Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 30/3/2022

Điểm báo ngày 30/3/2022

  1. Vấn đề nóng về chứng khoán

1. Ngày 29-3, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Trịnh Văn Quyết - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC, để điều tra, xác minh với ông Trịnh Văn Quyết và các cá nhân thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi "thao túng thị trường chứng khoán", "che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10-1, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chiều 29/3, Văn phòng Bộ đã báo cáo Lãnh đạo Bộ chỉ đạo UBCKNN kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Văn phòng Bộ đã phối hợp với Thời báo Tài chính và các đơn vị liên quan xây dựng nội dung thông tin và chủ động cung cấp cho phóng viên các cơ quan báo chí khẳng định quan điểm chỉ đạo kịp thời của Lãnh đạo Bộ Tài chính trong việc yêu cầu UBCKNN và các đơn vị liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra trên tinh thần thượng tôn pháp luật, thực hiện đúng quy định của pháp luật, sai đến đâu sẽ xử lý nghiêm tới đó, giữ vững kỷ cương, kỷ luật và tính minh bạch của thị trường chứng khoán.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng khẳng định, hiện cơ quan quản lý đang phối hợp với cơ quan điều tra của Bộ Công an để cung cấp thông tin theo yêu cầu. Trước mắt, Ủy ban Chứng khoán đã yêu cầu phía các doanh nghiệp liên quan công bố thông tin bất thường để nhà đầu tư và cổ đông nắm bắt thông tin.

Tối 29/3, hầu hết các báo điện tử đều đưa tin đăng tải quan điểm chỉ đạo của Bộ Tài chính và UBCKNN: Cổng TTĐT Chính phủ; VOV.vn; Thông tấn xã VN; Công an Tp. HCM có bài “Vụ việc tại FLC: Bộ Tài chính yêu cầu “sai đến đâu xử lý nghiêm đến đó”; Người lao động có bài “Vụ bắt Trịnh Văn Quyết: Bộ Tài chính cung cấp thông tin các cá nhân thuộc Tập đoàn FLC”; VietnamPlus có bài “Bộ Tài chính: Phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ vụ việc tại FLC”; Báo Giao thông có bài “Bộ Tài chính nói gì về vụ việc chấn động bắt Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết?”; VnEconomy có bài “Bộ Tài chính: Sẽ phối hợp Bộ Công an cung cấp thông tin vụ ông Trịnh Văn Quyết, tinh thần sai đâu xử nghiêm đó”; Dân Việt có bài “Ông Trịnh Văn Quyết bị bắt: Động thái "nóng" từ Bộ Tài chính và UBCKNN”; Vietnamnet có bài “FLC phải công bố thông tin bất thường với cổ đông”; Báo tin tức TTX có bài “Bộ Tài chính: phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra để làm rõ vụ việc tại FLC”; Tiền phong có bài “UBCK lên tiếng trước việc ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam”; Vnexpress có bài “UBCK: nhà đầu tư cần bình tĩnh”

Về nội dung này Văn phòng Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với UBCKNN và các đơn vị liên quan để tham mưu cho Lãnh đạo Bộ và kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí.

  1. Vấn đề Quốc hội quan tâm

2. Lao động (30/3) có bài “Chủ động can thiệp, bảo vệ lợi ích người tham gia bảo hiểm”; Quân đội nhân dân (30/3) có bài “Thảo luận việc sửa đổi Luật Điện ảnh, Luật Kinh doanh bảo hiểm”; Thời báo Ngân hàng có bài “Khơi thông thị trường bảo hiểm”; Đại đoàn kết có bài “Đừng đẩy rủi ro cho người mua bảo hiểm” và nhiều bài báo khác cho biết: Ngày 29/3, các ĐBQH chuyên trách đã góp ý cho dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Các ĐBQH thống nhất đánh giá, TTBH nước ta còn nhiều dư địa để phát triển. Các ĐB góp ý vào nhiều nội dung cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển TTBH, để TTBH đóng góp nhiều hơn vào phát triển KT-XH của đất nước.

Các ĐB cho rằng cần bổ sung trách nhiệm của cơ quan quản lý về kinh doanh bảo hiểm. Các ĐB bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của Chính phủ và Ủy ban Pháp luật về việc không nên duy trì Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm vì đã có Quỹ dự trữ bắt buộc có chức năng tương tự Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, qua đó giảm gánh nặng tài chính cho cả DNBH và người tham gia bảo hiểm.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã tiếp thu, giải trình các vấn đề ĐBQH nêu. Bộ Tài chính đề nghị giữ để Nhà nước chủ động can thiệp bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

Luật số 61/2010 đã có quy định đóng góp thành lập Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Tuy nhiên, sau gần 12 năm trích nộp, Quỹ này chưa phải sử dụng và ít có khả năng phải sử dụng.

Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành và dự thảo Luật KDBH có quy định về Quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Mục đích thiếp lập của 2 Quỹ này đều hướng tới bảo hiểm trách nhiệm của DNBH khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm.

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: Hai quỹ trên cùng mục tiêu nhưng việc hình thành lại khác nhau. Quỹ dự trữ bắt buộc là từ trích 5% lợi nhuận sau thuế của DN, do cơ quan bảo hiểm quản lý. Còn Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm hiện là trích 0,3% và tài khoản do Bộ Tài chính quản lý. Theo Bộ trưởng, từ khi hình thành đến nay có hơn 1.000 tỉ đồng. Quỹ này được giữ để trong trường hợp DN phá sản, gặp khó khăn do bất khả kháng thì Nhà nước chủ động can thiệp bằng Quỹ này nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm.

  1. Vấn đề về chính sách thuế

3. Tiền Phong (30/3) có bài “Thuế thu nhập cá nhân: Cần sự chia sẻ với người dân” có bài: Theo báo cáo của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), năm 2021, thuế TNCN đạt khoảng 123.000 tỷ đồng, vượt 14% dự toán và tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2020. Bất chấp ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống; thất nghiệp tăng, thu nhập giảm… số thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trong năm qua vẫn tăng mạnh. Điều này, theo các chuyên gia có nhiều điều chưa ổn. Thực tế đó phản ánh thuế TNCN còn nhiều bất hợp lý, thu thuế như vậy là chưa có sự chia sẻ với người dân.

Trao đổi với PV Tiền Phong, các chuyên gia, cụ thể là TS Đinh Thế Hiển, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, thu thuế TNCN tính với người thu nhập cao song nên theo hướng người dân cần được tạo điều kiện để nâng cao chất lượng cuộc sống. Các chi phí hợp lý cần được tính tới để giảm trừ cho người dân như tiền nhà (thuê hoặc vay mua nhà), nuôi con ăn học, chăm lo bố mẹ không có lương hưu, chi phí y tế, giải trí, du lịch… Thực tế, nếu một người sống ở TPHCM, nếu thu nhập của 2 vợ chồng 50 triệu đồng/tháng, nuôi 2 con ăn học, thu nhập đó không còn cao, do chi phí sinh hoặc đắt đỏ. Do đó, ông Hiển đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh của cá nhân lên 15 triệu đồng/tháng, mức giảm trừ với người phụ thuộc cũng phải tăng. Thuế TNCN cần tính tổng thu nhập trừ chi phí, không chỉ tách tính riêng tiền lương, tiền công. Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đề xuất Bộ Tài chính nghiên cứu bỏ bớt bậc với thuế TNCN; sửa quy định về thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ, thay vì căn cứ vào tổng mức lạm phát 20% sẽ điều chỉnh thì nên quy định 3-5 năm xem xét điều chỉnh 1 lần, hoặc điều chỉnh theo các lần tăng lương.

Về bậc tính thuế TNCN, luật sư Trương Thanh Đức đề xuất giảm từ 7 bậc hiện hành xuống 4-5 bậc; tăng khoảng cách bậc từ 5 lên 10 triệu đồng; giảm mức thuế với bậc 1 từ 5% hiện hành xuống 1-2%. Với thang thuế hiện hành, theo luật sự trên, những người trong nhóm thu nhập 30-100 triệu đồng đang chịu thuế bình quân khoảng 20%, trong khi thuế thu nhập doanh nghiệp hiện chỉ 18-20%.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đề xuất, Nhà nước nên xem xét lại mức giảm trừ gia cảnh của cá nhân, vì mức hiện hành chưa hợp lý, khi thu nhập, nhu cầu cuộc sống tối thiểu của người dân, lạm phát đều tăng.

4. Thanh niên (30/3) có bài “Sau ngày 1.4, giá xăng giảm được bao nhiêu?” cho biết: Thuế BVMT với mặt hàng xăng chính thức giảm 2.000đ/l từ ngày 1.4, nhưng giá xăng theo tính toán sẽ giảm thấp hơn mức này, còn giá dầu có thể vẫn tăng.

Để người tiêu dùng có thể “thở phào” với giá xăng dầu, PGS.TS Phạm Thế Anh (ĐH Kinh tế quốc dân) cho rằng thuế TTĐB 10% đánh vào giá xăng nên được bỏ để hỗ trợ giá trong nước giảm nữa. Sắc thuế này chỉ nên đánh vào những hàng hóa, dịch vụ không khuyến khích, hàng hóa xa xỉ; trong khi xăng dầu là hàng hóa thiết yếu. Bên cạnh đó, việc giảm thuế GTGT 2% đối với xăng dầu cũng nên xem xét bởi nó nằm trong nhóm hàng hỗ trợ phục hồi kinh tế trong năm 2022.

Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), mức giảm 50% thuế BVMT với xăng dầu trong bối cảnh hiện nay là nỗ lực không nhỏ của Chính phủ. Hiện tại, giá xăng dầu tại các nước đang tăng theo đà tăng giá của thế giới. Mức giảm thuế BVMT 2.000đ/l là mức giảm không thấp, nhưng giá xăng tại kỳ tới không thể giảm bằng mức đó được do giá dầu thế giới đang cao.

  1. Vấn đề về quản lý thuế

5. Tiền Phong (30/3) có bài “Gánh nặng thông tư 'đè' doanh nghiệp” cho biết: Cộng đồng doanh nghiệp (DN) chưa kịp phục hồi vì dịch bệnh, nay thêm điêu đứng vì hàng loạt thông tư bất hợp lý. Một số quy định bổ sung, dù là rất nhỏ, nhưng gây ra rào cản lớn, nhất là phát sinh chi phí đè nặng DN.

Ngày 29/3, Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2021. Theo đó, nhiều quy định pháp luật không phù hợp áp dụng trong bối cảnh dịch bệnh đã gây khó khăn, bất cập rất lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Một trong những ví dụ điển hình của công văn khiến DN điêu đứng là câu chuyện Hiệp hội Sắn Việt Nam kêu cứu Chính phủ vì Công văn số 632 ngày 7/3/2022 chỉ đạo nội bộ Cơ quan Thuế thực hiện các công việc liên quan đến công tác quản lý hoàn thuế. Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, công văn này lấy lí do không tìm được thông tin của DN Trung Quốc nhập khẩu sắn mà không cho hoàn thuế với DN xuất khẩu tinh bột sắn của Việt Nam là không hợp lý. Bởi việc, xuất khẩu tinh bột sắn là có thật, thể hiện qua tờ khai thông quan của hải quan. Nếu áp dụng theo văn bản này, nguy cơ tạo tiền lệ xấu, có thể khiến nhiều ngành nông sản của Việt Nam điêu đứng.

  1. Vấn đề về quản lý giá

6. Báo Tuổi trẻ (30/3) có bài “Kiềm giá, nhiệm vụ mới”; Baochinhphu.vn (29/3) có tin “CPI quý I/2022: Việt Nam vượt qua 'bão giá'”; Người lao động (29/3) có tin “GDP quý I/2022 của Việt Nam tăng 5,03%”; Dangcongsan.vn (29/3) có tin “Chỉ số giá tiêu dùng quý I/2022 tăng 1,92%”; Sài Gòn giải phóng (29/3) có tin “GDP quý 1 ước tăng 5,03%, CPI tăng 1,92%”; Bnews (29/3) có tin “CPI bình quân quý I/2021 tăng 0,29% ”  cho biết: Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê (TCTK), với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I khá thấp (1,92%), nước ta đã vượt qua "bão giá" của khu vực và trên thế giới. Theo Tổng cục Thống kê, kết quả này là nhờ sự cân đối sản xuất trong nước cũng như việc kiểm soát tăng giá bằng chính sách hiệu quả, thiết thực, không gây áp lực lên nguồn cung.

Tính chung quý I/2022, CPI tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng của quý I các năm 2017-2020. Các yếu tố làm tăng CPI trong quý là: Giá xăng dầu được điều chỉnh 7 đợt, làm cho giá xăng A95 tăng 5.900 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 5.780 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 6.060 đồng/lít. Bình quân quý I/2022, giá xăng dầu trong nước tăng 48,81% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,76 điểm phần trăm.

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, một số nguyên nhân tác động, làm giảm CPI trong quý I/2022 như: Giá các mặt hàng thực phẩm giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,26 điểm phần trăm, trong đó giá thịt lợn giảm 21,55%, mỡ ăn giảm 22,6%; giá thịt chế biến giảm 4,63%...

Tính riêng tháng 3/2022, CPI tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,91% so với tháng 12/2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước, riêng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm giá. Nguyên nhân tăng CPI tháng 3 là do giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu.

Theo Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương, mặt bằng giá trong nước vẫn cơ bản được kiểm soát nhưng áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm khá lớn. Công tác quản lý, điều hành giá sẽ tiếp tục được thực hiện một cách thận trọng, chủ động và linh hoạt nhằm bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng CPI bình quân năm 2022 ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra.

7. Báo Nhân dân (30/3) có bài “Kiểm soát, bình ổn giá cả thị trường” cho biết: Trước sức ép từ biến động giá xăng dầu, các mặt hàng thiết yếu cũng đang có xu hướng tăng trong những ngày qua. Tuy nhiên, hiện đang có tình trạng “té nước theo mưa”, lợi dụng tăng giá bất hợp lý, gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.

Theo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, giá xăng dầu tăng không chỉ tác động đến đời sống sản xuất mà với mức tăng cao còn nguy cơ kéo theo hành vi đầu cơ, găm hàng, lợi dụng diễn biến giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý để trục lợi. Do vậy, bên cạnh các chính sách, biện pháp điều hành ở tầm vĩ mô như giảm thuế, phí đối với mặt hàng xăng dầu để kéo giảm giá mặt hàng chiến lược này ở mức hợp lý, thì chính quyền các địa phương, cơ quan quản lý thị trường và các lực lượng chức năng khác cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường, trong đó đặc biệt quan tâm là giá dịch vụ, nhất là dịch vụ vận tải và các mặt hàng thiết yếu.

  1. Vấn đề về quản lý nợ

8. Báo Công an nhân dân (30/3) có tin “Việt Nam được xếp hạng tín nhiệm triển vọng tích cực” cho biết: Ngày 28/3/2022, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings khẳng định xếp hạng mức trần tiền gửi ngoại tệ dài hạn của Việt Nam ở mức BB, triển vọng “Tích cực”.

Cơ sở tổ chức Fitch Ratings khẳng định giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam phản ánh các chỉ số tài chính đối ngoại vững chắc so với các nước cùng xếp hạng, triển vọng phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch vẫn phức tạp và hiệu ứng lan toả của xung đột địa chính trị gần đây đối với kinh tế toàn cầu. Fitch Ratings ghi nhận sự phục hồi nhanh chóng của các hoạt động kinh tế nhờ vào chính sách linh hoạt của Chính phủ trong việc ứng phó với đại dịch và tốc độ bao phủ vắc xin nhanh chóng.

Fitch đánh giá Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ lĩnh vực xuất khẩu nhờ vào việc thực hiện các hiệp định thương mại quan trọng, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn duy trì tăng trưởng cao và dòng chảy du lịch đang dần nối lại từ năm 2022. Theo dự báo của Fitch, tăng trưởng của Việt Nam sẽ phục hồi lên mức 6,1% vào năm 2022 và 6,3% vào năm 2023, dẫn dắt bởi sự phục hồi của cầu trong nước, xuất khẩu và dòng vốn FDI.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00