài NS từ 2013-2018 cho thấy nhiều quỹ lập ra chỉ “lấy tiền quỹ gửi ngân hàng lấy lãi nuôi bộ máy”, đó là chưa kể một số quỹ còn sử dụng tiền chưa đảm bảo minh bạch, công khai.

Việc thành lập các quỹ để hỗ trợ phát triển cho ngành, lĩnh vực, bảo vệ quyền lợi người dân là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động thực tế của các quỹ lại đang trở thành những bằng chứng thuyết phục khiến QH lắc đầu với các đề xuất duy trì quỹ. Vì xét đến cùng để có lý do tồn tại, các quỹ cần phải hoạt động hiệu quả trước đã.

II. Vấn đề về chính sách thuế

3. Thanh niên (24/3) có tin “Cần nhanh chóng sửa thuế TNCN đã lỗi thời” cho biết: Nhiều ý kiến cho rằng quy định về thuế TNCN hiện nay quá lỗi thời không còn phù hợp thực tế, vì vậy cơ quan chức năng cần nhanh chóng sửa đổi cho hợp lý. Các chuyên gia kinh tế liên tục phân tích, chỉ ra những điểm hạn chế nhưng vẫn chưa thấy sửa đổi, hợp lý hơn.

III. Vấn đề về hải quan

4. Thanh niên (24/3) có tin “Buộc tái xuất 25 container tinh quặng có chất phóng xạ” cho biết: TCHQ đã phối hợp Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Quy Nhơn yêu cầu DN hoàn thành tái xuất toàn bộ lô hàng 25 container tinh quặng có chất phóng xạ ra khỏi lãnh thổ VN.

Qua kết quả giám định, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Quy Nhơn kết luận DN vi phạm về hành vi NK vật liệu phóng xạ không đúng với thông số kỹ thuật ghi trong giấy phép và xử phạt hành vi này, đồng thời áp dụng biện pháp bổ sung buộc tái xuất toàn bộ lô hàng. Đến thời điểm này, toàn bộ 25 container tinh quặng có phóng xạ được DN và hãng tàu vận chuyển tái xuất về nước XK.

5. Nhân dân (24/3) có bài “Minh bạch trong thu phí cảng biển” phản ánh: Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện thu phí cảng biển kể từ ngày 1/4/2022, theo tiêu chí minh bạch, nhanh chóng, đơn giản tối đa thủ tục hành chính và không dùng tiền mặt. Qua đó, bố trí sử dụng nguồn thu cho mục tiêu đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối cảng biển trên địa bàn thành phố.

Theo ông Vương Tuấn Nam, Phó Trưởng Phòng Công nghệ thông tin (Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh), việc triển khai hệ thống thu phí tự động hỗ trợ rất nhiều cho người dân và doanh nghiệp nhờ tính tiện lợi. Ðầu tiên là doanh nghiệp kê khai không cần phải gõ nhiều thông tin mà chỉ cần cung cấp số tờ khai hải quan thì hệ thống tự động tra được thông tin liên quan đến hàng hóa như: trọng lượng, lô hàng có bao nhiêu container, hàng chuyển đi đâu..., từ đó tính toán luôn số tiền doanh nghiệp phải nộp. Nhờ thông tin được tổng hợp và cung cấp nhanh, doanh nghiệp đỡ phải tốn thời gian tính toán.

IV. Vấn đề về quản lý giá

6. Báo Nhân dân (24/3) có tin “Điều hành giá xăng dầu bám sát giá thị trường thế giới”, vietnamplus.vn (24/3) có tin “Điều hành giá xăng dầu bám sát giá thị trường thế giới” cho biết: Ngày 23/3, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 1808/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc điều hành giá xăng dầu; bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác chỉ đạo, điều hành giá xăng dầu.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, góp phần cân đối cung cầu phục vụ thị trường trong nước, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân theo đúng ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ trong thời gian vừa qua.

7. Báo Sài Gòn giải phóng (24/3) đưa tin “Mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát” cho biết: Hiện nay, mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát, song giá hàng hóa, nguyên vật liệu trên thế giới vẫn tiếp tục gia tăng sẽ tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất, nguồn cung, việc quản lý điều hành giá…

Theo tính toán của Bộ Tài chính, trên cơ sở đánh giá diễn biến mặt bằng giá hàng hóa, dịch vụ thời gian qua, dự báo CPI tháng 3 có thể ở mức cao do chịu tác động chủ yếu từ giá xăng dầu tăng. Tuy nhiên, dự báo CPI bình quân 3 tháng đầu năm sẽ từ 2-2,1% và vẫn nằm trong kịch bản lạm phát. Nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì 9 tháng còn lại của năm 2022, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng 0,5% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4%.

V. Vấn đề về DNNN

8. Nhân dân (24/3) có bài “Đưa doanh nghiệp nhà nước trở lại đường ray phát triển” cho biết: Theo kế hoạch, hôm nay 24/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị toàn quốc với doanh nghiệp nhà nước về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế-xã hội. Ðây được coi là “hội nghị Diên Hồng” để Chính phủ lắng nghe ý kiến, đề xuất của các doanh nghiệp về những giải pháp thực hiện hiệu quả Ðề án Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025 (Ðề án) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 360/QÐ-TTg ngày 17/3/2022.

Là người trực tiếp tham gia soạn thảo Ðề án, ông Ðặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính)  nêu ra những điểm mới của Ðề án, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc đưa doanh nghiệp nhà nước trở lại đường ray phát triển, tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Ðó là, việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước không chỉ có giải pháp cổ phần hóa, thoái vốn mà là tổng hòa nhiều giải pháp khác nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, sắp xếp lại doanh nghiệp, bao gồm cho phá sản những doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ kéo dài không có khả năng vực dậy.

VI. Vấn đề về CNTT

9. Báo điện tử Đảng cộng sản (23/3) có bài “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập nền tảng tài chính số” cho biết: “Chiến lược tài chính đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành là văn bản quan trọng có tính chất định hướng cho sự phát triển của ngành Tài chính trong thời gian tới. Một trong những yêu cầu được đặt ra để thực hiện chiến lược này là cần phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và thiết lập nền tảng tài chính số, phù hợp yêu cầu chuyển đổi số quốc gia.

Bộ Tài chính sẽ cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định trong lĩnh vực tài chính để xây dựng, phát triển, quản lý hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ số và yêu cầu chuyển đổi số quốc gia. Tăng cường ứng dụng CNTT và nâng cấp hệ thống kiểm soát rủi ro nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành trong lĩnh vực tài chính; rà soát, cập nhật Kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số, Kiến trúc cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính.

Bài báo cũng nêu những giải pháp được đặt ra như: chủ động áp dụng các thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; xây dựng hệ thống thông tin quản lý thuế tích hợp, công khai, minh bạch, hiệu quả, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp; Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới…

VII. Vấn đề khác

10. Báo Lao Động (24/3) đưa tin “Bắt Phó Chủ tịch TP.Từ Sơn và Phó Giám đốc Sở Tài chính Bắc Ninh”, báo Công an nhân dân (24/3) đưa tin “Bắt Phó Chủ tịch Thường trực TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh”, báo Tiền Phong (24/3) đưa tin “Tạm giam Phó Chủ tịch TP Từ Sơn và Phó GĐ Sở Tài chính Bắc Ninh”,  báo Thanh Niên (23/3) đưa tin “Bắc Ninh: Bắt Phó chủ tịch UBND TP.Từ Sơn và Phó giám đốc Sở Tài chính”… cùng nhiều báo cho biết: Ngày 23/3,  Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Từ Sơn Nguyễn Thế Tuấn và  ông Phạm Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bắc Ninh cùng một Trưởng phòng của Sở này. Được biết, những sai phạm tại dự án đấu giá đất kinh doanh dịch vụ phường Đồng Nguyên diễn ra từ thời điểm ông Nguyễn Thế Tuấn còn giữ chức vụ Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch thị xã Từ Sơn (nay là TP.Từ Sơn), còn ông Phạm Quốc Tuấn là lãnh đạo Phòng Quản lý giá và công sản của Sở Tài chính Bắc Ninh.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00