Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 01/4/2022

Điểm báo ngày 01/4/2022

  1. Vấn đề dư luận quan tâm

1. Từ ngày 28 đến ngày 31/3, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 13. Chiều 31/3, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra thông báo kết luận kỳ họp 13, chiều tối 31/3, nhiều báo đài đã đưa tin về nội dung kết luận này: Bản tin Thời sự VTV1; các kênh truyền hình TTX, Nhân Dân, VOV, VCT…; Cổng TTĐT Chính phủ (31/3) có bài “Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông báo kết luận kỳ họp 13”; Tuổi trẻ có bài “Xem xét kỷ luật nhiều lãnh đạo UB Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, TP.HCM”; Vnexpress có bài “UBKT Trung ương công bố sai phạm liên quan vụ Việt Á”; Người lao động có bài “Xem xét, xử lý kỷ luật một loạt lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán, HoSE và HNX”; Công an Tp. Hồ Chí Minh có bài “Những vi phạm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đến mức phải xem xét, kỷ luật” và nhiều báo khác cho biết: Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra thông báo kết luận kỳ họp 13 với một số nội dung quan trọng:

(1) Liên quan đến vụ việc tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, UBKTTW kết luận: Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số đồng chí lãnh đạo Bộ và đơn vị vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước.

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại tiền và tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Liên quan đến những vi phạm nêu trên còn có trách nhiệm của một số tổ chức, cá nhân thuộc Bộ Tài chính, sẽ tiếp tục được kiểm tra, làm rõ.

(2) Liên quan đến vi phạm của Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhiệm kỳ 2015-2020, UBKTTW kết luận: Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số tổ chức, cá nhân thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, để một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính.

Các đồng chí: Vũ Bằng, Trần Văn Dũng, Nguyễn Thành Long, Lê Hải Trà, Nguyễn Sơn cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam; chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, giảm niềm tin của các nhà đầu tư, uy tín của tổ chức đảng và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

(3) Liên quan đến vi phạm của Đảng ủy Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 và một số cán bộ, đảng viên, UBKTTW kết luận: Đảng ủy Cục Điều tra chống buôn lậu đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, quản lý, giáo dục đảng viên, để một số cán bộ, đảng viên suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong công tác cán bộ; đấu tranh phòng, chống buôn lậu; xử lý vi phạm hành chính, xử lý tang vật; quản lý, sử dụng tài chính, tài sản.

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngành Hải quan, gây bức xúc trong xã hội. Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật: Cảnh cáo Đảng ủy Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 và các đồng chí: Nguyễn Hùng Anh, Nguyễn Phi Hùng, Nguyễn Văn Ổn. Khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Ngô Văn Thụy, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan.

  1. Vấn đề về quản lý thuế

2. Hà nội mới (31/3) có bài “Chống thất thu thuế trong chuyển nhượng bất động sản”, Người Lao động (1/4) có bài “Siết mua bán bất động sản để tránh thất thu thuế”, Giao Thông (1/4) có bài “Đà Nẵng lập liên ngành xử lý trốn thuế bằng "ký gửi, ký chờ" bất động sản”, Thanh niên (31/3) có bài “Kiến nghị giải pháp chống trốn thuế bất động sản” cho biết: Thực trạng bán nhà đất, bất động sản (BĐS) hai giá (giá bán cao nhưng ghi trong hợp đồng giá thấp, thậm chí thấp hơn đến 20 lần) để trốn thuế, ý kiến của một số chuyên gia cho rằng cần đưa về thống nhất một mức giá. Thực tế, giá đất UBND cấp tỉnh, TP ban hành thường thấp hơn giá thị trường. 

Chính vì tồn tại song song hai loại giá đất do nhà nước quy định và giá thị trường nên người mua bán BĐS đã chọn sử dụng giá nào để phải nộp thuế thấp hơn. Để thống nhất áp một loại giá, cơ quan chức năng cần phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu BĐS hoàn thiện; điều chỉnh những điểm chưa hợp lý và chưa rõ ràng trong luật Đất đai năm 2013 và nghiên cứu chỉ áp dụng cơ chế 1 giá, giá thị trường đối với tất cả hoạt động liên quan đến BĐS

Khi giao dịch liên quan chuyển nhượng bất động sản phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, song thực tế không ít trường hợp dùng chiêu trò để “né”, gây thất thu thuế. Ngành Thuế đang và sẽ thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế, ngăn chặn tình trạng trên.

Theo quy định hiện hành đối với hoạt động kinh doanh mua bán, chuyển nhượng bất động sản, cá nhân phải nộp 2% tiền thuế trên giá chuyển nhượng, doanh nghiệp nộp 20% trên thu nhập. Hai cách tính thuế đang được áp dụng là dựa vào giá ghi trên hợp đồng và dựa theo khung giá đất do Nhà nước quy định nếu hợp đồng không ghi rõ hoặc giá thấp hơn khung quy định.

Chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, để bảo đảm công bằng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế, tránh thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó, Nhà nước cần phải xác định lại giá trị của bảng khung giá đất ngang bằng với giá thị trường.

Liên quan đến giải pháp, đầu năm nay, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị Bộ Công an chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp các cục thuế xử lý nghiêm giao dịch có dấu hiệu trốn thuế. Đồng thời, đề nghị Bộ Tư pháp, UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở tư pháp phối hợp chặt chẽ với cục thuế yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản... kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán, làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật.

Còn bà Lý Thị Hoài Hương cho biết, Tổng cục Thuế đang nghiên cứu, tham mưu với các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật về thuế liên quan đến căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ và thuế thu nhập doanh nghiệp. Tổng cục Thuế cũng xây dựng Đề án "Tăng cường quản lý thuế và chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản" với đề xuất chỉ thanh toán qua ngân hàng trong kinh doanh bất động sản. Quy định này nhằm kiểm soát dòng tiền trong giao dịch bất động sản, làm cơ sở căn cứ tính thuế để chống gian lận. Đồng thời, Tổng cục Thuế đề xuất bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế.

Cơ quan thuế các cấp cũng chủ động phối hợp với các sở tư pháp chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn người dân kê khai đúng thực tế giá mua - bán trong các giao dịch chuyển nhượng bất động sản; thu thập thông tin, rà soát cơ sở dữ liệu để xác định doanh thu, đôn đốc kê khai, nộp thuế theo quy định; đồng thời sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.

  1. Vấn đề về chứng khoán

3. Thanh niên (1/4) có bài “Mạnh tay với hành vi lũng đoạn thị trường”, Người Lao động (1/4) có bài “Tín hiệu tốt cho thị trường chứng khoán (*): Phải phạt thật nghiêm!” cho biết: Ở các nước, thay vì hình sự hóa tội thao túng chứng khoán, đối tượng vi phạm sẽ phải đóng mức phạt rất nặng đến nỗi không dám tái phạm. Với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam hiện nay, cơ chế "vừa đá bóng vừa thổi còi" là rất khó xử lý vi phạm triệt để mà cần cơ quan độc lập về thanh tra đối với những doanh nghiệp (DN), cá nhân vi phạm.

Vụ ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, bị bắt để điều tra về hành vi thao túng chứng khoán, đã thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ, Bộ Tài chính và cơ quan quản lý nhằm làm trong sạch và minh bạch TTCK. Tất cả những hành vi thao túng, vi phạm luật pháp mang tính hệ thống, đều sẽ bị xử lý theo chiều hướng tăng nặng.

Về dài hạn, rõ ràng đây là tin tốt cho thị trường, nó chứng minh cho nhiều nhà đầu tư hiểu rằng TTCK không phải như "sòng bạc", người tham gia không chỉ nghe thông tin từ các "đội lái", đội nhóm hô hào là có lợi nhuận. Thay vào đó, những nhà đầu tư chân chính có thể yên tâm hơn khi xem đây là kênh đầu tư giá trị, sinh lời từ việc đầu tư vào những DN có hoạt động sản xuất - kinh doanh tốt, minh bạch. Những hành vi xâm hại đến lợi nhuận của họ sẽ bị cơ quan quản lý xử lý nghiêm.

  1. Vấn đề về nợ công

4. Chinhphu.vn, Tin tức Việt Nam, Vietnamplus, Pháp luật Việt Nam… (1/4) đưa tin “Xây dựng nền tài chính công vững mạnh” cho biết: Ngày 31/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 412/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030”.

Đề án nhằm mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo thuận lợi để nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức đầu tư, góp phần giảm chi phí huy động vốn, giảm mức rủi ro tín dụng quốc gia.

Mục tiêu cụ thể, đến năm 2030 đạt mức xếp hạng tín nhiệm từ Baa3 (đối với Moody’s) hoặc BBB- (đối với S&P và Fitch) trở lên. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân cả giai đoạn khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD; tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 33 - 35% GDP.

Đề án cũng đặt mục tiêu kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước được Quốc hội phê duyệt trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm và kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm, phấn đấu bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2030 khoảng 3% GDP; nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP...

  1. Vấn đề về tài chính ngân hàng

5. Báo Lao động (01/4) có bài “Bị tuýt còi, ví điện tử vẫn hỗ trợ thanh toán mua hộ vé số” cho biết: Bộ Tài chính ra thông cáo khẳng định hành vi vi phạm về phân phối vé xổ số sẽ bị xử lý nghiêm, đồng thời đang phối hợp với cơ quan chức năng liên quan xử lý các vụ việc cung cấp dịch vụ “đặt 1 ăn 70” vi phạm. Đồng thời một số trang mạng, nhà cung cấp dịch vụ mua hộ vé số Vietlott là hành vi vi phạm các quy định về hoạt động kinh doanh xổ số, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Trong khi đó một số ví điện tử vẫn đang hỗ trợ thanh toán cho dịch vụ mua hộ vé số. Trên ví điện tử Momo, sau một thời gian tạm ngưng dịch vụ, mua hộ vé số đã được mở trên nền tảng này. Trao đổi với phóng viên Báo Lao động, phía Momo nói, Momo là đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán và chỉ hợp tác, hỗ trợ thanh toán cho các đối tác hoạt động hợp pháp. Ngay sau khi Bộ Tài chính có thông tin về việc dịch vụ mua hộ vé số vi phạm quy định hoạt động kinh doanh, Momo đã ngừng hợp đồng dịch vụ thanh toán và yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đặt 1 ăn 70 giải trình với cơ quan quản lý.

Ngoài ra, theo Báo Lao động trên trang Web daithantai.vn cũng đang cung cấp dịch vụ mua hộ vé xổ số. Đáng chú ý, trường hợp số vé mà người sử dụng trúng thưởng trang Web này sẽ tự động trả thưởng và thông báo tới người dùng ngay sau khi có kết quả quay xổ số mở thưởng từ các công ty Xổ số kiến thiết.

  1. Vấn đề về đầu tư công

6. Báo Tiền tệ và Đầu tư (01/4) có bài “Vì sao giải ngân đầu tư công chậm nhịp?” cho biết: Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước kế hoạch năm 2022 đến hết tháng 3 đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021. Bài báo dẫn giải các nguyên nhân Bộ Tài chính đưa ra cho việc giải ngân đầu tư công chậm này. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đang tiếp tục đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp đưa ra tại Công điện 126/CĐ-TTg, Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các công văn liên quan. Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án xử lý phù hợp theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp các Bộ, ngành, địa phương không có nhu cầu sử dụng, chưa phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2022, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền cắt giảm vốn năm 2022 để điều chỉnh, bổ sung cho các đơn vị có nhu cầu và khả năng giải ngân cao.

  1. Vấn đề về giá xăng dầu

7. VnExpress (1/4) có tin “Mỗi lít xăng giảm hơn 1.000 đồng, dầu tăng giá”; Tuổi trẻ (1/4) có tin “Xăng giảm 1.021 đồng/lít từ 0h ngày 1-4”; Thanh niên (1/4) có tin “Giá xăng dầu hôm nay 1.4.2022: Mỹ sắp xả kho, dầu thô lao dốc về 100 USD/thùng”; Người lao động (1/4) có tin “Giá xăng giảm hơn 1.000 đồng/lít từ 0 giờ ngày 1-4”; Quân đội nhân dân có tin “Từ 0 giờ hôm nay, 1-4, giá xăng giảm hơn 1.000 đồng/lít”; Giao thông có tin “Giá xăng dầu hôm nay 1/4: Trượt dốc”;24h.com có tin “Giá xăng giảm mạnh kể từ 0h ngày 1/4”; Đấu thầu có tin “Giảm giá xăng, tăng giá dầu trong một kỳ điều hành đặc biệt” và rất nhiều bài báo khác cho biết: 0h00 ngày 01/4, liên Bộ Công Thương – Tài chính công bố điều chỉnh giá các loại xăng dầu. Đây là kỳ điều hành đầu tiên giá mặt hàng này được áp dụng mức giảm 50% thuế BVMT đối với xăng dầu theo Nghị quyết của UBTVQH. Trong kỳ điều hành này, Liên Bộ quyết định thực hiện trích lập Quỹ BOG xăng dầu đối với các mặt hàng E5RON92 ở mức 250 đồng/lít và RON95 ở mức 200 đồng/lít, dầu diesel ở mức 100 đồng/lít, dầu hỏa và dầu mazut không trích lập. Đồng thời thực hiện chi Quỹ BOG đối với mặt hàng dầu hỏa ở mức 500 đồng/lít và không chi Quỹ BOG xăng dầu đối các mặt hàng xăng dầu khác.

Sau khi thực hiện điều chỉnh mức trích lập và chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu, giá bán xăng E5RON92: không cao hơn 27.309 đồng/lít (giảm 1.021 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 866 đồng/lít, nếu thuế môi trường không giảm 1.900 đồng/lít thì giá sẽ tăng là 1.069 đồng/lít và giá bán sẽ là 29.399 đồng/lít.

Xăng RON95-III: không cao hơn 28.153 đồng/lít (giảm 1.039 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), nếu thuế môi trường không giảm 2.000 đồng/lít thì giá sẽ tăng là 1.161 đồng/lít và giá bán sẽ là 30.353 đồng/lít.

Dầu diezen 0.05S: không cao hơn 25.080 đồng/lít (tăng 1.447 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), nếu thuế môi trường không giảm 1.000 đồng/lít thì giá sẽ tăng là 2.547 đồng/lít và giá bán sẽ là 26.180 đồng/lít.

Dầu hỏa: không cao hơn 23.764 đồng/lít (tăng 1.519 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành) nếu không thực hiện chi Quỹ BOG 500 đồng/lít thì giá sẽ tăng 2.019 đồng/lít và giá bán sẽ là 24.264 đồng/lít, nếu thuế môi trường không giảm 700 đồng/lít thì giá sẽ tăng là 2.789 đồng/lít và giá bán sẽ là 24.534 đồng/lít.

Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 20.929 đồng/kg (tăng 506 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành), nếu thuế môi trường không giảm 1.000 đồng/lít thì giá sẽ tăng là 1.606 đồng/lít và giá bán sẽ là 22.029 đồng/lít.

Lý giải nguyên nhân giảm giá xăng, tăng giá dầu, Liên Bộ cho biết kỳ điều hành lần này, theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15, thuế BVMT đã được UBTVQH cho phép giảm từ 700-2.000 đồng/lít/kg (tùy loại) nhưng do giá xăng dầu thế giới, nhất là giá các loại dầu có mức tăng cao nên Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã phải sử dụng kết hợp công cụ Quỹ BOG xăng dầu ở mức hợp lý để giảm giá xăng và hạn chế mức tăng của giá dầu so với mức tăng của giá thế giới.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00

Thông báo đấu giá tài sản

18 thg 10 2023 - 14:12:00