Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 02/6/2022

Điểm báo ngày 02/6/2022

I. Vấn đề Quốc hội quan tâm

1. Báo Lao động (2/6) có các bài “Giám sát thị trường chứng khoán, ngăn chặn “thổi” giá đất”, “Kiến nghị bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá”, Thanh niên (2/6) có các bài “Mạnh tay xử lý “chiêu trò” dìm, thổi giá đất, thao túng chứng khoán”, “Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo nói đã có nhiều chỉ đạo để giá sách giáo khoa thấp nhất”, Pháp luật Việt Nam (2/6) có bài “Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội: Khơi thông các dòng vốn, quyết liệt trong giải ngân đầu tư công”, Công an nhân dân (2/6) có bài “Tạo điều kiện để doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất”, Đại đoàn kết (2/6) có bài “Cần sớm ổn định lãi suất, giá cả” và nhiều báo khác đưa tin bài. Các báo cho biết: Ngày 1/6, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng…

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng những lỗ hổng, bất ổn trên thị trường chứng khoán, bất động sản cần phải được xử lý triệt để tận gốc. Không thể để các chiêu trò đấu giá, vây thầu, thao túng cổ phiếu… rút ruột ngân sách, phá hoại nền kinh tế và niềm tin của nhà đầu tư.

Chia sẻ góc nhìn từ các vụ án xảy ra tại FLC, Tân Hoàng Minh, ĐB Tạ Thị Yên (Điện Biên) phản ánh cử tri rất thắc mắc vì sao các giao dịch bất thường về mua bán cổ phiếu, trái phiếu BĐS cả xã hội thấy mà các đối tượng này lại dễ dàng qua mắt cơ quan quản lý.

Về lỗ hổng chứng khoán, ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) dẫn thống kê từ tháng 3.2020 khi đại dịch Covid-19 bùng nổ toàn cầu tới cuối tháng 4.2022, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam tới 68.000 tỉ đồng, tương đương hơn 3 tỉ USD. Còn tính từ đầu năm 2022 tới cuối tháng 4, mức bán ròng của nhóm này đạt 4.400 tỉ đồng, tương đương 200 triệu USD.

“Có phải dòng tiền rẻ từ ngành ngân hàng bơm ra, một phần đáng kể đã tràn vào thị trường chứng khoán nói riêng, thị trường BĐS và nhiều thị trường tài sản, tài chính nói chung khi mà khu vực kinh tế thực lúc đó đang bị co hẹp? Đòn bẩy tài chính mà các nhà đầu tư sử dụng vốn ngân hàng hoạt động thế nào? Liệu nợ xấu ngân hàng trong các lĩnh vực rủi ro này hiện thực sự đứng ở mức bao nhiêu và sẽ còn gia tăng cỡ nào trong thời gian tới?”, ĐB Hà Sỹ Đồng đặt câu hỏi.

Đề cập đến một số vấn đề còn tồn tại, Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đánh giá, đến nay, Nghị quyết 43/2022/QH15 của QH và các chính sách, chủ trương lớn được triển khai rất chậm. Công tác giải ngân, hỗ trợ cho các đối tượng bị tác động của đại dịch chưa được thực hiện hiệu quả.

Tại phiên thảo luận, vấn đề “sát sườn” với đời sống người dân là giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng, đặc biệt là xăng dầu, phân bón… cũng được nhiều đại biểu đề cập. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Hồ Chí Minh) cho rằng, để đạt mục tiêu kinh tế tăng trưởng 6%-6,5%; kiểm soát lạm phát 4% trong năm 2022, Chính phủ trước mắt cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, Chính phủ nên sớm trình QH, Ủy ban Thường vụ QH giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng. Trong đó, mặt hàng quan trọng nhất là mặt hàng xăng dầu, bởi để giá xăng dầu tăng cao sẽ dẫn đến “hiệu ứng domino” các mặt hàng khác.

Liên quan đến giá sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đã nhiều lần ban hành các văn bản chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục cần thực hiện tiết kiệm tối đa, cắt giảm chi phí quản lý, bán hàng, chi phí khác nhằm đảm bảo giá sách giáo khoa được thấp nhất. Bộ cũng đã có Công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ và Quốc hội bổ sung sách giáo khoa và danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá và có chính sách trợ giá.

II. Vấn đề về thuế

2. Chiều ngày 01/6, Văn phòng Bộ đã phối hợp với Tổng cục Thuế đồng chủ trì họp báo chuyên đề về “Kết quả triển khai hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc”. Tham dự cuộc họp có 67 phóng viên đến từ truyền hình, Đài tiếng nói Việt Nam, các báo trong và ngoài ngành. Cuộc họp đã diễn ra sôi nổi, đại diện một số đơn vị trong Tổng cục Thuế đã trả lời thấu đáo nhiều câu hỏi do các phóng viên đặt ra. Theo đánh giá của đa số phóng viên cho thấy, việc tổ chức họp báo đã thỏa mãn những vấn đề liên quan đến hóa đơn điện tử mà dư luận đang quan tâm.

Trong ngày 01/6 và 02/6, nhiều cơ quan báo chí đã đưa tin xoay quanh nội dung này. Cụ thể: Bản tin tài chính kinh doanh phát trên VTV vào lúc 7h08’ (2/6) có tin “Hơn 800 nghìn doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử”, Sài gòn giải phóng (2/6) có bài “Gần 93% doanh nghiệp đã chuyển sang dùng hóa đơn điện tử”, Đại đoàn kết (2/6) có bài “100% doanh nghiệp dùng hóa đơn điện tử từ ngày 1/7”, Hà nội mới, Quân đội nhân dân (2/6) có tin “92,6% doanh nghiệp đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử”, Thời báo Kinh tế Sài gòn (1/6) có bài “Gần 93% doanh nghiệp cả nước đã áp dụng hoá đơn điện tử”, Vietnamplus (1/6) có bài “Ngành thuế 'chạy nước rút' phủ sóng hóa đơn điện tử trên toàn quốc”, Vnexpress (1/6) có bài “Tất cả doanh nghiệp, người dân dùng hóa đơn điện tử từ 1/7”, Vneconomy (1/6) có bài “Đã có 92,6% doanh nghiệp chuyển sang hóa đơn điện tử, cơ quan thuế dễ truy dấu gian lận”, Kinh tế & đô thị (1/6) có bài “Hơn 760.000 doanh nghiệp sử dụng hoá đơn điện tử”, Lao Động (1/6) có bài “Tổng cục Thuế nói gì về chặn gian lận hoá đơn điện tử?”, Dân Việt (1/6) có bài “Hóa đơn điện tử bị mua bán qua mạng, Tổng cục Thuế nói gì?”, Giao Thông (1/6) có bài “Từ 1/7, tất cả người dân, doanh nghiệp dùng hoá đơn điện tử” và rất nhiều trang mạng khác đưa tin cho biết: Ngày 1-6, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề về kết quả triển khai hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc.

Tại buổi họp báo, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến ngày 24-5, cả nước có 764.314 doanh nghiệp trong nước (chiếm 92,6% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay) và 52.778 hộ, cá nhân kinh doanh đã đăng ký chuyển đổi sử dụng sang hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC. Số lượng hóa đơn điện tử mà cơ quan thuế đã tiếp nhận xử lý là hơn 318 triệu hóa đơn.

Theo đại diện Tổng cục Thuế, năng lực vận hành của hệ thống cổng thông tin xử lý hóa đơn điện tử hiện nay được đánh giá rất tốt, dự kiến trung bình mỗi năm sẽ xử lý từ 6,5-7 tỷ hóa đơn điện tử. Một trong những mục tiêu mà cơ quan thuế đặt ra hiện nay là sẽ “phủ sóng” hóa đơn điện tử đến toàn bộ các hộ và cá nhân kinh doanh trong thời gian tới. Để khuyến khích sự chuyển đổi này, Tổng cục Thuế đã có quy định trong vòng 12 tháng kể từ ngày đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử trên hệ thống cổng thông tin, các hộ gia đình và cá nhân kinh doanh sẽ không phải trả chi phí khi sử dụng dịch vụ.

Một trong những vướng mắc mà một số doanh nghiệp đang gặp phải khi chuyển đổi sang hóa đơn điện tử hiện nay là một số địa phương chưa có sự thống nhất giữa cơ quan thuế với cơ quan công an về loại hóa đơn.

Mục tiêu được đặt ra là đến ngày 1-7, toàn bộ người nộp thuế sẽ chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử.

“Thời gian qua, chúng ta chưa phát hiện trường hợp gian lận hoá đơn điện tử”, khẳng định của ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thuế về việc áp dụng hoá đơn điện tử trong hoạt động mua bán của người dân, doanh nghiệp.

Trả lời báo chí về có hiện tượng mua bán hoá đơn trên mạng và vụ việc nổi cộm nhất xảy ra tháng 3/2021 ở Hà Nội trong thời gian thực hiện thí điểm hoá đơn điện tử, đối tượng mua bán hoá đơn điện tử trị giá 155,3 tỷ đồng bị cơ quan công an Hà Nội triệt phá, ông Đặng Ngọc Minh nói: “Bất kỳ hình thức hoá đơn nào cũng có gian lận, hoá đơn điện tử hay giấy đều có. Tuy nhiên, hoá đơn điện tử có lưu vết”.

Ông Minh khẳng định, cơ quan thuế sẽ sử dụng các công cụ phân tích rủi ro chương trình riêng, ngoài xây dựng dữ liệu điện tử của ngành thuế, chúng tôi còn có chương trình ứng dụng công nghệ phân tích nhanh, xử lý triệt để gian lận hoá đơn điện tử. Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thuế khẳng định: “Trong thời gian vừa rồi, chưa phát hiện trường hợp gian lận hoá đơn điện tử”.

Cũng về nội dung này, ông Giang Văn Hiển, Phó Cục trưởng Cục Thanh tra - Kiểm tra thuế, Tổng cục Thuế cho biết, về việc gian lận mua bán hoá đơn, Cục Thuế Hà Nội đang phối hợp với Công an Hà Nội xử lý 01 trường hợp buôn bán hoá đơn qua mạng.

Về mua bán hoá đơn trên mạng, Tổng cục Thuế đang kiến nghị Bộ Tài chính thực hiện nhiều giải pháp trong đó có việc rà soát xác minh có đúng là buôn bán hoá đơn điện tử hay không? “Không chỉ căn cứ vào việc ai đó đưa lên mạng rằng mình bán hoá đơn điện tử và cho rằng đó là buôn bán hoá đơn và khẳng định họ vi phạm. Để khẳng định được hành vi đó có vi phạm, chúng tôi phải xác minh, nếu có thì mới căn cứ vào vi phạm pháp luật để xử lý theo đúng quy định”, ông Hiển cho hay. Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng: “Chỉ một mình cơ quan thuế vào cuộc xử lý vi phạm buôn bán hoá đơn sẽ rất khó nên đề nghị các cơ quan liên quan cùng vào cuộc để đấu tranh, xử lý hành vi buôn bán hoá đơn”.

Theo đại diện Cục Thanh tra - Kiểm tra, Tổng cục Thuế, hiện Tổng cục Thuế đã lập Ban Chỉ đạo 1385 xử lý về nội dung buôn bán hoá đơn để hoàn thuế.

III. Vấn đề về giá

3. Từ 15h (1.6), Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Xung quanh nội dung này, nhiều báo đưa tin như: Hà Nội mới, qdnd.vn, Vietnam+, Tuổi trẻ, Thanh niên, Tiền phong, Báo điện tử VnExpress, Dân trí, Zingnews.vn, Laodong.vn, Báo điện tử Vietnamnet… Các báo cho biết:  Trong kỳ điều chỉnh lần này, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 600 đồng, RON 95 tăng 920 đồng/lít đồng. Theo đó, giá xăng RON 95 tại kỳ điều chỉnh lần này đã tăng 920 đồng/lít, lên mức 31.570 đồng mỗi lít; xăng E5 RON 92 tăng 600 đồng/lít, lên mức 30.230 đồng mỗi lít.

Giá dầu DO 0,05s-II tăng 840 đồng/lít, lên mức 26.390 đồng/lít; dầu hoả tăng 940 đồng, lên mức 25.340 đồng/lít, dầu mazut tăng 310 đồng, lên mức 20.900 đồng/lít.

Trong kỳ điều chỉnh lần này, xăng RON95 và RON92 không thực hiện trích lập, cũng không chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu. Trong khi đó, dầu DO 0,05s-II và dầu hoả trích lập 100 đồng/lít vào Quỹ bình ổn, dầu mazut trích lập vào quỹ 300 đồng/lít.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng bán lẻ đã 10 lần tăng, 3 lần giảm. Mặc dù từ ngày 1.4, chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chính thức có hiệu lực, tuy nhiên, đà giảm của giá xăng dầu vẫn khá “nhỏ giọt”.

4. Báo Tuần Tin tức (2/6) có bài “Xăng dầu tăng ‘phi mã’ kiểm soát lạm phát khó khăn” cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng trong nước đã 11 lần, tương đương mức tăng 6.741-6.774 đồng/lít, tùy loại. Sau điều chỉnh từ liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng RON 95 từ 15 giờ ngày 1/6 đã vượt 31.000 đồng/lít, ở mức 31.570 đồng. Xăng E5 RON 92 cũng tăng thêm 600 đồng, lên mức 30.230 đồng/lít.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhìn nhận: Với đà tăng giá dầu thô và xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới như trên, giá xăng RON 95 bán lẻ trong nước tại kỳ điều hành tiếp theo lại tăng nếu cơ quan điều hành không xả mạnh Quỹ bình ổn giá.

Giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới; giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào được Tổng cục Thống kê cho là những nguyên nhân chủ yếu làm CPI tăng trong tháng 5/2022. Nhiều khả năng, năm nay, lạm phát sẽ không còn ở mức thấp như năm ngoái (1,84%), mà sẽ xoay quanh ngưỡng mục tiêu 4%.

Theo TS Nguyễn Bích Lâm – Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, Chính phủ cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát, đa dạng hóa nguồn cung.

“Cần nghiên cứu giảm các sắc thuế còn lại như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng… Giải pháp tối ưu là giảm thuế nhập khẩu và xem xét giảm phí giao thông đường bộ bằng việc kéo dài thời gian hoàn vốn đối với các dự án BOT. Chi phí giao thông sẽ giảm tạo điều kiện cho các hoạt động khác giảm được chi phí, kéo lùi tốc độ tăng CPI”, TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ KHĐT) nhận định.

5. Báo Tuổi Trẻ (2/6) đưa tin “Đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT với xăng dầu”, báo Tiền Phong (2/6) có bài “Đề xuất tiếp tục giảm thuế với xăng dầu”, báo Dân trí (2/6) có bài “Đại biểu Quốc hội đề xuất giảm thuế, kìm giá xăng dầu tăng quá "nóng", báo VnExpress (2/6) có bài “Đại biểu Quốc hội đề nghị giảm tiếp thuế để kìm giá xăng”... cùng nhiều báo cho biết: Giá xăng dầu trong nước liên tiếp phá kỷ lục. Tại kỳ họp đang diễn ra, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có ngay giải pháp bình ổn giá mặt hàng này, tránh hiệu ứng domino tới các mặt hàng khác.

Đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa) đề nghị: “Ngay tại kỳ họp này, đề nghị Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT với xăng dầu năm 2022. Tương tự với thuế bảo vệ môi trường, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, việc giảm thuế xăng dầu có thể giảm nguồn thu ngân sách, nhưng giá dầu thô tăng cao mà VN lại xuất khẩu dầu thô nên có thể bù đắp thu ngân sách từ nguồn này”.

IV. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

6. Báo Tuổi Trẻ (2/6) có bài “Chấn chỉnh thị trường trái phiếu ra sao?” “Doanh nghiệp sẽ ‘đói’ vốn?” cho biết: Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết để thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vận hành an toàn, trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 53 về phát hành TPDN. Về lâu dài Bộ sẽ nghiên cứu các vấn đề còn tồn tại theo quy định của Luật chứng khoán để sửa đổi cho phù hợp. Bởi phát triển thị trường TPDN là vô cùng cần thiết, không thể tách khỏi cái chung là thị trường chứng khoán.

Bộ Tài chính đang xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về dự thảo nghị định sửa đổi nghị định 153 về phát hành TPDN. Định hướng chung là sẽ bổ sung các quy định mới để bảo đảm thị trường TPDN phát triển an toàn, bền vững.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, TPDN là một trong những kênh huy động vốn quan trọng của DN bất động sản bởi tài sản bảo đảm không phải là yếu tố bắt buộc, mà DN phát hành có thể bảo đảm bằng chính trái phiếu hoặc cam kết lợi nhuận. Do đó, để thị trường TPDN có thể vận hành an toàn và hiệu quả, cần thúc đẩy hoạt động xếp hạng tín nhiệm DN.

TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng muốn thị trường TPDN phát triển lành mạnh, Nghị định 153 phải được sửa đổi sớm. Trong đó, những quy định về sử dụng vốn huy động qua kênh TPDN phải điều chỉnh để nhà đầu tư có thể kiểm soát được quá trình sử dụng vốn của DN phát hành. Thứ hai là phải có quy định về xếp hạng tín nhiệm. Nghị định 153 có nhắc đến quy định về xếp hạng tín nhiệm DN phát hành TPDN nhưng không bắt buộc.

Trong bài “Doanh nghiệp sẽ ‘đói’ vốn?”, báo Tuổi Trẻ cho biết: Nhiều chuyên gia khuyến cáo, trái phiếu sẽ trở thành “bom nợ” nếu doanh nghiệp không có dòng tiền để trả cho trái chủ, tài sản đảm bảo có chất lượng thấp. Tuy nhiên, cần kiểm soát một cách khôn khéo, tránh để doanh nghiệp bị “đói” vốn, gây nên hệ lụy không đáng có.

7. Báo Tuổi Trẻ online (2/6) có bài “Bộ Tài chính điểm mặt 20 doanh nghiệp bất động sản ‘ôm nợ’ trái phiếu ngàn tỉ” cho biết: Trong báo cáo gửi tới Chính phủ mới đây, Bộ Tài chính cho biết 20 doanh nghiệp bất động sản vay nợ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nhiều nhất trong năm 2021 đã vay tổng số nợ lên tới hơn 100.000 tỉ đồng, lãi vay TPDN của các doanh nghiệp này từ 8%/năm đến 12,9%/năm.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00