Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 30/5/2022

Điểm báo ngày 30/5/2022

I. Vấn đề Quốc hội quan tâm

1. Tiền Phong (28/5) có tin “Không để người tham gia bảo hiểm sốc khi tất toán”, Công an nhân dân (28/5) có bài “Quốc hội thảo luận Luật Bảo hiểm”, Nhân dân (28/5) có bài “Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV: Chính xác, công bằng, bình đẳng trong thi đua, khen thưởng” cho biết: Chiều 27/5, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), một số đại biểu lưu ý về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.

ĐBQH Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) đề nghị bỏ quy định về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Bà Dung đề nghị chỉnh sửa quy định theo hướng cấm các hành vi cố tình từ chối hoặc chây ì bồi thường trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra mà không có lý do hợp pháp. Theo bà, hiện nay mới chỉ quy định theo hướng nghiêm cấm các hành vi gian lận.

Dẫn phản ánh của báo chí về một trường hợp là khách hàng bị sốc khi tất toán sớm ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với mức đóng là 120 triệu nhưng khi thu về chỉ còn có 36 triệu, bốc hơi mất 70%, ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang) cho rằng, có thể khách hàng bị lừa do doanh nghiệp đánh tráo khái niệm.

Theo ông, nếu khách hàng đã hiểu rõ nội dung cam kết thì rất có thể sẽ không mua bảo hiểm hoặc nếu mua mà phải nhận lại mức bồi hoàn thấp như thế chắc sẽ không sốc và có những bức xúc đến như vậy.

Từ đó, ĐBQH Lê Minh Nam đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để quy định tại luật nội dung yêu cầu thống nhất về thuật ngữ chuyên môn có tính chuẩn mực chung. Đồng thời doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải giải thích rõ ràng, đầy đủ và có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được giải thích đầy đủ và hiểu rõ các nội dung liên quan đến nghĩa vụ, quyền lợi khi giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Trước một số ý kiến đề nghị bãi bỏ Quỹ bảo vệ cho người được bảo hiểm, ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, quỹ này được tính vào chi phí bảo hiểm, có nghĩa là chi phí trong quá trình sản xuất kinh doanh. Trước đây thu quỹ này là 0,3% doanh thu, bây giờ đề nghị là 0,05%. Luật tính đến 3 lớp bảo vệ, tuy nhiên không thể khẳng định khi một doanh nghiệp có 3 lớp bảo vệ thì không bị vỡ. Ví dụ ngân hàng cho vay có tài sản thế chấp, nhưng vẫn bị vỡ.

2. Tiền Phong, (28/5) có bài “Kiến nghị đưa sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước định giá”, VOV (28/5) có bài “Cần sớm đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá”, Sức khỏe và đời sống (27/5) có bài “Giá sách giáo khoa đắt gấp 2-3 lần”, Đại đoàn kết (28, 29/5) có bài “Sách giáo khoa mới: Đầu tư hình thức hay nội dung?” - “Sách giáo khoa: Tránh tiêu cực, lãng phí” – “Có giám sát tối cao, SGK mới hết “loạn””, Tuổi trẻ (30/5) có bài “Vụ sách giáo khoa “khổ to, giấy đẹp”: Vẫn còn nhiều câu hỏi”, Người lao động (30/5) có bài “Không thể thả nổi giá sách giáo khoa” cho biết: Hôm qua, Bộ GD&ÐT cho biết đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, quyết định đưa sách giáo khoa (SGK) vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa để trình Quốc hội quyết định.

Với việc thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, các doanh nghiệp (NXB) khác nhau sẽ được tham gia in ấn, phát hành… đồng thời, cơ chế tài chính của bộ sách mới và bộ sách hiện hành khác nhau, các NXB tự bỏ tiền chi cho khâu biên soạn nên giá sách chịu các yếu tố tác động của thị trường, giống các sản phẩm khác.

Chia sẻ với phóng viên VOV2 tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV vào chiều 27/5, đại biểu Phạm Văn Hoà, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, dư luận, đặc biệt là phụ huynh học sinh quan tâm đến việc giá sách giáo khoa tăng, ngoài chi phí học thì chi phí mua sách giáo khoa cũng là khoản không nhỏ. “Tôi nghĩ rằng Quốc hội cũng cần xem xét Luật Giá hiện nay bất cập hay không. Theo tôi là bất cập, nếu Bộ Tài chính không tham gia vào quản lý giá mà để các bộ ngành tự ban hành giá. Tất yếu họ sẽ thường bảo vệ quyền lợi của chính bộ ngành đó. Đây là vấn đề mang tính cục bộ, nên giá phải có sự quản lý của nhà nước và Bộ Tài chính cần tham gia...”

Trước thông tin vấn đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông vừa được dự kiến đưa vào chương trình giám sát tối cao trong năm 2023 của Quốc hội, PGS.TS Trần Minh Chất - nguyên Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát Nhân dân nhìn nhận: Nhiều năm nay Bộ GD-ĐT đang rất luẩn quẩn về vấn đề đổi mới sách giáo khoa. Nhưng theo tôi, hạn chế lớn nhất của Bộ GDĐT là dùng các giáo sư, tiến sĩ đang giảng dạy đại học để biên soạn chương trình SGK giảng dạy cho học sinh phổ thông, dẫn tới những cái sai về mặt tư duy, sai về mặt tổ chức. Việc thứ hai, Bộ GDĐT đang lúng túng trong việc giảm tải. Nó giảm tải theo kiểu càng giảm càng tăng. Nói giảm tải, nhưng chương trình rất nặng, với học sinh tiểu học là 2 môn Toán và Tiếng Việt. Cái hạn chế thứ ba là trong những năm đổi mới, người biên soạn sách đã bỏ hết những cơ sở, căn cơ đạo đức của người Việt, những bài học dạy đạo đức về yêu thương cha mẹ, yêu thương bạn bè, yêu thương đồng loại, yêu thương động vật… Điều thứ tư, Bộ GDĐT phải xác định học sinh cấp 1, cấp 2 đầu tiên là học để tồn tại, học để sống, học để làm người chứ không phải học để làm giáo sư, tiến sĩ. Vậy cho nên Bộ GDĐT nhiều năm nay là rất tốn kém trong vấn đề đổi mới SGK.

Bởi vậy việc đại biểu Quốc hội dự kiến đưa việc đổi mới SGK vào một trong 4 chương trình giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2023, quan điểm của tôi là tôi ủng hộ và thấy rất cần thiết. Giám sát tối cao của Quốc hội là giám sát sâu, chặt chẽ và toàn diện. Đó không phải là giám sát theo kiểu viết báo cáo mà là trực tiếp giám sát. Tất cả chương trình là Nghị quyết của Quốc hội thì buộc phải chấp hành đúng.

3. Thanh niên (30/5) có bài “Vốn công ì ạch, phục hồi kinh tế phập phồng” cho biết: Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế (UBKT) cho biết, về kết quả KT-XH trong năm 2021 (bổ sung) giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch, số vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa giải ngân của T.Ư là 71.600 tỉ đồng, trong đó có 16.000 tỉ đồng của các Chương trình mục tiêu quốc gia đều chưa được phân bổ, phải chuyển nguồn sang năm 2022. Giải ngân vốn ngoài nước tiếp tục đạt thấp, chỉ bằng 32,85% kế hoạch và tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, chậm được khắc phục.

Tại kỳ họp thứ 3 QH khóa XV đang diễn ra, khi đề cập đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, vướng mắc lớn nhất hiện nay nằm ở khâu giải phóng mặt bằng (GPMB). Cụ thể việc tách dự án GPMB ra khỏi dự án đầu tư công là một yêu cầu bức thiết, bởi vì GPMB nằm trong phần chuẩn bị đầu tư phải làm trước. Nếu gom toàn bộ việc GPMB vào trong dự án thì khi phê duyệt dự án xong mới GPMB.

Ông Phớc đề xuất cần điều chỉnh, hoàn thiện lại để đảm bảo vấn đề thúc đẩy phát triển: “Công trình muốn nhanh hay chậm, cốt ở GPMB, khi nhà thầu đấu thầu xong, GPMB rồi làm rất nhanh. Từ đó, cũng chống được lạm phát bởi vì khi có khối lượng rồi thì lên được phiếu giá và trả được tiền, thì lấy tiền đó mua vật liệu làm ngay. Như vậy, không bị lỗ, không bị áp lực lạm phát nhiều. Công trình bàn giao nhanh đưa vào sử dụng thì hiệu quả càng tốt. Như vậy, lạm phát không tác động nhiều, còn nếu công trình cứ kéo dài ra, năm này qua năm khác thì làm lỗ, doanh nghiệp lỗ thì sức sống của nền kinh tế giảm đi”.

II. Vấn đề về hải quan

4. Tiền phong (28/5) có bài “Bất thường đường dây nhập siêu xe biếu tặng: Kỳ 5: Cần làm rõ trách nhiệm hải quan, thuế địa phương” cho biết: Không giống việc NK xe chính hãng, các quy định về xe dưới dạng quà biếu đang có nhiều lỗ hổng, khiến DN rất dễ lách luật. Có hay không mối liên hệ giữa một số cục hải quan, cục thuế với những DN “ma”? Nhiều lần PV liên hệ làm việc, nhưng chỉ cần đề cập tới là đại diện các cục thuế, Tổng cục Thuế lảng tránh.

Việc xử lý vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện diễn ra khá chậm trễ, lúng túng. Việc xác định mối quan hệ làm ăn giữa DN và đối tác nước ngoài đã được một số cục hải quan đặt nghi vấn từ lâu. Tuy nhiên, đến tận tháng 6/2021, TCHQ mới yêu cầu tổ chức, cá nhân NK xe biếu tặng phải xuất trình thêm giấy tờ. Thế nhưng việc hướng dẫn kiểm tra các chứng từ này vẫn chưa được quy định cụ thể, dẫn tới tạo cơ hội cho các đối tượng lách luật, lợi dụng. Sự phối hợp giữa hải quan và cơ quan thuế địa phương khá lúng túng dẫn đến việc thu thuế DN đối với những xe biếu tặng sau khi thông quan khó thực hiện.

5. Tiền phong (30/5) tiếp tục có bài “Bất thường đường dây nhập siêu xe biếu tặng: Kỳ 6: Có thể xử lý nhiều hành vi” cho biết: Liên quan đến loạt bài “Bất thường đường dây nhập siêu xe biếu tặng” của Tiền phong, luật sư Lê Văn Hồi cho rằng, theo thông tin đăng tải trên các bài viết của báo có thể thấy có hành vi lách luật, trục lợi chính sách để hưởng lợi bất chính từ tiền thuế. Để xảy tra tình trạng trên, theo ông Hồi, có một phần trách nhiệm của hải quan bởi ô tô là mặt hàng phổ biến được niêm yết giá khá rõ ràng, từ đó, có thể chỉ ra được sai phạm trong việc kê khai giá trị thực của ô tô.

Ông Hồi nhấn mạnh: Các cơ quan thuế địa phương cần làm việc, thanh kiểm tra để yêu cầu họ nộp đầy đủ, không ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Tôi cho rằng cơ quan thuế địa phương có đầy đủ chế tài, công cụ để thực hiện việc này. Thậm chí họ có thể đưa vụ việc sang công an để xử lý.

Còn theo bà Bùi Thị An – nguyên ĐBQH khóa XIII, dù phía Hải quan khẳng định không có thất thu thuế nhưng như những gì PV điều tra, phản ánh cho thấy đã xuất hiện các dấu hiệu tiêu cực khi một số DN, cá nhân được tặng xe mất tích, giải thể, bỏ trốn. Chính phủ nên yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, báo cáo tổng thể bằng văn bản từ khi Thông tư 143 có hiệu lực đến nay có bao nhiêu xe được biếu tặng. Đặc biệt, cần làm rõ số thuế thu được chính xác từ các xe này, nhất là với những xe đã mua bán, chuyển nhượng qua người khác. Theo bà An, Bộ Tài chính cần có đề xuất sửa đổi hoặc bãi bỏ để ngăn chặn các nhóm lợi ích trục lợi.

* Về vấn đề báo nêu, đề nghị Tổng cục Hải quan tiếp tục theo dõi và kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ.

6. Báo Thời báo Ngân hàng (30/5) có tin “Thu thêm hơn 1.400 tỷ đồng thuế từ xe ô tô “biếu, tặng”” cho biết: Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm 2021 đến hết quý 1/2022, tổng số xe nhập khẩu vào Việt Nam là 1.013 chiếc. Tổng số tiền thuế tính trên giá mà doanh nghiệp kê khai là 3.302 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi rà soát, Cục Hải quan các địa phương đã xác định lại giá thì tổng số thuế thu được 4.745 tỷ đồng, chênh lệch tăng thêm là 1.443 tỷ đồng, do trước đó có nhiều hồ sơ nhập khẩu xe ô tô được khai là “biếu, tặng” chưa được tính đúng và đủ các loại thuế theo quy định.

Cơ quan Hải quan sẽ căn cứ vào mức giá khai báo của doanh nghiệp và thông tin của cơ quan đăng kiểm đối chiếu. Trường hợp có chênh lệch về trị giá xe thì cơ quan Hải quan sẽ làm việc với doanh nghiệp để thu đủ số thuế vào ngân sách.

III. Vấn đề về thuế

7. Báo Thời báo Ngân hàng (30/5) có bài “Chống thất thu thuế từ chuyển nhượng bất động sản” cho biết: Thu thuế chuyển nhượng BĐS trong những tháng đầu năm 2022 tăng hơn 3.200 tỷ đồng so với cùng kỳ do nhiều địa phương thúc đẩy các giải pháp chống thất thu thuế.

Theo các chuyên gia, việc Bộ Tài chính và các địa phương thúc đẩy chống thất thu thuế trong mua bán, chuyển nhượng BĐS là việc cần thiết và có lợi cho ngân sách. Tuy nhiên, để việc chống thất thu thuế được thực hiện hiệu quả các chuyên gia cho rằng điểm mấu chốt là phải minh bạch khung giá nhà đất ở cả hai chiều: chiều đền bù, giải tỏa, giải phóng mặt bằng và chiều mua bán, sang nhượng. Cần có lộ trình dài hạn, tạo ra các khung giá đất hợp lý đối với từng khu vực, điều chỉnh kịp thời sao cho phù hợp và sát giá thực tế chuyển nhượng trên thị trường.

8. Lao động (30/5) có bài “Chật vật chuyển đổi hóa đơn điện tử” cho biết: Theo lộ trình của Bộ Tài chính, đến 30/6 phải hoàn thành 100% DN, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đang sử dụng hóa đơn giấy chuyển sang sử dụng HĐĐT theo Nghị định 123/2020. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai HĐĐT thời gian qua, đã có nhiều vướng mắc nảy sinh từ thực tế.

Các chuyên gia cũng nhìn nhận, triển khai HĐĐT vẫn còn gặp một số vướng mắc như việc thay đổi nhận thức người dân, các DN thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải thích cho khách hàng hiểu thế nào là HĐĐT và tính pháp lý của hóa đơn này.

Về một số vướng mắc của DN, theo Tổng cục Thuế, sẽ tập trung cao nhất nguồn lực để tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ DN xử lý kịp thời các vướng mắc thông qua nhiều phương thức khác nhau, đảm bảo hệ thống HĐĐT hoạt động ổn định, thông suốt không để ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN.

9. Báo Tuổi trẻ (30/5) có tin “Chính phủ gia hạn thuế, tiền thuê đất lần thứ 3” đưa tin: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Nghị định số 34 về gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2022. Theo đó, doanh nghiệp, tổ chức kê khai thuế GTGT sẽ được gia hạn 6 tháng với số thuế phát sinh của kỳ tính thuế tháng 3 đến tháng 5/2022 và quý I/2022. Thời hạn gia hạn là 5 tháng với thuế phát sinh trong tháng 6 và quý II/2022. Hộ kinh doanh, cá nhân cũng được gia hạn thời gian nộp thuế TNCN, thuế GTGT phát sinh phải nộp năm 2022 và hạn nộp chậm nhất là ngày 30/12/2022. Số thuế được gia hạn ước khoảng 15.304 tỷ đồng.

Đồng thời, sẽ gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế TNDN tạm nộp quý I, quý II của kỳ tính thuế TNDN năm 2022, ước tính số thuế được gia hạn khoảng 51.000-52.000 tỷ đồng.

Về tiền thuê đất, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân thuộc các lĩnh vực ưu tiên sẽ được gia hạn, nộp chậm nhất là ngày 30/12/2022. Dự kiến số tiền thuê đất được gia hạn khoảng 3.500-3.700 tỷ đồng.

10. Báo Thanh niên (28/5) có bài “Tranh cãi thu thuế bán hàng qua sàn thương mại điện tử” cho biết: Trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 126/2020, Nghị định 123/2020, Nghị định 125/2022, VCCI kiến nghị bỏ quy định về trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay của các sàn thương mại điện tử (TMĐT) có chức năng đặt hàng trực tuyến cho người bán. Đồng thời sửa quy định về cung cấp thông tin theo hướng sàn TMĐT cung cấp thông tin về doanh thu (được hiểu là tổng giá trị đơn hàng) với tần suất 1 năm/1 lần cho cơ quan thuế thay vì theo quý. Xung quanh đề xuất này có nhiều ý kiến trái chiều.

Theo Luật sư Trần Xoa, Giám đốc công ty Luật Minh Đăng Quang, VCCI đề cập căn cứ Luật Quản lý thuế năm 2019 không quy định sàn TMĐT phải kê khai, nộp thuế thay cho người bán là đúng, nhưng quy định pháp luật dù có bổ sung trách nhiệm của các sàn TMĐT trong thực hiện kê khai, nộp thuế cho người bán hàng thì thực tế cũng sẽ khó có thể thực hiện được. Hiện giao dịch thanh toán hàng hóa mua bán qua sàn có đến 86% bằng tiền mặt, do đó, sàn chỉ nắm được doanh thu chứ dòng tiền chưa chắc về sàn. Do đó, việc thực hiện khấu trừ, nộp thuế trong giao dịch mua bán qua sàn TMĐT khó khả thi. Ông Xoa cũng không đồng tình với kiến nghị của VCCI là việc cung cấp thông tin cho cơ quan thuế mỗi năm 1 lần là quá lâu. Các sàn hoàn toàn có thể thực hiện báo cáo mỗi quý 1 lần.

TS Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên trường Đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội lại cho rằng, các sàn TMĐT có thể nắm được doanh thu của người bán nên việc báo cáo cho cơ quan chức năng là thực hiện được nhưng riêng phần kê khai, nộp thuế thay thì rất khó triển khai.

Để thực hiện thu thuế sàn TMĐT như nước ngoài, ông Trần Xoa cho rằng cần có giải pháp khuyến khích người mua bán hàng thanh toán không dùng tiền mặt để cơ quan thuế có cơ sở thực hiện thu thuế. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Tú cho rằng, cơ quan thuế phối hợp với các sàn TMĐT thực hiện cung cấp thông tin về doanh số người bán hàng. Về lâu dài, cần có quy định thanh toán qua sàn bằng phương thức không dùng tiền mặt để có thể chống thất thu thuế. Bộ Tài chính nên nghiên cứu thống nhất thuế suất hiện nay về 1 mức thay vì nhiều mức khó thực hiện….

11. Báo Tuổi trẻ (30/5) có tin “Giá xăng khả năng lập đỉnh mới” cho biết: Giá xăng đang cao chưa từng có khi xăng RON95 bán ra 30.650-31.870 đồng/lít nhưng lại đối diện việc tăng giá tiếp. Tổng giám đốc một công ty bán lẻ xăng dầu tại TP HCM cho biết, từ khi xăng lên trên 30.000 đồng/lít, người dân rất quan tâm đến biến động giá xăng, chứng tỏ mức tăng này đã “ngấm” đến túi tiền của người dân, từng gia đình. Vị này cho rằng, cần xem xét các công cụ để kìm đà tăng giá xăng dầu, trong đó thuế tiêu thụ đặc biệt là một trong những loại thuế cần cân nhắc tại thời điểm hiện nay.

IV. Vấn đề về quản lý giá

12. Tuổi trẻ (30/5) có chùm bài “Ghìm lạm phát, hỗ trợ dân”, “Giá xăng khả năng lập đỉnh mới”, “Nhiều nước tăng trợ giá, giảm thuế” cho biết: Tuần này Quốc hội sẽ thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Cần phải làm gì để có thể kìm nguy cơ lạm phát và hỗ trợ người dân giữa lúc "bão giá" hiện nay? TS. Nguyễn Quốc Việt – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định, sau dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp và người dân kiệt quệ về tài chính. Sự bất ổn của tình hình chính trị, kinh tế thế giới khiến nhiều người không yên tâm đổ vốn vào sản xuất, kinh doanh, ngược lại họ đổ tiền vào bất động sản, vàng, tài chính... Với các gói hỗ trợ doanh nghiệp, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, dứt khoát phải chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm.

Nền kinh tế của Việt Nam có độ mở lớn nên dễ chịu áp lực lạm phát toàn cầu, dẫn tới hiện tượng nhập khẩu lạm phát. Tuy nhiên, năm 2020 - 2021 chúng ta có xu hướng xuất siêu, chỉ nhập khẩu các nguyên phụ liệu đầu vào nên sức ép lạm phát không đáng lo ngại. Mặt khác hàng nhập khẩu gắn với doanh nghiệp FDI, nếu ta khơi thông hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh tế quốc tế, thúc đẩy xuất nhập khẩu, giảm chi phí và rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì sức ép về nhập khẩu lạm phát không quá lớn.

Tôi cho rằng Việt Nam có thể gặp khó khăn lớn trong năm 2022 và có thể kéo dài sang năm 2023. Nếu không kiểm soát, có cơ chế giám sát giá trong giáo dục và y tế thì đây mới là yếu tố dẫn tới tăng lạm phát cuối năm, dù tôi cho rằng lạm phát năm nay có thể vẫn giữ ở mức 4%.

Chúng ta đã có cơ chế bình ổn giá cho một số mặt hàng thiết yếu, nguyên phụ liệu đầu vào, cùng với đó là cơ chế kiểm tra, thanh tra, kiểm soát giá trên thị trường để tránh biến động giá. Vừa qua với giá xăng dầu cũng đã có mức giảm thuế bảo vệ môi trường, hay việc miễn giảm 2% thuế giá trị gia tăng...

Để chính sách này hiệu quả hơn, cơ quan quản lý cần đánh giá thêm ngành hàng chịu tác động từ bất ổn quốc tế và sức ép lạm phát để bổ sung thêm vào diện miễn giảm 2% thuế giá trị gia tăng. Hoặc cần tính toán để giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xăng dầu.

Về dài hạn, việc sớm triển khai gói phục hồi kinh tế 350.000 tỉ đồng là cần thiết. Dù gói phục hồi của nước ta chỉ ở mức trung bình của thế giới, chỉ chiếm 4-5% GDP, nhưng với gói này cho thấy Chính phủ quyết tâm phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo ra tăng trưởng và lấy tăng trưởng này bù cho lạm phát còn hơn là để "đình lạm", tức không tăng trưởng mà vẫn lạm phát.

13. Đại đoàn kết (28/5) có bài “Rà soát lại hoạt động đấu giá đất” thông tin: Cuộc đấu giá đất ở Thủ Thiêm vừa qua đã tạo nhiều tranh cãi trong dư luận xã hội. Nhưng có một điểm chung được chỉ ra, đó là có nhóm lợi ích xung quanh các cuộc đấu giá đất. Có thể nói, việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất ở nhiều địa phương còn hạn chế, gây ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, cần xây dựng cơ chế, quy chế giám sát đấu giá chung và tổ chức giám sát việc đấu giá có hiệu quả (việc thực hiện thủ tục, quy trình; lựa chọn tổ chức đấu giá, người tham gia đấu giá; quá trình tổ chức đấu giá...). Đặc biệt chú trọng xây dựng, thực thi, thanh kiểm tra thực hiện các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho các đấu giá viên, các tổ chức đấu giá và định giá khởi điểm.

14. Thanh niên (30/5) có bài “Giá tiêu dùng tăng phi mã” thông tin: Sau khi giá xăng dầu trong nước tăng lên mức kỷ lục, nhiều loại mặt hàng cũng rục rịch tăng giá, gây áp lực rất lớn đến bữa ăn hằng ngày. Theo khảo sát của Thanh Niên, nhiều DN hiện nay đang khó khăn khi phải duy trì sản xuất trong áp lực chi phí gia tăng, chi trả lương cho nhân viên trong khi sức mua trên thị trường vẫn khá yếu.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nhận định: Nền kinh tế VN có độ mở rất lớn nên thế giới tăng giá, ta phải chịu giá cao ngay, người ta gọi đó là nhập khẩu lạm phát. Hiện tình hình thế giới quá phức tạp với lạm phát cao. Để giảm thiểu tác động, phải sử dụng nhiều công cụ: thuế, điều hành, tổ chức sản xuất và cân đối cung cầu...

Ở góc độ sản xuất, ông Vũ Duy Hải, Tổng giám đốc Tập đoàn Vinacam, kiến nghị: “Các bộ, ngành nên xem xét áp thuế xuất khẩu với một số loại phân bón, nhóm sản phẩm đang chiếm 30 - 40% giá thành sản xuất lúa hiện nay. Bên cạnh đó, cũng không nên đánh thuế xuất khẩu với tất cả loại phân bón.

15. Tiền phong (28/5) có tin “Giá xăng dầu đẩy CPI tháng 5 tăng mạnh” cho biết: Theo Tổng cục Thống kê, so với tháng trước, chỉ số CPI tháng 5 tăng 0,38%. Trong 11 nhóm hàng hóa dịch vụ, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước. Nhóm giao thông tăng mạnh nhất 2,34% so với tháng trước, làm CPI tăng 0,23 điểm phần trăm chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu.

V. Vấn đề về chứng khoán

16. Đầu tư Chứng khoán (Số 22) có bài “Lực cản mới với các cuộc gọi vốn nước ngoài” cho biết: Sự đảo chiều chóng vánh và khốc liệt trên TTCK thứ cấp đang gây ra hệ lụy với nhiều doanh nghiệp có kế hoạch phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài. Những khó khăn về vốn là nguyên nhân chủ yếu khiến doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng bị M&A với giá rẻ mạt. Một chuyên gia tư vấn có nhiều năm kinh nghiệm ở các thị trường lớn trên thế giới đã nhận xét: “Do thị trường chứng khoán Việt Nam được vận hành kém hiệu quả, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp Việt Nam quá thấp, thấp đến nỗi các “tay săn mồi” nước ngoài đã nhắm đến con mồi nào, họ sẽ vào trả giá đến lúc các cổ đông buộc phải nhả ra”.

 17. Báo Pháp luật Việt Nam (30/5) có bài “Thị trường chứng khoán sẽ sớm cân bằng” cho biết: Sau những lùm xùm trên thị trường chứng khoán, nhiều nhận định cho thấy thị trường sẽ sớm hồi phục nhờ kiểm soát chặt chẽ và trợ lực từ sự bật tăng của nền kinh tế. Báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt cũng nhận định, việc kiểm soát chặt chẽ và chống lại các hoạt động thao túng thị trường sẽ làm tăng tính minh bạch và giảm rủi ro trên thị trường vốn, bất động sản tại Việt Nam, mang lại môi trường lành mạnh cho các nhà đầu tư trong trung và dài hạn.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi: Với năm 2022, mặc dù khó tránh khỏi những biến động dưới tác động của diễn biến kinh tế, chính trị thế giới nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang được hỗ trợ tích cực từ các yếu tố nền tảng vĩ mô trong nước và các yếu tố nội tại của thị trường. Việt Nam vẫn có nhiều trợ lực tích cực để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,5-7% trong năm nay và còn tăng trưởng tốt trong các năm tiếp theo…. Thị trường chứng khoán Việt Nam vì thế vẫn được kỳ vọng sớm bước qua giai đoạn biến động hiện nay và sẽ ổn định, phục hồi, phát triển bền vững hơn…

VI. Vấn đề về bảo hiểm

18. Đầu tư Chứng khoán (Số 22) có bài “Nhà bảo hiểm vẫn “quên” điều khoản loại trừ” cho biết: Điều khoản loại trừ quy định các trường hợp bên bán không phải bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm, thế nhưng nội dung rất quan trọng này thường không được gửi kèm hợp đồng bảo hiểm, cũng không được giải thích kỹ lượng cho bên mua dễ dẫn đến tranh chấp.

Trong quá trình thẩm tra dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi hồi tháng 6/2021, Bộ Tư pháp cho biết, các điều kiện loại trừ được đặt ra nhằm mục đích cho phép doanh nghiệp bảo hiểm trong trường hợp bên mua có ý định trục lợi bảo hiểm bởi những hành vi cố ý. Tuy nhiên, các hợp đồng kinh doanh bảo hiểm trên thực tế đều là hợp đồng mẫu với các điều khoản được xây dựng trên cơ sở ý chí của bên bán bảo hiểm, mà bên mua bảo hiểm không có cơ hội thỏa thuận, chỉ có thể hiện ý chí thông qua việc có hoặc không tham gia hợp đồng. Do đó, khả năng kiểm soát của bên mua bảo hiểm với các trường hợp loại trừ trách nhiệm mà doanh nghiệp bảo hiểm đưa vào hợp đồng là không thể thực hiện được.

Bộ Tài chính đã chỉ sửa Điều 16 – Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm tại dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm phiên bản cập nhật lần 5, cụ thể: Trường hợp có điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm, phải giải thích rõ và có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được doanh nghiệp bảo hiểm giải thích đầy đủ và hiểu rõ các nội dung này khi giao kết hợp đồng bảo hiểm.

VII. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

19. Diễn đàn doanh nghiệp (27/5) có bài “Lành mạnh hóa thị tường trái phiếu doanh nghiệp” cho biết: Để lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cần vừa kiến tạo phát triển cho thị trường, vừa kiểm soát được rủi ro. Đó là chia sẻ của Luật sư Nguyễn Tiến Hoà - Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh với Diễn đàn Doanh nghiệp. Theo luật sư Nguyễn Tiến Hoà để thị trường TPDN phát triển lành mạnh, an toàn, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm giải quyết dứt điểm các vụ việc bao gồm rà soát, đánh giá rủi ro từ hoạt động cung cấp dịch vụ và phát hành trái phiếu riêng lẻ. Đồng thời, cần củng cố hành lang pháp lý chặt chẽ hơn nhưng cũng phù hợp, sát gần doanh nghiệp, theo cơ chế thị trường, đề cao vai trò tiền kiểm. Để lành mạnh hóa thị trường, cần vừa kiến tạo phát triển cho thị trường, vừa kiểm soát được rủi ro.

Trước mắt, cần giải quyết dứt điểm các vụ việc vừa qua để củng cố niềm tin nhà đầu tư cũng như tránh tạo tiền lệ xấu. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu phát hành nhằm tăng tính công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng trái phiếu được phát hành.

VIII. Vấn đề về DNNN

20. Nhân dân (29/5) có tin “Đẩy nhanh cổ phần hóa, cơ cấu lại DNNN”, Báo điện tử Thanh tra (28/5) có tin “Đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước” cho biết: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký ban hành Công điện số 478/CĐ-TTg ngày 27/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Trong đó Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, phê duyệt, triển khai Đề án cơ cấu lại của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025; Tiếp tục rà soát, trình cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi các quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00