Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 29/3/2022

Điểm báo ngày 29/3/2022

I. Vấn đề về chính sách thuế

1. Báo Thanh niên (29/3) có bài “Bỏ thuế TTĐB để giảm giá xăng” cho biết: Từ ngày 1/4, thuế BVMT đối với xăng sẽ được giảm 2.000đ/lít. Ngoài thuế BVMT sau khi được giảm, giá xăng tại VN còn chịu thuế nhập khẩu từ 0-8%, thuế GTGT 10% và thuế TTĐB 10%. Theo luật sư Trương Thanh Đức, giá xăng dầu hiện nay cõng thuế, phí lên gần 40% là quá cao, cần điều chỉnh mức chi phối của thuế phí xuống một nửa so với hiện nay. Ông Đức cho rằng, không hiểu vì sao mà nói xăng dầu không phải mặt hàng thiết yếu rồi lại đi tính thuế TTĐB? Bởi sắc thuế này chỉ đánh vào những hàng hóa xa xỉ hay không khuyến khích tiêu dùng như bia, rượu…

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cũng nhấn mạnh, xăng là hàng hóa thiết yếu bởi dùng cho cả sản xuất và tiêu dùng. Về nguyên tắc, đối với xăng dầu đã có thuế nhập, thuế GTGT, tại sao lại có thêm thuế TTĐB trong khi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu không chỉ cho người tiêu dùng mà thiết yếu với cả sản xuất.

Theo LS Trương Thanh Đức, giá xăng dầu cần giảm xuống nhiều hơn nữa vì dù sao đây cũng là chi phí DN, chi phí cao thì thu nhập lại giảm đi làm cho phần thuế thu nhập cũng giảm. Việc giảm thuế phí đối với xăng dầu không mất đi đâu mà sợ ngân sách giảm.

Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, trên cơ sở nội dung phản biện do Vụ CST xây dựng đã được Bộ phê duyệt, Văn phòng Bộ đã phối hợp với các cơ quan báo chí ngành Tài chính đẩy mạnh tuyên truyền về vấn đề này, đồng thời đề nghị Học viện Tài chính, Viện CL&CSTC nghiên cứu phản biện để dư luận xã hội hiểu, đồng thuận về chính sách thuế đối với xăng dầu.

2. Báo Tiền Phong (29/3) đưa tin “Đề xuất giãn, hoãn 125.000 tỷ đồng tiền thuế cho doanh nghiệp năm 2022”; báo Hà nội mới (29/3) có tin “Đề xuất tiếp tục gia hạn thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp”; Vietnamnet (29/3) có tin “Hộ kinh doanh có thể chỉ phải đóng thuế một lần vào cuối năm”; Vietnamplus (28/3) có tin “Ba loại thuế được đề xuất lùi thời hạn nộp trong năm 2022”; Baochinhphu.vn (28/3) có tin “Đề xuất tiếp tục gia hạn thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp”; Pháp luật TPHCM (29/3) có tin “Đề xuất tiếp tục gia hạn thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp”; Người lao động (28/3) có tin “Đề xuất lùi thời hạn nộp 3 loại thuế” và nhiều báo khác cho biết: Bộ Tài chính vừa dự thảo Nghị định về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022. Theo đó, đề xuất tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với toàn bộ các đối tượng quy định tại Điều 2 nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ.

Về thời gian thực hiện trong năm 2022, đối với thuế giá trị gia tăng, để không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước năm 2022, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn 6 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng từ tháng 3 đến tháng 5 và quý 1 năm 2022; gia hạn 5 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 6 và quý 2 năm 2022; gia hạn 4 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 7; gia hạn 3 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 8 của doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng áp dụng nêu trên. Thời gian gia hạn tại điểm này được tính từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Dự kiến, doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ được giãn, hoãn nộp khoảng 125.000 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất đất, mặt nước trong năm 2022.

II. Vấn đề về quản lý thuế

3. Báo Tiền Phong (29/3) có bài “Đánh thuế cho thuê căn hộ thế nào là hợp lý?” cho biết: Nhằm tăng cường quản lý, đôn đốc thu thuế, đồng thời xem xét thêm về nguồn thu và nuôi dưỡng nguồn, TPHCM thí điểm thu thuế với người cho thuê căn hộ, văn phòng, diện tích mặt bằng kinh doanh trong nhà chung cư. Việc thí điểm này gây nhiều tranh luận đề xuất khác nhau của nhiều chuyên gia. Giới đầu tư thì tỏ ra lo lắng khi mà kinh tế còn khó khăn, họ còn chưa kịp gượng dậy sau dịch Covid-19.

Ngày 18/6/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 40 về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cho thuê tài sản. Sau nhiều ý kiến kiến nghị gửi lên Bộ Tài chính, Chính phủ về tính hợp lý của ngưỡng chịu thuế, thời gian triển khai thu…, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã cho hoãn thực hiện Thông tư 40 đến năm 2022.

Chuyên gia tài chính Lương Trường Sinh, Công ty VIS cho biết, ngay lúc này mà thu thuế nữa sẽ thêm gánh nặng cho người dân. Hiện nay, chỉ nên hoàn thiện khung pháp lý về thu thuế, đưa những hộ này vào diện quản lý, để tiến tới họ tự kê khai và nộp thuế theo quy định.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, mọi hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân mà mang lại lợi nhuận thì đều phải đóng thuế và việc thu thuế cho thuê căn hộ chung cư là phù hợp. Tuy nhiên, hiệu quả của việc đầu tư căn hộ cho thuê đã kém hấp dẫn, giờ cộng thêm với mức thuế cho thuê căn hộ 10% chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận và tâm lý của các nhà đầu tư.

Hệ quả là thị trường bất động sản không khuyến khích được các nhà đầu tư mua căn hộ kinh doanh, làm giảm lực cầu của thị trường. Do đó, có thể tạm hoãn thu thuế một thời gian hoặc áp mức thuế 2-3%/tổng doanh thu, bởi cho thuê căn hộ là kinh doanh nhỏ lẻ, không liên tục, lợi nhuận thấp, không giống với hoạt động kinh doanh chuyên nghiệp của các công ty.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) phân tích, việc quy định cá nhân cho thuê nhà có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm phải nộp thuế thu nhập cá nhân 5%, thuế giá trị gia tăng 5% là quá cao. Trước mắt, có thể nâng hạn mức doanh thu cho thuê nhà trên 200 triệu đồng/năm mới phải chịu thuế sẽ hợp lý hơn và tạo điều kiện để khuyến khích phát triển thị trường nhà cho thuê.

4. Chương trình Thời sự 19h trên VTV (28/3) đưa tin “Công cụ mới quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới”, báo Hà nội mới (29/3) có bài “Chống thất thu thuế với thương mại điện tử xuyên biên giới” cho biết: Tổng cục Thuế vừa đưa vào hoạt động Cổng TTĐT dành cho nhà cung cấp nước ngoài để đăng ký, kê khai và nộp thuế. Đây được cho là giải pháp quan trọng giúp chống thất thu thuế đối với hoạt động TMĐT xuyên biên giới.

Chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá, việc vận hành Cổng thông tin này rất cần thiết và quan trọng trong bối cảnh hoạt động TMĐT xuyên biên giới ngày càng đa dạng, phong phú, có nhiều hình thức khác nhau, giúp doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh và có thu nhập từ Việt Nam thuận lợi trong tiếp cận chính sách thuế, kê khai và nộp thuế cho Việt Nam, đặc biệt khi các doanh nghiệp này không có đại diện chính thức tại Việt Nam.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho rằng, việc triển khai hoạt động Cổng TTĐT dành cho nhà cung cấp nước ngoài sẽ đem lại hiệu quả to lớn, tạo tiền đề tốt để ngành Thuế nói riêng và ngành Tài chính nói chung hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

III. Vấn đề về chứng khoán

5. Báo Người lao động (29/3) có bài “Nhóm cổ phiếu FLC lại “nhốt sàn” nhà đầu tư”, Tuổi trẻ (29/3) có bài “Chứng khoán rung lắc vì chủ tịch FLC”, Công an nhân dân (29/3) có bài “Cần bình tĩnh trước thông tin tiêu cực trên sàn chứng khoán” thông tin: Thị trường chứng khoán bị rúng động trước những thông tin liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết - chủ tịch CTCP Tập đoàn FLC. Ở phiên giao dịch đầu tuần 28-3, hàng loạt mã thuộc "họ FLC" bị nhà đầu tư bán tháo. Chốt phiên, tổng số lượng cổ phiếu dư bán sàn ở các mã "họ FLC" lên hơn 178 triệu cổ phiếu. Các cổ phiếu đầu cơ cũng lao dốc, chỉ số VN-Index giảm hơn 15 điểm. Đáng chú ý cổ phiếu của các ngân hàng được xem là "chủ nợ" lớn của FLC cũng bị rớt giá. Như STB của Sacombank rớt hơn 5%, BID của BIDV, OCB (Ngân hàng TMCP Phương Đông) cũng bị rớt giá.

Về tác động đến thị trường, ông Huỳnh Minh Tuấn - sáng lập Công ty quản lý tài sản FIDT - cho biết để vay tại các ngân hàng như Sacombank, OCB, NVB, Agribank, BIDV, Tập đoàn FLC phải thế chấp bằng các tài sản đảm bảo, có thể là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và các tài sản khác, cổ phần của Hãng hàng không Bamboo Airways (BAV), tài sản hình thành từ vốn vay... Như vậy về cơ bản những khoản vay này đa số có tài sản đảm bảo chất lượng, chỉ rủi ro ở nhóm cổ phiếu các ngân hàng chấp nhận cầm cố cổ phần của BAV. Tuy nhiên cổ phiếu BAV có mức giá chặn cho vay là 8.500 đồng, so với thị giá trên thị trường OTC đang giao dịch khoảng 35.000 - 40.000 đồng/cổ phần thì mức độ rủi ro là thấp.

Theo một số chuyên gia, trong khi cổ phiếu đang đà lao dốc, việc quan trọng nhất là nhà đầu tư phải tỉnh táo, bình tĩnh và phân tích kỹ lưỡng để tìm ra hướng xử lý. Khi có cơ hội, cần thoát khỏi cổ phiếu một cách nhanh nhất và tuyệt đối không nên sử dụng phương pháp bình quân giá vì rất dễ khiến nhà đầu tư rơi vào cảnh lỗ chồng lỗ.

Ngày 28-3, trao đổi với phóng viên báo Người Lao Động về việc trên mạng xã hội xôn xao tin đồn liên quan việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, bị áp dụng biện pháp tố tụng để điều tra một số nội dung liên quan hoạt động đầu tư kinh doanh, một lãnh đạo Cơ quan CSĐT Bộ Công an khẳng định thông tin ông Trịnh Văn Quyết bị bắt giam là không chính xác.

IV. Vấn đề về DNNN

6. Báo Lao động (29/3) có bài “DNNN: Hiệu quả phải xứng đáng với nguồn vốn, tài sản, nhân lực” cho biết: Trao đổi với PV báo Lao động, TS Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến DNNN chưa thể bứt phá xứng tầm. Nhiều doanh nghiệp có những Bộ chủ quản, muốn làm gì cũng phải giải trình. Rồi không phải không có những hiện tượng tuyển người vào bằng cách gửi gắm nhân sự vào DNNN khiến chất lượng nhân sự không đảm bảo… Muốn để DNNN phát triển phải gỡ được những khó khăn, vướng mắc của họ.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00