Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 31/3/2022

Điểm báo ngày 31/3/2022

I. Vấn đề nóng về chứng khoán

1. Báo Tuổi trẻ (31/3) có bài “Mạnh tay với thao túng giá chứng khoán”; Thanh niên (31/3) có bài “Cá mập” làm giá chứng khoán”; Người lao động (31/3) có bài “Tín hiệu tốt cho TTCK: Ngăn chặn từ đầu ý đồ thao túng”, cùng nhiều báo cho biết: Tạo cung cầu ảo, bán chui… là các chiêu trò được “cá mập”; “đội lái” sử dụng để úp sọt NĐT trên TTCK. Đáng tiếc là ngay cả những ông chủ lớn, lãnh đạo không ít DN cũng tham gia vào trò bẩn này.

Sau khi ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch FLC bị bắt giữ vì có hành vi thao túng giá cổ phiếu, nhiều NĐT và chuyên gia bày tỏ quan điểm ủng hộ việc mạnh tay xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm nhằm làm trong sạch thị trường.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các NĐT tài chính đánh giá việc cơ quan điều tra bắt tạm giam ông Quyết để điều tra về hành vi “thao túng chứng khoán” là rất cần thiết, mang tính răn đe cho các đối tượng khác đang có ý đồ tương tự. Về lâu dài, theo ông Hoàng, cần thiết phải có những cải tổ tại UBCKNN để tránh xung đột lợi ích. Bởi mấu chốt của vấn đề nằm ở khâu thanh tra, giám sát thị trường hiện nay của Sở GDCK cũng như UBCKNN còn chưa đạt hiệu quả.

Còn theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền, sau phi vụ bán “chui” hàng chục triệu cổ phiếu bị phát hiện và xử phạt, ông Quyết vẫn tiếp tục tổ chức “thổi giá” cổ phiếu FLC là coi thường pháp luật. Theo ông Truyền, một trong những nguyên nhân là con số tiền phạt vài tỉ đồng còn khá khiêm tốn so với số tiền thu lợi bất chính từ hành vi thao túng cổ phiếu nếu trót lọt.

Điều đáng nói là sau khi bị UBCKNN ra quyết định xử phạt và đình chỉ 5 tháng giao dịch, nhưng theo cơ quan điều tra, trong khoảng thời gian tài khoản bị cấm giao dịch, ông Quyết vẫn tiếp tục có hành vi thao túng đẩy giá cổ phiếu lên.

Tại văn bản chỉ đạo ngày 30/3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính, NHNN chỉ đạo các cơ quan chức năng theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, TTCK để chủ động điều hành thị trường đảm bảo ổn định, an toàn, thông suốt. Đẩy mạnh rà soát cơ chế chính sách và hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán để có chế tài mạnh mẽ, có tác dụng răn đe, bảo đảm minh bạch và lành mạnh của TTCK.

2. Báo Nhân dân (31/3) có bài “Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng trên TTCK” cho biết: Ngày 30/3, diễn biến trên TTCK cho thấy, khối NĐT nước ngoài tiếp tục xuống vốn mua ròng. Nhìn vào diễn biến TTCK có thể thấy NĐT trong nước và nước ngoài đều giữ được cân bằng tâm lý khi tham gia thị trường.

Về vụ việc cơ quan điều tra khởi tố bắt tạm giam về hành vi “thao túng chứng khoán”, UBCKNN đã có những động thái ngay lập tức yêu cầu FLC thực hiện công bố thông tin theo quy định và báo cáo UBCKNN, Sở GDCK theo quy định.

II. Vấn đề về chính sách thuế

3. VTV, Lao Động, Đại đoàn kết (31/3) có bài “Hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn nếu giá xăng dầu tăng cao”, Quân đội nhân dân (31/3) có bài “Nếu giá xăng dầu tăng cao sẽ hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn” cho biết: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký, ban hành Nghị quyết số 499/NQ-UBTVQH15 về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị xây dựng các kịch bản, phương án cụ thể, rõ ràng và thực hiện quyết liệt để bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng, bảo đảm cân đối cung cầu xăng, dầu trong mọi tình huống.

Kết hợp việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu với công cụ thuế và các công cụ khác để bình ổn thị trường; trường hợp giá xăng, dầu tăng cao, thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn (như ngư dân, người nghèo, người có thu nhập thấp…).

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh xăng, dầu, rà soát điều chỉnh các loại thuế, phí và các yếu tố cấu thành giá cơ sở, các định mức hao hụt, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… phù hợp với thực tế, đảm bảo công khai, minh bạch.

4. Báo Tiền Phong, Sài gòn giải phóng, Pháp luật (30, 31/3) có tin “Giảm thuế nhưng giá xăng dầu chưa chắc giảm” cho biết: Việc giảm thuế Bảo vệ môi trường nhằm giúp giá xăng dầu trong nước giảm xuống, tuy nhiên, tại họp báo thường kỳ Bộ Công thương diễn ra ngày 30/3, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, kỳ điều hành giá xăng dầu vào ngày 1/4 chưa thể nói trước về việc giá xăng dầu tăng hay giảm. Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, dù thuế BVMT giảm 2.000 đồng/lít xăng nhưng giá bán xăng dầu còn phụ thuộc vào giá xăng dầu trên thị trường thế giới.

5. Báo Hà Nội mới (31/3) đưa tin “Kiến nghị gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt hỗ trợ sản xuất ô tô trong nước” cho biết: Bộ Tài chính vừa dự thảo tờ trình về việc ban hành Nghị định gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo đó, gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, 7, 8 và 9-2022 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Tổng số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến phát sinh được gia hạn là khoảng 9.300-11.400 tỷ đồng.

III. Vấn đề về quản lý thuế

6. Báo Hà Nội mới (31/3) có bài “Chống thất thu thuế trong chuyển nhượng bất động sản”, báo Thanh Niên điện tử (31/3) có bài “Hàng loạt hồ sơ bất động sản bị trả kê khai lại”, báo Tin Tức (31/3) có bài “Áp thuế chống ‘thổi giá, đầu cơ’ bất động sản”, các báo cho biết: Hiện nay, không ít người mua và người bán “bắt tay nhau” để ghi giá chuyển nhượng trong hợp đồng công chứng thấp hơn so với giá chuyển nhượng thực tế, hoặc thực hiện hai hợp đồng (1 hợp đồng viết tay ghi giá mua bán thật, 1 hợp đồng công chứng ghi giá thấp hơn để khai thuế thấp) nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thuế.

Báo Thanh Niên cho biết, theo ông Nguyễn Nam Bình - Cục trưởng Cục Thuế Bà Rịa-Vũng Tàu, đơn vị này đã thực hiện trả lại hơn 1.200 hồ sơ đóng thuế sang nhượng bất động sản (BĐS) vì có dấu hiệu kê khai không sát thực tế trong vòng 2 tuần đầu tháng 3. Trong đó, có 155 hồ sơ kê khai bổ sung nộp lại cơ quan thuế. Giá kê khai lại tăng từ 2 - 5 lần so với ban đầu, cá biệt có hồ sơ kê khai giá chuyển nhượng đất tăng từ 500 triệu đồng lên 10 tỉ đồng.

Để hạn chế, ngăn chặn tình trạng “né” thuế trong chuyển nhượng bất động sản, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị Bộ Công an chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp các cục thuế xử lý nghiêm giao dịch có dấu hiệu trốn thuế. Đồng thời, đề nghị Bộ Tư pháp, UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở tư pháp phối hợp chặt chẽ với cục thuế yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản… kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán, làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật.

Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết đang yêu cầu các cơ quan thuế địa phương thống kê số lượng hồ sơ mà người nộp thuế kê khai lại giá khi chuyển nhượng BĐS. Thống kê sơ bộ cho thấy một số tỉnh thành đã tăng thu vài trăm tỉ đồng tiền thuế vào ngân sách khi người bán khai lại giá chuyển nhượng BĐS.

Tuy nhiên, việc kê khai lại giá tính thuế trong chuyển nhượng BĐS thời gian qua đã phát sinh nhiều vấn đề, trong đó, việc thủ tục hồ sơ giao dịch nhà đất bị “ngâm” nhiều tháng gây bức xúc cho không ít người. Đặc biệt, giá mà người bán nhà khai lại như thế nào để có thể được cơ quan thuế chấp nhận thông qua, theo nhiều chuyên gia, có thể là kẽ hở cho tiêu cực.

Theo ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật AnVi, muốn người dân phải ghi đúng giá giao dịch thực tế trên hợp đồng công chứng, thì trước hết nhà nước phải sửa đổi pháp luật theo hướng rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu và thấu tình, đạt lý. Việc yêu cầu ghi đúng giá thực tế cao, đòi hỏi theo giá thị trường thì cũng nên xem xét lại việc giảm thuế suất tính 2% trên giá chuyển nhượng xuống 1%. Bởi cách đánh thuế này là tính “vo”, khoán chứ không đúng bản chất thuế thu nhập, nên trong trường hợp người bán lỗ cũng phải nộp thuế.

7. Pháp luật Việt Nam (31/3) có tin “Triển khai mức thuế bảo vệ môi trường từ 1/4/2022”, Hà nội mới (31/3) có tin “Ngành Thuế triển khai giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu từ 1-4” cho biết: Sáng 30/3, Tổng cục Thuế ban hành Công điện số 04/CĐ-TCT về việc thực hiện áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo quy định tại Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, từ ngày 1-4-2022 đến hết ngày 31-12-2022, giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn; giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa.

Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế chủ động tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn cho người nộp thuế trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo các Chi cục Thuế trên địa bàn tỉnh, thành phố kịp thời triển khai thực hiện áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo quy định tại Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh giá dầu thô có xu hướng tăng cao, tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

IV. Vấn đề về tài chính ngân hàng

8. Sáng ngày 30/3, Văn phòng Bộ phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng phát đi thông tin báo chí về việc kinh doanh xổ số, nhiều báo trong ngày 30-31/3 đưa tin về nội dung này như: Lao động (31/3); Pháp luật Việt Nam (31/3); VnExpress (30/3); Vietnamnet (30/3); Vietnamplus (30/3); Thanh niên (30/3); VOV (30/3); Người lao động (30/3); HàNộimới (30/3); Dân trí (30/3) và nhiều báo khác. Các báo cho biết: Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã nhiều lần gửi thông cáo báo chí về việc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ “Đặt 1 ăn 70”, kết quả tính theo hai số cuối giải đặc biệt xổ số miền Bắc và một số trang mạng, nhà cung cấp dịch vụ mua hộ vé xổ số. Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý các vụ việc này theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính cũng đã có Công văn chấn chỉnh gửi các Công ty Xổ số kiến thiết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam đồng thời gửi UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để phối hợp, quản lý giám sát hoạt động kinh doanh xổ số, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Các hành vi vi phạm về phân phối vé xổ số sẽ bị xử lý nghiêm.

V. Vấn đề về đầu tư công

9. Báo Hà Nội mới (31/3) đưa tin “63 tỉnh, thành phố hoàn thành phân bổ vốn đầu tư công”, báo Lao Động (31/3) có bài “Hoàn thành phân bổ hơn 411.000 tỷ đồng vốn đầu tư công”, các báo cho biết: Bộ Tài chính cho biết, đến ngày 23-3 đã nhận được kế hoạch phân bổ vốn đầu tư năm 2022 của 63/63 tỉnh, thành phố.

Theo đó, tổng số vốn các tỉnh, thành phố đã phân bổ là 411.676,395 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao (tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 Thủ tướng Chính phủ giao cho các địa phương là 407.539,712 tỷ đồng).

Nhiều địa phương giao kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao do tăng từ nguồn thu sử dụng đất, nguồn tăng thu, nguồn xổ số kiến thiết, như: Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang…

VI. Vấn đề khác

10. Báo Lao động (31/3) có bài “Nhà thầu ôm tiền tỷ bỏ chạy, tỉnh loay hoay thu hồi” cho biết: tại Quảng Ngãi, nhiều chủ đầu tư hào phóng cho nhà thầu tạm ứng số tiền vượt khối lượng thi công thực tế, nhưng sau đó nhiều nhà thầu “bỏ chạy” dẫn đến hệ lụy là dự án thi công dang dở và tỉnh này loay hoay tìm cách thu hồi số tiền tạm ứng lên đến hàng chục tỷ đồng. Theo báo cáo của Sở Tài chính Quảng Ngãi, đến đầu năm 2022, số nợ tạm ứng quá hạn trên địa bàn khoảng 183 tỷ đồng.

Với số tiền tạm ứng khó đòi lên đến hàng trăm tỷ đồng đang đặt ra nhiều vấn đề trong quản lý nguồn vốn đầu tư công tại tỉnh Quảng Ngãi, cũng như chất lượng các dự án đầu tư từ ngân sách. Bên cạnh một số nhà thầu mất thanh khoản không đủ điều kiện để hoàn ứng thì nhiều nhà thầu vẫn cố tình trây ỳ không hoàn trả mà tìm cách thoái thác.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Ngãi Phạm Hữu Thịnh, việc chậm thu hồi nợ tạm ứng quá hạn số tiền hơn 184 tỷ đồng cho thấy các chủ đầu tư chưa tích cực trong việc thu hồi tiền tạm ứng. Đây là trách nhiệm của các chủ đầu tư, Kho bạc nhà nước tỉnh Quảng Ngãi. Do đó, phải làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan và tiếp tục đôn thúc hoàn tiền tạm ứng. Đối với Kho bạc nhà nước tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục đốc thúc các chủ đầu tư thu hồi nợ. Để sớm thu hồi số tiền tạm ứng quá hạn, nhất là đối với các khoản tạm ứng mà nhà thầu mất khả năng hoàn ứng hoặc tòa án đã có bản án thì kiến nghị với cơ quan thi hành án báo cáo cụ thể biện pháp xử lý. Đối với nợ quá hạn chưa thu hồi mà chưa xử lý đề nghị các chủ đầu tư khởi kiện nhà thầu ra tòa.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00