Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 27/4/2022

Điểm báo ngày 27/4/2022

I. Vấn đề nổi bật

1. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa trả lời báo chí liên quan đến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế trên thị trường chứng khoán. Nhiều báo đã đăng tải bài phỏng vấn này như: Báo Người lao động (27/4) có bài “Bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư chân chính”, báo Đại đoàn kết (27/4) có bài “Trước biến động của thị trường chứng khoán: Bảo vệ nhà đầu tư, doanh nghiệp”, báo Chinhphu.vn (26/4) có bài “'Tiền phòng - hậu kiểm', bảo đảm phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh”, báo Giao thông vận tải (26/4) có bài “Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề xuất sửa Luật Chứng khoán”, báo VnExpress (26/4) có bài “Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: 'Tạo điều kiện để doanh nghiệp sai phạm khắc phục, phát triển trở lại”, báo BNews (26/4) có bài “Bộ trưởng Bộ Tài chính: Các nhà đầu tư, doanh nghiệp có sai phạm được tạo điều kiện khắc phục”, báo điện tử VOV (26/4) có bài “Bộ trưởng Bộ Tài chính: “Gạn đục, khơi trong” để thị trường phát triển minh bạch, bền vững”, báo Dân trí (26/4) có bài “Bộ trưởng Tài chính hứa bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán”, báo VietNamNet (26/4) có bài “Bộ trưởng Tài chính: Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, tạo điều kiện khắc phục sai phạm”, báo ZingNews (26/4) có bài “Bộ Tài chính sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp khắc phục sai phạm”, báo Tuổi Trẻ Thủ đô (26/4) có bài “Bộ trưởng Bộ Tài chính: Tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp khắc phục sai phạm”… Các báo cho biết: Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chiều 25/4, Bộ Tài chính đã làm việc với các cơ quan liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và khẳng định thời gian gần đây có nhiều tin đồn thất thiệt không phải do cơ quan chức năng đưa ra đã khiến thị trường chứng khoán rung lắc, giảm điểm.

Nhấn mạnh sự việc trên là điều đáng tiếc, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, các cơ quan quản lý sẽ đưa ra chính sách để bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư hay doanh nghiệp đã có những sai phạm thì cũng tạo điều kiện để khắc phục nhằm ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo quyền lợi cho cổ đông và việc làm cho người lao động, từ đó giúp doanh nghiệp phát triển trở lại.

Cũng theo Bộ trưởng, Bộ Tài chính sẽ giám sát chặt chẽ quá trình phát hành cũng như giao dịch trên thị trường chứng khoán. Khi phát hiện những bất cập và rủi ro sẽ tổ chức thanh, kiểm tra và xử lý theo đúng quy định pháp luật.

II. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

2. Chương trình Vấn đề hôm nay phát trên VTV1 tối 26/4 có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) xung quanh nội dung trái phiếu doanh nghiệp. Ông Dương cho biết, thời gian qua Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp đã có sự tiếp cận với các thông lệ chung của thị trường thế giới. Theo đó để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân trên thị trường, Luật, các Nghị định đã quy định cấm các nhà đầu tư cá nhân không được phép mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, chỉ các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Về phía Bộ Tài chính thời gian qua đã phát đi nhiều thông tin cảnh báo nhà đầu tư. Các nhà đầu tư cần tuân thủ pháp luật khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, đánh giá đầy đủ các thông tin liên quan đến trái phiếu, công ty phát hành, không đầu tư theo tin đồn, sự mời chào của các tổ chức bán trái phiếu, không kiểm định thông tin trước khi mua các trái phiếu…

Ông Dương cho biết thêm, hoạt động dịch vụ xếp hạng tín nhiệm sẽ cung cấp cho nhà đầu tư thêm thông tin về đánh giá tình hình tài chính, rủi ro của doanh nghiệp phát hành. Chính phủ đã ban hành Nghị định 88/2014/NĐ-CP ngày 26/9/2014quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. Từ 1/1/2023, trái phiếu phát hành ra công chúng phải có định mức tín nhiệm. Trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ khuyến khích các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, đồng thời tiếp tục phổ biến kiến thức, đào tạo công chúng đầu tư quen với dịch vụ này trước khi áp dụng chính thức.

3. Báo Hà Nội mới (27/4) có bài “Lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp” cho biết: Là người đứng đầu doanh nghiệp đang triển khai các kênh huy động vốn tại Sàn giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HoSE), Chủ tịch Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) Nguyễn Thị Mai Thanh cho biết, các bên mua trái phiếu của REE phần lớn là các quỹ đầu tư, ngân hàng, công ty bảo hiểm… Họ có đủ khả năng, công cụ đánh giá giá trị cổ phiếu của công ty cũng như giám sát dòng tiền. Tuy nhiên, bà Thanh cũng đề xuất cơ quan quản lý vẫn cần tăng cường các quy định chặt chẽ hơn về người chịu trách nhiệm và tài sản thế chấp phải được định danh cũng như có tính thanh khoản cao. Chế tài cũng cần được đặt ra đối với những trường hợp sử dụng vốn từ trái phiếu chệch hướng như thông tin đã được công bố...  Tất cả để thị trường trái phiếu minh bạch và hiệu quả hơn.

Ở góc độ khác, theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, không nên vì một vài “con sâu làm rầu nồi canh” mà thắt chặt quá mức thị trường trái phiếu Việt Nam. Cần có cơ chế tốt để khai thác hết dư địa của thị trường này, phục vụ phát triển nền kinh tế.

III. Vấn đề về chứng khoán

4. Vov.vn (27/4) có bài “Vụ trái phiếu Tân Hoàng Minh: UBCKNN đề nghị nhà đầu tư liên hệ với Bộ Công an”, thanhnien.vn (27/4) có bài “Ủy ban Chứng khoán hướng dẫn về việc hoàn trả tiền trái phiếu Tân Hoàng Minh” cho biết: UBCKNN vừa phát đi thông tin liên quan tới việc hoàn trả tiền cho các nhà đầu tư liên quan tới vụ việc “trái phiếu Tân Hoàng Minh”.

Thông tin của UBCKNN cho biết, hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty Khách sạn Tân Hoàng Minh; Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Ngôi Sao Việt; Trần Hồng Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Khách sạn Soleil; Nguyễn Khoa Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cung điện Mùa Đông để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điều 174 bộ luật Hình sự liên quan đến các vi phạm trong hoạt động chào bán, huy động vốn của các nhà đầu tư tại 9 đợt chào bán trái phiếu bị hủy bỏ. Do đó, về thủ tục hoàn trả tiền cho các nhà đầu tư liên quan đến việc hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản đề nghị các công ty liên hệ làm việc với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để giải quyết.

5. Báo Lao Động (27/4) có bài “Hướng tới thị trường vốn chuyên nghiệp: Nâng cao vai trò quỹ đầu tư trên thị trường” cho biết: Theo UBCKNN, tiềm năng phát triển của các quỹ đầu tư trên thị trường vốn vẫn còn rất nhiều dư địa. Theo UBCKNN, mục tiêu phát đấu đến năm 2030 quy mô quản lý tài sản của các công ty quản lý quỹ đạt khoảng 6-10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP); phát triển và đa dạng hóa các loại quỹ đầu tư; trong đó, cần thúc đẩy quỹ hưu trí, các loại hình quỹ mới; nâng cao năng lực của các công ty quản lý quỹ như: Năng lực tài chính, năng lực cung cấp dịch vụ, năng lực cạnh tranh và quản trị rủi ro.

Để thanh lọc thị trường vốn trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sẽ cải thiện chất lượng cầu đầu tư hướng tới cầu đầu tư bền vững. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng chú trọng đào tạo, phát triển nhà đầu tư cá nhân có đầy đủ kiến thức khi tham gia thị trường thông qua công tác tuyên truyền, tăng cường cung cấp thông tin chính thống giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng tài chính của nhà đầu tư….

6. Thời báo Ngân hàng (27/4) có bài “Phát triển TTCK theo đúng lộ trình và mục tiêu” cho biết: Trước những diễn biến cùng các động thái thanh lọc thị trường trong thời gian vừa qua, đại diện UBCKNN cho biết, các động thái của cơ quan quản lý không phải là để thay đổi chính sách mà là để tăng cường quản lý giám sát, tăng cường xử phạt nghiêm minh, đảm bảo sự phát triển của TTCK theo đúng lộ trình và mục tiêu đã đề ra, giúp tăng niềm tin cho NĐT và các thành viên trên thị trường.

Trong thời gian gần đây, các NĐT có cảm giác hành động của cơ quan quản lý là khá dồn dập, tuy nhiên nếu nhìn tổng thể thì hoạt động quản lý giám sát và xử phạt của UBCKNN cũng như cơ quan quản lý khác trong năm vừa qua vẫn được thực hiện đều đặn và liên tục.

Những động thái gần đây của cơ quan chức năng bao gồm điều chỉnh lại cả các cơ sở khuôn khổ pháp lý đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra và xử lý vi phạm rất cần thiết để đảm bảo thị trường trái phiếu sẽ đi theo định hướng trong Chiến lược phát triển TTCK cũng như thị trường trái phiếu.

7. Báo Đại đoàn kết (27/4) có bài “Tỉnh táo khi thị trường “rung lắc”, Sài Gòn giải phóng (27/4) có tin “Bắt đáy mạnh, VN-Index tăng gần 31 điểm”, các báo cho biết: Phiên giao dịch chứng khoán ngày 26/4 ghi nhận thị trường “rung lắc” mạnh trong biên độ rộng. Thế nhưng, với sự đảo chiều ngoạn mục của chỉ số có lúc giảm sâu 48 điểm lên tăng hơn 30 điểm khi đóng cửa là điều hiếm có trong lịch sử thị trường. Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index tăng 30,42 điểm (2,32%) lên 1.341,34 điểm. Mặc dù tăng mạnh nhưng thanh khoản thị trường tiếp tục ở mức thấp với tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường khoảng 24.000 tỷ đồng.

Một số chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh thị trường liên tục có những nhịp rung lắc và tăng giảm mạnh thì việc hành động cần theo phương châm bảo toàn thành quả đầu tư đến mức có thể. Ngay cả trong những phiên thị trường giảm sâu, nhà đầu tư nếu có bắt đáy cũng không nên sử dụng hết 100% sức mua trong tài khoản margin mà nên chia theo tỉ lệ, có thể là 4-4-3 hay 3-3-4 tùy theo từng nhà đầu tư và từng tài khoản. Trường hợp nhà đầu tư chấp nhận rủi ro lớn có thể thực hiện với tỉ lệ mạo hiểm hơn và ngược lại.

IV. Vấn đề về quản lý giá

8. Báo Tiền Phong (27/4) có bài “Người thu nhập thấp: Quay cuồng trong “bão giá”, “Xăng dầu liên tục tăng giá: Kinh doanh vận tải bên miệng vực”, “Xử lý nghiêm việc lợi dụng tăng giá bất hợp lý”, “Nỗi lo hiện hữu”, “Thiết lập mặt bằng giá mới” cho biết: Ngày 21/4, liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh tăng giá xăng. Theo đó, xăng RON 95 tăng lên gần 28 nghìn đồng/lít; dầu diesel tăng lên mức giá 25.359 đồng/lít, dầu hỏa tăng với giá bán lẻ 23.828 đồng/lít...

Trao đổi với Tiền Phong, PGS TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, nguồn cung trên thế giới còn bất ổn khi Mỹ và châu Âu đang cố loại xăng dầu Nga ra khỏi thị trường. Theo ông Long, dù thuế môi trường đã được giảm 2.000 đồng/lít và giá xăng dầu thế giới so với thời điểm 1-2 tháng trước đã hạ nhiệt hơn nhiều nhưng do cơ quan điều hành đang tăng trích lập dự phòng nên giá xăng dầu trong nước sẽ còn tiếp tục neo ở mức cao.

Nhiều nhà xe cho biết đang trong cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, chạy cũng lỗ mà không chạy cũng gay go. Bởi tiền mua xe đều vay ngân hàng, không chạy xe, sẽ thiếu tiền trả nợ gốc và lãi.

Không chỉ xe khách, các doanh nghiệp vận tải hàng hóa cũng rơi vào thế rất khó khăn. Ông Nguyễn Văn Thạc, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Nam Định cho biết, hiện tại, các doanh nghiệp vận tải hành khách không tìm được khách hàng, trong khi lại phải đối mặt với xăng tăng giá. Một số doanh nghiệp vận tải hàng hóa vừa xin áp mức giá cước mới, xăng lại tăng giá khiến các đơn hàng đã ký trước đó có nguy cơ sạt nghiệp. Ông Thạc cho biết thêm, sau COVID-19, vận tải khách tuyến cố định, xe buýt, taxi đều phải cắt giảm tần suất; giảm số lượng xe xuất bến/tuyến với khoảng 60% số lượng phương tiện không được hoạt động. Cá biệt các đơn vị hoạt động vận tải hành khách bằng taxi hoạt động với 12-15% số lượng xe của đơn vị.

Vừa qua, Bộ GTVT vừa đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành, địa Phương liên quan xem xét miễn giảm một số loại thuế, phí như: Phí sử dụng hạ tầng đường sắt; phí ra vào vùng nước cảng biển, bến thủy; thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp…

V. Vấn đề về quản lý thuế

9. Báo VietNamNet (27/4) có bài “Tính thuế nhà đất sát giá từng con đường, góc phố, cố tình vi phạm chuyển sang công an” cho biết: Tổng cục Thuế cho biết số thu từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản đã liên tục tăng trong mấy năm qua. Năm 2020 tăng gần 1,8 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ tăng 12% so với năm 2019; năm 2021 tăng hơn 4,9 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ tăng 30% so với năm 2020. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2022 tăng 3,2 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ tăng 63% so với 3 tháng đầu năm 2021. Chỉ tính riêng giai đoạn 1/1/2022 đến 31/3/2022, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện đấu tranh với 60.289 hồ sơ, số thu tăng hơn 326 tỷ đồng.

Với kết quả này cho thấy, người nộp thuế đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, chủ động khai tăng giá chuyển nhượng ngay từ ban đầu khi làm hợp đồng công chứng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn yêu cầu trong thời gian tới, các đơn vị cần tiếp tục tập trung tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đã giao dịch và kê khai thuế để làm căn cứ tính thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế. Đồng thời, để thu thuế chuyển nhượng BĐS sát với giá thị trường, cơ quan thuế các địa phương cần tham mưu với UBND ra quyết định bảng giá đất có hệ số đất điều chỉnh giá đất riêng để làm căn cứ áp dụng tính thuế thu nhập chuyển nhượng BĐS.

Ông Cao Anh Tuấn yêu cầu các Cục Thuế đẩy mạnh rà soát đấu tranh với các tổ chức cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh BĐS. Yêu cầu các đơn vị tự điều chỉnh giá kê khai tính thuế sát với giá thị trường chi tiết đến từng con đường, tuyến phố trong dự án.

10. Báo Thanh Niên (26/4) đưa tin “Chủ YouTuber kiếm 11 tỉ đồng đã nộp thuế thu nhập hơn 800 triệu đồng” cho biết: Thông tin từ Cục Thuế Quảng Ninh cho biết, chủ kênh YouTube Thái Chuối TV đã nộp thuế thu nhập cá nhân 810 triệu sau khi đã kiếm 11 tỉ đồng trong vòng 4 năm.

Cụ thể, ông Đoàn Văn Thái (thôn Thái Lập, xã Tân Lập, H.Đâm Hà, Quảng Ninh) là chủ kênh YouTube Thái Chuối TV đã nộp 810 triệu đồng vào Kho bạc nhà nước - Chi nhánh H.Đầm Hà.

Ông Thái phải nộp 2 khoản thuế sau khi đã được hưởng lợi trong suốt 4 năm qua, gồm: Thuế giá trị gia tăng hàng sản xuất trong nước 595 triệu đồng ; Thuế thu nhập kinh doanh từ hoạt động cá nhân 215 triệu đồng.

VI. Vấn đề về hải quan

11. Báo Pháp luật Việt Nam (27/4) có bài “Đảng ủy Tổng cục Hải quan: Quyết liệt chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách” cho biết: Đảng ủy Cơ quan Tổng cục Hải quan vừa ban hành Nghị quyết “về việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu NSNN năm 2022” nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách được Quốc hội, Bộ Tài chính giao.

VII. Vấn đề về NSNN

12. Báo Thanh niên (27/4) có tin “Cho phép tăng bội chi ngân sách không quá 240.000 tỉ đồng trong 2 năm 2022-2023” cho biết: Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 126 kết luận của Phó thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về tình hình rà soát danh mục và mức vốn dự kiến bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Nghị quyết 43/2022.

Theo đó, về chính sách tài khóa, chính sách miễn, giảm thuế, tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước tối đa 176.000 tỷ đồng cho lĩnh vực y tế, phòng, chống dịch bệnh, an sinh xã hội, lao động, việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động; tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Cho phép tăng bội chi ngân sách Nhà nước khoảng 1-1,2% GDP/năm, không vượt quá 240.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022 và 2023…

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00