Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 03/6/2022

Điểm báo ngày 03/6/2022

I. Vấn đề Quốc hội quan tâm

1. Thanh niên (3/6) có bài “Vụ Việt Á, lãng phí đất đai làm nóng nghị trường”, Thời báo ngân hàng (3/6) có các bài “Chương trình phục hồi sẽ bước vào giai đoạn bứt tốc”, “Lành mạnh hóa thị trường bất động sản”, Người lao động (3/6) có bài “Lo lắng về vốn đầu tư công, nguồn lực đất đai”, Quân đội nhân dân (3/6) có bài “Quốc hội bàn cách kiềm chế giá đối với mặt hàng thiết yếu”, Sài Gòn Giải phóng (3/6) có bài “Lượng hóa để có cơ sở giám sát chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế”, Lao động (3/6) có bài “Xem xét giảm thuế để hạ giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát”, Báo điện tử VnExpress (2/6) có bài “Bộ trưởng Tài chính: Có trường hợp bán nhà 10 tỷ, kê khai thuế 500 triệu”, Báo Thanh tra (3/6) có bài “Gói phục hồi kinh tế: Làm “thận trọng để tránh sơ suất và trách nhiệm sau này””. Các báo cho biết: Sáng 2-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách; tổng kết việc thực hiện và kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Các đại biểu sốt ruột khi gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội thông qua nhanh trong bối cảnh đặc biệt nhưng không được giải ngân bằng “một quyết tâm đặc biệt và cách làm đặc biệt”. “Nếu chậm trễ trong triển khai thì chúng ta bỏ lỡ thời điểm vàng”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nam (Hải Dương) lưu ý.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho hay, khi Quốc hội thông qua Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, tập trung chỉ đạo. Theo Phó Thủ tướng, cơ bản đã hoàn thành các chính sách và đã giải ngân được 22.000 tỷ trên 300.000 tỷ. Đây là một tiền đề quan trọng để tin tưởng rằng gói hỗ trợ này chúng ta thực hiện tốt trong thời gian tới.

Tại phiên thảo luận nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu như giá xăng dầu tiếp tục tăng cao kéo theo hàng loạt mặt hàng thiết yếu sẽ tăng theo, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp sau một thời gian dài chịu rất nhiều tác động của đại dịch Covid-19.

Giải trình về vấn đề, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, hiện nay nhiệm vụ cấp bách là chống được lạm phát. Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế, đồng nghĩa với việc những nguyên liệu phụ thuộc ở nước ngoài chúng ta phải theo dòng chảy, tác động của nước ngoài như thép, phôi thép, xăng dầu…

“Chống lạm phát là vấn đề hết sức quan trọng. Ngoài giải pháp chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, quản lý giá… thì vấn đề hết sức quan trọng là phải tăng năng lực sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng nêu giải pháp và cho rằng, có như vậy mới tạo được sản phẩm, nâng cao được mức thu nhập của người dân và doanh nghiệp, qua đó sẽ có sức mạnh chống lạm phát.

Với riêng xăng dầu, có ý kiến cho rằng cần phải giảm giá xăng dầu, Bộ  trưởng cho rằng việc giảm thuế để giảm giá xăng dầu là một trong nhiều giải pháp. Mà muốn giảm giá xăng dầu thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Các loại thuế chiếm khoảng 28% trong giá xăng dầu, vừa qua đã giảm 50% thuế môi trường. Còn lại là thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, một số thuế khác thì thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

“Giảm thuế là một biện pháp mà Bộ Tài chính sẽ cân nhắc để đánh giá tác động; sẽ báo cáo Chính phủ để báo cáo Thường vụ Quốc hội về vấn đề giảm thuế trong giá xăng dầu”, Bộ trưởng cho biết.

Thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Tp.HCM) cho rằng, qua giám sát ở địa phương cho thấy có sự lãng phí lớn trong sử dụng tài sản công. Có những tòa nhà, quỹ đất công với vị trí vàng nhưng đang được để trống hoặc được sử dụng không hiệu quả vì vướng quy định pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Giải trình về vấn đề, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, về thị trường vốn, ngân hàng tiền tệ, chứng khoán và đặc biệt là lãng phí trong mua sắm, đầu tư công, quản lý khoáng sản, rừng, đất đai… tới đây Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo trọng tâm và siết lại.

Tại các phiên thảo luận nhiều đại biểu Quốc hội cũng quan ngại về việc siết thu thuế chuyển nhượng bất động sản. Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã chia sẻ rõ hơn về tình trạng trốn thuế, kê khai giá bán nhà đất thấp hơn thực tế nhiều lần. “Có trường hợp người nộp thuế kê khai giá tính thuế chỉ 500 triệu đồng, nhưng họ bán bất động sản giá 10 tỷ đồng, tức kê khai thấp hơn 20 lần. Thậm chí có trường hợp kê khai thấp hơn 40 lần, còn bình quân giá kê khai thấp hơn 6 lần giá thực tế chuyển nhượng”, ông Phớc thông tin.

Hiện theo quy định, việc kê khai tính thuế là giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất ghi theo giá trong hợp đồng. Nếu hợp đồng không ghi giá, hoặc thấp hơn giá đất Nhà nước, giá tính thuế sẽ theo khung nhà nước. Việc người bán kê khai thuế thấp cũng là một trong những hành vi trốn thuế. Do vậy, việc siết chặt thu thuế chuyển nhượng bất động sản, ông nói là đúng luật.

Trước lo ngại của nhiều đại biểu việc siết thuế này sẽ tạo điều kiện cho cán bộ thuế nhũng nhiễu, ông Hồ Đức Phớc nói đã có nhiều chỉ đạo cấm cơ quan thuế gây phiền hà cho người dân. Khi giám sát, nếu có tình trạng cơ quan thuế có lót tay, trục lợi, nhận hối lộ, ông nói sẽ xử lý nghiêm.

II. Vấn đề về thuế

2. Báo Lao Động (3/6) có bài “Gian nan đấu tranh với nạn mua xe “2 giá” cho biết: Theo đại diện Tổng cục Thuế, vẫn còn có những khó khăn trong việc ngăn chặn, xử lý nạn mua bán xe “2 giá”. Điển hình là việc cơ quan thuế chưa có chức năng điều tra nên thông thường, chỉ có thể tính thuế dựa trên hóa đơn kê khai của doan nghiệp với cơ quan thuế.

Ông Giang Văn Hiển - Phó Cục trưởng Cục Thanh tra – Kiểm tra thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, nếu không có bằng chứng xác định vi phạm, cơ quan thuế không thể xử lý được. Ông Hiển cũng cho biết thời gian qua, ngành thuế đã kết hợp với nhiều cơ quan chức năng để có giải pháp tránh thất thu thuế.

Trong khi đó, theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) việc mua bán nhưng kê khai vào hóa đơn thấp hơn giá trị thực là hành vi trốn thuế và cần phải bị ngăn chặn. Ông Thịnh cho biết khi thực hiện mua bán nên yêu cầu giao dịch qua tài khoản ngân hàng. Đồng thời, người mua cần phải yêu cầu người bán có hóa đơn rõ ràng, trên hóa đơn ghi đúng giá trị giao dịch thực tế.

Về chức năng điều tra cho cơ quan thuế, đây là vấn đề từng được đặt ra nhiều lần. Gần nhất vào cuối năm 2021, nhằm chống thất thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử một cách hiệu quả, Tổng cục Thuế đã xây dựng lộ trình triển khai theo 2 giai đoạn, trong đó sẽ đề xuất bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế để triển khai thực hiện từ năm 2025.

3. Báo VietNamNet (2/6) có bài “Hà Nội siết thu thuế với các hộ, cá nhân kinh doanh Facebook, Google” cho biết: UBND TP. Hà Nội vừa ban hành công văn số 1633/UBND-KTTH về việc tăng cường quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số. Theo đó, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, chống thất thu ngân sách nhà nước, tăng cường hỗ trợ hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện tốt các chính sách thuế mới, chuyển đổi phương pháp kê khai, sử dụng hóa đơn điện tử, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, UBND TP. Hà Nội giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện.

Song song đó, UBND TP. Hà Nội đề nghị Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP. Hà Nội tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng, chi nhánh các ngân hàng thương mại trên địa bàn cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch ngân hàng của các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử theo quy định.

4. Báo Công an nhân dân (3/6) có bài “Hóa đơn điện tử có chặn được tình trạng mua bán hóa đơn để trục lợi?”; Pháp luật Việt Nam (2/6) có bài “Hơn 92% tổng số doanh nghiệp đăng ký chuyển đổi hóa đơn điện tử”; Đại đoàn kết (3/6) có bài “Phủ sóng hóa đơn điện tử” đưa tin về một số nội dung chủ yếu tại cuộc họp báo chuyên đề ngày 01/6/2022 của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính). Theo Tổng cục Thuế, đến nay đã có 92,6% tổng số doanh nghiệp đã đăng ký và chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC. Như vậy, trong tháng 6/2022 chỉ còn triển khai 7,4% số doanh nghiệp còn lại để bảo đảm mục tiêu 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đến ngày 1/7/2022. Cũng theo Tổng cục Thuế, hóa đơn điện tử là loại hình hóa đơn mới, ngày càng phát huy tác dụng trong việc ngăn chặn tình trạng hóa đơn giả. Theo Tổng cục Thuế, hóa đơn điện tử được lưu trên hệ thống nên nếu có gian lận trong dòng chảy thương mại liên tục thì cơ quan thuế vẫn sẽ có biện pháp quản lý rủi ro để thanh tra, kiểm tra…

III. Vấn đề về giá

5. Công Lý (3/6) có bài “Doanh nghiệp bán lẻ trước áp lực giá xăng dầu tăng cao” cho biết: Giá xăng dầu tăng trong thời gian qua đã gây áp lực lớn lên hoạt động kinh doanh thương mại của các doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp phân phối. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM đã yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn giữ nguyên mức lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường. Theo đó, các chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp sản xuất sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong giai đoạn này, các doanh nghiệp bình ổn thị trường được vay vốn lãi suất thấp hơn so với lãi suất thương mại trên thị trường.

Các chuyên gia cho rằng, trước mắt Nhà nước có thể xem xét giảm thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu để giúp bình ổn, kìm lạm phát.

6. Báo Đại đoàn kết (3/6) có bài “Giảm thuế để kìm giá xăng” đưa tin: Xăng đã có 5 phiên liên tiếp tăng giá. Việc giá xăng dầu tăng quá cao đã lập tức ảnh hưởng đến đời sống người dân và doanh nghiệp. Theo các chuyên gia kinh tế, thực tế, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đã được giảm 50% từ đầu tháng 4 đến cuối năm nay nhưng trước những biến động tăng giá liên tiếp trong thời gian qua thì việc chỉ giảm thuế bảo vệ môi trường chưa hỗ trợ được nhiều. Hiện tại, thuế suất thuế GTGT với xăng dầu là 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng RON 95 cũng 10%.

Mục tiêu kiểm soát lạm phát trước tình hình này đương nhiên là khó khăn. Nhiều đại biểu cho rằng, Bộ Tài chính lo thất thu vì giảm thuế thì có thể gặp thất thu nặng hơn nếu không giảm. Bởi lạm phát bùng nổ, các khoản chi ngân sách sẽ tăng lên rất nhanh. Như vậy, thời điểm này có thể phải tạm hy sinh ngân sách trước mắt để được lâu dài.

Giá xăng dầu dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới gây ra không ít lo ngại cho người tiêu dùng. Người dân đặt nhiều hy vọng vào sự điều hành của Chính phủ khi Bộ trưởng Công thương cho hay “sẽ cố gắng dùng các công cụ, kể cả thuế, kiểm soát thị trường để giảm giá”…

7. Tuổi trẻ (03/6) có bài “Ngồi nhà cũng nộp được thuế” cho biết: Chỉ cần có điện thoại, ipad…kết nối internet, cá nhân, tiểu thương dễ dàng tra cứu các thông tin về thuế TNCN, thuế GTGT, thuế đất và nộp thuế mọi lúc, mọi nơi. Nhiều ngân hàng cho biết thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực công đã tăng trưởng mạnh, đồng thời cam kết sẽ đồng hành cùng Tổng cục Thuế thực hiện mạnh mẽ chương trình chuyển đổi số quốc gia, tiếp tục phát triển các dịch vụ thanh toán thuế điện tử.

Ông Phạm Quang Toàn, Cục trưởng Cục CNTT (Tổng cục Thuế) cho biết, để tạo thuận lợi cho NNT, nhất là cá nhân, hộ kinh doanh, Tổng cục Thuế triển khai ứng dụng thuế điện tử eTax Mobile. Ứng dụng này cho phép cá nhân, hộ kinh doanh có thể nộp thuế mọi lúc mọi nơi trên điện thoại thông minh. Như vậy, với ứng dụng này, NNT không phải đến ngân hàng hay cơ quan thuế để nộp thuế nữa.

IV. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

8. Báo VietNamNet (2/6) có bài “Chỉ tên 20 DN bất động sản phát hành trái phiếu DN nhiều nhất”, báo Tiền Phong (2/6) có bài “Bộ Tài chính điểm danh 20 doanh nghiệp BĐS huy động trái phiếu trăm nghìn tỷ”, báo Dân Trí (2/6) có bài “Bộ Tài chính điểm mặt 20 DN địa ốc phát hành trái phiếu nghìn tỷ”… các báo cho biết: Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ chi tiết 20 doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhiều nhất và 20 DN bất động sản có lượng phát hành trái phiếu lớn nhất.

Theo Bộ Tài chính, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành năm 2021 đạt 639.766 tỷ đồng, tăng 38,8% so với năm 2020 (466.826 tỷ đồng), chủ yếu là TPDN phát hành riêng lẻ đạt 605.520 tỷ đồng, tăng 38,8% so với năm 2020, tổng khối lượng TPDN chào bán ra công chúng trong năm 2021 đạt 34.146 tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2020. Quy mô thị trường TPDN đến cuối năm 2021 tương đương 18,2%GDP, tăng 42,4% so với cuối năm 2020 (17,11%GDP).

Trong năm 2021, TPDN phát hành riêng lẻ có tài sản đảm bảo chiếm 49,7%; trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 50,3%. Đối với TPDN phát hành ra công chúng, trái phiếu chủ yếu không có tài sản đảm bảo, chiếm 99% tổng khối lượng phát hành.

Trái phiếu không có tài sản đảm bảo chủ yếu là trái phiếu do các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán phát hành, chiếm 77,7% tổng khối lượng trái phiếu phát hành riêng lẻ không có tài sản đảm bảo.

Đối với trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng phát hành, 88,2% khối lượng phát hành là trái phiếu có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh thanh toán, 11,8% khối lượng phát hành là trái phiếu không có tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo của trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản phát hành chủ yếu là bất động sản, các chương trình, dự án (chiếm 57,84% tổng khối lượng phát hành), bảo đảm bằng cổ phiếu (chiếm 23,95%), bảo đảm bằng cả bất động sản và cổ phiếu (chiếm 1,37%) và bảo đảm bằng các tài sản khác (chiếm 8,67%).

"Theo đó, mặc dù tỷ lệ trái phiếu có tài sản đảm bảo cao nhưng thực tế chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lại hoặc cổ phiếu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản. Trường hợp thị trường bất động sản khó khăn, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu”, Bộ Tài chính đánh giá.

Bộ Tài chính lưu ý về nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Mặc dù trên thị trường sơ cấp, tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân mua TPDN riêng lẻ giảm mạnh so với năm 2020 nhưng trên thị trường thứ cấp tỷ trọng mua của các nhà đầu tư cá nhân lên tới mức 19% tổng khối lượng phát hành.

Đáng chú ý, trong số 358 doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ năm 2021, có 57 doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh lỗ trước khi phát hành; 45 doanh nghiệp có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 10 và 10 doanh nghiệp phát hành có tỷ lệ khối lượng phát hành gấp trên 5 lần vốn chủ sở hữu.

9. Báo VietNamNet (2/6) có bài “Top những ngân hàng phát hành trái phiếu lớn nhất Việt Nam” cho biết: Bên cạnh các DN bất động sản vốn được soi khá kỹ thời gian qua như HT land, Vạn Trường Phát, Hưng Thịnh... thì danh sách các DN phát hành trái phiếu khác, nhất là khối ngân hàng, cũng rất được quan tâm. Chiếm hầu hết top đầu phát hành trái phiếu lớn nhất năm qua là các ngân hàng.

Danh sách cụ thể đó là VPbank với 22.700 tỷ đồng, ACB là 22.200 tỷ đồng, BIDV 18.847 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam 17.500 tỷ đồng, Tiên Phong Bank 17.100 tỷ đồng, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt là 15.990 tỷ đồng, SHB: 12.400 tỷ đồng, Ngân hàng Phương Đông và Ngân hàng An Bình 11.000 tỷ đồng

Liên quan đến hoạt động trái phiếu, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng trong hệ thống. Hoạt động trên nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng trong các công điện về tăng cường quản lý giám sát, thanh tra, kiểm tra thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00