Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 28/3/2022

Điểm báo ngày 28/3/2022

I. Vấn đề về chính sách thuế

1. Báo Lao Động (26/3) có bài “Giảm thuế môi trường với xăng dầu: Chống thất thu thuế để bù đắp nguồn thu thiếu hụt”, báo Thanh Tra (25/3) có bài “Giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu: Kỳ vọng giá xăng hạ nhiệt”, báo Đại đoàn kết (28/3) có bài “Luật vẫn ‘chạy theo’ thực tiễn cuộc sống”.. các báo cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa đồng ý giảm 2.000 đồng thuế môi trường trên mỗi lít xăng đến hết năm nay, theo đề nghị của Chính phủ. Hiện có nhiều đề xuất về việc tìm kiếm nguồn thu bù đắp khoản sụt giảm hơn 29.000 tỉ đồng, trong đó có việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh để duy trì nguồn thu bền vững.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Lao Động, chuyên gia cao cấp về thuế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đây là một chính sách được nhiều người ủng hộ, với mức hỗ trợ này sẽ giảm chi phí xăng dầu, góp phần làm cho người dân, doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn. Tuy nhiên, để bù lại khoản thâm hụt ngân sách phải có phương án tính toán tăng thu lĩnh vực khác. Trước hết, phía ngân sách, nỗ lực tăng thu, giảm thất thoát trong thu thuế. Cần phải phải làm quyết liệt hơn nữa và có những biện pháp chống thất thu thuế hơn nữa. Thứ hai phải xem xét việc bố trí việc vay nợ. Thứ ba, tăng cổ phần hóa, bán vốn nhà nước, thoái vốn nhà nước. Qua đó, chuyển sử dụng một cách hiệu quả vốn nhà nước, đặc biệt là vốn cho thuê đất, tiền đấu giá đất tăng lên để giảm thâm hụt ngân sách.

Trên báo Đại Đoàn Kết, GS. Đào Trọng Thi, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) cho rằng các quy định pháp luật của ta luôn “chạy theo” thực tiễn cuộc sống. Vừa rồi để giảm giá xăng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mức Thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Còn các quy định về thuế nằm trong các luật thuế và thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Luật pháp quy định cấp nào ban hành thì cấp đó có quyền ban hành văn bản sửa đổi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội không được ban hành các quy định về pháp luật nhưng trong Luật Thuế bảo vệ môi trường có giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm quyền quyết định mức thuế cụ thể, nên vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội được phép giảm Thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Còn trong các luật khác về thuế do đã ấn định mức thuế cụ thể trong luật rồi nên cần phải trình Quốc hội xem xét và quyết định.

2.  Báo Lao Động (28/3) có bài “Tính thuế thu nhập cá nhân: Đề xuất mức giảm trừ từ 5,6 – 6 triệu đồng/người phụ thuộc” cho biết: Mức giảm trừ 4,4 triệu đồng/người cho người phụ thuộc để tính thuế thu nhập cá nhân áp dụng từ tháng 7/2020 đến nay đã bị xem là “lạc hậu” trong bối cảnh giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao. Theo GS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc quá thấp so với mức chi tiêu sinh hoạt hiện nay. Mức giảm trừ người phụ thuộc có thể điều chỉnh ở mức 5,5 – 6 triệu đồng/người.

Nhiều ý kiến cho rằng, cơ sở 4,4 triệu đồng cho người phụ thuộc được nhà làm luật tính toán trên cơ sở mức chi tiêu tối thiểu cho một đứa con hay cha, mẹ già chỉ bằng 40% so với người làm công ăn lương bình thường. Nhưng trên thực tế, tại nhiều gia đình, mức chi cho người phụ thuộc còn hơn 50% mức chi cho người có thu nhập. Do đó, các chuyên gia cho rằng, người phụ thuộc không chỉ có chi phí ăn uống, sinh hoạt hàng ngày mà còn có các chi phí như tiền học tập, thuốc men, điều trị bệnh với người già. TS Nguyễn Ngọc Tú cho rằng khi đề xuất Luật Thuế Thu nhập cá nhân sửa đổi cần bổ sung quy định các khoản chi phí có hóa đơn, chứng từ như: Chi phí tiền học cho con, tiền lãi vay mua ngôi nhà đầu tiên, tiền chữa bệnh hiểm nghèo mà bảo hiểm không chi trả, tiền điện, tiền nước… phải được khấu trừ khi tính thuế TNCN.

3. Báo Lao Động (28/3) có bài “Giá phân bón tăng sốc, nông dân điêu đứng vì thua lỗ” cho biết: Sau chuỗi tăng giá liên tiếp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, suy giảm nguồn cung, giá phân bón lại vào đợt phi mã mới và có nguy cơ tăng giá tới 1.500 USD/tấn, thậm chí tiếp tục đẩy giá phân bón trong nước tăng sốc. Trước tình hình trên, bên cạnh khuyến nghị nông dân giảm tỉ lệ bón phân và giảm tỉ lệ sạ để giảm chi phí thì nên nghiên cứu xem xét chính sách thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng phân bón.

4. Thời báo ngân hàng (28/3) có tin “Sẽ gia hạn thời hạn nộp nhiều loại thuế trong năm 2022”, Đại đoàn kết (28/3) có bài “Nhiều đề xuất mới gia hạn thuế”, Người lao động (28/3) có tin “Đề xuất lùi thời hạn nộp 3 loại thuế”, các báo cho biết: Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, Thuế Thu nhập doanh nghiệp, Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền đất, thuê mặt nước trong năm 2022.

Theo TS. Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch Quỹ chống hàng giả, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển doanh nghiệp, trong một chuỗi giá trị cung ứng, nhiều nhà đầu tư sẽ tự tìm đến với thị trường Việt Nam khi Việt Nam có các chính sách giãn, hoãn, miễn giảm thuế, phí một cách hợp lý. Cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến tất cả doanh nghiệp và người dân hiểu được chính sách và vận dụng đúng.

Luật sư Lê Thị Hồng Vân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Labor Law cho rằng, để được hưởng quyền lợi, người nộp thuế phải nắm bắt được chính sách, quyền và nghĩa vụ của mình…. Cùng với đó là nộp tờ khai đúng thời hạn, thậm chí có thể nộp trước thời điểm để tránh nghẽn mạng và cơ quan Thuế cũng nắm bắt được thông tin của đối tượng nộp thuế để điều chỉnh sai sót (nếu có) kịp thời hơn.

II. Vấn đề về quản lý thuế

5. Báo Thanh Niên (28/3) có bài “Đau đầu với hóa đơn điện tử” cho biết: Kể từ tháng 4, hóa đơn điện tử sẽ được áp dụng trên toàn quốc để tiến tới áp dụng bắt buộc từ 1.7 tới. Thế nhưng trước giờ G, nhiều doanh nghiệp vẫn e ngại, cũng như gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Báo Thanh Niên dẫn lời ông Trung (kế toán một khách sạn lớn ở TP.HCM) cho biết, từ cuối năm 2021 cơ quan thuế đã yêu cầu đơn vị này thực hiện HĐĐT nhưng DN vẫn chưa làm được bởi có liên kết với nước ngoài, phải chạy song song 2 phần mềm hóa đơn trong và ngoài nước. Do phần mềm nước ngoài chưa có sự tương thích nên cần phải có thời gian sửa đổi.

Một vấn đề mà nhiều DN đang lo ngại khi thực hiện HĐĐT là có mã của cơ quan thuế có nhanh không? “Theo quy định thì chỉ có những DN rủi ro cao về thuế mới thuộc diện cấp HĐĐT có mã của cơ quan thuế, trong khi nhiều DN không nằm trong đối tượng này, vậy chúng tôi cần thì có ngay được không?”, bà P.X – kế toán của một công ty tại TP.HCM băn khoăn.

Việc giảm thuế giá trị tăng (GTGT) theo kế toán một DN, cũng làm cho lượng hóa đơn gần đây tăng 60-70% so với trước do tách hóa đơn liên quan đến việc giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8%. Ngoài chi phí cho phần hóa đơn gia tăng, DN phải thuê một dịch vụ khác để làm công việc “tách” hóa đơn, tốn cả trăm triệu đồng. “Điều vô lý là hóa đơn có mặt hàng thuế suất 5% và 10% được gộp lại thành 1 nhưng hóa đơn 8% và 10% vẫn phải tách ra thành 2. Trong bối cảnh dịch Covid-19 mấy năm nay, các DN cũng đang cố gắng cắt giảm chi phí hoạt động nên nếu được thì cơ quan chức năng cho phép gộp hóa đơn hoặc giảm chi phí phát hành hóa đơn” – ông Trung bức xúc.

Theo báo Thanh Niên, sử dụng HĐĐT về lâu dài tiết kiệm chi phí, thời gian, tạo thuận tiện cho cả DN và cơ quan quản lý. Nhưng trước giờ G vẫn còn rất nhiều vấn đề mà DN phải tháo gỡ.

Về vấn đề này, qua trao đổi, Lãnh đạo Văn phòng Tổng cục Thuế cho biết, trong thời gian qua đã liên tục đẩy mạnh tuyên truyền về hóa đơn điện tử trên các phương tiện thông tin đại chúng. TCT cũng yêu cầu Cục Thuế cần quán triệt đầy đủ các nội dung về trách nhiệm của Cục Thuế, dựa trên lộ trình áp dụng HĐĐT với từng nhóm đối tượng để có hình thức tuyên truyền, hỗ trợ phù hợp, kịp thời qua Hệ thống 479 kênh thông tin hỗ trợ NNT.

6. Thời báo Ngân hàng (28/3) có bài “Thuế kinh doanh qua mạng: Để thu đúng, thu đủ” cho biết: Cổng thông tin điện tử cho nhà cung cấp nước ngoài được ngành Thuế kỳ vọng sẽ là biện pháp hạn chế tối đa tình trạng trốn thuế của các nền tảng kinh doanh xuyên biên giới. Tuy nhiên, pháp lý quản lý thuế, quản lý kinh doanh với các doanh nghiệp nhóm này vẫn cần tiếp tục hoàn thiện.

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để minh bạch và tạo công bằng trong hoạt động quản lý hoạt động kinh doanh, quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử nói chung và quản lý các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài nói riêng thì pháp lý đối với lĩnh vực này cần tiếp tục hoàn thiện. Trong đó, việc xác định những đối tượng phải áp dụng các Luật và Nghị định về kinh doanh, về thuế tại Việt Nam cũng cần thống nhất và có tiêu chí rõ ràng, cụ thể.

7. Báo Pháp luật Việt Nam (28/3) đưa tin “Hà Nội siết việc khai gian giá mua bán nhà đất” cho biết: Cục Thuế Hà Nội mới đây có công văn gửi Sở Tư pháp phối hợp tuyên truyền, đấu tranh các hành vi vi phạm trong việc khai gian giá mua bán nhà đất trên hợp đồng mua bán, chuyển nhượng… Cục Thuế Hà Nội cũng khuyến nghị người dân và DN khi phát sinh các giao dịch chuyển nhượng BĐS cần kê khai chính xác, trung thực, đầy đủ giá thực tế chuyển nhượng trên hợp đồng chuyển nhượng cũng như trên hồ sơ khai thuế, phí.

III. Vấn đề về hải quan

8. Báo Công an nhân dân (26/3) có bài “Tập trung phát hiện, đấu tranh, triệt phá những chuyên án ma túy lớn” cho biết: Tổng cục Hải quan vừa yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan quán triệt và tập trung khai thác nguồn lực, thực hiện tốt công tác nghiệp vụ cơ bản theo 2 lĩnh vực: phòng, chống mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy. Trong đó, triển khai có hiệu quả phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và Chương trình công tác năm 2022 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, tiền chất của ngành Hải quan….

IV. Vấn đề về chứng khoán

9. Báo Pháp luật Việt Nam (28/3) có bài “Thị trường chứng khoán: Diễn biến phức tạp nhưng vẫn còn dư địa phát triển” cho biết: Theo nhận định của UBCKNN, mặc dù có khó khăn song TTCK Việt Nam trong năm 2022 vẫn còn dư địa cho tăng trưởng do nhiều yếu tố tích cực tiếp tục được duy trì. Mặt bằng lãi suất có khả năng tiếp tục được giữ ổn định ở mức thấp và do vậy, dòng tiền nhiều khả năng vẫn tiếp tục được thu hút vào thị trường chứng khoán. Dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động kinh tế được khôi phục, tiêu dùng nội địa phục hồi, hoạt động du lịch quốc tế dần được mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy triển vọng phục hồi tích cực của DN và nền kinh tế. Cùng với đó, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới liên tục gia tăng trong thời gian qua và hiện mới chiếm khoảng 4,7% dân số cho thấy, TTCK Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng thu hút sự tham gia của các NĐT trong nước.

Đồng tình với nhận định này, ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Sài Gòn –Hà Nội (SHS) cho rằng, chiến lược đầu tư năm 2022 sẽ cần thận trọng hơn bởi mặt bằng giá cổ phiếu đã tăng rất mạnh trong năm 2021.

V. Vấn đề về DNNN

11. Báo Sài Gòn Giải phóng (28/3) có bài “Cơ cấu lại để DNNN mạnh hơn” cho biết: Thủ tướng vừa ban hành Quyết định số 360/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025”. Trao đổi với PV báo Sài Gòn Giải phóng, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, đề án đã khẳng định, việc cơ cấu lại DNNN là tổng thể các giải pháp như cổ phần hóa, thoái vốn, các giải pháp nâng cao hiệu quả, sắp xếp lại DNNN, cho phá sản những DNNN làm ăn thua lỗ kéo dài không vực dậy được…

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00