Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 10/6/2022

Điểm báo ngày 10/6/2022

I. Vấn đề Quốc hội quan tâm

1. Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 9/6, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã tham gia làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội... Các báo đưa tin:

- Báo Đại đoàn kết (10/6) có bài “Không có lợi ích nhóm khi ban hành văn bản pháp luật”, plo.vn (10/6) có bài “Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh: “Không có lợi ích nhóm khi ban hành văn bản pháp luật”, các báo cho biết: Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn Tp Hồ Chí Minh) về quản lý sắp xếp tài sản công, đặc biệt đất bỏ hoang phí, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết: Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2021 quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Theo đó, nghị định yêu cầu thực hiện việc rà soát, đối với nhà đất, cơ sở nhà đất thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc trung ương quản lý không có nhu cầu sử dụng thì cơ quan, đơn vị đó phải lập hồ sơ đề xuất phương án xử lý; thu hồi, điều chuyển, bán tài sản trên đất, chuyển giao quyền sử dụng đất về cho địa phương quản lý và xử lý.

Nêu giải pháp sắp tới, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã giao Bộ Tài chính tiếp tục rà soát cùng các bộ, ngành địa phương, đặc biệt là khu vực đất còn để hoang hóa, không sử dụng để tăng cường sử dụng.

- Báo Kinh tế&Đô thị (9/6) có bài “Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nêu nguyên nhân chậm giải ngân vốn ODA”, báo Nhà báo và công luận (9/6) có bài “Sẽ cương quyết điều chuyển, hủy nguồn vốn ODA nếu sử dụng không hiệu quả”, các báo cho biết: Tại phiên chất, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, việc giải ngân vốn đầu tư ODA còn ở mức thấp so với tình hình giải ngân nói chung. Tình trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; thủ tục, quy trình giữa chúng ta và các nhà tài trợ có nhiều khác biệt; vấn đề giải phóng mặt bằng; công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn chưa hiệu quả; năng lực giải ngân còn hạn chế…

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tăng cường chỉ đạo rà soát hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến nguồn vốn này, tăng cường rà soát các thủ tục, hài hòa hóa các thủ tục với các nhà tài trợ, điều chỉnh thủ tục giải ngân vốn ODA, xem xét điều chuyển nguồn vốn để nâng cao hiệu quả trong việc thu hút, sử dụng nguồn vốn ODA.

II. Vấn đề về thuế

2. Báo Người lao động (9/6) có bài “Xác minh việc người dân tố cán bộ thuế say xỉn, gây khó dễ”, báo Thanh Niên (9/6) có bài “Kon Tum: Cán bộ thuế bị tố say xỉn, xưng hô 'tao mày' với người dân”, các báo cho biết: Ông T.T.N (trú H.Kon Rẫy)  phản ánh khi đến Chi cục Thuế khu vực 1 tỉnh Kon Tum làm thủ tục thì gặp cán bộ thuế say xỉn, không hướng dẫn giải quyết.

Ngày 9.6, ông Nguyễn Nhân Văn, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Kon Tum cho biết sẽ cử cán bộ xác minh thông tin người dân phản ánh vụ việc cán bộ thuế bị tố say xỉn, gây khó dễ, xưng hô "tao", "mày" với người dân, không hướng dẫn khi người dân đến làm thủ tục.

Ông Võ Xuân Loan, Phó chi cục Thuế số 1 tỉnh Kon Tum cho biết cán bộ xuất hiện trong video do ông T.T.N quay là ông T.V.H, cán bộ thuộc đơn vị đã có những ứng xử chưa tốt. Sau đó ông H. đã nhận khuyết điểm, xin lỗi với ông T.T.N.

Trao đổi với phóng viên, ông H. xác nhận trưa 8.6, đã sử dụng bia rượu. Do đã cuối giờ, khi ông H. đang lấy áo khoác để ra về thì ông T.T.N tới làm việc. Do hồ sơ không đầy đủ thủ tục và đã cuối ngày nên ông H. mới đề nghị ông N. hôm sau tới làm việc.

3. Báo Thanh Tra (10/6) có bài “Viết tiếp bài “Bắc Ninh: Nhiều sai phạm tại dự án nhà ở xã hội”: Kiến nghị thanh tra nhiều vấn đề nóng” cho biết: Báo Thanh Tra ra ngày 7/6/2022 đã phản ánh nhiều sai phạm tại 3 dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP. Bắc Ninh và TP Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh). Cùng với việc phát hiện nhiều trường hợp mua nhà không đúng đối tượng, người mua phải chi tiền “ngoài hợp đồng”, đoàn kiểm tra cũng chỉ rõ có vi phạm trong kê khai thuế… Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản chỉ đạo, giao Sở Xây dựng tiếp tục rà soát, xử phạt nghiêm các vi phạm theo quy định, đồng thời theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện kết luận và báo cáo về UBND tỉnh kết quả thực hiện.

III. Vấn đề về hải quan

4. Báo Công lý (10/6) có tin “Phát hiện, xử lý hơn 1000 vụ vi phạm về hải quan trong 1 tháng” cho biết: Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5, hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy diễn ra hết sức phức tạp. Từ ngày 16/4/2022 đến 15/5/2022, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng số 1.057 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 273 tỷ đồng, thu ngân sách đạt 69,598 tỷ đồng, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 9 vụ.

IV. Vấn đề về quản lý giá

5. Bản tin thời sự phát lúc 19h trên VTV1 có tin “Lạm phát tăng cao toàn cầu gây sức ép lên Việt Nam”, Thanh niên (10/6) có bài “Giảm giá xăng, cần chờ Quốc hội không?” cho biết: 5 tháng đầu năm, CPI đã vượt qua mốc 2,25%. Trong khi mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm là dưới 4%. Như vậy dư địa để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu là không còn nhiều.

Tại Việt Nam, giá xăng dầu tăng theo giá thế giới, giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào là nguyên nhân chủ yếu đẩy CPI tháng 5 tăng 0,38% so với tháng trước. Dù đây chưa phải mức tăng cao, tuy nhiên trong xu hướng giá cả vẫn đang tăng nóng trên toàn cầu, việc kìm giữ đà tăng này là một thách thức.

Giá xăng dầu luôn tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng, nên ngay lúc này, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đang được xem xét ưu tiên giảm tiếp lần thứ 2, để kiềm chế đà tăng của giá cả.

"Chúng tôi đang dự kiến mức giảm cho tới mức sàn đối với thuế bảo vệ môi trường cho xăng dầu, đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trong thẩm quyền ở mức thấp nhất", Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết.

Ngay khi có dấu hiệu áp lực lạm phát, nhiều chính sách đã kịp thời điều chỉnh như giảm 2% thuế VAT; sử dụng linh hoạt công cụ Quỹ bình ổn giá; tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; tăng cường kiểm tra, kiểm soát cung cầu xăng dầu để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.

"Có thể thấy kết quả rất tích cực và tiếp tục tin tưởng những nỗ lực của Chính phủ trong điều hành giá cả, kiểm soát lạm phát, giảm thiểu tối đa những tác động tăng giá đến hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng thông qua các chính sách tài khóa, thay vì bơm tiền trực tiếp ra nền kinh tế", ông Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhấn mạnh.

6. Báo Kinh tế Sài Gòn (9/6) có bài “Làm gì để kìm đà tăng của lạm phát?” cho biết: Theo TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên  Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, Chính phủ đang rất quan tâm tới việc làm thế nào để giữ đà tăng giá không quá cao. Với xăng dầu, Việt Nam cần đảm bảo đủ nguồn cung trong nước. Chính phủ có thể điều tiết và kiểm soát tốt giá xăng dầu bằng cách điều chỉnh, cắt giảm các loại thuế, phí liên quan đến mặt hàng này như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và tiếp tục nghiên cứu tiếp bỏ 50% thuế bảo vệ môi trường còn lại.

V. Vấn đề về ngân sách nhà nước

7. Chiều ngày 9/6, Văn phòng Bộ phối hợp với Vụ Ngân sách nhà nước phát đi thông tin báo chí về kết quả Khảo sát ngân sách mở năm 2021 của Việt Nam. Nhiều báo đưa tin về nội dung này, như: Hà Nội mới (10/6); VnEconomy (9/6); Quân đội nhân dân (9/6); Nhân dân (9/6); Pháp luật Việt Nam (9/6); VnExpress (9/6); Thanh tra (9/6); VTV.vn (9/6); Công luận (9/6); Công an nhân dân (9/6); Tuổi trẻ thủ đô (9/6); Vietnamplus (9/6); Baochinhphu.vn (9/6); Đấu thầu (9/6); VnMedia (9/6); Người đưa tin (9/6) và nhiều báo khác.

Các báo cho biết: Theo kết quả Khảo sát ngân sách mở toàn cầu năm 2021 (OBS2021) vừa được Tổ chức Hợp tác ngân sách quốc tế (IBP) công bố, điểm số công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam tiếp tục được cải thiện so với các kỳ đánh giá trước, nâng mức xếp hạng của Việt Nam lên 68/120 nước, tăng 9 bậc so với năm 2019 và tăng 23 bậc so với năm 2017; trong đó điểm số thành phần đối với ba trụ cột có nhiều bước tiến, đạt mức 44/100 điểm đối với trụ cột Minh bạch ngân sách, 17/100 điểm đối với trụ cột Sự tham gia của công chúng, 80/100 điểm đối với trụ cột Giám sát ngân sách, các trụ cột đều tăng 6 điểm so với năm 2019.

Với kết quả xếp hạng OBS2021 cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc tăng cường công khai minh bạch ngân sách. Bên cạnh việc tiếp tục áp dụng các quy định của Luật NSNN năm 2015 theo hướng mở rộng phạm vi, đối tượng, nội dung và hình thức công khai, Việt Nam đã tiếp cận và thực hiện các thông lệ tốt của quốc tế.

VI. Vấn đề về chứng khoán

8. Báo Lao động (10/6) có bài “Chặn việc lôi kéo, chào mời trái phiếu sai luật” cho biết: Mới đây, theo thông tin từ Bộ Tài chính, tính chung toàn thị trường trái phiếu riêng lẻ, các nhà đầu tư cá nhân gồm cả nhà đầu tư không chuyên đã nắm giữ hơn 30% tổng lượng phát hành năm 2021, chỉ xếp sau các ngân hàng với tỷ lệ 44,7%. Theo đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cần có quy định để xử lý cả những đối tượng hỗ trợ nhà đầu tư cá nhân vi phạm, như các công ty chứng khoán mời chào, tư vấn không đúng khiến nhà đầu tư không hiểu bản chất của trái phiếu riêng lẻ. Cơ quan quản lý cũng sẽ nghiên cứu định hướng các nhà đầu tư cá nhân tham gia vào những định chế đầu tư chuyên nghiệp để giảm rủi ro khi tham gia thị trường, giảm nhà đầu tư cá nhân không chuyên. Hiện Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 153 về trái phiếu doanh nghiệp đã được gửi xin ý kiến Bộ Tư pháp. Sau khi lấy ý kiến Bộ Tư pháp, có thể hoàn chỉnh sớm trình Chính phủ để xem xét ban hành.

Ngày 8/6, trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, hiện nay không có chủ trương nào nói siết chặt hay hạn chế trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc huy động phải đúng pháp luật, minh bạch, không được lợi dụng việc huy động này để sử dụng tiền sai mục đích, đưa tiền này vào bất động sản hay các mục đích khác mà không đóng góp cho nền kinh tế.

9. Báo Lao động (10/6) có bài “Ổn định thị trường vốn, thị trường chứng khoán” cho biết: Tính đến thời điểm ngày 8/6, chỉ số chứng khoán VN-Index chính thức vượt lên ngưỡng 1.300 điểm. Thị trường trước đó đã có 7 phiên liên tục không qua được ngưỡng này. Tại diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 vừa qua, trong chuyên đề Phát triển thị trường vốn, thị trường bất động sản, một số chuyên gia đã nêu tình trạng thông tin nhiễu loạn trên thị trường thời gian qua. Sự nhiễu loạn này đã tác động tiêu cực đến thị trường, khiến nhà đầu tư lo lắng. Theo bà Bùi Thị Kim, cty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, các yếu tố thông tin nhiễu loạn ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán xoay quanh vấn đề siết tín dụng cho vay bất động sản và kiểm soát chặt chẽ phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

VII. Vấn đề quản lý thị trường tài chính và dịch vụ tài chính

10. Báo Kinh tế Sài Gòn (9/6) có bài “Sao lại cấm công ty bảo hiểm kinh doanh bất động sản?” cho biết: Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được đưa ra thảo luận tại hội trường. Theo dự thảo, doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, tái bảo hiểm (gọi chung là doanh nghiệp bảo hiểm)… không được kinh doanh bất động sản, với một số ngoại trừ như mua để làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết…

Lý do của việc nghiêm cấm theo dự thảo luật sửa đổi nói trên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, là bởi Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã. Do đó, để đảm bảo thống nhất giữa luật về bảo hiểm và kinh doanh bất động sản, dự thảo luật sửa đổi đã bỏ quy định về cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được dùng vốn nhàn rỗi để kinh doanh bất động sản.

Theo Kinh tế Sài Gòn, lý do không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bất động sản như trên là rất khập khiễng.

Về mặt câu chữ, Luật Kinh doanh bất động sản không có điều khoản nào cấm doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bất động sản. Ngoài lý do pháp lý khập khiễng nói trên, cấm doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bất động sản là việc vô lý, thậm chí rất có hại cho nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng. Vì vậy, theo báo Kinh tế Sài Gòn, nếu có, chỉ có thể là giám sát và kiểm tra việc tuân thủ các tiêu chuẩn hoạt động an toàn này mà thôi. Chứ không phải là cấm họ kinh doanh bất động sản.

VIII. Vấn đề về doanh nghiệp nhà nước

11. Thời báo Kinh tế Sài Gòn (9/6) có bài “Chờ sóng thoái vốn nhà nước” cho biết: Thông thường mọi năm, khoảng tháng 4, 5 là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã ban hành công khai danh sách các doanh nghiệp SCIC dự kiến bán vốn trong năm, nhưng năm nay đã bước sang tháng 6 mà vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Nhìn lại quá khứ, việc thoái vốn chậm chạp tại các tập đoàn, tổng công ty, DNNN nhiều năm qua đã bỏ lỡ khá nhiều cơ hội, khi thị trường chứng khoán trải qua những giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ và dòng tiền rẻ tràn ngập từ chính sách tiền tệ nới lỏng khắp toàn cầu.

Mới đây nhất vào ngày 27/5/2022 Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 478/CĐ-TTg về đẩy mạnh công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và cơ cấu lại DNNN. Theo công điện, trong thời gian qua Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN. Vì vậy có lí do để kỳ vọng kế hoạch thoái vốn các DNNN trong năm 2022 của SCIC sẽ sớm được công bố, để thị trường có thêm yếu tố hỗ trợ, cũng như các nhà đầu tư có cơ sở lựa chọn rót tiền vào các cổ phiếu tiềm năng trong danh sách thoái vốn này.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00