Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 22/6/2022

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 22/6/2022

I. Vấn đề về quản lý giá

1. VnExpress (21/6) có bài “Giá xăng tăng lên gần 33.000 đồng một lít”; Sài Gòn giải phóng (22/6) có bài “Giá xăng dầu tăng lần thứ 7 liên tiếp”; Lao động (22/6) có bài “Giá xăng RON95-III vượt 32.800 mỗi lít”; Tuổi trẻ (21/6) có bài “Tăng giá xăng lần thứ 7 liên tiếp”; Vietnamnet (21/6) có bài “Hôm nay, giá xăng tăng lần thứ 7 liên tiếp, tiến sát 33.000 đồng/lít”; Tiền phong (22/6) có bài “Điêu đứng vì giá xăng tăng”; Lao động (21/6) có bài “Tại sao giá xăng tăng lên gần 33.000 đồng một lít?”; Zingnews (21/6) có bài “Giá xăng tăng thêm 500 đồng, tiếp tục lập đỉnh mới”; và nhiều báo khác đưa tin: Từ 15h ngày 21-6, giá xăng dầu được tiếp tục điều chỉnh tăng sau phiên điều hành của liên bộ Tài chính - Công thương. Giá xăng E5RON92 tăng thêm 190 đồng/lít, từ 31.110 đồng/lít lên mức 31.300 đồng/lít. Xăng RON95-III tăng 500 đồng/lít, từ mức 32.370 đồng/lít lên mức 32.870 đồng/lít. Dầu diesel tăng 990 đồng/lít, từ mức 29.020 đồng/lít lên mức 30.010 đồng/lít. Dầu hỏa là 28.780 đồng một lít, tăng 950 đồng. Còn dầu mazut là 20.730 đồng một ký, tăng 380 đồng.

Để có mức giá như trên, cơ quan điều hành thực hiện tiếp tục không trích lập Quỹ bình ổn giá đối với các loại xăng, dầu diesel và dầu hỏa; trích lập Quỹ bình ổn giá đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg. Đồng thời chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với dầu diesel ở mức 400 đồng/lít giống như kỳ trước và tăng chi Quỹ bình ổn giá đối với dầu hỏa ở mức 400 đồng/lít, tăng 100 đồng/lít so với kỳ trước.

Trong năm nay giá xăng dầu liên tục tăng và có mức tăng cao nhất trong 8 năm trở lại đây, kể từ tháng 7-2014. Giá xăng liên tục tăng trong 7 kỳ điều hành gần đây. Như vậy giá xăng liên tục thiết lập mức kỷ lục và đang có mức cao nhất trong lịch sử.

2. Báo Thanh niên (22/6) có bài “Gánh nặng giá cả leo thang”; Tiền phong (22/6) có bài “Điêu đứng vì giá xăng tăng” cho biết: Giá cả tăng không có điểm dừng đẩy giá của tất cả các mặt hàng khác tăng theo khiến người dân hết sức lo lắng về gánh nặng chi phí sinh hoạt hằng ngày. Khảo sát của báo Thanh niên cho thấy, tháng 3 giá cả nhiều hàng quán bình dân như cơm, mì, bún, phở… khoảng 35.000 - 45.000 đồng/phần thì đến nay đã tăng thêm ít nhất 5.000 đồng/phần. Một ổ bánh mì cũng tăng ít nhất 2.000 - 5.000 đồng lên mức 22.000 - 25.000 đồng/ổ. Cứ như thế, mọi thứ đua với giá xăng dầu và vắt kiệt túi tiền của không ít người.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN Hàng VN chất lượng cao, cho biết hiện tại các DN cũng gặp rất nhiều khó khăn vì sức mua yếu và chi phí sản xuất tăng mạnh. Có thể nói, chưa bao giờ họ phải gồng gánh và chống chọi với tình hình khó khăn từ mọi phía như hiện nay.

Lãnh đạo một DN xăng dầu lớn khu vực phía Nam cũng thừa nhận, các DN kinh doanh xăng dầu đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn khi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu ở các DN hầu hết đang trong cảnh bị âm nặng. Cá biệt có DN trong ngành bị âm tới 1.000 tỷ đồng.

3. Báo Tiền phong (22/6) có bài “Các nước trợ giá xăng dầu như thế nào?” cho biết: Để giá bán lẻ xăng dầu trong nước không tăng quá cao, nhiều quốc gia trên thế giới miễn giảm các loại thuế liên quan; áp giá trần với một số sản phẩm, dịch vụ thiết yếu… để hỗ trợ người dân.

II. Vấn đề về chính sách thuế

4. Báo Người lao động (22/6) có bài “Đề xuất giảm thuế xăng dầu: Như muối bỏ bể!”; Tuổi trẻ (22/6) có bài “Giảm thuế xăng dầu quá hay, vậy mà…!” cho biết: Chuyên gia kinh tế cho rằng cần tính toán tạm ngừng thu các loại thuế đối với xăng dầu trong vòng 2-3 tháng để kéo giảm giá mặt hàng này.

Giá xăng tăng và giải pháp giảm thuế để hạ nhiệt mặt hàng này tiếp tục được người dân, doanh nghiệp (DN) đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, đề xuất của Bộ Tài chính giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng dầu đưa ra khiến nhiều người đánh giá chỉ như "muối bỏ bể" so với giá xăng dầu đang lập đỉnh hiện nay.

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng với sức "nóng" của giá xăng dầu hiện nay, việc giảm tiếp thuế BVMT như đề xuất nêu trên chưa thể kìm đà tăng của mặt hàng này. "Giá xăng dầu trên thị trường thế giới liên tục tăng cao, "van" quỹ bình ổn không thể giúp giá trong nước hạ nhiệt được, còn "van" thuế, chúng ta phải tính toán để giảm thêm các loại thuế khác trong cơ cấu giá xăng dầu, không phải lần nào cũng chỉ tính đến thuế BVMT" - ông Ngô Trí Long nói và nhấn mạnh nếu chỉ giảm thêm 1.000 đồng thuế BVMT thì không có nhiều tác dụng.

Hiện nay, ngoài thuế BVMT, trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu, mỗi lít bán ra đang có 3 loại thuế khác, gồm: GTGT (10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (TTĐB, 10%). Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đề nghị cần giảm thêm các loại thuế như GTGT, nhập khẩu, TTĐB thì mới góp phần hạ giá xăng dầu một cách đáng kể.

Theo chuyên gia này, người dân vẫn chưa "tâm phục khẩu phục" việc đánh thuế TTĐB lên xăng dầu, bởi đây là mặt hàng thiết yếu, không phải hàng hóa xa xỉ. Chuyên gia kinh tế - PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế Quốc dân) đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần mạnh tay giảm thuế xăng dầu. Theo đó, cần tạm ngưng thu tất cả loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu, chấp nhận hụt thu ngân sách từ 2-3 tháng để giảm giá nhiên liệu. "Dư địa giảm thuế chúng ta vẫn còn nên cần giảm mạnh các loại thuế, sau đó mới tính đến các phương án khác. Không nên giảm "nhỏ giọt" như thời gian vừa qua hoặc đề xuất mới đây của Bộ Tài chính" - PGS-TS Nguyễn Thường Lạng đề xuất.

Về thuế TTĐB đối với xăng dầu, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng trong bối cảnh cấp bách hiện nay, chưa phải là lúc bàn đến tính hợp lý hay không hợp lý của sắc thuế này mà trước mắt cần tạm ngừng thu. Ông Lạng lưu ý nếu Việt Nam tạm ngừng thu các loại thuế, sẽ kéo giảm giá xăng dầu xuống, có thể xảy ra tình trạng buôn lậu. Về lâu dài, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng cần bảo đảm nguồn cung xăng dầu. Đây cũng là giải pháp dài hạn mà PGS-TS Ngô Trí Long đề cập bên cạnh "van" giảm thuế như ông nêu ở trên.

Trong khi đó, Bộ Tài chính cho biết thuế TTĐB chỉ thu đối với xăng, không thu với dầu các loại. Luật Thuế TTĐB không quy định giảm thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Cơ quan này cho rằng tại Việt Nam, Luật Thuế TTĐB đã quy định xăng thuộc đối tượng chịu thuế từ năm 1999. Quy định này là phù hợp với mục tiêu thu thuế và phù hợp với thông lệ quốc tế. Và thuế này thuộc thẩm quyền điều chỉnh của Quốc hội nên không thể áp dụng ngay, thời gian ngắn nên sẽ có độ trễ nhất định.

Trao đổi với Tuổi trẻ, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết hiện UBTV Quốc hội đang chờ đề xuất chính thức của Chính phủ. Trường hợp thấy ý kiến cử tri, nhân dân phản ánh cần phải giảm các sắc thuế khác để giảm giá xăng dầu thì UBTVQH sẽ có văn bản đề nghị Chính phủ xem xét báo cáo, làm căn cứ trình Quốc hội để quyết định tại kỳ họp tới.

5. Baochinhphu.vn (21/6) có tin “Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Hiệp định Thương mại ASEAN - Hàn Quốc” cho biết: Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị định ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc giai đoạn 2022-2027 (Hiệp định AKFTA).

Bộ Tài chính cho biết, do thay đổi Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN (AHTN) từ phiên bản 2017 sang AHTN 2022, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt bao gồm 59 dòng hàng ảnh hưởng bởi việc thay đổi mã hàng, tách gộp dòng. Đối với những dòng hàng này, Bộ Tài chính đã xây dựng thuế suất theo nguyên tắc không làm xói mòn cam kết quốc tế.

III. Vấn đề về quản lý thuế

6. Báo Người lao động (21/6) có tin “Bắt cán bộ "ăn chặn" tiền thuế rồi bỏ trốn vào Bà Rịa - Vũng Tàu”; Bnews - TTXVN (21/6) có tin “Bắt nguyên cán bộ Chi cục Thuế Tp. Vĩnh Yên”; Vietnamplus (21/6) có tin “Vĩnh Phúc: Bắt tạm giam nguyên cán bộ Chi cục Thuế thành phố Vĩnh Yên”; Pháp luật TPHCM (21/6) có tin “Bắt nguyên cán bộ đội Thuế thuộc Chi cục Thuế TP Vĩnh Yên” cho biết: Ngày 21-6, tin từ Công an TP Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết cơ quan này vừa ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phan Tuấn Anh, nguyên cán bộ đội Thuế liên phường Tích Sơn, Đồng Tâm, Hội Hợp thuộc Chi cục Thuế TP Vĩnh Yên để điều tra về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản".

Kết quả điều tra, cảnh sát xác định Phan Tuấn Anh (SN 1984, trú tại phường Khai Quang, TP Vĩnh Yên) được phân công phụ trách quản lý thuế đối với các hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán trên địa bàn phường Hội Hợp và có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các hộ kinh doanh nộp thuế hàng tháng.

Trong khoảng thời gian từ tháng 1-2017 đến tháng 10-2017, Tuấn Anh đã thu trực tiếp tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, lệ phí môn bài của 25 hộ kinh doanh trên địa bàn phường Hội Hợp và thu tiền thuế tiêu thụ đặc biệt của 3 hộ kinh doanh trên địa bàn phường Đồng Tâm với tổng số tiền là gần 43 triệu đồng. Tuy nhiên, Tuấn Anh không nộp số tiền này vào ngân sách nhà nước mà tự ý chi tiêu cá nhân rồi bỏ trốn từ năm 2017 đến nay.

7. Báo Thanh niên (22/6) có tin “Gỡ vướng trong thực hiện giảm thuế VAT”; Thời báo ngân hàng (22/6) đưa tin “Sửa đổi, bổ sung quy định về hóa đơn, chứng từ” cho biết: Chính phủ vừa ban hành Nghị định 41/2022 sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong lập hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá GTGT từ 10% xuống 8%.

Cụ thể, trong quá trình thực hiện, các doanh nghiệp phản ánh việc quy định phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT còn 8% và 1 hóa đơn ghi các mức thuế suất khác (5%, 10%) dù cùng 1 khách hàng là làm tăng chi phí. Vì vậy, theo nghị định mới được sửa đổi như sau: Các doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ chỉ cần ghi chung hóa đơn GTGT nhưng phải ghi rõ thuế suất của từng hàng hóa, dịch vụ theo quy định.

IV. Vấn đề về hải quan

8. Vietnamplus (22/6) có tin “Bắt đối tượng vận chuyển trái phép 66.000 viên ma túy tổng hợp”; Công an nhân dân (21/6) có tin “Bộ đội Biên phòng bắt giữ vụ vận chuyển 66.000 viên ma túy tổng hợp”; Nhân dân (21/6) có tin “Bắt giữ 66.000 viên ma túy tổng hợp tại Quảng Trị”; Vietnamnet (21/6) có tin “Bắt giữ đối tượng vận chuyển hơn 65.000 viên ma túy xuyên quốc gia” cho biết: Ngày 20/6, tại Km 73+500, QL9 thuộc thôn Làng Vây, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) lực lượng đánh án thuộc Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị; Công an tỉnh Quảng Trị; Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị và Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Trung, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng bắt quả tang đối tượng Xi Bun, sinh năm 2003, trú tại Pa Lo, huyện Mường Nòng tỉnh Savannakhet (CHDCND Lào) đang vận chuyển trái phép 66.000 viên ma túy tổng hợp dạng hồng phiến.

Tiến hành khai thác nóng đối tượng bị bắt, lực lượng chức năng tiếp tục truy bắt giữ 2 đối tượng có liên quan. Đây là đường dây tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chấp ma túy xuyên biên giới với số lượng ma túy rất lớn.

9. Báo Lao động online (21/6) có bài “Xuyên đêm, nối ngày lần theo đường dây đưa lợn nhập khẩu trốn cách ly” cho biết: Suốt nhiều ngày đêm bám theo các đoàn xe chở lợn nhập khẩu từ biên giới Việt - Lào tỉnh Quảng Trị về các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa… nhóm phóng viên báo Lao Động đã phát hiện nhiều dối trá, khi lợn nhập khẩu chưa qua kiểm dịch đã được đưa thẳng vào lò mổ. Từ thông tin trên báo Lao Động và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan liên quan đã vào cuộc xử lý, đến tháng 11/2021 đã khởi tố 5 doanh nghiệp về tội Buôn lậu.

Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị xác nhận, đến thời điểm này, đã có 5 doanh nghiệp nhập khẩu lợn bị Chi cục Hải quan Cửa khẩu Lao Bảo ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Buôn lậu”.

Các Quyết định khởi tố đã được Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hướng Hóa phê chuẩn, chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Trị tiếp tục điều tra theo thẩm quyền. Ngoài 5 doanh nghiệp đã bị khởi tố, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Lao Bảo đã xử lý vi phạm hành chính đối với 1 công ty nữa và đang tiếp tục kiểm tra, xác minh để xử lý theo đúng quy định.

10. Tuổi trẻ (22/6) có tin “Thu ngân sách của Hải quan TP. HCM giảm” cho biết: Thu ngân sách của Cục Hải quan TP. HCM trong quý 2/2022 giảm nhẹ so với quý I, ước đạt 30.242,4 tỷ đồng, giảm 0,09% so với quý trước. Cục Hải quan TP đưa ra 3 giải pháp xây dựng mô hình làm việc tập trung, khép kín, thực hiện thủ tục hải quan 24/7 cũng như có phương án giao nhận hàng hóa tại cầu cảng và phân luồng di chuyển riêng cho xe container của các doanh nghiệp tham gia đề án…

V. Vấn đề về quản lý nợ

11. Trong hai ngày 20-21/6/2022, tại Sầm Sơn, Thanh Hóa, Bộ Tài chính phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới và Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ tổ chức Hội nghị phổ biến Chiến lược nợ công đến năm 2030. Nhiều báo, đài đã đưa tin về sự kiện này như: TTXVN (21/6) có bài “Quản lý để nợ công là đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội”,  báo Nhân Dân (20/6) có bài “Cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng lớn về nợ công”; VOV (20/6) có bài “Quản lý để nợ công là đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội”; VnEconomy (22/6) có bài “Chính phủ muốn giữ trần nợ công không quá 60% GDP đến năm 2030”; Vietnamplus (22/6) có bài “Nợ công của Việt Nam sẽ không quá 60% GDP vào năm 2030”; Thời báo ngân hàng (22/6) đưa tin “Đến năm 2030 nợ công không quá 60% GDP”; Điện tử Đảng cộng sản (20/6) có bài “Chiến lược nợ công đã kế thừa vai trò tích cực của chính sách quản lý nợ”; Công luận (20/6) có bài “Bộ Tài chính: Tới năm 2030, nợ công không quá 60% GDP”.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00