Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 09/5/2022

Điểm báo ngày 09/5/2022

I. Vấn đề về chứng khoán

1. Thời báo Ngân hàng (9/5) có bài “Doanh nghiệp lớn sẽ góp phần minh bạch thị trường?” cho biết: Ngày càng nhiều tập đoàn nước ngoài lớn lên kế hoạch niêm yết tại Việt Nam mở ra cơ hội nâng tổng mức vốn hóa của thị trường chứng khoán đồng thời giảm các nguy cơ trục lợi về thuế và tài chính.

Về khía cạnh pháp lý, Ls Nguyễn Thanh Hà (SB Law) cho rằng, sau khi các văn bản như Nghị định 38/2003 của Chính phủ và Quyết định 238/2005 của Thủ tướng Chính phủ hết hiệu lực, đến nay chưa có văn bản pháp lý nào quy định cụ thể về việc lên sàn của doanh nghiệp FDI. Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực thi hành từ tháng 1/2021, tuy nhiên quy định công ty cổ phần muốn đáp ứng đủ điều kiện niêm yết thì phải đăng ký công ty đại chúng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và đăng ký giao dịch trên Upcom. Ngoài ra, điều kiện thủ tục để hoàn thành niêm yết cổ phiếu khá khắt khe. Vì thế nhiều doanh nghiệp FDI muốn lên sàn nhưng chưa đáp ứng được.

Để hoàn thiện pháp lý, theo các chuyên gia, trước mắt Bộ Tài chính cần có những đánh giá, tổng kết sau thời gian dài thử nghiệm hoạt động niêm yết của các doanh nghiệp FDI. Từ đó xây dựng chính sách phù hợp và đưa ra các ràng buộc nhất định để tạo điều kiện và cũng hạn chế các rủi ro cho nhà đầu tư khi tham gia giao dịch cổ phiếu của các doanh nghiệp FDI.

2. Báo Nhân dân (9/5) có bài “Tạo lập niềm tin thị trường” cho biết: Phản ứng tiêu cực kéo dài của thị trường chứng khoán những ngày vừa qua đã vượt ra ngoài dự báo của cơ quan quản lý và các chủ thể tham gia thị trường. Thanh lọc thị trường là việc làm cần thiết sau thời gian tăng trưởng nóng, nhưng phải bảo đảm duy trì sự phát triển bền vững của kênh huy động vốn và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư.

Để hoàn thiện hệ thống pháp lý trên thị trường vốn, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ban hành Chỉ thị 01/CT-BTC về việc tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Trong đó có yêu cầu đơn vị chức năng khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ giám sát chặt chẽ quá trình phát hành và giao dịch trên thị trường chứng khoán, nếu phát hiện bất cập và rủi ro sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

II. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

3. Báo Đầu tư Chứng khoán (9-15/5/2022) có bài “Chỉnh dòng trái phiếu” cho biết: Điểm đáng chú ý trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là các doanh nghiệp phát hành phải đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động.

Nhằm chấn chỉnh các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, tránh tình trạng các tổ chức này cung cấp thông tin sai sự thật và chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sai đối tượng, dự thảo Nghị định 153 quy định: các tổ chức cung cấp dịch vụ không phải là người có liên quan đối với doanh nghiệp phát hành theo quy định của Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn; nghiêm cấn các tổ chức cung cấp dịch vụ cung cấp thông tin sai sự thật về trái phiếu phát hành và bán trái phiếu cho đối tượng nhà đầu tư không tuân thủ quy định của pháp luật.

4. Báo Người lao động (7/5) có bài “Ngân hàng đua hút vốn qua trái phiếu” thông tin: Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết trái phiếu DN là một kênh huy động vốn và đầu tư tài chính khá hiệu quả của mỗi ngân hàng. Khi một ngân hàng phát hành trái phiếu thành công nghĩa là đã huy động được hàng ngàn tỉ đồng tiền gửi dài hạn để tăng thêm nguồn lực tài chính, phục vụ hoạt động kinh doanh, nhất là tài trợ vốn dài hạn cho các dự án lớn. Ngược lại, ngân hàng bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng mua trái phiếu do DN phát hành là một hình thức đầu tư tài chính, nói cách khác là ngân hàng cho DN vay tiền thông qua việc mua trái phiếu.

TS Lê Đạt Chí, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, nhìn nhận nếu bên vay sử dụng vốn đúng mục đích, đầu tư dự án hiệu quả thì việc ngân hàng cho DN vay tiền thông qua mua trái phiếu sẽ đem lại hiệu quả lớn. Tuy nhiên, nếu vì lý do nào đó mà ngân hàng phải mua trái phiếu DN bằng mọi giá hoặc trường hợp DN phát hành mất khả năng thanh toán vì nguyên nhân khách quan thì ngân hàng sẽ dính nợ xấu.

III. Vấn đề về chính sách thuế

5. Báo Thanh niên (9/5) có tin “Đề xuất gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước”; Đầu tư (8/5) có tin “Bộ Tài chính đề xuất gia hạn 20.000 tỷ thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước”; Người lao động (8/5) có tin “Bộ Tài chính đề xuất gia hạn 20.000 tỉ đồng tiền thuế cho ôtô sản xuất trong nước”; Vietnamnet (8/5) có tin “Đề xuất gia hạn 20.000 tỷ đồng tiền thuế cho ô tô sản xuất trong nước”; Đại đoàn kết (9/5) có tin “Đề xuất gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước” cho biết: Bộ Tài chính vừa có tờ trình gửi Chính phủ về việc ban hành Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ quy định gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế TTĐB phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9 cho ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Thời gian gia hạn nộp thuế của kỳ tính thuế trên được thực hiện chậm nhất đến ngày 20/11.

Như vậy, nếu phương án này được thông qua thì thời gian gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB cụ thể là kỳ nộp thuế tháng 6 sẽ được gia hạn 4 tháng; kỳ nộp thuế tháng 7 được gia hạn 3 tháng; kỳ nộp thuế tháng 8 được gia hạn 2 tháng và tháng 9 là 1 tháng. Tổng cộng số tháng được gia hạn trong kỳ nộp thuế từ tháng 6 đến tháng 9 lên đến 10 tháng, với số tiền thuế lên tới 20.000 tỉ đồng.

6. Báo Thanh niên (9/5) có tin “Kiến nghị kiểm soát xuất khẩu phân bón”; VOV.vn (8/5) có tin “Bộ Nông nghiệp kiến nghị chính sách giảm giá phân bón”; Tuổi trẻ (6/5) có tin “Đề nghị chuyển mặt hàng phân bón từ không chịu thuế sang có thuế”; Bnews – TTXVN (7/5) có tin “Kiến nghị một số chính sách nhằm hạ nhiệt giá phân bón”; Người lao động (9/5) có tin “Xuất khẩu phân bón tăng mạnh” ; Tiền phong (7/5) có tin “Làm gì để kìm đà tăng giá phi mã của phân bón?”; Pháp luật Việt Nam (7/5) có tin “Giá phân bón khó lường, Bộ NN&PTNT đề nghị sửa luật” cho biết: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị áp dụng một số biện pháp nhằm ổn định nguồn cung phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước.

Theo Bộ NN-PTNT, từ năm 2021 đến nay, ảnh hưởng dịch Covid-19 và gần đây là xung đột Nga - Ukraine, các biện pháp trừng phạt kinh tế của EU, Mỹ khiến giá phân bón trên thế giới và thị trường trong nước liên tục tăng cao; đặc biệt là phân kali, trong khi Nga, Ukraine chiếm 50% nguồn cung cho thị trường thế giới, và VN phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu này.

Qua đánh giá tác động, Bộ NN-PTNT khẳng định, giá phân bón liên tục tăng cao trong một thời gian dài đã đẩy chi phí sản xuất nông nghiệp tăng cao, trong đó nông dân là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất. Vì vậy, bộ này đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi luật số 71/2014/QH13 - luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất hợp lý, để tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước.

7. Báo Đầu tư Chứng khoán (9-15/5) có bài “Doanh nghiệp phân bón phản ứng với đề xuất thuế” cho biết: Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ quy định thống nhất mức thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón, không phân biệt tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong các sản phẩm. Đề xuất này đang nhận được phản hồi trái chiều từ một số doanh nghiệp trong ngành.

Theo Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau, chính sách này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Hiện không có một chính sách ưu đãi nào cho doanh nghiệp sản xuất phân bón, từ giá than, khí, giá điện, các chính sách về thuế phí. Nếu muốn gỡ khó khăn cho nông dân, nhà nước cần giải quyết tận gốc vấn đề đầu ra cho nông sản, thay vì tạo khó khăn cho doanh nghiệp phân bón, bởi thực tế phân bón chỉ chiếm 24% giá thành sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Hồi đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) nêu quan điểm, việc áp thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón nhằm hạ giá thành phân bón trong nước, cần có sự tính toán cẩn trọng. Ông cường chỉ ra nguyên nhân tăng giá phân bón trong thời gian qua là do nhiều yếu tố, trong đó chi phí đầu vào sản xuất ure chiếm tỷ trọng cao như nhiệt điện, than phản ứng đều tăng gấp 1,5 lần trong 10 tháng nay. Đối với Kali, nguyên liệu là lưu huỳnh, amoniac đã tăng gấp đôi trong một năm, mà Việt Nam còn đang phải nhập khẩu 100% lưu huỳnh… Vì vậy, ông Cường đánh giá việc áp thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón sẽ hạ nhiệt được giá bán trong nước là không hợp lý.

8. Báo Công Thương (9/5) có bài “Doanh nghiệp đồ uống: Lao đao vì đại dịch” cho biết: Tại hội thảo “Ngành đồ uống Việt Nam phục hồi và phát triển trong thời kỳ mới” do Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam tổ chức mới đây, bà Chu Thị Vân Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội đã kiến nghị Chính phủ xem xét đảm bảo sự ổn định về chính sách, nhất là các chính sách về thuế, phí trong thời hạn ít nhất là 5 năm tới, không mở rộng đánh thuế mới theo hướng bất lợi hơn cho doanh nghiệp đồ uống, đặc biệt là đồ uống không cồn đã và đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh.

Đặc biệt, Chính phủ cần cân nhắc kỹ lưỡng độ co giãn của cầu theo giá, việc tăng hay áp thêm thuế dẫn tới tăng giá hàng hóa sẽ ảnh hưởng tới sức mua và tiêu dùng nội địa và từ đó sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất, doanh thu từ hoạt động kinh doanh, mức đóng góp thuế và cơ hội việc làm cho người lao động. Vì vậy, việc tăng thuế hoặc bổ sung thêm các đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ đẩy giá một số mặt hàng và dịch vụ lên cao, tăng khả năng lạm phát, trong khi có thể không giúp tăng thu ngân sách.

Bên cạnh đó, ngành nước giải khát cũng cần được bổ sung vào danh sách những ngành bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 để được hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước.

IV. Vấn đề về quản lý thuế

9. Báo Tiền phong (9/5) có bài “Quảng Bình: Quên thu hơn 223 tỷ tiền thuế một dự án bất động sản” cho biết: Dự án khu nhà ở thương mại tại thị trấn Kiến Giang và xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy thực hiện theo Hợp đồng số 19/HĐ-DADT ngày 28-8-2018 giữa Sở Xây dựng và liên danh Công ty TNHH xây dựng Minh Tiến và Công ty Cổ phần đầu tư CIC (chủ đầu tư) với tổng mức đầu tư 460 tỷ đồng trên diện tích 9,5ha.

Theo kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh Quảng Bình: Ngày 13/10/2020, UBND tỉnh Quảng Bình ra Quyết định số 3822, phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất mà chủ đầu tư phải nộp vào NSNN là gần 260 tỷ đồng. Quyết định này cũng giao cho Cục thuế Quảng Bình ra thông báo cho nhà đầu tư nộp số tiền nói trên vào NSNN theo quy định hiện hành. Nhưng từ đó đến khi Thanh tra tỉnh Quảng Bình vào cuộc, Cục thuế Quảng Bình không hề ra thông báo cho phía nhà đầu tư.

10. Báo Đại đoàn kết (9/5) có bài “Doanh nghiệp than phiền vì cách tính thuế VAT” cho biết: Sau 3 tháng áp dụng thuế VAT giảm xuống còn 8% đối với nhiều mặt hàng theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP, nhiều DN than phiền bị thiệt hại không nhỏ do thuế VAT đầu vào và đầu ra “lệch ” nhau. Cùng đó, không ít DN lúng túng trong cách tính.

11. Báo Lao động (9/5) có bài “Biệt thự bỏ hoang: Đánh thuế cao là một đề xuất hợp lý” cho biết: PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) cho rằng, các bất động sản như biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang ảnh hưởng xấu đến cảnh quan đô thị, nhếch nhác, thậm chí trở thành tụ điểm của các phần tử xấu, các tệ nạn xã hội. Vì vậy, làm thế nào để đưa những tài sản đó vào sử dụng và phát huy hiệu quả là vấn đề quan trọng.

“Trước đây đề xuất giải pháp đánh thuế cao với những biệt thự, nhà liền kề không đưa vào sử dụng là một trong những đề xuất hợp lý. Nhưng chúng ta phải đánh thuế cao hơn mức nhà cho thuê, có thể cao gấp đôi mức cho thuê nhà” – PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nêu rõ.

- Báo Thanh niên (9/5) có bài “Ủng hộ đánh thuế thật cao với đất, dự án bỏ hoang” cho biết: Nhiều bạn đọc báo Thanh niên ủng hộ kiến nghị đánh thuế thật cao với đất, dự án bỏ hoang nhằm ngăn chặn đầu cơ và lãng phí, cũng như góp phần để người nghèo có được nơi an cư lạc nghiệp.

12. Báo Tuổi trẻ (7/5) có bài “Siết thuế chuyển nhượng bất động sản: Vẫn rối với “xác định giá đúng”” cho biết: Sau khi ngành thuế siết lại việc tính thuế chuyển nhượng bất động sản, buộc các bên giao dịch phải kê khai đúng giá, hiện tượng kê khai 2 giá khi mua bán nhà đất đã giảm mạnh, số thu thuế từ chuyển nhượng bất động sản tăng cao.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp việc xác định thuế thế nào là khai đúng giá khiến nhiều hồ sơ thuế bị ách lại, ảnh hưởng đến cả người mua lẫn người bán. Có trường hợp đã chứng minh kê khai đúng giá, thanh toán hoàn toàn qua ngân hàng, ngân hàng định giá và cho vay một khoản tiền nhưng hồ sơ vẫn bị ách, ngay cả khi người bán làm cam kết nếu sai sẽ bị chuyển  hồ sơ cơ quan công an.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, không phải chi cục thuế nào cũng làm giống nhau ở cách “xác định giá đúng”. Lãnh đạo Chi cục Thuế TP Thủ Đức cho hay với trường hợp bên mua – bên thanh toán qua ngân hàng, người nộp thuế có thể chứng minh với cơ quan thuế bằng sao kê ngân hàng. Nếu không, cơ quan thuế yêu cầu làm cam kết rồi mới giải quyết hồ sơ. Tuy nhiên cơ quan thuế sau đó sẽ lựa chọn ngẫu nhiên những hồ sơ trong diện nghi vấn để xác minh, nếu phát hiện khai gian để trốn thuế, cơ quan thuế sẽ chuyển hồ sơ qua cơ quan công an.

Ông Thái Minh Giao, Cục phó Cục Thuế TP.HCM cho biết, từ giữa tháng 4-2022 cục đã ban hành văn bản gửi đến các chi cục thuế, trong đó nêu rõ “nghiêm cấm các trường hợp tùy tiện gây khó khăn, phiền hà cho người nộp thuế như trả hồ sơ, mời người nộp thuế giải trình mà không nêu rõ lý do”.

Ông Nguyễn Tiến Trường, Phó cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội cũng cho biết, Cục Thuế Hà Nội đã yêu cầu người dân, doanh nghiệp phải kê khai chính xác, trung thực, đầy đủ giá thực tế chuyển nhượng trên hợp đồng chuyển nhượng cũng như trên hồ sơ khai thuế, phí… khi phát sinh các giao dịch chuyển nhượng. Ngoài ra, để tránh thất thu thuế, Cục thuế TP Hà Nội đang phối hợp với các cơ quan liên quan để tham mưu, báo cáo UBND TP xây dựng bảng giá đất sát với giá đất phổ biến trên thị trường. Một số chi cục Thuế Hà Nội cũng đề nghị có cơ sở dữ liệu giá giao dịch chuyển nhượng cần cập nhật liên tục mới đảm bảo bám sát giá thị trường, vì giá nhà đất biến động liên tục.

- Cũng liên quan tới vấn đề này, báo Tuổi trẻ (9/5) có bài “Đừng để người dân mệt mỏi với “xác định đúng giá”” cho biết: Việc siết chặt lại cách tính thuế chuyển nhượng bất động sản, buộc người bán phải kê khai đúng giá giao dịch thật là chủ trương đúng, qua đó cũng giúp tăng nguồn thu cho ngân sách. Tuy nhiên, sẽ “danh chính ngôn thuận” hơn nếu ngành thuế đề xuất Chính phủ sửa đổi những quy định cũng như các thông tư liên quan để bịt lại các “lỗ hổng” mà trước nay người bán lợi dụng để lách thuế.

Tổng cục Thuế cần sớm ban hành quy trình hướng dẫn cụ thể trình tự cách xử lý, trách nhiệm của cơ quan thuế trong trường hợp người nộp thuế kê khai giá chuyển nhượng bất động sản thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế để tránh trường hợp mỗi nơi làm một kiểu, gây khó khăn cho người nộp thuế như đã xảy ra thời gian qua.

13. Báo Tuổi trẻ (7/5) đưa tin “Cưỡng chế thuế 2 doanh nghiệp trúng đáu giá đất Thủ Thiêm”; Tiền phong (7/5) có tin “Hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm chậm nộp tiền: Cưỡng chế tài khoản” cho biết: Chi cục Thuế TP HCM đã chính thức ban hành quyết định cưỡng chế thuế đối với Công ty cổ phần Dream Republic và Công ty cổ phần Sheen Mega (2 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm - TP Thủ Đức) với số tiền phải nộp đợt 1 do quá hạn 90 ngày theo quy định và gửi quyết định đến hai doanh nghiệp. Quyết định đồng thời được gửi đến các ngân hàng và chính thức có hiệu lực từ ngày 6/5, cũng là ngày thứ 91 khoản nợ thuế phát sinh. Sau 180 ngày nếu hai doanh nghiệp trên vẫn chưa nộp đủ tiền vào ngân sách thì UBND TP HCM sẽ có quyết định hủy kết quả trúng đấu giá.

V. Vấn đề KBNN

14. Báo Lao động (7/5) có bài “Trái phiếu Chính phủ tiếp tục đắt hàng” cho biết: Theo Bộ Tài chính, trong 4 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành 45,9 nghìn tỉ đồng TPCP với kỳ hạn bình quân 15,64 năm, lãi suất bình quân 2,4%/năm. Tại những thời điểm ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi, KBNN đã thực hiện gửi có kỳ hạn tại các NHTM, mua lại có kỳ hạn TPCP theo phương thức đấu thầu cạnh tranh lãi suất, đảm bảo tính cạnh tranh, công khai, minh bạch giúp tăng nguồn thu cho NSNN, gắn kết quản lý ngân quỹ, quản lý ngân sách với quản lý nợ, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính của nhà nước.

VI. Vấn đề về quản lý giá

15. Báo Đại đoàn kết (8/5) có bài “Mỗi năm một bộ sách giáo khoa: Thiếu tính ổn định, lãng phí” phản ánh: NXB Giáo dục vừa công bố SGK mới áp dụng từ năm học 2022-2023. Giá các bộ sách này cao hơn hẳn so với SGK hiện hành. Có ý kiến cho rằng, nếu sách ngày xưa “truyền tay” từ năm học này sang năm học khác, thì bây giờ sách dùng xong một lần là “biến mất” khiến phụ huynh ngày càng nặng gánh mỗi năm học mới.

Giải thích về giá sách tăng, đại diện NXBGD cho rằng, sách tăng giá vì được thiết kế theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, tăng cường hình ảnh minh họa; khổ sách lớn hơn. Và mức giá SGK mới nói trên đã được kê khai với Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) theo đúng quy định.

Liên quan đến vấn đề này, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: SGK là đối tượng cần được bảo trợ và quản lý chặt tránh hiện tượng nâng giá. Ngay cả một số nước, SGK còn được cấp hoặc cho học sinh mượn chứ không phải bán với giá cao. Nhà nước nên quy định giá trần, phải bóc tách, kiểm soát các khâu biên soạn nội dung, in ấn, phát hành. Sách được in giấy đẹp, khổ to nhưng khâu in ấn có sự cạnh tranh không hay các đơn vị tự tính chi phí, chưa kể liệu có vấn đề tiêu cực nâng giá thành.

16. Báo Đại đoàn kết (7/5) có tin “Chấn chỉnh hoạt động thẩm định giá” cho biết: Bộ Tài chính vừa yêu cầu các DN thẩm định giá và thẩm định viên về giá hành nghề thực hiện chấn chỉnh hoạt động kinh doanh dịch vụ này. Theo Bộ Tài chính, trong thực tế tổ chức thực hiện kinh doanh dịch vụ này vẫn còn tồn tại hạn chế, cần phải được chấn chỉnh lại. Bộ Tài chính yêu cầu các DN thẩm định giá, thẩm định viên về giá phải tuân thủ nghiêm các quy định về thẩm định giá, cũng như các pháp luật có liên quan.

VII. Vấn đề về CNTT

17. Bản tin Thời sự 19h00 – VTV1 (8/5) phát phóng sự “Ngành Tài chính đẩy mạnh chuyển đổi số” cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược tài chính đến năm 2030, trong đó nội dung quan trọng nhất là hiện đại hóa chuyển đổi số trong ngành. Nhiều năm qua, Bộ Tài chính đã tiên phong triển khai ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính - ngân sách giúp tăng cường hiệu quả, minh bạch trong quản lý tài chính, hướng đến nền tài chính số tiên tiến, hiện đại, phục vụ đắc lực cho nền kinh tế số. Liên tục 7 năm, Bộ Tài chính được xếp thứ nhất trong bảng xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin ở Việt Nam.

Trên 99% doanh nghiệp trên toàn quốc đã sử dụng dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử. Gần đây, ngành thuế đã triển khai Cổng thông tin điện tử dành riêng cho nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai, nộp thuế.

Đặc biệt, việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử sẽ được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia là nền tảng đầu tiên hình thành dữ liệu về thuế và góp phần thúc đẩy phát triển Chính phủ số.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: "Dữ liệu này sẽ kết nối liên thông với: dữ liệu về đất đai, đăng ký kinh doanh, dân cư. Khi chúng ta có dữ liệu lớn sẽ áp dụng trí tuệ nhân tạo vào phân tích dữ liệu để quản lý thuế chặt chẽ hơn, chống được trốn thuế, trục lợi thuế".

Đến nay, Kho bạc Nhà nước đã cơ bản hoàn thành xây dựng kho bạc điện tử với hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 kết nối đến 100% các đơn vị sử dụng ngân sách được tích hợp trên cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Ngành Hải quan cũng đã xây dựng Đề án tổng thể thiết kế triển khai công nghệ thông tin chuyển đổi số phục vụ triển khai cơ chế 1 cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.

Bộ Tài chính đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ cơ bản thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu tài chính mở. Mọi dữ liệu của ngành tài chính sẽ được kết nối trên cổng dịch vụ công quốc gia, đáp ứng toàn diện nhu cầu giao dịch tài chính công, nhu cầu khai thác sử dụng thông tin số của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức.

VIII. Vấn đề khác

18. Tiền phong (9/5) có bài “Ngăn chặn kịp thời vi phạm từ gốc” thông tin: Ngày 8/5, Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị lần thứ 12 (khóa IX) nhằm cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV. Tại hội nghị, nhiều ý kiến đề nghị công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời để ngăn ngừa các vi phạm ngay từ gốc, nhằm tránh được những hậu quả nặng nề.

Ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cần được làm sớm hơn, bởi vì trước đó một số hiện tượng đã có rồi, dư luận cũng đã nói rồi. Ví dụ như Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh… “Phải chăng việc thanh tra, giám sát kiểm tra của ta chưa kịp thời cho nên để xảy ra hiện tượng này?

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00