Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 25/4/2022

Điểm báo ngày 25/4/2022

I. Vấn đề nổi bật

1. Chiều 22-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã báo cáo tại Hội nghị. Nhiều báo đài đưa tin như:  VOV.vn (22/4) có bài “Thủ tướng: Thực hiện mọi biện pháp để ổn định, phát triển thị trường chứng khoán bền vững”; TTXVN (22/4) có bài “Thủ tướng chủ trì hội nghị về phát triển thị trường vốn an toàn”; Tuổi trẻ có bài “Thủ tướng: Nhanh chóng làm lành mạnh, trong sạch thị trường chứng khoán”; Quân đội nhân dân có bài “Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sẽ ban hành Nghị quyết về phát triển ổn định thị trường vốn”; VTVnews có bài “Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả và bền vững”; Người lao động (23/4) có bài “Kiểm soát thị trường vốn, bảo vệ nhà đầu tư”; Sài Gòn giải phóng có bài “Thủ tướng: Làm trong sạch thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, doanh nghiệp”; Tiền phong có bài “Thủ tướng chủ trì Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch”; Đầu tư có bài “Việt Nam có thể trở thành một trong những thị trường vốn mới nổi thành công”; Công thương có bài “Chính phủ quyết tâm làm lành mạnh thị trường vốn” và nhiều báo khác cho biết: Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, thị trường tài chính đang ngày càng phát triển theo hướng cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu, góp phần quan trọng vào tái cơ cấu nợ công và bắt đầu trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho các DN. Song, Bộ trưởng cũng cho rằng TTCK, trái phiếu gần đây phát sinh những rủi ro tiềm ẩn như: TTCK phái sinh xuất hiện hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; NĐT cá nhân chưa hiểu rõ pháp luật về đầu tư, giao dịch TPDN riêng lẻ; một số DN sử dụng vốn không đúng với thông tin đã công bố khi phát hành trái phiếu.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính trước mắt sẽ khẩn trương trình Chính phủ nội dung sửa đổi quy định về phát hành TPDN riêng lẻ tại Nghị định 153/2020 theo hướng siết chặt một cách hợp lý, quản lý chặt chẽ các công ty chứng khoán tư vấn phát hành… Đồng thời, kiến nghị Chính phủ trình QH rà soát tổng thể quy định tại Luật Chứng khoán bảo đảm hành vi thao túng thị trường phải được xử lý nghiêm minh, DN thực hiện đúng quy định phải được hỗ trợ để phát triển.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ thẳng thắn chỉ rõ, bên cạnh những kết quả tích cực, thì tình hình tăng trưởng nhanh của TTCK, thị trường TPDN thời gian gần đây đã phát sinh những rủi ro tiềm ẩn. “Chính phủ thể hiện rất rõ quan điểm xử lý nghiêm và quyết liệt những hành vi sai trái, để minh bạch hóa thị trường và bảo vệ nhà đầu tư, doanh nghiệp. Chính vì vậy, chúng ta phải tập trung giải quyết ngay những bất cập đã và đang được nhận diện trong thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành”, Thủ tướng khẳng định.

Thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng đưa ra là nhanh chóng làm trong sạch thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, doanh nghiệp, đưa thị trường phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững.

Thủ tướng cũng cho rằng cần có biện pháp kiểm soát hoạt động công ty chứng khoán đảm bảo tính minh bạch, cơ chế giám sát thị trường, trách nhiệm giải trình, có chính sách đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư....

Thủ tướng yêu cầu, Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng hành lang pháp lý, trình các cấp có thẩm quyền để bảo vệ nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán, đặc biệt là thị trường trái phiếu; có giải pháp để phát triển cân bằng thị trường vốn và thị trường tiền tệ; phát triển lành mạnh, bền vững TTCK để mở rộng quy mô huy động vốn trung và dài hạn.

Đối với TTCK, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính cần khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định bất cập hiện hành đặc biệt liên quan đến quy định việc minh bạch thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của các chủ thể quản lý, tham gia thị trường như cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, công ty chứng khoán, nhà đầu tư, tăng cường các giải pháp chế tài để xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK để bảo vệ nhà đầu tư, từ đó khôi phục niềm tin đặc biệt xử lý nghiêm tình trạng tháo túng, làm giá đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững.

III. Vấn đề về chứng khoán

2. Báo Tiền Phong (25/4) có bài “Phép thử”, báo Đại đoàn kết (23/4) có bài “Bịt ‘lỗ hổng’ thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp”, các báo cho biết: Sau khi nhậm chức Bộ trưởng Bộ Tài chính, bằng linh cảm của “dân” kiểm toán, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc gần như ký văn bản đầu tiên trên cương vị mới gửi UBCKNN yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường TPDN (tháng 9/2021). Cách vài tháng, tân Bộ trưởng lại phát văn bản với cấp độ, từ ngữ sâu sát hơn. Thâm chí, có lúc Bộ trưởng Hồ Đức Phớc còn nói rõ, nếu có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, UBCKNN khẩn trương chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của  pháp luật.

Trao đổi với báo chí về hoạt động của thị trường tài chính trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, các hành vi thao túng phải bị xử phạt nghiêm minh, ngược lại những DN làm ăn chân chính phải ủng hộ hết mức để TTCK phát triển bền vững, vì đây vẫn là kênh dẫn vốn quan trọng với DN cũng như nền kinh tế.

3. Báo Đại đoàn kết (23/4 và 25/4) có bài “Làm ‘sạch’ thị trường chứng khoán” “An toàn, minh bạch thị trường chứng khoán” cho biết: Thị trường chứng khoán vẫn chưa hết nóng khi tiếp tục có nhiều đối tượng thao túng giá cổ phiếu bị bắt giam. Nhìn lại những vụ việc vừa qua, giới chuyên gia cho rằng, thời điểm này cần nhất là thanh lọc để mang lại sự trong sạch cho TTCK Việt Nam.

TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng: Không chỉ Việt Nam mà các thị trường quốc tế đều trải qua những giai đoạn phát triển nóng như TTCK thời gian gần đây. Do đó, TTCK sẽ vẫn tiến lên cùng với đà tăng trưởng của thị trường thế giới. Vấn đề đặt ra là việc làm sạch TTCK phải là ưu tiên hàng đầu, nhưng đó cũng là một bài toán không dễ.

Để quản lý tốt hơn, TS Lê Xuân Nghĩa kiến nghị, phải để UBCKNN là cơ quan độc lập thuộc Chính phủ chứ không thể để thuộc Bộ Tài chính như lâu nay. Bởi TTCK có tính rủi ro cao không thể để cùng sự quản lý với một bên là ngân sách vốn có rủi ro thấp nhất, an toàn nhất. Ngoài ra, ông Nghĩa cũng kiến nghị một cơ chế bình ổn thị trường. “Hiện nay, chúng ta rơi vào tình trạng khi chứng khoán giảm không có ai mua, khi tăng không ai bán. Trong khi Mỹ có 11 công ty, Nhật có 4 công ty chuyên làm nhiệm vụ để bình ổn thị trường” –TS Lê Xuân Nghĩa dẫn chứng.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải hoàn chỉnh các thể chế, chính sách, nhất là Nghị định 153 sửa đổi, quy định điều kiện được phát hành trái phiếu, do ở ta hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, cần phải quy định vốn vay/vốn chủ sở hữu, cân đối giữa vốn vay ngân hàng và vốn chủ sở hữu ở mức hợp lý.

4. Báo Tuổi Trẻ (25/4) có bài “Chứng khoán: siết và buông” cho biết: Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Hồ Quốc Tuấn (giảng viên Đại học Bristol, Anh) đề nghị nhiều giải pháp cho TTCK VN. Theo ông Tuấn, thay vì đặt câu hỏi doanh nghiệp thua lỗ mà vì sao giá cổ phiếu tăng thì nên đặt câu hỏi như: “Vì sao chủ tịch doanh nghiệp niêm yết như FLC đã “bán chui” trước đây, bị bắt quả tang, bị phạt nhưng vẫn yên vị ở ghế chủ tịch lâu dài cho đến nay? Trên hết là một câu hỏi: Những người lãnh đạo TTCK đã phát huy hết vai trò giám sát của mình, để ngăn các “con voi” lại chui lọt các lỗ kim? Những “con voi” như FLC, Tân Hoàng Minh, “họ Louis”… có phải nhờ sân golf hay những nơi dành cho cuộc sống thượng lưu mà chui qua lỗ kim không?”

Ông Tuấn cho rằng, việc xử lý vi phạm chứng khoán ở VN phải mạnh, đủ tính răn đe. Ví dụ, sau lần đầu ông chủ tịch công ty niêm yết “bán chui” cổ phiếu, DN công bố thông tin sai sự thật… thì buộc phải phạt thật nặng, thậm chí “kéo” khỏi ghế chủ tịch như ông Elon Musk từng bị. Giải pháp thứ hai là xử lý các xung đột lợi ích của công ty chứng khoán, ngân hàng trong phát hành, hay giúp bán các sản phẩm tài chính. Quy định rõ ràng trong việc giám sát, hậu kiểm, tránh các xung đột lợi ích… sẽ góp phần dễ dàng xử phạt những ngân hàng, công ty chứng khoán và cả lãnh đạo cơ quan quản lý về việc tiếp tay cho việc lừa đảo trên TTCK.

5. Báo Người lao động (25/4) có bài “Những mảng sáng trên thị trường chứng khoán” cho biết: Thị trường chứng khoán thời gian qua bị “khủng hoảng tâm lý” sau dư chấn rà soát, xử lý các lãnh đạo DN có hành vi thao túng, làm giá trên TTCK cũng như có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động thu hút dòng tiền trên thị trường trái phiếu. Giá hàng loạt cổ phiếu giảm sâu 50-60%, thậm chí 300% chỉ trong vài tuần. Tuy nhiên, thực tế hoạt động kinh doanh của hàng loạt DN niêm yết vẫn rất tốt, dự báo khả quan; nhiều mã “lội ngược dòng” tăng phi mã.

Giá cổ phiếu FPT, PNJ, MGW… trong vòng 2 tháng đã tăng ít nhất 40-60% bất chấp VN-Index giảm sâu. Ngành hóa chất, phân bón được đánh giá “hot” nhất nhì trên sàn vì hưởng lợi từ nhiều yếu tố khách quan, chủ quan. Nguyên nhân là do xuất khẩu phân bón đã tăng 42,2% về lượng và gấp đôi về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Từ đó, các công ty như Công ty Hóa chất Đức Giang (DGC), Đạm Phú Mỹ (DPM), DAP Vinachem (DDV), công ty phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM)… đều báo lãi khủng, giá cổ phiếu tăng nhanh….

Ngoài ngành phân bón, hóa chất thì ngành xuất khẩu thủy sản, cảng biển… cũng được cho là đang thu hút các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng được cho là nhóm ngành ổn định, giữ được vai trò của nhóm cổ phiếu “vua”, làm trụ trong thời gian qua.

Một chuyên gia tài chính chứng khoán cho rằng, thời gian qua thị trường giảm mạnh phần lớn là do tâm lý hoảng loạn, trong khi mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không có gì thay đổi. Có chăng là do một phần chính sách “vận hành” nguồn vốn trong thời gian tới có sự thay đổi nên nhà đầu tư sẽ nhìn thấy ngành nào hưởng lợi, ngành nào khó khăn và luân chuyển dòng tiền. Xét trên khía cạnh chung, thị trường đã giảm quá đà. “Giá cổ phiếu đã ở mức hấp dẫn, nhiều mã giảm sâu về mức của 2-3 tháng trước. Nhiều ngành có kết quả kinh doanh khả quan và quan trọng hơn là tâm lý nhà đầu tư đã ổn định nên khả năng thị trường chứng khoán sẽ trở lại là kênh hấp dẫn”-chuyên gia này nhận định. 

III. Vấn đề về chính sách thuế

6. Báo Nhân dân (25/4) có bài “Phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến 2030”, Lao Động (25/5) có bài “Sẽ tăng thuế đối với thuốc lá, bia, rượu”, Sài gòn giải phóng (25/4) có bài “Xây dựng lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, bia, rượu”, Hà nội mới (25/4) có bài “Phê duyệt chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030”, báo Thanh niên (25/4) có bài “Sẽ xem xét ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ”, các báo cho biết: Ngày 23/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 508/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.

Theo đó, đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, Chiến lược định hướng xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế.

Đồng thời, rà soát điều chỉnh mức thuế tiêu thụ đặc biệt một số mặt hàng để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030; nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Cùng với đó là nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để thúc đẩy xuất khẩu, khuyến khích gia tăng giá trị nội địa, hạn chế xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản thô; có chính sách ưu đãi phù hợp để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ và các lĩnh vực ưu tiên.

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, Chiến lược này hướng tới sửa đổi hoặc bãi bỏ ưu đãi miễn, giảm thuế không còn phù hợp; hạn chế việc lồng ghép chính sách xã hội với chính sách miễn, giảm thuế, đảm bảo tính trung lập của thuế để áp dụng ổn định trong trung và dài hạn; thực hiện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ…

Đối với thuế thu nhập cá nhân: Rà soát bổ sung đối tượng chịu thuế; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng điều chỉnh số lượng và các mức thuế suất phù hợp với thu nhập chịu thuế phù hợp với bản chất của từng loại thu nhập.

Đối với các loại thuế liên quan đến tài sản (bao gồm cả thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp), Chính phủ đồng ý tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025.

IV. Vấn đề về quản lý thuế

7. Báo Lao động (23/4) có bài “Khó khởi tố người mua bán nhà hai giá để trốn thuế” cho biết: Mới đây Tổng cục Thuế vừa ban hành Quyết định 489 về quy chế chuyển tin báo vụ việc về thuế, hồ sơ kiến nghị khởi tố đối với hành vi vi phạm về thuế có dấu hiệu tội phạm cho cơ quan công an điều tra. Như vậy, nếu trường hợp mua bán nhà hai giá trốn thuế mà bị phát hiện dễ bị khởi tố. Nhiều người đặt ra lo ngại và cơ sở để pháp lý về vấn đề này. Theo chuyên gia về thuế, TS Nguyễn Ngọc Tú, việc chứng minh trốn thuế mua bán nhà hai giá không hề dễ dàng.

Ông Tú phân tích, khi mua bán BĐS có 4 giá: Giá do nhà nước quy định; giá ghi trên hóa đơn mua bán; thứ ba là giá ảo và cuối cùng là giá thị trường. Chính vì vậy, xác định giá thị trường như thế nào thì không ai nói, không có cơ sở, không có văn bản nào nói giá thị trường là giá nào.

“Trong các văn bản quản lý nhà nước bao giờ cũng ghi là phải sát giá thị trường, nhưng lại không có quy định. Việc xác định giá thị trường rất khó. Ví dụ về 2 mảnh đất cùng mặt tiền, cùng vị trí, cùng diện tích nhưng ông A bán 1 giá, ông B bán 1 giá, phụ thuộc vào nhu cầu người bán” - vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tú, giá thị trường là một định nghĩa tù mù, mơ hồ, cơ quan quản lý không xác định được. Để giải quyết vấn đề này và tránh người dân mua bán nhà hai giá một phần nên điều chỉnh giá đất theo hằng năm, nếu lỗi thời thì phải đổi mới.

“Hình sự là những vụ lớn, còn những vụ mang tính chất quần chúng họ đều làm thế thì không nên hình sự hóa và cũng không đủ cơ sở để khởi tố. Phải có đủ cơ sở mới khởi tố được chứ nghi ngờ rồi chuyển hồ sơ lên công an thì không được” - ông Tú nói thêm.

8. Báo Sài gòn giải phóng (25/4) có tin “Doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm sẽ nộp 100 tỷ đồng trước 30/4”, Kinh tế môi trường (24/4) có bài “Hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm sẽ nộp 100 tỷ đồng trước 30/4” cho biết: Hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm bao gồm Dream Republic và Sheen Mega đã có văn bản gửi Cục Thuế TP.HCM thông báo về việc họ sẽ đóng 100 tỷ đồng tiền thuế trước ngày 30/4 tới đây.

Tuy nhiên, Cục thuế TP HCM đánh giá lý do trên không thuộc trường hợp được gia hạn nộp thuế nên Dream Republic và Sheen Mega vẫn bị tính tiền chậm nộp. Đến hôm nay, cả hai đã trễ hạn 17 ngày tính từ đợt đóng tiền sử dụng đất lần thứ hai.

Theo Cục Thuế TP.HCM, đến ngày 6/7, kết quả trúng đấu giá mới bị hủy nếu hai bên không nộp hoặc nộp không đủ tiền. Đồng thời, hai doanh nghiệp sẽ không được nhận lại tổng cộng 319,2 tỷ đồng tiền đặt trước (20% so với giá khởi điểm).

V. Vấn đề về quản lý công sản

9. Báo Tuổi trẻ (25/4) có bài “Xe công: nơi dùng không hết, chỗ muốn mua thêm” cho biết: Trong khi Kiểm toán Nhà nước cho biết có địa phương đang thừa tới 200 chiếc xe công, chưa biết xử lý ra sao thì hiện đang có 23 tỉnh, thành phố đề xuất Chính phủ cho mua thêm 620 xe công chuyên dùng. Theo đề xuất của các địa phương thì đây là xe công chuyên dùng trong lĩnh vực y tế, xe có kết cấu đặc biệt, xe tải, bán tải, xe trên 16 chỗ và xe chuyên dùng phục vụ nhiệm vụ đặc thù.

Trong 23 địa phương đang đề xuất mua thêm xe công, nhóm 5 địa phương đề xuất mua nhiều xe nhất là TP Hà Nội 97 xe, Bình Thuận 83 xe, Nghệ An 65 xe, Hải Dương 57 xe, Bình Định 52 xe. Trung bình mỗi địa phương đề xuất mua thêm 27 xe công chuyên dùng.

Về mức giá đề xuất mua xe công của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính cho biết giá đề xuất mua xe công tùy theo loại, trung bình từ 371 triệu đồng đến 4,5 tỷ đồng/xe. Chủng loại của 620 xe công đang được các địa phương đề xuất mua chủ yếu là xe 5 chỗ ngồi, từ 7-8 chỗ ngồi hoặc 16 chỗ ngồi.

Để đảm bảo việc quản lý, sử dụng tài sản công hiệu quả, tiết kiệm, Bộ Tài chính đề xuất: với khối văn phòng cấp tỉnh chỉ được xem xét mua tối đa 6 xe; riêng các đô thị đặc biệt như Hà Nội, TPHCM được mua tối đa 8 xe. Hơn nữa, các địa phương chỉ được xem xét mua xe mới khi tỉnh không còn xe cũ dôi dư để bố trí cho các đơn vị.

Báo Tuổi trẻ cũng trích dẫn ý kiến ông Nguyễn Quang Đồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông) cho rằng: Chủ trương khoán xe công đã có nhiều năm nay nhưng không dễ thực hiện được phổ biến và rộng khắp. Trong khi xu hướng sử dụng xe cá nhân trong công việc ngày càng phổ biến nên cũng cần tính toán lại có cần thiết phải duy trì số lượng xe công lớn, tách riêng chi phí quản lý xe công như hiện nay không? Cần đơn giản theo hướng chuyển chi phí khoán xe công cho các bộ, ngành, địa phương thành một loại phụ cấp đi lại của công chức, viên chức…

10. Cũng về nội dung này, Tuổi trẻ (25/4) có tin “Sắp trình Quốc hội số ô tô công của cả nước” cho biết: Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đang tổng hợp tình hình quản lý và sử dụng ô tô công của các bộ, cơ quan trung ương và UBND cấp tỉnh để báo cáo Chính phủ. Báo cáo đầy đủ cả nước có bao nhiêu ô tô công, trong đó xe phục vụ công tác chức danh, xe phục vụ công tác chung… là bao nhiêu sẽ được trình Quốc hội để phục vụ kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 5.

11. Báo Tuổi trẻ (25/4) có tin “Cà Mau: Tiết kiệm 17 tỉ đồng/năm nhờ quản lý xe công”“Cần Thơ: Không đơn vị nào nhận khoán”cho biết: Từ tháng 3/2018, UBND tỉnh Cà Mau ban hành đề án thí điểm quản lý xe công tập trung của các đơn vị cấp tỉnh. Xe công được điều về Trung tâm dịch vụ tài chính công, đơn vị nào có nhu cầu thì đăng ký. Điều này giúp giảm số xe, lái xe và cả việc sử dụng không đúng mục đích. Ban đầu thực hiện đề án, Trung tâm tiếp nhận 138 xe và 109 lái xe, nay giảm còn 62 lái xe, số xe cũng giảm xuống dưới 70 xe. Đặc biệt, chỉ riêng phần sửa chữa và mua xe mới, hàng năm tiết kiệm cho ngân sách trên 17 tỷ đồng.

Trong khi đó, tại Cần Thơ, ông Nguyễn Quang Nghị - Giám đốc Sở Tài chính TP Cần Thơ cho biết, thành phố cũng thực hiện khóan xe công nhưng không đơn vị nào nhận khoán, chỉ có Sở Nội vụ ban đầu đồng ý nhưng do yêu cầu đi công tác của đoàn cải cách thủ tục hành chính nên sở đề nghị lại không khoán xe công. “Đa số cơ quan có nhu cầu đi công tác chung, nếu khoán thì hầu như chỉ có lãnh đạo, như vậy khi cơ quan đi công tác phải thuê xe, tốn thêm chi phí. Mặt khác, do tình cảm với anh em tài xế, nếu khoán thì giải quyết cho nghỉ việc cũng khó xử lý cho anh em”, ông Nghị nêu lý do các đơn vị từ chối nhận khoán xe công vụ.

VI. Vấn đề về NSNN

12. Báo Nhân dân (24/4) có tin “Đẩy mạnh thu ngân sách nhà nước” cho biết: Báo cáo Chính phủ tình hình thực hiện dự toán và công tác quản lý, điều hành thu, chi NSNN quý I/2022, Bộ Tài chính cho biết, ngay từ đầu năm, Bộ đã tập trung nhiều biện pháp để thúc đẩy công tác thu NSNN đạt và vượt tiến độ dự toán, tạo cơ sở quan trọng cho công tác này hoạt động thông suốt trong năm nay. Theo đó, số thu NSNN tháng 3 đạt 132,58 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu quý I/2022 đạt 460,6 nghìn tỷ đồng, bằng 32,6% dự toán, tăng 7,7% so cùng kỳ…

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00