Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 21/6/2022

Điểm báo ngày 21/6/2022

I. Vấn đề về giá xăng

1. Báo Thanh niên (21/6) có tin “Giá xăng dự báo tăng tiếp, lập kỷ lục mới”; Tuổi trẻ (21/6) có tin “Giá xăng có khả năng “lập đỉnh” mới” cho biết: Hôm nay (21/6), kỳ điều hành giá xăng dầu trong nước của liên bộ Công Thương – Tài chính. Theo tính toán của một số doanh nghiệp đầu mối, nếu cơ quan quản lý không trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu, mỗi lít xăng trong nước có thể tăng thêm khoảng 350-450 đồng/lít còn giá dầu diesel có khả năng tăng tới gần 1.000 đồng/lít. Trong trường hợp chi Quỹ bình ổn, giá có thể tăng ít hơn. Như vậy, nếu đúng như dự báo, giá xăng trong nước sẽ có lần tăng thứ 7 liên tiếp. Tính từ đầu năm tới nay, trong tổng số 15 kỳ điều hành giá có tới 12 lần giá xăng tăng, chỉ 3 lần giảm.

Trong khi đó, Bộ Tài chính vừa để xuất giảm từ 500-1.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, nhằm ổn định giá xăng dầu trong nước trước biến động của giá thế giới. Đây là mức thấp nhất trong khung thuế bảo vệ môi trường. Nếu đề xuất này được thông qua, từ đầu tháng 8 này, giá xăng tới tay người dùng sẽ giảm tương ứng 1.100 đồng mỗi lít (đã gồm VAT).

2. Báo Sài Gòn giải phóng (21/6) có bài “Tiếp tục kiến nghị Chính phủ xem xét giảm giá xăng dầu” cho biết: Ngày 20-6, tổ Đại biểu Quốc hội Tp.HCM đơn vị 4 tiếp xúc cử tri quận 12 và quận 10. Tại buổi tiếp xúc, cử tri Phạm Thị Thu Hà phản ánh về tình trạng xăng dầu liên tục tăng kéo theo giá của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ, chi phí khác tăng, khiến đời sống sản xuất người dân gặp khó khăn, nhất là giới công nhân, lao động tự do. Cử tri đề nghị cần có giải pháp, chính sách kéo giảm giá xăng, dầu tăng cao như hiện nay.

Thay mặt tổ Đại biểu Quốc hội, ĐB Trần Hoàng Ngân ghi nhận, tiếp thu những phản ánh của cử tri; cam kết tổng hợp, chuyển tải các ý kiến, kiến nghị của cử tri tới các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Đặc biệt là việc tiếp tục kiến nghị Chính phủ xem xét các giải pháp giảm giá xăng, dầu để không tăng cao như hiện nay.

3. Báo Tuổi trẻ (21/6) có bài “Giảm thuế xăng dầu chẳng thấm vào đâu!” cho biết: Mức thuế bảo vệ môi trường được đề nghị giảm thêm 1.000 đồng/lít với xăng và 500 đồng/lít với dầu mà Bộ Tài chính đưa ra được các chuyên gia đánh giá là "không thấm" vào đâu so với sức nóng của giá xăng dầu thời gian qua.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho rằng trong bối cảnh giá xăng dầu đã liên tục thiết lập mức kỷ lục, việc giảm thuế BVMT ở mức như trên sẽ không có nhiều tác dụng, chưa đủ làm giải tỏa cơn khát để góp phần hạ nhiệt giá xăng dầu trong thời gian tới. Bởi ngoài thuế BVMT, trong cơ cấu tính thuế xăng dầu hiện nay còn có thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu... vốn đã chiếm tới 13.000 - 15.000 đồng/lít.

Do đó, nếu tính toán giảm một phần các sắc thuế trên, khoảng 4.500 - 5.000 đồng/lít, sẽ có tác dụng nhiều hơn để giảm sức nóng giá xăng dầu, cũng như hạ nhiệt giá cả và đủ sức kìm lạm phát trong thời gian tới.

Thực tế, ngoài một số nước đang có trợ giá rất lớn cho người dân trong tiêu dùng xăng dầu như Malaysia, nhiều nước như Hàn Quốc vừa tiếp tục giảm thêm thuế nhiên liệu để kéo giảm áp lực lạm phát.

Cũng theo ông Việt, nguồn xăng dầu tiêu dùng trong nước chủ yếu nhập khẩu nên khi thuế được tính trên tỉ lệ phần trăm giá xăng dầu, giá nhập khẩu càng tăng, sẽ làm tăng thặng dư ngân sách.

Một chuyên gia ngành xăng dầu cũng cho rằng thuế BVMT đã phát huy vai trò và ý nghĩa trong thời gian qua. Việc sử dụng sắc thuế này làm công cụ để kiểm soát và bình ổn giá xăng dầu, sẽ không phù hợp và đủ tính thuyết phục. Bài toán kiểm soát giá xăng dầu cần được tính toán, đánh giá đầy đủ để dự báo được xu hướng giá xăng dầu nhằm có một lộ trình, giải pháp kiểm soát, điều hành giá mang tính bền vững hơn.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân, cho hay tại kỳ họp thứ 3 vừa qua, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ có giải pháp để hỗ trợ người có thu nhập thấp, người yếu thế khi giá cả mặt hàng thiết yếu tăng cao, đặc biệt là giá xăng dầu.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính - thuế, cũng cho rằng việc sử dụng công cụ như thuế để bình ổn giá xăng dầu trong bối cảnh giá tăng mạnh là phù hợp bởi trong cơ cấu giá xăng dầu, các khoản thuế chiếm khoảng 29% với xăng và 13,3% với dầu.

- Cũng liên quan đến nội dung này, Tuổi trẻ (21/6) còn có bài “Đừng giảm thuế “cho có”” cho biết: Việc giảm thuế BVMT để kìm giá xăng dầu khi mà quỹ bình ổn giá không còn nhiều dư địa cần thiết. Tuy nhiên, nếu chỉ giải quyết bài toán giá xăng dầu theo kiểu tình thế, nguy cơ tăng giá của nhiều mặt hàng sẽ là sức ép lớn, đe dọa đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Bài báo cho biết, với công cụ thuế, ngoài thuế nhập khẩu đang đề xuất giảm từ 20% xuống 12%, được đánh giá là không có nhiều ý nghĩa, chỉ có thuế BVMT được nhà điều hành sử dụng như “thanh bảo kiếm”. Nếu lần đề xuất giảm 50% mức thuế còn lại được thông qua, trong cơ cấu tính giá xăng dầu hoàn toàn không còn sắc thuế này. Điều ngạc nhiên là trong nhiều loại thuế, vốn chiếm tới 2/3 giá xăng dầu, nhà điều hành lại chỉ chọn giảm thuế BVMT mà không phải là một sắc thuế khác.

Không phủ nhận việc giảm thuế BVMT đã giúp giá xăng dầu trong nước giảm nhiệt, tăng thấp hơn giá thế giới. Nhưng lần giảm đầu tiên cho thấy mức này vẫn “không thấm vào đâu” và chỉ mang tính thời điểm. Trong khi giá xăng được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng mạnh, mà với diễn biến khó lường như hiện nay, liệu việc chỉ sử dụng công cụ thuế để giải quyết vấn đề mang tính tình thế, có phải là giải pháp căn cơ?

II. Vấn đề về hải quan

4. Báo điện tử Đảng cộng sản (20/6) có tin “Ngành Hải quan đã cung cấp 215 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4” cho biết: Theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua, toàn Ngành tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đến nay, Tổng cục Hải quan đã cung cấp 215 DVCTT mức độ 3 và mức độ 4, đạt gần 91% tổng số thủ tục hành chính do cơ quan Hải quan thực hiện, trong đó có 209 thủ tục hành chính được cung cấp DVCTT ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 88%).

III. Vấn đề về quản lý thuế

5. Báo Hà Nội mới (21/6) có tin “Gỡ vướng trong thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8%” cho biết: Chính phủ ngày 20/6/2022 ban hành Nghị định số 41/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ và Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.

Việc ban hành Nghị định số 41/2022/NĐ-CP nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong lập hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8%.

6. Báo Đại đoàn kết (21/6) có bài “Gọi tên doanh nghiệp bất động sản nợ thuế” cho biết: Cục Thuế TP HCM vừa công bố các doanh nghiệp nợ thuế đợt 3/2022. Theo đó, có 69 doanh nghiệp nợ thuế với tổng số tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp hơn 3.900 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong danh sách này, đứng đầu là những tên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

Không phải ở thời điểm này, nhiều doanh nghiệp bất động sản mới nợ thuế, và cũng không chỉ ở TP HCM mới có đại gia bất động sản nợ thuế. Việc này đã diễn ra từ nhiều năm trước, năm này qua năm khác. Vậy, làm gì để kéo giảm nợ thuế từ các doanh nghiệp bất động sản. Cơ quan thuế cũng đã áp dụng nhiều biện pháp, kể cả thúc ép, bêu tên và tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế nhưng thực tế cho thấy vẫn không giải quyết rốt ráo. Nhiều ý kiến cho rằng, riêng với doanh nghiệp bất động sản nói riêng và doanh nghiệp ở những lĩnh vực khác nói chung có biểu hiện chây ì trong việc nộp thuế, tốt nhất phải áp dụng các biện pháp chế tài đủ mạnh. Không chỉ phạt, có thể đưa ra tòa. Điều đó với các nước phát triển là rất bình thường, còn ở ta lại hiếm hoi. Vì thế, các đại gia mới có thể hưởng lợi được khi chậm nộp thuế.

IV. Vấn đề về DNNN

7. Báo Sài Gòn giải phóng (21/6)  có bài “Doanh nghiệp chật vật sau cổ phần hóa” cho biết: Cổ phần hóa doanh nghiệp (CPH DN) nhà nước sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh minh bạch, giúp huy động tối đa nguồn lực của khối kinh tế tư nhân vào phát triển nền kinh tế. Thế nhưng, có những DN đang ăn nên làm ra, khi chuyển sang CPH, nhiều năm vẫn chưa hoàn thành thủ tục chuyển đổi, sống “thoi thóp” trong nợ nần, dự án bỏ hoang, tài sản nhà nước thất thoát!

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00