Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 06/5/2022

Điểm báo ngày 06/5/2022

I. Vấn đề về chứng khoán

1. Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (Số 18-2022) có bài “Không hình sự hóa – trấn an thôi thì chưa đủ” cho biết: Sau khi làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và các cơ quan liên quan… Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết vào chiều 25/4 rằng các bộ ngành đã thống nhất sẽ không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Thông tin này được đưa ra sau khi lãnh đạo một số tập đoàn lớn và công ty chứng khoán bị truy tố hình sự, bắt tạm giam với cáo buộc thao túng chứng khoán, lừa đảo. Ông nói thêm rằng: “Chúng tôi cũng đưa ra chính sách để bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư hay doanh nghiệp đã có những sai phạm thì cũng tạo điều kiện để khắc phục sai phạm nhằm ổn định sản xuất kinh doanh…”.

Thông điệp của Bộ trưởng Bộ Tài chính cùng các bộ ngành có liên quan đưa ra ở thời điểm này là tích cực. Nhưng xét cho cùng thì quyền truy tố và xét xử theo tội danh nào là thuộc về các cơ quan tư pháp, cơ quan công an chỉ có trách nhiệm điều tra và khởi tố, còn các cơ quan hành pháp khác, thậm chỉ là cả Chính phủ, không thể can thiệp. Vì vậy, thông điệp nêu trên, trong một chừng mực nào đó, chỉ mang ý nghĩa tâm lý.

Đương nhiên, khi một cá nhân vi phạm pháp luật hình sự thì phải bị truy tố hình sự, chẳng hạn như tội thao túng chứng khoán. Nhưng trong điều kiện nhiều quy định khác trong Bộ Luật hình sự, cũng như các văn bản pháp luật liên quan khác, chưa thật rõ ràng mà vẫn có thể hiểu và diễn giải theo nhiều hướng khác nhau thì không có gì để đảm bảo chắc chắn một vụ dân sự hoặc kinh tế không bị vô tình hay cố ý khởi tố, truy tố hình sự. Đây là điều mà những nhà làm luật cần nghiên cứu, mổ xẻ để có thể hiện thực hóa mong muốn “không hình sự hóa các quan hệ dân sự, các hoạt động kinh tế” của Thủ tướng và cũng là của cả cộng đồng doanh nghiệp.

2. Lao động (6/5) có bài “Yếu tố nào sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán Quý II?” cho biết: Xu hướng đi ngang của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục kéo dài với các nhịp tăng giảm đan xen trong Quý II năm 2022. Tuy nhiên duy trì đánh giá các nhịp điều chỉnh của thị trường là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu kỳ vọng sự khởi sắc trong nửa sau năm 2022.

Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), triển vọng trong Quý II, thị trường chứng khoán đi ngang. KBSV cũng chỉ ra những động lực thúc đẩy thị trường tăng trưởng. Cụ thể GDP Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng 6,3% trong năm 2022. Mặt khác, vừa qua Chính phủ đã trình Quốc hội gói chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm kích thích phục hồi và phát triển kinh tế xã hội với quy mô 350.000 tỉ đồng thực hiện trong 2 năm 2022-2023.

3. Báo Pháp luật Việt Nam (6/5) có bài “Lo ngại rủi ro hệ thống tài chính: Đề xuất giải pháp vừa kiến tạo, vừa kiểm soát” cho biết: Sự lan truyền liên thông giữa ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và bất động sản đang dấy lên nỗi lo ngại rủi ro tiềm ẩn của hệ thống tài chính khi một loạt vụ việc được lôi ra ánh sáng. Theo TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, Kinh gia Kinh tế trưởng BIDV, các giải pháp can thiệp lúc này cần phải “khéo”, nghĩa là vừa kiến tạo để thị trường phát triển, nhưng vẫn kiểm soát được rủi ro. “Còn đâu là điểm chính sách tối ưu, thì cơ quan nhà nước phải tìm ra để làm cho tốt hơn” – ông Lực cho biết, đồng thời nhấn mạnh 3 nguyên tắc: “Công khai, minh bạch; Chuyên nghiệp; Và phối hợp chính sách”.

4. Lao động (6/5) có tin “Bổ sung thu phí giám sát chứng khoán phái sinh từ 1.7.2022” cho biết: Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 25/2022/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán. Theo đó, thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí quản lý và giám sát hoạt động chứng khoán; lệ phí cấp giấy phép, giấy chứng nhận hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

II. Vấn đề về thuế

5. Báo Pháp luật Việt Nam (6/5) đưa tin “Cục Thuế TP Hà Nội: Hoàn thành tiếp nhận hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân”: Theo số liệu báo cáo nhanh của Cục Thuế TP. Hà Nội, đến sáng ngày 4/5/2022 là thời hạn cuối cùng để cá nhân thuộc diện trực tiếp quyết toán thuế (có phát sinh số thuế phải nộp thêm sau quyết toán trên 50.000 đồng) hoàn tất thủ tục, nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân cho cơ quan thuế, Cục Thuế TP Hà Nội và các Chi cục Thuế trực thuộc đã tiếp nhận số lượng lớn hồ sơ quyết toán thuế thu nhập của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế (đạt 100% so cùng kỳ năm 2021). Trong đó, số hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân nộp qua phương thức điện tử tăng 77% so cùng kỳ năm 2021, số hồ sơ nộp trực tiếp tại cơ quan thuế giảm 59% so cùng kỳ năm 2021.

III. Vấn đề về hải quan

6. Báo Người lao động (6/5) có bài “Tiêu hủy phế liệu tồn đọng gặp khó” cho biết: Từ cuối tháng 3-2022, Chi Cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (cảng Cát Lái) thuộc Cục Hải quan TP HCM bắt đầu triển khai kế hoạch tổ chức tiêu hủy phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu, không đạt quy chuẩn quốc gia về môi trường vốn tồn đọng ở cảng nhiều năm qua.

Theo kế hoạch, đợt đầu có tổng cộng 357 container loại 40 feet của 10 hãng tàu sẽ bị tiêu hủy tại 4 nhà máy ở TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Đồng Nai. Hình thức tiêu hủy là ép, xay cắt, sau đó đốt trong lò 2 cấp có hệ thống xử lý khí thải hoặc lò đốt chất thải công nghiệp. Tuy nhiên, theo Cục Hải quan TP HCM, tính đến ngày 25-4, mới có 36 container phế liệu bị tiêu hủy, tức bình quân mỗi ngày chỉ tiêu hủy được 1 container.

Trước tình hình này, ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM, mới đây đã có công văn gửi Tổng cục Hải quan, báo cáo những vướng mắc sau một tháng tiến hành tiêu hủy phế liệu tồn đọng. Cụ thể, phần lớn các hãng tàu đều ký hợp đồng tiêu hủy tập trung với 3 công ty xử lý chất thải môi trường.

Thế nhưng, các công ty này tiếp nhận xử lý phế liệu chủ yếu bằng phương pháp thủ công; công nhân đưa từng kiện hàng vào lò đốt bằng phương tiện thô sơ, xe nâng hạ, rút hàng hóa ra khỏi container một cách không chuyên nghiệp. Do đó, công suất tiêu hủy rất thấp, trung bình chỉ 1 tấn/giờ. Nếu hoạt động hết công suất cũng chỉ tiêu hủy 1 container/ngày.

Bên cạnh đó, việc phải thực hiện đúng nội dung hướng dẫn tại Công văn 632 ngày 25-2-2022 của Tổng Cục Hải quan về tiêu hủy phế liệu cũng ảnh hưởng đến quá trình thực hiện.

Dựa trên tình hình thực tế, Cục Hải quan TP HCM cho rằng theo tiến độ hiện nay, việc tiêu hủy toàn bộ 732 container phế liệu tồn đọng tại các cảng ở TP HCM có thể kéo dài đến 2 năm. Do đó, Hội đồng Xử lý hàng tồn đọng đã gửi công văn cho Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành liên quan, đề nghị xem xét lại đánh giá tác động môi trường của việc tiêu hủy để có căn cứ báo cáo, đề xuất với Tổng cục Hải quan những biện pháp xử lý phù hợp.

7. Công an nhân dân (6/5) có tin “Xử lý hơn 1.000 vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan” cho biết: Tháng 4 lực lượng Hải quan đã bắt giữ một số vụ vi phạm với hàng hóa chủ yếu là đường cát, thuốc lá, bia, sữa bột… Kết quả, trong tháng 4, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, xử lý tổng số 1.061 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa ước tính hơn 179 tỷ đồng, số thu ngân sách đạt 21 tỷ 950 triệu đồng, cơ quan Hải quan khởi tố 2 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 4 vụ.

IV. Vấn đề trái phiếu doanh nghiệp

8. Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (Số 18-2022) có bài “Ai đang nắm giữ phần lớn trái phiếu doanh nghiệp” cho biết: Những diễn biến tiêu cực trong các đợt phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp đang cho thấy rủi ro của nhà đầu tư cá nhân khi tham gia vào thị trường trái phiếu lớn như thế nào.

Bài báo cho biết, Giá trị nhà đầu tư cá nhân đã tham gia trên thị trường sơ cấp, cộng với lượng trái phiếu của các công ty chứng khoán được phân phối lại trên thị trường thứ cấp cho các nhà đầu tư cá nhân, sẽ biến họ trở thành các chủ thể lớn nhất đang nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra hàng năm.

Chúng ta có thể thấy mức rủi ro từ thị trường trái phiếu sẽ rất lớn khi tiềm năng một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là các trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, đang được nắm giữ bởi các nhà đầu tư cá nhân chứ không phải các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp.

Với quy mô nắm giữ lớn như vậy, nếu những bất ổn trên thị trường bất động sản khiến cho các tổ chức phát hành không thể thanh toán các khoản trái phiếu, thì một lượng lớn nhà đầu tư cá nhân trên thị trường sẽ gánh chịu các tổn thất lớn, chứ không phải các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp.

9. Lao động (6/5) có bài “Thanh lọc” thị trường trái phiếu doanh nghiệp” cho biết: Giới phân tích nhận định, sau một thời gian sôi động, TPDN có thể sẽ giảm nhiệt trong 1 – 2 quý tới. Nguyên nhân chính được cho là thị trường đang chờ đợi những thay đổi về mặt chính sách, pháp lý được cơ quan quản lý nhà nước ban hành liên quan đến lĩnh vực này.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, thời gian tới cơ quan chức năng cần đồng nhất hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp. Luật sư viện dẫn các quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp đang nằm trong Luật Chứng khoán. Tuy nhiên, theo dự thảo lần 5 về sửa đổi Nghị định 153 quy định chào bán giao dịch trái phiếu, Bộ Tài chính lại đang muốn quy định lại định nghĩa nhà đầu tư chuyên nghiệp theo hướng thắt chặt hơn, tức hướng dẫn lại cả luật.

            Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư TPDN, ThS Lê Thị Bích Huệ, Khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, cần chú ý tới các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu, về công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành và về quyền của nhà đầu tư trái phiếu.

V. Vấn đề về giá

10. Thời báo ngân hàng (6/5) có tin “Chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá” cho biết: Bộ Tài chính đã có văn bản 3855/BTC-QLG yêu cầu Tổng giám đốc/Giám đốc các doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá tiếp tục đẩy mạnh việc chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá tại đơn vị.

Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về thẩm định giá, cũng như các pháp luật có liên quan. Việc tiếp nhận và cung cấp dịch vụ thẩm định giá tài sản (bao gồm cả thẩm định giá tư vấn cho các doanh nghiệp xác định giá trị các tài sản đảm bảo để doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp), doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá phải đảm bảo thực hiện đúng quy trình thẩm định giá được quy định tại Điều 30 Luật giá; tuân thủ nghiêm túc và đầy đủ các tiêu chuẩn chuyên môn, tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp thẩm định giá, theo đó chú trọng đến tính độc lập, khách quan, trung thực và tuân thủ đúng pháp luật.

11. Công an nhân dân (6/5) có bài “Giá sách giáo khoa mới cao gấp 2 - 3 lần do đâu?” cho biết: Bắt đầu từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 3, lớp 7 và lớp 10 cả nước sẽ học sách giáo khoa (SGK) theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, ban hành năm 2018.

Giải đáp băn khoăn của dư luận về việc tăng giá SGK mới, ông Hoàng Lê Bách - Tổng Giám đốc NXB Giáo dục cho biết: Việc so sánh giá của các bộ SGK theo chương trình GDPT mới với bộ SGK hiện hành là không tương đồng, do khâu biên soạn, xuất bản một bộ sách mới có những điểm khác biệt so với bộ sách trước đây. Theo lý giải của ông Hoàng Lê Bách, về nguồn vốn, việc tổ chức biên soạn, xuất bản SGK được thực hiện bằng nguồn vốn do doanh nghiệp tự đầu tư, thu xếp và vay ngân hàng. Còn đối với SGK hiện hành (cũ), toàn bộ chi phí tổ chức bản thảo được chi trả bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn vay Ngân hàng Thế giới, NXB Giáo dục chỉ đảm nhiệm chi trả các chi phí tổ chức bản thảo cho việc tái bản.

Chi phí tổ chức bản thảo SGK hiện hành chỉ bằng khoảng 1/10 chi phí tổ chức bản thảo SGK mới. Thứ hai, chi phí nhuận bút đối với SGK mới cao hơn so với SGK hiện hành và phát sinh trong chế độ đãi ngộ do cơ chế cạnh tranh để tìm kiếm và giữ chân các tác giả giỏi. Thứ ba, về quy cách chất lượng sách, SGK mới có khổ 19 x 26,5cm, lớn hơn 1,23 lần khổ SGK hiện hành (17x24cm).

Còn theo đại diện NXB Đại học Sư phạm, với chủ trương xã hội hoá SGK, các NXB, công ty sẽ tự bỏ toàn bộ chi phí, tự tổ chức từ bản thảo sách, in ấn, phát hành, giới thiệu, quảng bá và không dùng ngân sách nhà nước, do vậy, họ không thể bán SGK dưới giá thành.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần có cơ chế giám sát, đặc biệt là trong quá trình doanh nghiệp kê khai giá. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét việc xã hội hoá SGK cần thực hiện ở tất cả các khâu hay chỉ xã hội hoá ở một số khâu nào đó để đảm bảo giá SGK phù hợp đối với mọi gia đình.

VI. Vấn đề về bảo hiểm

12. Thời báo ngân hàng (6/5) có bài “Thị trường bảo hiểm sức khỏe: Triển vọng tích cực” cho biết: Trong 2 tháng đầu năm nay, thị trưởng bảo hiểm đã có bước tăng trưởng khá. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những tồn tại khiến thị trường này chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng. Theo Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm, trục lợi trong nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe chiếm tới 80 - 90% tổng số vụ trục lợi toàn thị trường, tiêu tốn hàng tỷ đồng doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Các chuyên gia cho rằng, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoàn thiện Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, nhằm đảm bảo thông tin được minh bạch và đầy đủ cũng như chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm sức khỏe tới người dân luôn đạt yêu cầu.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00