Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 04/4/2022

Điểm báo ngày 04/4/2022

  1. Vấn đề về chính sách thuế

1. Báo Tuổi trẻ, Vnexpress (2/4) có bài “Nên hoàn thuế VAT cho du khách ngay tại cửa hàng” cho biết: ​Tại Diễn đàn du lịch với chủ đề "Phục hồi du lịch Việt Nam, định hướng mới, hành động mới", ông Đậu Anh Tuấn - trưởng Ban pháp chế của VCCI, kết quả khảo sát các doanh nghiệp du lịch cho thấy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua thực chất doanh nghiệp được hưởng lợi chưa cao.

Cụ thể, trong năm 2021, Chính phủ đồng ý giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp du lịch hầu như không có doanh thu nên không được hưởng lợi từ chính sách này. Do đó, ngoài chính sách hỗ trợ thực chất hơn, ông Tuấn đề nghị chính sách visa cần thoáng hơn để thu hút du khách quốc tế vào Việt Nam.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Cúc, chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam, đề xuất đưa lĩnh vực du lịch vào danh sách được ưu đãi đầu tư như ngành kinh doanh phần mềm, chế biến nông lâm thủy sản...

Việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho khách quốc tế cũng nên được thực hiện ngay tại cửa hàng miễn thuế để khách không phải thực hiện ở sân bay nữa. "Phải chăng chỉ thu thuế VAT thôi, không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp", bà Cúc đề xuất.

2. Báo Lao Động (2/4) có bài “Đến lúc nâng ngưỡng chịu thuế với hộ kinh doanh” cho biết: Hiện nay, hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng mỗi năm, tức 8,4 triệu đồng mỗi tháng… Theo chuyên gia cao cấp về thuế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thời điểm này nên nâng lên 150 – 200 triệu đồng mỗi năm là phù hợp vì mức giảm trừ gia cảnh đã được nâng từ 9 triệu lên 11 triệu đồng. Tổng cục Thuế hiện cũng đang nghiên cứu đề xuất nâng ngưỡng chịu thuế với hộ cá nhân kinh doanh, nhưng chưa quyết định nâng lên là bao nhiêu.

3. Báo Pháp Luật Việt Nam (4/4) có bài “Hỗ trợ sản xuất ô tô trong nước: Đề xuất gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt” cho biết: Sau khi được giảm 50% lệ phí trước bạ đến hết tháng 5 năm nay, ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tiếp tục nhận được ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Điều này sẽ góp phần làm tăng khả năng cạnh tranh cho các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

Để việc gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB năm 2022 không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước và phù hợp với thời điểm hiện nay, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ: Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế TTĐB phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9-2022 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Trong thời gian được gia hạn nộp thuế TTĐB, cơ quan thuế không tính tiền chậm nộp đối với số tiền thuế TTĐB được gia hạn.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cho rằng gia hạn nộp thuế TTĐB thực chất là hỗ trợ các công ty ô tô sản suất, lắp ráp trong nước bằng cách được lùi thời hạn nộp vào chu kỳ sau chứ không được miễn và vẫn phải nộp đầy đủ thuế. Vì vậy, giãn nộp thuế không thể giúp giảm giá bán xe trong nước.

Tuy nhiên, theo ông Thịnh, việc giãn thời gian nộp thuế giúp giảm áp lực tài chính cho các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, giúp họ không phải đi vay, không phải trả lãi. Và khi bớt áp lực dòng tiền, các DN ô tô sẽ có nhiều chính sách kích cầu thị trường hoặc có thể giảm giá ở những mẫu xe cũ.

Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cũng cho biết gia hạn nộp thuế TTĐB đã từng được áp dụng trong năm 2020 đi kèm với chính sách hỗ trợ giảm 50% phí trước bạ cho ô tô trong nước. Mục đích ưu đãi thuế, phí là để tăng sức cạnh tranh cho DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, kéo doanh số bán hàng tăng lên.

Tuy vậy, vị chuyên gia này cho rằng sẽ khó có chuyện giá ô tô giảm vì hiện nay ngoài vấn đề thị trường đầu ra thì chi phí đầu vào đang tăng cũng là trở ngại cho DN ô tô sản xuất, lắp rắp trong nước.

  1. Vấn đề về quản lý thuế

4. Báo Đại đoàn kết (2/4) có bài “Phổ biến tình trạng nhà, đất 2 giá” cho biết: Hiện vẫn còn nhiều trường hợp buôn bán chuyển nhượng BĐS có dấu hiệu trốn thuế, không khai hoặc khai giá trên hợp đồng, hóa đơn thấp hơn giá thực tế. Tình trạng nhà 2 giá, đất 2 giá đang khá phổ biến. Theo Tổng cục Thuế, 3 thủ đoạn, chiêu trò mà các đối tượng thường sử dụng, bao gồm: Hợp đồng chuyển nhượng là giao dịch dân sự giữa các bên và có thể thỏa thuận bằng văn bản hoặc bằng lời nói; 2 bên mua và bán chuyển nhượng BĐS không ký kết hợp đồng chuyển nhượng mà ký kết hợp đồng ủy quyền nhằm tránh thuế TNCN từ chuyển nhượng BĐS.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, các chính sách thuế và phí vẫn chưa phát huy hiệu quả chức năng điều tiết và định hướng thị trường. Thuế chuyển quyền BĐS do không xác định được giá trị thu nhập nên vẫn sử dụng thuế chuyển quyền ở mức 2% giá trị BĐS gây thất thu lớn cho NSNN.

Giới chuyên gia phân tích, khi tính thuế chuyển nhượng BĐS, Luật chỉ ấn định giá chuyển nhượng chứ không ấn định giá vốn của BĐS. Điều này vô hình trung đã không bắt buộc khai đúng giá thực chất của BĐS tại thời điểm chuyển nhượng, dù giá đó có thể đúng với nhiều năm về trước, gây hụt thu NSNN.

5. Báo Công an nhân dân (2/4) có bài “Nghịch lý giá nhà đất và thu ngân sách từ bất động sản” cho biết: Là thị trường BĐS lớn nhất cả nước, nhưng theo Cục thuế TP Hồ Chí Minh, trong 6 năm gần đây tổng số thu ngân sách từ tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ nhà đất, thuế thu nhập doanh nghiệp kinh doanh BĐS, tiền cho thuê đất… tại thành phố chỉ đạt hơn 140 nghìn tỷ đồng. Trong đó số thu tiền sử dụng đất giai đoạn 2011-2021 chỉ đạt 132,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,59% tổng thu ngân sách của thành phố.

Năm 2021 số thu cao nhất đạt hơn 5 nghìn tỷ đồng, còn lại mỗi năm thu ngân sách từ lệ phí trước bạ nhà, đất chỉ đạt hơn 1 nghìn tỷ đồng. Trái ngược với khoản thu ngân sách ít ỏi trên, giá giao dịch nhà, đất hiện tại so với 10 năm trước đã tăng gấp nhiều lần. Giá nhà, đất không ngừng tăng đã khiến cơ hội mua nhà của số đông người lao động ngày càng xa vời trong khi chênh lệch tăng giá nhà, đất thời gian qua chủ yếu rơi vào túi những người đầu cơ.

Để ngăn chặn tình trạng gian lận thuế trong giao dịch nhà, đất, gần đây ngành thuế cả nước đã tập trung “soi” hồ sơ chuyển nhượng để yêu cầu các bên kê khai lại giá chuyển nhượng hoặc truy thu đối với những hồ sơ kê khai giá chuyển nhượng thấp hơn một cách bất thường so với mức giá chung trên thị trường.

Nhiều chuyên gia và người dân đã đặt vấn đề “dẹp” tình trạng đầu cơ “thổi” giá nhà, đất để giúp số đông người thu nhập trung bình và thu nhập thấp đô thị có cơ hội sở hữu nhà.

6. Báo Tiền phong (4/4) có tin “Đà Nẵng xây dựng quy chế chống thất thu thuế bất động sản” cho biết: UBND TP Đà Nẵng đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn.

7. Báo Hà nội mới (4/4) có tin “Số thu thuế thu nhập cá nhân tăng 20,6%” cho biết: Theo Tổng cục Thuế, quý 1-2022, tổng thu NSNN do cơ quan thuế quản lý ước đạt 389.320 tỷ đồng, bằng 33,1% so với dự toán pháp lệnh, bằng 105,3% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nội địa đạt 374.581 tỷ đồng, bằng 32,7% so với dự toán, tăng 3,8% so cùng kỳ; thu từ dầu thô ước đạt 14.739 tỷ đồng, bằng 52,3% so với dự toán, tăng 67,6%.

  1. Vấn đề về chứng khoán

8. Báo Người lao động (2/4) có bài “Tín hiệu tốt cho thị trường chứng khoán: Mạnh tay chặn thao túng”, báo Đại đoàn kết (3/4) có bài “Làm sạch thị trường chứng khoán”, báo Thanh Niên (2/4) có bài “Rủi ro rình rập nhà đầu tư chứng khoán” và bài “Cần mạnh tay làm trong sạch thị trường”, báo Đại đoàn kết (4/4) có bài “Lành mạnh thị trường chứng khoán”, báo Công an nhân dân (2/4) có bài “Khẩn trương điều tra những cá nhân giúp Trịnh Văn Quyết thao túng thị trường chứng khoán”, báo Tiền Phong (2/4) có bài “Trách nhiệm lãnh đạo ngành chứng khoán”, báo Tuổi Trẻ (2/4) có bài “Món nợ của lãnh đạo ngành chứng khoán”… Các báo cho biết: Vụ ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, bị bắt để điều tra về hành vi thao túng chứng khoán đã thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ, Bộ Tài chính và cơ quan quản lý nhằm làm trong sạch và minh bạch thị trường chứng khoán. Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán – UBCKNN cho biết, các hành vi vi phạm này tới đây có thể được xử lý ở mức độ hình sự để răn đe cao hơn, lập lại kỷ cương, trật tự, làm sạch thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, các báo cũng cho rằng không phải tới lúc ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam và Ủy ban kiểm tra Trung ương (UBKTTW) xem xét kỷ luật, nhiều lãnh đạo ngành chứng khoán mới được đề cập tới. Không ít nhà đầu tư trên TTCK từng ca thán rất nhiều trước các vấn đề liên quan trách nhiệm của người đứng đầu UBCKNN. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch VAFI kiến nghị, Bộ Tài chính nên xem xét luân chuyển cán bộ và các nhân sự vừa bị UBKTTW nêu tên. “Cần luân chuyển cán bộ để hoàn thiện bộ máy. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính có giải pháp cụ thể. Bộ Tài chính có giải pháp gì để nâng cao công tác thanh tra, giám sát thị trường. Muốn thanh tra, giám sát thị trường tốt, cán bộ quản lý phải không có sai phạm; đã sai phạm quá nhiều thì không còn sức chiến đấu” – ông Hải nói.

Báo Tuổi Trẻ có bài phỏng vấn TS Lê Đạt Chí – giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng, với việc quản lý lỏng lẻo, thị trường chứng khoán không chỉ có một mình ông Trịnh Văn Quyết thao túng cổ phiếu mà nhiều cá nhân hay tổ chức khác cũng có thể làm được điều tương tự. Về nguyên tắc, bất kỳ doanh nghiệp niêm yết nào đưa ra báo cáo tài chính, cơ quan quản lý cũng phải xem xét cẩn thận. Nếu UBCKNN cầm báo cáo tài chính, nhận thấy dòng tiền của công ty nào đó bất thường, đã không chia cổ tức bằng tiền mặt, còn bị lập các chứng từ để rút ruột cả tỉ đồng ra khỏi công ty, hay tiền của công ty không đi gửi ngân hàng để hưởng lãi suất cao mà lại cho bên nào đó vay với lãi suất thấp… phải có cơ chế để bảo vệ nhà đầu tư nhỏ. Bởi trách nhiệm của UBCKNN là tạo lập ra sân chơi minh bạch, bình đẳng cho mọi đối tượng tham gia. Có thao túng, có sụp bẫy là chưa đạt được mục tiêu này, chưa làm tròn trách nhiệm được giao.

9. Báo Lao động (4/4) có bài “Giám sát chặt việc kiểm toán,  báo cáo tài chính doanh nghiệp” cho biết: Ngày 1/4, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Cục Quản lý giám sát Kế toán, kiểm toán, Thanh tra Bộ yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác kiểm toán doanh nghiệp niêm yết.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu giao Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán thực hiện tốt kế hoạch kiểm tra đã được Bộ phê duyệt đối với các doanh nghiệp kiểm toán thuộc lĩnh vực quản lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về kiểm toán; chủ trì, phối hợp với Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Thanh tra Bộ Tài chính tăng cường, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm toán; trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm nghiêm trọng yêu cầu khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật…

  1. Vấn đề về hải quan

10. Báo Công an nhân dân (2/4) đưa tin “Bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép ma túy tổng hợp” cho biết: Trong quý I/2022, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng số 3.706 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 1.282 tỉ 369 triệu đồng. Số thu ngân sách đạt 69 tỷ 916 triệu đồng. Cơ quan hải quan khởi tố 17 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 21 vụ. Đặc biệt, tình hình vận chuyển trái phép các chất ma túy từ nước ngoài qua địa bàn các Cục Hải quan tỉnh, thành phố diễn biến khá phức tạp, mang tính chất nghiêm trọng.

  1. Vấn đề về ngân sách nhà nước

11. Báo Đại đoàn kết (4/4) có bài “Lấy ý kiến dự thảo quản lý thu chi tiền công đức, tổ chức lễ hội” cho biết: Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp dự thảo (lần 3) Thông tư quy định quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

Bộ Tài chính đã nhận được khoảng 1.700 ý kiến góp ý bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Bộ đã nghiên cứu các ý kiến góp ý, trên cơ sở đó hoàn chỉnh lại dự thảo Thông tư.

Theo dự thảo, đối với quy định “Tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí đối với lễ hội do cơ quan nhà nước tổ chức”, dự thảo quy định: “Mở tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí cho hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử” để bảo đảm tách bạch, công khai, minh bạch, đúng mục đích trong hoạt động lễ hội tại các cơ quan nhà nước...

12. Báo Hà nội mới (2/4) có tin “Thu ngân sách quý I-2022 đạt 460,6 nghìn tỷ đồng” cho biết: Theo Bộ Tài chính, tổng thu NSNN quý I/2022 đạt 460,6 nghìn tỷ đồng, bằng 32,6% dự toán, tăng 7,7% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nội địa đạt 375,2 nghìn tỷ đồng, bằng 31,9% dự toán, tăng 4% so cùng kỳ năm 2021; thu từ dầu thô đạt 14,7 nghìn tỷ đồng, bằng 52,3% dự toán, tăng 67,6%...  Một số khoản thu có tăng trưởng so cùng kỳ năm 2021 như: Thuế TNCN tăng 20,7%; thuế bảo vệ môi trường tăng 7,1%... Các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất, kinh doanh mặc dù đạt khá so với dự toán, song vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021.

13. Báo Nhân dân (3/4) có bài “Tập trung thu thuế kinh doanh BĐS” cho biết: Đánh giá tình hình thực hiện dự toán NSNN và công tác quản lý điều hành thu chi NSNN của Bộ Tài chính cho biết, tổng thu NSNN lũy kế 2 tháng ước đạt 323,8 nghìn tỉ đồng, bằng 22,9% dự toán.

Cũng theo Bộ Tài chính, trong các nhiệm vụ trọng tâm của tháng 3/2022, Bộ tiếp tục triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các DN hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; tiếp tục đẩy mạnh công tác chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS; đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện nghĩa vụ với NSNN trong hoạt động kinh doanh BĐS.

  1. Vấn đề về quản lý bảo hiểm

14. Báo Quân đội nhân dân (4/4) có bài “Bảo hiểm cho người nghèo” cho biết: Dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sẽ được trình QH khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 3 có bổ sung quy định rất quan trọng về bảo hiểm vi mô. Đây là loại hình bảo hiểm dành riêng cho nhóm đối tượng có thu nhập thấp. Khi có hành lang pháp lý đầu đủ, DNBH có điều kiện để thúc đẩy phát triển loại hình bảo hiểm này, qua đó góp phần làm giảm những tác động tiêu cực từ rủi ro tới nhóm gia đình có thu nhập thấp.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nếu bảo hiểm vi mô được quy định trong Luật KDBH, DN sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển dòng sản phẩm hướng tới bảo vệ người có thu nhập thấp. Các ĐBQH và nhiều chuyên gia cho rằng đây là sự bổ sung cần thiết để tạo điều kiện thúc đẩy dòng sản phẩm bảo hiểm mang tính nhân văn rất cao này.

  1. Vấn đề về giá xăng dầu

15. Báo Tuổi trẻ (2/4) có bài “Vì sao giá xăng chỉ giảm nhẹ?” cho biết: Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Bộ Công thương cho hay theo quy định hiện hành về công thức giá cơ sở mặt hàng xăng dầu, trong cơ cấu giá xăng dầu, giá thế giới chiếm 65-67% giá cơ sở với xăng và 78-80% với mặt hàng dầu. Khi giảm thuế bảo vệ môi trường, cơ cấu giá thế giới để tính giá cơ sở sẽ tăng lên, chiếm 70-72% với xăng và 80-86% với dầu.

Trong khi đó, giá thế giới bình quân để tính giá cơ sở kỳ 1-4 đã tăng từ 4-18%. "Do đó, dù thuế bảo vệ môi trường đã được giảm từ 700 - 2.000 đồng/lít/kg, nhưng giá xăng dầu trong nước chỉ giảm khoảng 1.000 đồng/lít đối với xăng và tăng 500 - 1.500 đồng/lít đối với dầu đã được liên bộ công bố", vị này phân tích.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đức Độ, phó viện trưởng Viện Kinh tế - tài chính, cho rằng thuế bảo vệ môi trường giảm chỉ phần nào giúp kềm giá trong nước, chứ khó có thể giảm thêm. "Cũng rất khó để giảm thêm các loại thuế phí khác bởi còn phụ thuộc vào cân đối nguồn lực từ ngân sách, giảm thêm thuế thì phải tính toán thu từ nguồn khác, đó là vòng luẩn quẩn", ông Độ nói.

Theo đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, sau kỳ điều hành ngày 1-4, giá xăng đang có xu hướng giảm nên doanh nghiệp đầu mối đã tăng mạnh chiết khấu, lên mức trên 1.000 đồng/lít với các mặt hàng. Đây là mức chiết khấu đảm bảo cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bù đắp chi phí, giảm bớt khó khăn thời gian qua khi chiết khấu có thời điểm ở mức 0%.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00