Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 05/5/2022

Điểm báo ngày 05/5/2022

I. Vấn đề về thuế

1. Báo Tuổi Trẻ (5/5) đưa tin “Doanh nghiệp đấu giá đất Thủ Thiêm vẫn chưa nộp 100 tỉ đồng” cho biết: Theo một lãnh đạo Chi cục Thuế TP Thủ Đức, đến cuối ngày 4/5, hai doanh nghiệp trúng giá đất Thủ Thiêm vẫn chưa nộp tiền. Lãnh đạo Chi cục Thuế TP Thủ Đức cũng cho biết cơ quan thuế đã liên hệ và lý do hai doanh nghiệp nêu ra đều là chưa thu xếp được tiền.

Trước đó, Chi cục Thuế TP Thủ Đức cho biết cũng đã gửi thông báo nhắc nợ đến hai doanh nghiệp này về số tiền phải nộp đợt 1 vào ngân sách trước ngày 6-5. Sau thời hạn này, Chi cục Thuế TP Thủ Đức sẽ cưỡng chế tài khoản ngân hàng theo quy định của Luật quản lý thuế do tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định.

2. Báo Tuổi Trẻ (5/5) đưa tin “Sẽ nêu tên ‘ông lớn’ nước ngoài chưa kê khai và nộp thuế” cho biết: Tổng cục Thuế cho biết vừa có công văn gửi các nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại VN về thời hạn đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại VN. Đây là các tổ chức có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác với tổ chức, cá nhân ở VN.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết đã tiếp nhận, cấp mã số thuế cho một số nhà cung cấp nước ngoài đăng ký khai trên cổng thông tin điện tử nhưng vẫn còn không ít nhà cung cấp nước ngoài chưa đăng ký, khai và nộp thuế đối với nghĩa vụ thuế tại VN. Do đó, cơ quan này đang lập danh sách các nhà cung cấp nước ngoài chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và thông báo trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế VN và các kênh thông tin truyền thông khác.

3. Tiền phong (5/5) có bài “Giá phân bón lập mốc kỷ lục: Doanh nghiệp “té nước theo mưa”? cho biết: Từ đầu năm đến nay, giá phân bón liên tục tăng mạnh, lập mốc kỷ lục cao nhất trong 50 năm trở lại đây. Không ít nông dân phải bỏ ruộng, giảm sản xuất vì không chịu được áp lực. Theo các doanh nghiệp (DN), giá phân bón tăng cao do nguyên liệu nhập khẩu tăng giá. Tuy nhiên, nhiều loại phân bón dù tự chủ được nguồn cung ở trong nước nhưng vẫn “ăn theo” tăng giá gấp 2-3 lần.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một thành viên Hiệp hội phân bón Việt Nam cho rằng, nếu nói giá phân bón tăng cao do các chi phí đầu vào như cước vận chuyển, nguyên liệu nhập khẩu tăng… rất vô lý. Thị trường phân Urê rất đặc thù, việc sản xuất dựa trên nguồn nguyên liệu là khí và than trong nước, DN sản xuất hiện nay đều là DN Nhà nước.

Bộ Tài chính cho biết, thời gian gần đây, cơ quan này nhận được đề nghị rà soát, xem xét chính sách thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón trong bối cảnh giá cả mặt hàng phân bón tăng cao. Để góp phần hạ giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, trong đó thống nhất một mức thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong sản phẩm phân bón.

4. Thanhnien.vn (4/5) có bài “Đề nghị ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế” thông tin”: Sau khi triển khai thử nghiệm cung cấp thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế với 5 ngân hàng thương mại gồm BIDV, Vietinbank, Vietcombank, MB và Agribank, Tổng cục thuế đề nghị ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi tắt là NHTM) cung cấp các thông tin người nộp thuế theo Nghị định 126/2020.

Thông tin mà NHTM cung cấp cho cơ quan thuế bao gồm tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản, ngày mở (ngày bắt đầu hoạt động), ngày đóng tài khoản qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục thuế. Cơ quan thuế thực hiện bảo mật trong truyền nhận, khai thác, lưu trữ thông tin tài khoản của người nộp thuế.

II. Vấn đề về giá

5. Báo Lao động (5/5) có bài “Giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, sao giá xăng dầu vẫn “neo” cao?” cho biết: Dù được giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, nhưng gần đây, giá xăng tiếp tục tăng và “neo” ở mức cao. Theo các chuyên gia kinh tế, với diễn biến giá khó đoán như hiện nay, để “chặn” đà tăng của giá xăng dầu, nhà điều hành cần tính toán vận hành Quỹ Bình ổn xăng dầu cho phù hợp, để chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được hiệu quả, đồng thời góp phần hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Bài báo cho biết, từ đầu năm đến nay, giá xăng bán lẻ đã 8 lần tăng, 3 lần giảm. Mặc dù từ ngày 1/4, chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chính thức có hiệu lực, tuy nhiên, đà giảm của giá xăng dầu vẫn khá “nhỏ giọt”. Thậm chí đây là kỳ tăng giá thứ hai liên tiếp kể từ cuối tháng 4 đến nay.

Điều này khiến dư luận thắc mắc, phải chăng vì mức trích lập Quỹ Bình ổn xăng dầu khá cao, với lý do được nhà điều hành giải thích là hầu hết các doanh nghiệp đều bị âm Quỹ Bình ổn xăng dầu. Cụ thể, đến thời điểm giữa tháng 4/2022, Quỹ Bình ổn xăng dầu hình thành tại Petrolimex âm 382 tỷ đồng, PVOil âm hơn 1.000 tỷ đồng.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho hay, về bản chất, nguồn tiền của Quỹ Bình ổn xăng dầu là tiền mà người dân trích ra từ giá xăng dầu, để cơ quan nhà nước sử dụng làm công cụ điều hành cho phù hợp với diễn biến thị trường, đặc biệt ở thời điểm giá tăng sốc.

Tuy nhiên, thực tế vừa qua lại cho thấy khi giá dầu thế giới tăng, doanh nghiệp cũng mạnh tay chi quỹ. Khi giá giảm, người tiêu dùng lại không được mua giá thấp ngay, bởi vì cơ quan điều hành còn phải trích vào quỹ, bù đắp cho phần âm quỹ trước đó, chưa kể là có dư để còn chi cho những lúc giá dầu thế giới tăng cao.

Ông Thịnh cũng cho rằng, liên Bộ Công Thương – Tài chính khi điều hành giá cũng cần xem xét lại việc sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu sao cho phù hợp, linh hoạt và đảm bảo tính hiệu quả, bền vững. Chính vì vậy, với diễn biến giá khó đoán như hiện nay, cần tính toán vận hành quỹ cho phù hợp, nhà điều hành nên trích lập Quỹ Bình ổn xăng dầu ở mức độ vừa phải, ưu tiên chi sử dụng, để chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được hiệu quả, đồng thời góp phần hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

6. Báo Pháp luật Việt Nam (5/5) có tin “Xăng tiếp tục tăng giá”; VnExpress (4/5) có tin “Giá xăng tăng hơn 400 đồng một lít”; Tuổi trẻ (4/5) có tin “Xăng dầu tiếp tục tăng giá, RON95 gần 28.500 đồng/lít”; Quân đội nhân dân (4/5) có tin “Từ 15 giờ chiều nay, 4-5, giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít”; Dân trí (4/5) có tin “Xăng dầu lại đồng loạt tăng giá từ chiều nay”; Người lao động (4/5) có tin “Giá xăng tiếp tục tăng, vượt mốc 28.000 đồng/lít”; Zingnews (4/5) có tin “Giá xăng tiếp tục tăng 440 đồng/lít”; Vietnamnet (4/5) có tin “Giá xăng dầu tiếp tục tăng từ 3h chiều 4/5”; Vietnamplus (4/5) có tin “Tăng hai lần liên tiếp, giá xăng RON95-III vượt 28.400 đồng mỗi lít” và nhiều báo khác cho biết: Liên bộ Công thương - Tài chính vừa phát thông tin về việc điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h ngày 4/5. Cụ thể, giá xăng E5RON92 tăng thêm 330 đồng/lít, từ mức hiện nay là 27.139 đồng/lít lên 27.469 đồng/lít. Xăng RON95-III tăng 440 đồng/lít, từ 27.993 đồng/lít lên 28.433 đồng/lít.

Dầu cũng tăng, giảm đan xen. Dầu diesel tăng 180 đồng/lít, từ 25.359 đồng/lít tăng lên 25.530 đồng/lít. Dầu hỏa giữ nguyên 23.825 đồng/lít. Dầu mazut giảm 240 đồng/ký, giá hiện nay là 22.050 đồng/ký, giảm còn 21.560 đồng/ký.

Cơ quan điều hành tiếp tục không chi Quỹ bình ổn xăng dầu với các mặt hàng, trừ dầu madut mức chi quỹ vẫn là 250 đồng một kg. Thay vào đó, nhà chức trách tăng mức trích lập vào Quỹ bình ổn với xăng RON95 là 400 đồng một lít, xăng E5 RON92 là 300 đồng. Mức trích vào Quỹ bình ổn mỗi lít dầu diesel là 100 đồng, còn dầu hoả là 119 đồng. Dầu madut không trích vào quỹ.

Việc tăng trích lập vào Quỹ bình ổn xăng dầu tại kỳ điều hành lần này được nhà điều hành giải thích nhằm hạn chế mức tăng của giá xăng dầu trong nước và duy trì dư địa cho các đợt điều hành tiếp theo.

7. Thanh niên (5/5) có bài “Lo lắng vì chi phí liên tục tăng” cho biết: Giá xăng dầu tăng lần thứ 2 liên tiếp đẩy chi phí của doanh nghiệp tăng mạnh. Một mặt bằng giá mới có thể được thiết lập khiến lạm phát khó giữ được mức an toàn như kỳ vọng.

Chiều qua (4.5), liên bộ Công thương - Tài chính đã có quyết định điều hành giá xăng dầu mới, tăng lần thứ 2 liên tiếp với tổng 2 lần tăng hơn 1.000 đồng/lít xăng trong gần 1 tháng qua. Theo đó, xăng RON95 lên 28.434 đồng/lít, xăng E5 RON92 lên 27.468 đồng/lít. Lần này, mức tăng của giá xăng cao nhất khoảng 450 đồng/lít, không quá cao so với những kỳ tăng giá trước, song các dự báo đều cho thấy, giá cả hàng hóa đối diện nguy cơ tiếp tục tăng trong bối cảnh doanh nghiệp (DN) hết “gồng” nổi.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho rằng cần hỗ trợ DN nhằm khơi thông nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu; tháo gỡ những vướng mắc về logistics, giảm thiểu tình trạng ách tắc ở biên giới do công tác phòng dịch. Việt Nam cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài. Thực tế, lạm phát thấp hiện nay ở trong nước một phần vì cầu tiêu dùng thấp. Thế nên, lạm phát do chi phí đẩy cần sớm được đánh giá chính thức của Chính phủ và nhất là khả năng lạm phát trong các quý tiếp trong năm nay, do ảnh hưởng của chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nhập khẩu tới lạm phát để có biện pháp kiểm soát giúp hạn chế tác động tiêu cực tới người tiêu dùng trong nước. Cần nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối phó trường hợp giá xăng dầu khi giá thế giới biến động lớn, cũng như hoãn, giãn việc tăng các sắc thuế, phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.

8. Thanh niên (5/5) có bài “Thay đổi tư duy dùng sách giáo khoa”“Giá sách giáo khoa tăng cao đột biến nhưng tuổi thọ bấp bênh” cho biết: Ở các nước phát triển, việc sử dụng SGK xem ra tiết kiệm hơn ở VN. Giá sách ở các nước thường rất cao vì sách được thiết kế đẹp, nội dung phong phú, rất dày dặn. Chính vì vậy không phải học sinh (HS) nào cũng sở hữu một bộ và cũng không dễ tìm mua ở các nhà sách. Để giảm gánh nặng chi phí cho HS, các nhà trường thường đặt mua và để HS dùng chung. HS được mượn sách nhưng phải giữ gìn theo quy định, thậm chí không được viết bằng bút chì lên sách, để người khóa sau dùng lại.

Ở Việt Nam đã có một thời gian dài các thế hệ học sinh đều dùng chung một bộ sách giáo khoa nhưng nay việc vận hành xã hội hóa với nhiều bộ sách giáo khoa chưa thấy hiệu quả mà điều hiện hữu lại khiến người dân chịu gánh nặng về chi phí và bất ổn tuổi thọ của mỗi bộ sách.

III. Vấn đề trái phiếu doanh nghiệp

9. Thanh niên (5/5) có bài “Vì thị trường lành mạnh và bền vững” cho biết: Thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh) thời gian qua là nguồn huy động tài chính quan trọng khi đã hỗ trợ, bổ sung cho kênh cung ứng vốn xưa nay là tín dụng ngân hàng. Thu hút giới đầu tư và người dân có vốn nhàn rỗi, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ năm 2021 là 605.000 tỉ đồng, tăng gần 39% so với năm 2020; khối lượng trái phiếu phát hành ra công chúng là 31.000 tỉ đồng, theo Bộ Tài chính.

Trong bối cảnh thị trường này cần được tiếp tục hoàn thiện về cấu trúc, hạ tầng và bổ sung thêm các quy định pháp luật phù hợp, đã có một số cá nhân, doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật, dùng chiêu trò nhằm thu lợi bất chính, tạo ra bất ổn cho nền kinh tế. Ngăn chặn các biểu hiện lũng đoạn mang tính riêng lẻ như vừa qua là cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích chung, lợi ích nhà đầu tư, giúp cho thị trường vốn đi vào nền nếp và phát huy hiệu quả. Việc xử lý thiểu số sai phạm này, theo khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính là tiếng chuông cảnh tỉnh cần thiết, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích cho đại đa số các nhà đầu tư, doanh nghiệp chân chính.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00