Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 28/4/2022

Điểm báo ngành Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 28/4/2022

I. Vấn đề nổi bật

1. Vov.vn (27/4) có bài “Bộ trưởng Bộ Tài chính: Chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp”; Báo Người lao động online (28/4) có bài “Bộ Tài chính chỉ đạo "khẩn" về rà soát doanh nghiệp phát hành trái phiếu lãi suất cao”; Báo điện tử Chính phủ (27/4) có bài “Tăng cường giám sát, chấn chỉnh hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp”; Báo Công an nhân dân online (27/4) có bài “Bộ Tài chính chỉnh nạn "làm loạn" trái phiếu””; Báo điện tử Vietnamplus có bài “Chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư trái phiếu DN phát hành riêng”; vtv.vn (28/4) có bài “Bộ Tài chính: Rà soát DN kinh doanh thua lỗ phát hành trái phiếu lãi suất cao”, laodong.vn (27/4) có bài “Bộ Tài chính: Cố tình gian lận là nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ bị xử phạt” và nhiều báo đưa tin bài cho biết: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký ban hành Chỉ thị 01/CT-BTC về việc tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường TPDN phát hành riêng lẻ.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị liên quan như Vụ Tài chính ngân hàng, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định về chào bán, giao dịch TPDN. Đồng thời, yêu cầu Sở GDCK Việt Nam, HNX rà soát các DN phát hành còn dư nợ trái phiếu riêng lẻ (tại thời điểm 31/3/2022) để đề xuất danh sách DN cần kiểm tra, thanh tra gửi Bộ Tài chính và UBCKNN.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu UBCKNN chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ, Vụ Pháp chế, Cục Tài chính doanh nghiệp, HNX khẩn trương kiểm tra, giám sát tình hình phát hành, giao dịch, cung cấp dịch vụ về TPDN tại các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ, các DN phát hành lớn để báo cáo Lãnh đạo Bộ, hoàn thành trước ngày 10/5/2022. Trường hợp phát hiện dấu hiệu không tuân thủ các quy định pháp luật thì tổ chức thanh tra phát hiện mức độ vi phạm để xử phạt.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng yêu cầu Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức kiểm toán, tổ chức cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán, người hành nghề kế toán, kiểm toán tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về kiểm toán, chuẩn mực kế toán, kiểm toán, đảm bảo tính độc lập, khách quan trong quá trình kiểm toán, đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề khi cung cấp dịch vụ, trong đó có việc kiểm toán các báo cáo tài chính, các hồ sơ công bố thông tin của các DN phát hành trái phiếu trước ngày 28/4/2022.

Cục Quản lý giá cũng được yêu cầu phải có văn bản chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức thẩm định giá, người hành nghề thẩm định giá tuân thủ quy định pháp luật về thẩm định giá, đảm bảo chất lượng thẩm định khi cung cấp dịch vụ thẩm định giá, trong đó bao gồm việc thẩm định giá các tài sản đảm bảo của DN phát hành TPDN trước ngày 28/4/2022; tăng cường kiểm tra, giám sát các tổ chức cung cấp dịch vụ thẩm định giá; trường hợp có dấu hiệu vi phạm phải xử lý theo quy định pháp luật.

II. Vấn đề về quản lý thuế

2. Báo Lao Động (28/4) có bài “Gian nan ngăn chặn, xử lý trốn thuế, khai gian giá bất động sản”, báo Hà Nội mới (28/4) có bài “Tăng cường quản lý thuế trong chuyển nhượng bất động sản”, các báo cho biết: Thời gian qua, tình trạng người nộp thuế kê khai giá chuyển nhượng bất động sản trên hợp đồng mua bán, hợp đồng chuyển nhượng hay trên các tờ khai xác định nghĩa vụ thuế không phù hợp với thực tế giao dịch vẫn diễn ra nhức nhối.

Liên quan đến thu thuế chuyển nhượng bất động sản, theo ông Viên Viết Hùng – Phó Cục trưởng Cục thuế TP.Hà Nội, khó nhất hiện nay là Luật Đất đai quy định Bảng giá đất ổn định 05 năm, trong khi thực tế giá thị trường bất động sản lại biến động liên tục, vì vậy dẫn đến việc giá quy định không sát với giá của thị trường bất động sản.

Đồng thời, hiện nay, cũng chưa có cơ quan nào xây dựng cơ sở dữ liệu về giá giao dịch trên thị trường. Vì vậy, cơ quan chức năng gặp khó trong việc đấu tranh, ấn định thuế với giá chuyển nhượng bất động sản và tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với cơ quan thuế.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn đã có chỉ đạo yêu cầu toàn ngành Thuế cần tiếp tục tập trung tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đã giao dịch và kê khai thuế để làm căn cứ tính thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế. Đáng chú ý, để thu thuế chuyển nhượng bất động sản sát với giá thị trường, cơ quan thuế cần tham mưu với chính quyền địa phương ra quyết định bảng giá đất có hệ số điều chỉnh giá đất riêng làm căn cứ áp dụng tính thuế.

3. Báo Tuổi Trẻ (28/4) có tin “Phải xác minh giá bán nhà, đất sát thị trường”; Bnews-TTXVN (27/4) có tin “Bộ Tài chính yêu cầu chống thất thu thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản”; Baochinhphu.vn (27/4) có tin “Chống thất thu thuế trong chuyển nhượng bất động sản”; Dangcongsan.vn (28/4) có tin “Tăng cường chống thất thu thuế trong hoạt động chuyển nhượng bất động sản”; Tuổi trẻ (27/4) có tin “Phải có giải pháp để xác định sát giá thị trường bất động sản”; Công an nhân dân online (27/4) có tin “Cán bộ thuế nhũng nhiễu "làm luật", Bộ Tài chính chỉ đạo khẩn”; Kinh tế & Đô thị (27/4) có tin “Tăng cường biện pháp chống thất thu thuế bất động sản”; Pháp luật Việt Nam (27/4) có tin “Bộ Tài chính chỉ đạo chống thất thu thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản”; VTV.vn (27/4) có tin “Yêu cầu chống thất thu thuế trong kinh doanh bất động sản” và nhiều báo khác cho biết: Theo nội dung văn bản số 3778/BTC-VP ngày 27/4/2022 gửi Tổng cục Thuế, từ cuối năm 2021 đến nay Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có nhiều lần chỉ đạo Tổng cục Thuế, các Cục Thuế địa phương thực hiện các biện pháp để chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp kê khai đúng giá chuyển nhượng bất động sản, nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước (các văn bản số 14257/BTC-VP ngày 15/12/2021 và văn bản số 438/BTC-VP ngày 12/01/2022).

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, có một số phản ánh ở một số nơi, có một số cán bộ Thuế gây khó khăn, nhũng nhiễu cho người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Thuế khẩn trương tham mưu giải pháp để xác định sát giá thị trường bất động sản nhằm tránh thất thu thuế. Tổng cục Thuế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hành nghề công chứng, các cơ quan nhà nước có liên quan thực hiện có hiệu quả các biện pháp để chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục Thuế tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm của công chức. Hằng Quý có báo cáo đánh giá kết quả công tác chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; kết quả thanh tra các hồ sơ người nộp thuế khai bổ sung nhưng không thay đổi giá chuyển nhượng.

4. Báo Tuổi Trẻ (28/4) có bài “Đại lý bán xe máy giá cao: Trả một đường, ghi hóa đơn một nẻo” cho biết: Theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ, trên thị trường, nhiều thương hiệu xe máy có mức chênh lệch giữa giá bán của đại lý với giá đề xuất của hãng chỉ khoảng 500.000-1,2 triệu đồng/chiếc. Trong khi đó, hầu hết các đại lý của Honda đều “kê” giá bán lên 5-7 triệu đồng và phần chênh lệch này không được ghi trong hóa đơn bán hàng.

Một nhân viên tại đại lý của Honda ở quận Bình Thạnh (Tp.HCM) cho biết giá bán liên tục bị đẩy lên do nhu cầu mua lớn, trong khi không biết lý do vì sao lượng xe về không nhiều.

Theo phản ánh của nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ, khi khách yêu cầu ghi hóa đơn VAT theo giá bán thì nhân viên bán hàng của các đại lý đều từ chối và chỉ ghi hóa đơn theo giá đề xuất ban đầu của nhà sản xuất.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, việc các đại lý Honda ghi giá bán xe trên hóa đơn VAT thấp hơn nhiều so với thanh toán thực tế, từ 20-30%, không ngoài mục đích trốn thuế và tình trạng này đã kéo dài nhiều năm. Với mức chênh 5-8 triệu đồng/chiếc, các đại lý xe máy Honda đã bỏ túi không cần kê khai thuế VAT hàng chục tỉ đồng.

5. Báo Sài Gòn giải phóng (28/4) có bài “Gỡ rối hóa đơn, thuế”; báo Tuổi Trẻ (28/4) có tin “Hóa đơn điện tử cũng gậy chậm trễ”; báo Đại đoàn kết (28/4) có bài “Giảm thuế để kích cầu: DN vẫn chưa thông”, các báo cho biết: Ngày 27/4, phát biểu tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp – chính quyền thành phố do Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư tổ chức, đại diện Công ty CP Dây cáp điện Việt Nam cho hay DN này đã sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế nhưng thường xuyên phát sinh lỗi.

Theo lịch trình, 8h sáng xe hàng đã chờ ở nhà máy nhưng nhiều khi không thể khởi hành được do cơ quan thuế chưa trả mã về. Có khi 10 đơn hàng nhưng chỉ xuất được 9 hóa đơn, còn 1 hóa đơn không được cấp mã. Nếu DN vẫn vận chuyển hàng hóa trên đường thì lại vi phạm quy định hàng hóa lưu thông trên đường không có hóa đơn chứng từ.

Trả lời tại buổi đối thoại, đại diện Cục Thuế TP.HCM hướng dẫn rằng nếu gặp trường hợp trên thì DN hãy gọi vào đường dây nóng của Tổng cục Thuế để Cục Công nghệ thông tin (thuộc Tổng cục Thuế) mở dữ liệu trên hệ thống nhằm kiểm tra cụ thể và trả lời cho DN biết lý do bị chậm trễ và cấp mã cho DN. Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng việc thực hiện theo hướng dẫn của Cục Thuế TP.HCM cũng không khả thi do số lượng DN áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế rất lớn, sẽ có phát sinh trục trặc nên không thể giải quyết nhanh cho DN được.

Nhiều DN bày tỏ lo lắng rằng vào ngày 1/7, khi áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế trên toàn quốc, khả năng nghẽn mạng cũng như xảy ra trục trặc sẽ cao hơn. Do vậy, nếu không có giải pháp tình thế thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của DN.

Về chính sách giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8% đối với một số mặt hàng được áp dụng từ đầu tháng 2/2022, nhiều DN cho biết vẫn băn khoăn về cách tính toán. Về vấn đề này, Lãnh đạo Cục Thuế TPHCM cho biết, sẽ tập hợp ý kiến của DN rồi kiến nghị với cơ quan quản lý để có điều chỉnh cho phù hợp.

III. Vấn đề chính sách thuế

6. Báo Tuổi Trẻ (28/4) và báo Bnews (28/4) đưa tin “Tăng thuế xuất khẩu để giảm giá phân bón”, cho biết: Trong dự thảo nghị định Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi đang được lấy ý kiến góp ý, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ tăng thuế xuất khẩu phân bón từ 0% lên 5% với lý do nhiều cơ quan đề nghị rà soát, xem xét chính sách thuế xuất khẩu với phân bón trong bối cảnh giá mặt hàng này tăng cao.

Theo đó, nhằm góp phần hạ giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung cấp phân bón cho sản xuất công nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất thống nhất một mức thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón thuộc nhóm từ 31.02-31.05 tại Biểu thuế xuất khẩu, không phân biệt theo tỉ lệ tài nguyên khoáng sản trong sản phẩm phân bón. Riêng đối với phân bón thuộc nhóm 31.01 là phân bón hữu cơ, không sử dụng tài nguyên khoáng sản nên vẫn được giữ mức thuế xuất khẩu là 0% như hiện hành. 

IV. Vấn đề về quản lý giá

7. Báo Tiền Phong, Tin tức Việt Nam (28/4) có bài “SGK lớp 3, 7, 10 theo chương trình mới: Giá tăng từ 200 đến 300%”, Thanh niên, Sức khỏe và đời sống (27/4) có bài “Công bố giá sách giáo khoa mới lớp 3, 7, 10: Có bộ tăng gấp 3 lần” cho biết: Hôm qua, 27/4, Nhà Xuất bản Giáo dục (NXBGD) Việt Nam thông tin về giá sách giáo khoa (SGK) lớp 3, lớp 7 và lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. So với chương trình hiện hành, giá SGK theo chương trình mới của tất cả các NXB đều tăng từ 200% đến trên 300%.

Dù giá sách giáo khoa mới tăng mạnh, nhưng trong thông cáo báo chí ngày 27.4 về giá sách lớp 3, lớp 7, lớp 10, NXBGD vẫn khẳng định: "Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, nhà xuất bản đặt tiêu chí phục vụ ngành và xã hội lên hàng đầu. Với phương châm phục vụ là mục đích, kinh doanh là phương tiện, chúng tôi đã tiết giảm tối đa các chi phí đầu vào để có giá bán SGK phù hợp với mức chi phí của đại đa số các gia đình có con em đi học".

Năm 2020, khi dư luận ồn ào về giá bộ SGK mới của lớp 1 tăng gần gấp 2 lần so với bộ sách cũ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có văn bản giải thích gửi Quốc hội. Theo đó, có 3 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này.

Thứ nhất là nội dung SGK mới có số trang nhiều hơn, khổ sách rộng hơn cũ. Thứ hai, SGK mới được in 4 màu (trong khi sách lớp 1 cũ chỉ in 2 màu) nên đòi hỏi giấy in phải tốt hơn (về độ trắng và định lượng giấy); mực in phải bảo đảm chất lượng. Thứ ba là các bộ SGK lớp 1 mới được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, không được trợ cấp một phần chi phí (đối với thù lao tác giả và kinh phí tổ chức biên soạn, thực nghiệm) như SGK lớp 1 cũ.

Cũng theo Bộ GD-ĐT khi nói về giá SGK mới: "Bộ Tài chính đã thẩm định giá, nhưng các cấu thành giá sách giáo khoa (nguyên vật liệu, nhân công) vẫn phải bảo đảm các chi phí theo quy định và không có sự hỗ trợ nào từ ngân sách nhà nước đối với các chi phí này. Điều này khiến giá thành SGK mới cao hơn”.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT không đề cập đến việc Bộ GD-ĐT cho phép tăng số đầu SGK bắt buộc so với chương trình cũ, trong đó có những cuốn sách giáo khoa thực sự không cần thiết. Ví dụ, bộ sách lớp 2 cũ chỉ có 6 cuốn với giá bán 53.000 đồng/bộ thì sách mới lên tới 10 cuốn có giá 186.000 đồng/bộ. Lần đầu tiên trong “lịch sử giáo dục” có SGK môn thể dục (còn gọi là giáo dục thể chất); SGK của “hoạt động trải nghiệm”,...

Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng các môn đạo đức, nghệ thuật và đặc biệt là giáo dục thể chất và hoạt động trải nghiệm chỉ nên có sách hướng dẫn cho giáo viên là đủ, không cần SGK cho học sinh. Bên cạnh đó, Bộ cần quy định về số trang trên mỗi đầu sách để đảm bảo vừa giảm chi phí làm sách, vừa giúp nội dung sách cô đọng hơn.

8. Báo Đại đoàn kết (28/4) có bài “Kiềm chế lạm phát như thế nào?” cho biết: Giá xăng dầu đã bật tăng trở lại, giá nguyên vật liệu đầu vào cho nhiều ngành hàng sản xuất cũng tăng. Trong khi đó, điều dễ nhận thấy việc tăng giá xăng dầu và nguyên liệu sản xuất rõ ràng là một yếu tố chính gây trở ngại trong công tác điều hành giá và kiểm soát lạm phát.

Giới chuyên gia cho rằng, vẫn phải đảm bảo cân đối cung – cầu xăng dầu, không để thiếu hụt dẫn tới ảnh hưởng xấu tới tâm lý người tiêu dùng khiến mặt bằng giá cả tăng cao.

Trước những biến động của giá xăng dầu, ngay lập tức Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công thương và các cơ quan quản lý đã họp bàn sử dụng nhiều công cụ điều hành. Trong đó, giao kế hoạch DN NK để đảm bảo nguồn cung đến sử dụng tối đa các quỹ, thậm chí có đề xuất linh hoạt với thuế, kể cả thuế môi trường để làm sao ngăn ngừa ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế.

Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, không chỉ là mặt hàng xăng dầu mà với các hàng hóa khác cũng vậy, điều cơ bản là đảm bảo được nguồn cung, không bị đứt gãy, phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu QH đề ra là dưới 4%, chúng ta phải xử lý đồng thời cả 3 hướng: Giảm tác động đồng thời của chi phí đẩy; thúc đẩy cung hàng hóa và làm tốt công tác tuyên truyền vận động, tránh tác động tâm lý. Về tổng thể, BCĐ điều hành giá đã họp và các bộ ngành đã thống nhất từ nay đến cuối năm tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, đặc biệt là các hàng hóa dịch vụ thiết yếu từ đó có phương án, giải pháp điều hành phù hợp, thực hiện thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh để tăng cung cầu hàng hóa trong nước.

V. Vấn đề về chứng khoán

9. Chương trình Thời sự phát trên VTV1 tối 27/4 có phóng sự “Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững” phản ánh: Sau các Công điện của Chính phủ gần đây về chấn chỉnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, gần đây nhất Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững. Trong các công điện và hội nghị vừa qua, các thông điệp, quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc phát triển thị trường vốn đều được chỉ đạo xuyên xuốt và nhất quán. Trong đó nhấn mạnh tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia thị trường hoạt động chân chính, lành mạnh, hiệu quả, tuân thủ đúng quy định pháp luật, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định, lợi ích nhóm…

Việc thanh kiểm tra, giám sát hoạt động thị trường chứng khoán cũng là công tác được Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện thường xuyên nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm, giao dịch bất thường qua đó tạo sự minh bạch nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của tất cả các thành viên tham gia thị trường.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà: “Việc con sâu làm rầu nồi canh”, đây là hạt sạn trong thị trường chứng khoán và chúng ta đã phát hiện ra, chúng ta phải có các biện pháp để xử lý, đảm bảo hoạt động thị trường minh bạch. Về phía Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã có sai lầm có biện pháp khắc phục theo đúng quy định pháp luật và đảm bảo lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư”.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết, công tác kiểm tra, giám sát trên thị trường chứng khoán đây là công tác thường xuyên, liên tục. Bởi việc xây dựng thị trường chứng khoán được tạo dựng trên nền tảng công bằng, công khai, minh bạch, chỉ có minh bạch mới thu hút nguồn vốn vào thị trường.

10. Báo Tuần tin tức (28/4) có bài “Sưởi ấm” niềm tin trên thị trường chứng khoán” cho biết: Liên tiếp những ngày qua, Chính phủ đã có những thông điệp rõ ràng về việc thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ thị trường tài chính, tạo tác động tích cực và lan tỏa mạnh. Những xáo trộn của thị trường chứng khoán thời gian qua chỉ là tạm thời bởi kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19.

Theo nhóm chuyên gia VNDirect, TTCK Việt Nam vẫn là thị trường đầu tư hấp dẫn với nhiều điểm sáng. Thứ nhất, TTCK vẫn được hỗ trợ bởi nền tảng vĩ mô vững chắc, GDP quý I tăng trưởng hơn 5%. Thứ hai, TTCK Việt Nam vẫn tiếp tục được yểm trợ bởi dòng vốn trong nước.

VI. Vấn đề về hải quan

11. Báo Công an nhân dân (28/4) có bài “Dùng địa chỉ “ma” để nhập phế liệu về cảng biển” cho biết: Tình trạng buôn lậu phế liệu vẫn diễn ra phức tạp với khối lượng ngày càng lớn với nhiều thủ đoạn, cách thức mới gây ra không ít khó khăn cho cơ quan chức năng và hệ lụy xấu đến kinh tế - môi trường. Đáng chú ý, kể từ khi Chính phủ siết chặt việc nhập khẩu phế liệu qua đường cảng biển thì các đối tượng chuyển hướng sang đường biên giới đất liền.

Ông Nguyễn Thanh Long, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Hải quan của khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã thực hiện tiêu hủy phế liệu trong tổng số hơn 350 container phế liệu nhập khẩu tồn đọng không đủ điều kiện nhập khẩu, không đạt quy chuẩn quốc gia về môi trường. Để ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận trong nhập khẩu phế liệu, kiên quyết không để Việt Nam trở thành “bãi rác” của thế giới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các lực lượng tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng siết chặt kiểm soát cửa khẩu, biên giới, kiểm tra địa điểm tập kết, thu gom… để xử lý theo quy định của pháp luật.

VII. Vấn đề về giải ngân vốn đầu tư công

12. Báo Tuổi Trẻ (28/4) có bài “Giải ngân vốn công chậm do sợ… trách nhiệm” cho biết: Báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công và việc kiểm điểm trách nhiệm các bộ ngành địa phương liên quan vừa được Bộ KH&ĐT gửi tới Thủ tướng cho biết, có tình trạng một số bộ ngành và địa phương chưa nghiêm túc kiểm điểm kỹ, nhất là đơn vị có tỉ lệ giải ngân dưới 20%. Việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện có nơi chưa kịp thời, một bộ phận cán bộ còn né tránh và sợ trách nhiệm…

Theo đó, chỉ có 19 bộ ngành, địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 95%, còn lại chỉ mới giải ngân đạt 50-70%. Trong số 28 bộ ngành và địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 70% kế hoạch, có 4 đơn vị chỉ đạt tỉ lệ giải ngân dưới 20% gồm Ủy ban Dân tộc, Bộ TT&TT, Đại học Quốc gia TP.HCM và Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam.

Việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt 100% kế hoạch do nhiều nguyên nhân như thay đổi chính sách và quy định; năng lực chủ đầu tư nhà thầu; việc chuẩn bị thủ tục còn thiếu chủ động, tình hình dịch phức tạp, phong tỏa nhiều nơi nên thiếu công nhân, giá vật liệu, vận chuyển đều tăng… Đặc biệt, có tình trạng chuẩn bị dự án chưa tốt, chưa đánh giá đúng khả năng giải ngân nhưng vẫn quyết định giao vốn. Chậm trễ trong thực hiện giải phóng mặt bằng, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện dự án chưa tốt…

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00

Thông báo đấu giá tài sản

18 thg 10 2023 - 14:12:00