Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 15/4/2022

Điểm báo ngày 15/4/2022

I. Vấn đề Quốc hội quan tâm

1. Thanh niên online (15/4) có tin “Làm rõ nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp”; Vietnamnet (14/4) có tin “Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ nợ xấu mới từ bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp”; Tuổi trẻ online (14/4) có tin “Làm rõ nợ xấu mới từ cho vay bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp”; Pháp luật TPHCM online (14/4) có tin “Chủ tịch Quốc hội: Làm rõ nợ xấu từ bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp”; Tiền phong online (14/4) có tin “Chủ tịch Quốc hội: Làm rõ nợ xấu từ bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp” cho biết: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần có đánh giá nợ xấu phát sinh mới, nhất là liên quan đến lĩnh vực bất động sản, liên quan đến trái phiếu của doanh nghiệp và ngân hàng.

Sáng 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, Nghị quyết 42 đã mang lại nhiều chuyển biến quan trọng trong xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu tổ chức tín dụng.

Chủ tịch Quốc hội cho hay, qua nghiên cứu sơ bộ thì vướng mắc chủ yếu ở khâu thực thi. Cần làm rõ tổng số nợ xấu được xử lý theo Nghị quyết 42 là bao nhiêu, đã xử lý được bao nhiêu, còn lại là như thế nào, kể cả nợ xấu nội bảng cũng như nợ xấu trong hệ thống khác, mà nội bảng là phải theo chuẩn mực.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nợ xấu liên quan đến cho vay BOT, dự án Quốc lộ 1, các bộ đã nói đến nhiều, "bây giờ phải nhìn thẳng vào xem là bao nhiêu, bởi vấn đề này hiện cũng rất nóng".

Về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, riêng phát hành năm 2021 đến hơn 700 nghìn tỷ, trong đó 44% về các lĩnh vực bất động sản. “Vấn đề trái phiếu doanh nghiệp đã được cảnh báo nhiều lần chứ không phải bây giờ mới cảnh báo. Tình hình trên thị trường chứng khoán, tiền tệ, ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp chắc chắn tới đây rất nóng. Hôm trước, chúng tôi giao cho Ủy ban Kinh tế, các đồng chí cũng dần dần rà soát, kiểm tra, đánh giá việc này. Từ đó, chúng ta mới nói nguyên nhân khách quan, chủ quan”.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, Nghị quyết 42 thực chất là Luật Xử lý nợ xấu của Việt Nam, nó khác hoàn toàn với cơ chế thông thường, khác hoàn toàn với quy định Luật Tổ chức tín dụng và các quy định pháp luật khác. Nghị quyết 42 có giá trị như một luật của các nước về xử lý tình huống khẩn cấp.

“Đừng có đặt vấn đề xây dựng một luật về xử lý nợ xấu. Nghị quyết này chính là luật về xử lý nợ xấu. Cần hoàn thiện Luật Tổ chức tín dụng, trên cơ sở thí điểm này để tổng kết, đánh giá rồi đưa vào”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Phát biểu tại phiên họp, khi đề cập đến việc gần đây xử lý các tập đoàn lớn như FLC và Tân Hoàng Minh do có vi phạm, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết cử tri băn khoăn, liệu việc xử lý đó có ảnh hưởng đến nợ xấu của các tổ chức tín dụng hay không. Từ đó, bà Thanh đề nghị NHNN cần tham mưu cho Chính phủ tiếp tục rà soát, xây dựng các phương án, kịch bản linh hoạt để sẵn sàng xử lý tình huống phát sinh.

“NHNN nên phối hợp Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá, có phương án ứng xử phù hợp nhằm ổn định thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư liên quan thị trường chứng khoán và trái phiếu DN gần đây, đặc biệt liên quan hai tập đoàn là FLC và Tân Hoàng Minh”, bà Thanh nói.

II. Vấn đề về chứng khoán

2. Báo Đại đoàn kết (15/4) có bài “Cần cảnh giác tin giả” cho biết: Gần đây, nhiều NĐT chứng khoán đang bị ngợp trong các tin đồn. Theo khuyến cáo của UBCKNN trong bối cảnh nhiều tin giả, tin đồn, nhà đầu tư cần theo dõi thông tin tại các nguồn chính thống, tránh bị tác động tâm lý dẫn đến sai lầm trong đầu tư.

Đại diện UBCKNN cho biết, Thủ tướng đã liên tiếp có 2 công điện trong đó chỉ đạo nhiều biện pháp để bảo đảm TTCK, thị trường TPDN hoạt động ổn định, lành mạnh, minh bạch, an toàn và phát triển bền vững. Về phía cơ quan quản lý, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo UBCKNN và các đơn vị chức năng về việc tăng cường sự phát triển ổn định, lành mạnh của TTCK.

Theo đánh giá, TTCK 2022 vẫn khả quan, do đó, NĐT nên lựa chọn những cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, hưởng lợi từ quá trình phục hồi kinh tế, tránh đầu tư theo trào lưu, đầu cơ rủi ro cao. Trong bối cảnh nhiều tin giả, tin đồn như thời gian gần đây, NĐT cần theo dõi thông tin chặt chẽ tại các nguồn thông tin chính thống, tránh bị tác động tâm lý không mong muốn dẫn đến sai lầm trong đầu tư.

3. Bnews – TTXVN (15/4) có bài “Hiến kế lấp “lỗ hổng” pháp lý trên thị trường chứng khoán” cho biết: Việc khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng do những vi phạm liên quan đến thao túng thị trường chứng khoán, huy động trái phiếu doanh nghiệp được nhận định là quyết tâm cao của cơ quan tư pháp, cơ quan quản lý nhằm làm trong sạch thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, vấn đề quan trọng ở đây là cùng với việc xử lý đó thì các cơ quan chức năng, cơ quan lập pháp phải xem xét được hiện nay thị trường còn “lỗ hổng” ở đâu, đồng thời cần có thêm các biện pháp để giám sát, ngăn chặn.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật SBLAW, quy định phát hành trái phiếu riêng lẻ hiện nay tương đối có lợi cho các doanh nghiệp, nhưng cần có biện pháp giám sát của chính các tổ chức liên quan. Đơn cử như cần có sự tham gia của các tổ chức đánh giá xếp hạng tín nhiệm trong hồ sơ chào bán trái phiếu riêng lẻ ra công chúng. Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng cho rằng, có thể cập nhật, xem xét những hình thức xử lý vi phạm trên thế giới để áp dụng với Việt Nam. Các quy định của pháp luật Việt Nam về thị trường tài chính hiện nay chưa theo kịp sự phát triển của thị trường trong thực tế.

Một thực tế là hiện nay có rất nhiều đội nhóm trên mạng hô hào mang tính chất định hướng để nhà đầu tư mua, hoặc bán một loại cổ phiếu nhất định. Qua đó đẩy giá lên cao, hoặc “dìm” giá cổ phiếu. Đây cũng là hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam cho rằng, nguyên nhân vẫn diễn ra tình trạng thao túng giá chứng khoán là mức xử lý vẫn chưa đủ tính răn đe. Với thị trường chứng khoán phát triển như Mỹ cũng có việc thao túng giá chứng khoán. Tuy nhiên, luật pháp của họ rất nghiêm ngặt nên không có chuyện “phím hàng” công khai như vậy.

“Không như ở Việt Nam, nhà đầu tư có thể hỏi thông tin về mã cổ phiếu và coi chuyện này là điều hiển nhiên trao đổi trên các diễn đàn, mạng xã hội. Do vậy, phải ngăn chặn việc "phím hàng" công khai trên mạng xã hội bằng cách xử lý mạnh tay và đẩy mạnh công tác tuyên truyền”, ông Khánh kiến nghị.

III. Vấn đề về quản lý thuế

4.  Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (14/4) có bài “Sửa đổi Nghị định 15/2022/NĐ-CP” cho biết: Theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP, từ ngày 1/2/2022 đế ngày 31/12/2022, một số nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng. Khoản 4 điều 1 nghị định này quy định: “Cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho các hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cơ sở kinh doanh không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng thì không được giảm thuế giá trị gia tăng”.

Việc phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế đã làm tăng chi phí thời gian của kế toán, tăng chi phí sử dụng hóa đơn cũng như phải điều chỉnh lại phần mềm kế toán hỗ trợ cho việc xuất hóa đơn riêng với thuế suất 8%.

Nhiều doanh nghiệp phản ánh nếu tách riêng hóa đơn hàng hóa, dịch vụ được áp dụng thuế suất 8%, thì số hóa đơn sẽ tăng gấp đôi, chưa kể chi phí nâng cấp, sửa đổi phần mềm hóa đơn, phần mềm kế toán…

Ngày 30/3/2022, Bộ Tài chính đã có Văn bản 2927/BTC-TCT gửi Bộ KHĐT, Bộ Công Thương, Bộ TTTT, UBND các tỉnh, thành phố và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xin ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 15. Nội dung khoản 4 điều 1 được sửa như sau: “Trường hợp cơ sở kinh doanh bên bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau thì trên hóa đơn phải ghi rõ thuế suất hoặc mức tỷ lệ % tính thuế GTGT được giảm của từng hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại khoản 3 Điều này”.

5. Thanh niên online (14/4) có tin “Vụ cán bộ thuế 'biến đất mặt tiền thành đất hẻm': Trả hồ sơ, tạm giam các bị cáo”; Pháp luật TPHCM (15/4) có tin “Vụ biến đất mặt tiền thành đất hẻm để trốn thuế: Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm” cho biết: Ngày 14/4, TAND Q.12 mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Trương Thị Thu Thủy (35 tuổi, nguyên nhân viên Chi cục Thuế Q.12), Nguyễn Thị Bích Phượng (47 tuổi, nguyên Đội trưởng Đội thuế liên phường, Chi cục Thuế Q.12) và Nguyễn Minh Quang (65 tuổi, nguyên Trưởng chi cục Thuế Q.12, đã nghỉ hưu) về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo cáo trạng, ngày 29/11/2017, Công an Q.12 nhận được đơn tố giác tội phạm của ông T.N.H., tố ông Bùi Mạnh Hải (ngụ P.An Phú Đông, Q.12) có hành vi gian lận, trốn thuế trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng 4 thửa đất thuộc tờ bản đồ số 45, P.Thạnh Xuân, Q.12.

CQĐT xác minh, năm 2009, ông Hải mua 4.000 m2 trên đường Tô Ngọc Vân (Q.12). Do có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ông Hải đã thuê Đặng Bá Cường làm dịch vụ giấy tờ. CQĐT đã xem xét hồ sơ, phát hiện 4 thửa đất trên không phải là đất thuộc hẻm mà là đất giáp mặt tiền. Việc xác nhận vị trí đất không đúng đã làm thay đổi việc áp dụng giá tính thuế. Ông Hải chỉ nộp tiền thuế 2,1 tỉ đồng, thay vì phải nộp gần 8,7 tỉ đồng. Thất thoát hơn 6,5 tỉ đồng.

Các bị cáo nguyên là cán bộ trực tiếp thụ lý hồ sơ tính thuế 4 thửa đất trên, dù trong hồ sơ không ghi đủ thông tin nhưng các bị cáo vẫn áp dụng tính thuế, ký duyệt gây thất thoát tiền nhà nước.

HĐXX nhận thấy đại diện Viện KSND Q.12 truy tố các bị cáo tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là chưa chính xác, cần phải trả hồ sơ điều tra bổ sung vì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Đồng thời, cần nhập lại vụ án “làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “trốn thuế” để tiến hành điều tra một cách toàn diện.

Do các bị cáo phạm tội nghiêm trọng, nên HĐXX cũng đề nghị Viện KSND, CQĐT thay đổi biện pháp ngăn chặn của các bị cáo từ cấm rời khỏi nơi cư trú thành tạm giam.

6. Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (14/4) có bài “Chống thất thu thuế bất động sản: đừng chỉ nghĩ đến biện pháp hành chính” cho biết: Vừa qua, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các cục thuế địa phương tăng cường rà soát, phối hợp với các cơ quan điều tra để ngăn chặn các hành vi trốn thuế. Qua rà soát, các cơ quan thuế đã yêu cầu hàng ngàn người nộp thuế phải khai lại giá trị bất động sản vì cho rằng người dân khai chưa đúng với giá thị trường, có dấu hiệu trốn thuế. Vấn đề mà người dân băn khoăn là cơ quan thuế dựa trên cơ sở nào để cho rằng người dân khai giá bán thấp hơn giá thị trường? Có thể cơ quan thuế tự thu thập thông tin và lấy đó làm cơ sở để yêu cầu người dân điều chỉnh giá?

Việc cơ quan thuế đang tự cho mình có chức năng thẩm định giá và yêu cầu người dân phải tuân thủ sẽ gây ra nhiều khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Cách làm này sẽ dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian mua bán và hoàn tất thủ tục giấy tờ sở hữu bất động sản. Đây cũng chính là kẽ hở dễ phát sinh tiêu cực trong ngành thuế. Cũng không loại trừ, người dân và cơ quan thuế kéo nhau ra tòa nếu người nộp thuế cho rằng cơ quan thuế gây thiệt hại cho họ do kéo dài thời gian tính thuế, áp thuế chưa phù hợp. Mặc khác, với hàng trăm ngàn giao dịch mỗi năm, việc trả lại các hồ sơ khai thuế do không thống nhất về giá trị bất động sản tính thuế sẽ gây ra những thiệt hại lớn cho nền kinh tế.

Để chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản, cần có những thay đổi căn cơ về mặt pháp lý thay vì giao cho cơ quan thuế tự thẩm định, tính giá và ra những mệnh lệnh hành chính thiếu cơ sở pháp lý đối với người dân. Theo đó, phải xây dựng được bảng giá đất sát với thị trường. Các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong việc kiểm tra, thanh tra các văn phòng công chứng, xử lý nghiêm các cơ quan công chứng thỏa hiệp, tiếp tay cho hành vi “công chứng chờ” nhằm trốn thuế chuyển nhượng bất động sản. Bên cạnh đó, Nhà nước nên chấp nhận cách tính thuế dựa trên chênh lệch (thu nhập) giữa giá mua và bán. Đây mới là cách tính thuế công bằng cho cả người dân và Nhà nước. Cuối cùng, khi phát hiện được hành vi trốn thuế chuyển nhượng bất động sản cần có những chế tài nghiêm khắc đối với người vi phạm, người giúp sức.

7. Báo Pháp luật Việt Nam (15/4) có bài “Căng mình chống thất thu thuế thương mại điện tử” cho biết: Khả năng thất thu NSNN từ thuế đối với kinh doanh TMĐT đang là hiện hữu khi các cơ quan quản lý rất khó giám sát và thu thập thông tin về mua bán kinh doanh trực tuyến. Tổng cục Thuế vừa yêu cầu toàn ngành siết chặt công tác thanh tra, kiểm tra các hành vi trốn thuế trong lĩnh vực kinh doanh đang trở nên phổ biến sau đại dịch này…

IV. Vấn đề về hải quan

8. Tuổi trẻ online (14/4) có tin “Hải quan TP.HCM lý giải vì sao công tác kiểm tra hàng quá cảnh thường kéo dài” cho biết: Nhiều vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp đã được Cục Hải quan TP.HCM giải đáp, hướng dẫn trong buổi gặp gỡ với các doanh nghiệp, đại lý hải quan chiều 14/4.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, thời gian gần đây, Chi cục Hải quan khu vực 4, cảng Cát Lái & SPITC liên tục tăng cường công tác kiểm tra hàng hóa đối với hàng quá cảnh. Rất nhiều tờ khai, container bị giữ lại yêu cầu kiểm hóa, tuy nhiên công tác kiểm tra thường kéo dài 1-2 tháng, phát sinh rất nhiều chi phí, gây ảnh hưởng lớn đến việc khai thác hàng hóa và làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng hàng hóa. Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch, các doanh nghiệp vận chuyển đang rất cần có nguồn hàng để duy trì hoạt động.

Ông Nguyễn Hữu Nghiệp - Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM - cho biết việc lợi dụng hàng quá cảnh hiện "hết sức căng thẳng". Do hàng hóa này không phải của Việt Nam, nên khi cơ quan hải quan quyết định kiểm tra cũng gặp nhiều can thiệp từ phía cơ quan ngoại giao. Theo quy định, cơ quan hải quan chỉ kiểm tra thực tế hàng quá cảnh khi có dấu hiệu vi phạm, hiện tỉ lệ kiểm tra cũng chỉ 0,02%. Tuy nhiên việc kiểm tra thường kéo dài do hàng quá cảnh thường vi phạm về sở hữu trí tuệ nên cần nhiều thời gian. Ngoài ra, khi xác minh hồ sơ doanh nghiệp ở nước ngoài cũng không thấy thông tin về doanh nghiệp ở nước sở tại. Tuy nhiên, qua phản ánh của doanh nghiệp, Cục sẽ sớm báo cáo Tổng cục để công tác thu thập thông tin, quản lý rủi ro, soi chiếu hiệu quả hơn, giảm tỉ lệ kiểm tra thực tế.

V. Vấn đề về NSNN

9. VnEconomy.vn (14/4) có tin “Ngân sách nhà nước dư gần 110.000 tỷ đồng nhưng chậm trễ chi đầu tư phát triển” cho biết: Tính đến hết quý 1, cân đối ngân sách nhà nước thặng dư 109,3 nghìn tỷ đồng. Dù "dư dả" nhưng tốc độ chi ngân sách cho đầu tư phát triển chậm trễ sẽ là "điểm nghẽn" đến tiến trình phục hồi...

Cập nhật tình hình thu chi ngân sách mới nhất, Bộ Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước quý 1 ước đạt 460,6 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 32,6% dự toán và duy trì mức tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2021, mặc dù nhiều khó khăn, thách thức trong quý đầu năm. Về phía chi, tổng chi ngân sách nhà nước quý 1 đạt 351,3 nghìn tỷ đồng, bằng 19,7% dự toán.

Liên quan đến chi đầu tư phát triển, tổng số kế hoạch vốn năm 2022 Thủ tướng Chính phủ giao là 518,1 nghìn tỷ đồng, các địa phương giao tăng khoảng 39,9 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao từ các nguồn tăng thu, kết dư ngân sách địa phương... Cũng trong năm 2022, hàng chục ngàn tỷ đồng vốn đầu tư công được giải ngân từ chương trình phục hồi.

Tuy nhiên, đến hết quý 1, các bộ, cơ quan trung ương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đạt 97,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Như vậy, kế hoạch vốn chưa được triển khai phân bổ chi tiết là 51.015,655 tỷ đồng, chiếm 9,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó, vốn trong nước là 49.443,821 tỷ đồng, vốn ngoài nước là 1.571,834 tỷ đồng. Trong đó, có 19/51 bộ và 20/63 địa phương chậm trễ chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.

Việc giải ngân chậm vốn ODA do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn: tác động bởi đại dịch Covid-19, áp lực lạm phát, giá vật tư, vật liệu xây dựng sắt thép, cát đá, xi măng tăng cao làm cho tiến độ thi công các dự án ODA bị chậm lại. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn được nhìn nhận là nguyên nhân chủ yếu, dẫn đến tiến độ giải ngân vốn ODA ì ạch.

Theo Bộ Tài chính, một số Bộ, ngành, địa phương còn thiếu quyết tâm chính trị, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ, chưa thật sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và các nhà tài trợ còn thiếu chặt chẽ.

VI. Vấn đề về quản lý nợ

10. Vietnamnet (15/4) có tin “Con số nợ công mới nhất: 3,5 triệu tỷ đồng” cho biết: Ngày 14/4, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) công bố Bản tin nợ công số 13, thống kê tình hình nợ công của Việt Nam đến tháng 6/2021. Nợ công bao gồm nợ của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Theo đó, tính đến 30/6/2021, nợ công của Việt Nam là hơn 3,5 triệu tỷ đồng.

Trong đó, nợ của Chính phủ là hơn 3,1 triệu tỷ đồng (vay nước ngoài là 1,1 triệu tỷ đồng, vay trong nước là 2 triệu tỷ đồng). So với năm 2017, nợ của Chính phủ tăng thêm hơn 533 nghìn tỷ đồng. Nợ được Chính phủ bảo lãnh là hơn 338 nghìn tỷ đồng, thấp hơn so với thời điểm năm 2017 (năm 2017 là 455 nghìn tỷ đồng) do Chính phủ  những năm gần đây siết việc cấp bảo lãnh. Nợ của Chính quyền địa phương là hơn 46 nghìn tỷ đồng.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00