Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 27/6/2022

Điểm báo ngày 27/6/2022

I. Vấn đề về thuế

1. Về thuế xăng dầu

- Báo Pháp luật Việt Nam (25/6) có bài “Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Đồng bộ các giải pháp để bình ổn giá xăng dầu” đưa tin về buổi làm việc của Bộ Tài chính với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) mới đây. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, giá xăng dầu hiện tiếp tục tăng cao đã ảnh hưởng đến mọi ngành nghề và hiệu quả sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, do đó, cần phải thực hiện mọi giải pháp đồng bộ để bình ổn giá xăng dầu, trong đó, tập trung vào 3 nội dung: tìm được nguồn cung sao cho dồi dào nhưng giá rẻ; giảm thuế; ngăn chặn buôn lậu, giảm được thẩm lậu xăng dầu.

- Báo Lao động (25/6) có bài “Lựa chọn giải pháp can thiệp để giảm giá xăng dầu”; báo Tiền phong (25/6) có bài “Người tiêu dùng mong bỏ thuế TTĐB với xăng dầu: Sao Bộ Tài chính chần chừ?”; Báo Tuổi trẻ (27/6) có bài “Vẫn mong chờ giảm thuế cho xăng dầu”cho biết: Giá xăng dầu tăng cao kỷ lục, người dân và doanh nghiệp khó khăn. Nhiều chuyên gia đề xuất bỏ thuế TTĐB nhằm hạ nhiệt giá xăng nhưng Bộ Tài chính còn chần chừ.

Báo Lao động cho biết, theo PGS-TS Ngô Trí Long đề nghị, ngoài thuế BVMT, cần giảm thêm các loại thuế như GTGT, thuế nhập khẩu, thuế TTĐB thì mới góp phần hạ giá xăng dầu đáng kể. Người dân vẫn chưa tâm phục, khẩu phục việc đánh thuế TTĐB lên xăng dầu bởi đây là mặt hàng thiết yếu, không phải mặt hàng xa xỉ. VCCI thì cho rằng, về lâu dài, Bộ Tài chính cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế TTĐB với xăng và có văn bản báo cáo Quốc hội trong kỳ họp tới. Ngoài ra, về thuế nhập khẩu, đề xuất của Bộ Tài chính chưa nêu rõ lý do vì sao không lựa chọn phương án giảm thuế nhập khẩu. Bởi vấn đề này thuộc thẩm quyền của Chính phủ và có thể làm ngay trong tháng 7. Bộ Tài chính nên cân nhắc kỹ hơn phương án cắt giảm thuế nhập khẩu hoặc thuyết minh chi tiết, hợp lý hơn.

Báo Tiền phong dẫn ý kiến ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để hạ nhiệt giá xăng, không thể trông chờ vào Quỹ BOG, phải tính toán đến các biện pháp cao hơn như giảm 10-30% các loại thuế, phí cấu thành vào giá xăng. Nếu cân đối được thu chi ngân sách, việc giảm thuế có thể tác động, giúp các ngành kinh tế phục hồi tốt hơn, thu ngân sách tốt hơn. Nhiều quốc gia có chính sách trợ giá cho người dân dùng xăng dầu như Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc. Cùng với đó, các quốc gia giảm thuế nhiên liệu để góp phần giảm áp lực lạm phát

Báo Tuổi trẻ dẫn ý kiến ông Trịnh Quang Khanh, Tổng Thư ký Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, nhiều nước đã giảm thuế TTĐB với xăng như Thái Lan, Ba Lan,… Chính trong báo cáo của Bộ Tài chính trình Chính phủ hồi tháng 3 về giải pháp kiềm chế giá xăng dầu, Ấn Độ đã giảm thuế TTĐB với xăng. Giá xăng dầu tiếp tục được dự báo tiếp tục tăng cao, Bộ Tài chính cần tính đến giảm thuế TTĐB, thuế VAT với xăng để kìm giá. Hơn lúc nào hết, trong lúc người dân, doanh nghiệp khó khăn, chật vật thì Bộ Tài chính nên tư duy theo hướng nuôi dưỡng nguồn thu. Có lẽ cũng không lo giảm thu bởi như năm 2021, nhiều chính sách giãn, giảm và miễn nhiều khoản thuế nhưng kết quả là tổng thu ngân sách cả năm vẫn vượt tới 219 nghìn tỷ đồng so với dự toán.

2. Báo Công Thương (27/6) có bài “Ngành đồ uống cần chính sách thuế phù hợp” cho biết: Do tác động của đại dịch Covid-19, thời gian qua các DN đồ uống chịu tác động nặng nề. Vì vậy, xây dựng chính sách thuế phù hợp, nhất là với thuế TTĐB là đòi hỏi cấp thiết.

Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương – CIEM cho rằng, để phù hợp với xu hướng chung của thế giới và khu vực, cần một phương pháp tính thuế TTĐB mới đối với ngành đồ uống có cồn. Trước mắt, có thể áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp dựa trên lít cồn nguyên chất thay cho thuê tương đối đang áp dụng hiện nay. Phương pháp này có ưu điểm vượt trội và phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

3. Báo Người lao động (25/6) có bài “4 nghị quyết mới của Ban chấp hành Trung ương Đảng: Sẽ đánh thuế cao người có nhiều nhà, đất”, báo Lao động (25/6) có bài “Bãi bỏ quy định về khung giá đất, người có nhiều nhà đất sẽ bị áp thuế cao”, báo VnExpress (24/6) có bài “Người có nhiều nhà, đất sẽ bị áp thuế cao”, báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh (27/6) có bài “Sẽ đánh thuế cao hơn với người có nhiều nhà, đất”, các báo cho biết: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết số 18 – NQ/TƯ về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" với nhiều nội dung quan trọng.

Nghị quyết nêu, đất đai là nguồn lực to lớn cần được phát huy, quản lý và sử dụng có hiệu quả, bền vững, bảo đảm công bằng xã hội; không để đất đai bị suy thoái, hủy hoại, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực. Để khơi thông nguồn lực, chính sách tài chính về đất đai phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; có cơ chế điều tiết hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương, nghiên cứu chính sách điều tiết chênh lệch địa tô.

Trung ương yêu cầu các cơ quan xây dựng chính sách, pháp luật về thuế sử dụng đất theo thông lệ quốc tế, phù hợp với trình độ phát triển, điều kiện cụ thể và lộ trình thích hợp. Bên cạnh quy định mức thuế cao hơn với một số nhóm nêu trên, cần có chính sách ưu đãi thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư; đối với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình người có công với cách mạng. Ưu đãi thuế cũng cần được áp dụng với những địa phương được quy hoạch sản xuất nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ các loại rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng...

Trung ương cũng quyết định bỏ khung giá đất. Các cơ quan có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan xác định giá đất…

4. Báo Công Thương (27/6) có tin “Gỡ vướng trong thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng” cho biết: Chính phủ vừa ban hành Nghị định 41/2022/NĐ-CP nhằm tháo gỡ vướng mắc trong việc lập hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT xuống 8%. Nghị định nêu rõ: Trường hợp cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau thì trên hóa đơn GTGT phải ghi rõ thuế suất của từng hàng hóa, dịch vụ theo quy định. Trường hợp cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thì trên hóa đơn bán hàng phải ghi rõ số tiền được giảm theo quy định.

5. Báo Thanh niên (25/6) có bài “Phập phồng trước giờ tăng lương”, “Tăng lương không bằng thuế giảm” cho biết: Từ 1.7 lương tối thiểu vùng sẽ tăng 6%, thế nhưng thông tin này không mang lại niềm vui cho đa số người lao động bởi so với mức tăng của hàng hóa tiêu dùng thì thu nhập của họ trên thực tế đã giảm khá mạnh. Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì tăng lương, hãy giảm thuế cho xăng dầu. Bởi thị trường lao động hiện rất cạnh tranh, đa số doanh nghiệp trả lương theo thỏa thuận, cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu quy định nên lần tăng lương này sẽ không làm thay đổi thu nhập của họ. Trong khi đó xăng chỉ tính từ đầu năm tới nay, đã tăng gần gấp đôi. Mà xăng đâu chỉ tăng một mình. Xăng dầu tăng như vũ bão kéo theo giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng theo. Do đó, bên cạnh giảm thuế, phí cho xăng dầu, một việc quan trọng không kém là kiểm soát giá cả các hàng hóa, dịch vụ công. Kiểm soát tình trạng tát giá theo lương, theo xăng….

II. Vấn đề về quản lý giá

6. Báo Lao động (27/6) có bài “Có nên duy trì Quỹ Bình ổn xăng dầu?” cho biết: Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Dự thảo đưa ra nội dung bỏ các quy định về lập và sử dụng Quỹ Bình ổn giá, trong đó có quỹ Bình ổn giá xăng (Quỹ BOG).

Việc xăng dầu tăng mạnh trong thời gian qua, trong khi Quỹ BOG có dấu hiệu “đuối” khiến nhiều ý kiến tiếp tục đề xuất không nên duy trì Quỹ BOG. Một thương nhân phân phối xăng dầu cho biết việc duy trì Quỹ BOG sẽ triệt tiêu cơ hội kinh doanh của thương nhân phân phối. Đồng quan điểm, đại diện doanh nghiệp vận tải cũng đồng tình đề xuất bỏ quỹ BOG để giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng giá thế giới. PGS.TS Phạm Thế Anh – Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách cho hay, về cơ bản, quỹ BOG không giúp người tiêu dùng giảm chi phí. Mục tiêu của quỹ là bình ổn, hay làm giảm sự truyền tải biến động của giá thế giới vào giá trong nước, các mục tiêu khác nếu có chỉ là phụ.

Trong khi đó, Bộ Công thương lại cho rằng, việc bỏ Quỹ BOG cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, vì quỹ này thời gian qua đã hỗ trợ nhiều cho việc giá xăng dầu không tăng “sốc”, tránh cộng hưởng tăng giá. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, Quỹ BOG như “hồ điều hòa”, phần “tiết kiệm” để lúc cần thì bỏ ra. Nếu bàn đến vấn đề bỏ quỹ thì cũng cần biện pháp nào bù để đảm bảo hạn chế thấp mức tăng giá tác động đến người dân và doanh nghiệp.

III. Vấn đề về hải quan

7. Báo Pháp luật Việt Nam (25/6) có bài “Nhập khẩu xe ô tô không vì mục đích thương mại: Chỉ thông quan khi có Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật” cho biết: Bộ Tài chính đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 143/2015/TT-BTC ngày 11/9/2015 quy định thủ tục hải quan và quản lý xe ô tô, gắn máy của các đối tượng được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại. Bài báo dẫn lại một số nội dung quy định tại Dự thảo Thông tư: đối tượng áp dụng; chính sách quản lý xe ô tô nhập khẩu, tạm nhập khẩu theo loại hình cho, tặng, hàng mẫu, tài sản di chuyển; thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy;…

8. Báo Tuổi trẻ (25/6) có tin “Cưỡng chế nhiều doanh nghiệp nợ thuế” cho biết: Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư cho biết nhiều doanh nghiệp nợ thuế nội địa và thuế xuất nhập khẩu đã bị cơ quan hải quan cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Ngoài các trường hợp nợ thuế nội địa bị cưỡng chế theo đề nghị của cơ quan thuế, cơ quan hải quan cũng quyết định cưỡng chế trường hợp doanh nghiệp nợ tiền chậm nộp thuế xuất nhập khẩu.

IV. Vấn đề về chứng khoán

9. Báo Thời báo ngân hàng (27/6) có bài “Triệu chứng nghiện trên sàn chứng khoán” cho biết: Để tránh trở thành những “con nghiện” trên sàn chứng khoán, theo các chuyên gia, cần trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường này. Tuy nhiên, theo quy định, các nhà đầu tư chuyên nghiệp là những nhà đầu tư có giá trị thị trường các danh mục chứng khoán đầu tư trên 2 tỷ đồng hoặc có thu nhập chịu thuế từ 1 tỷ đồng trở lên. Thực tế, có trường hợp những người chỉ trong vài ngày, hoặc thời gian ngắn đã nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch giá trị trên 2 tỷ đồng thì không thể gọi là nhà đầu tư chuyên nghiệp được. Do đó, cần có quy định chặt chẽ hơn. Cần xem xét, rà soát quy định liên quan đến điều kiện trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

V. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

10. Báo Tin nhanh chứng khoán (27/6) có bài “Cần ‘thông đường’ cho trái phiếu doanh nghiệp” cho biết: PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, Dự thảo lần 5 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có nhiều quy định siết chặt cả nguồn cung và cầu trái phiếu. Nếu Dự thảo được thông qua thì phần lớn doanh nghiệp trong nền kinh tế không thể phát hành trái phiếu theo hình thức riêng lẻ, không tiếp cận được với nguồn vốn trái phiếu có thể dẫn đến đình trệ hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Theo các chuyên gia Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), khi xử lý các vấn đề trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cơ quan quản lý cần phân nhóm doanh nghiệp để có giải pháp phù hợp. Những doanh nghiệp có phương án sử dụng vốn khả thi, có dòng tiền lành mạnh, có khả năng trả nợ cần được tạo điều kiện để huy động vốn trái phiếu.

Ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nêu quan điểm, phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không thể đòi hỏi điều kiện quá cao, quá chặt chẽ, quá an toàn, mà phải chấp nhận một mức độ rủi ro nhất định. Cơ quan quản lý không nên tập trung vào các điều kiện bắt buộc như kết quả kinh doanh có lỗ, giới hạn giá trị phát hành, có tài sản bảo đảm, bảo lãnh thanh toán và giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích, bởi như vậy thì không còn là đặc điểm của trái phiếu riêng lẻ. Các thông tin từ doanh nghiệp cần đúng và minh bạch, còn lại hãy để nhà đầu tư lựa chọn mức độ rủi ro.

Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng việc siết chặt phát hành trái phiếu cần được xem xét một cách hợp lý, tránh gây sốc cho thị trường, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền kinh tế. Nghị định 153/2020/NĐ-CP nên được sửa đổi theo hướng yêu cầu các doanh nghiệp công khai, minh bạch thông tin nhằm đảm bảo cho thị trường phát triển bền vững và lấy lại lòng tin từ các nhà đầu tư.

VI. Vấn đề về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

11. Báo Người lao động (25/6) có bài “Tháo điểm nghẽn về đất đai trong cổ phần hóa” cho biết: Theo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (CPH DNNN), từ năm 2021 đến hết 5 tháng đầu năm 2022, ghi nhận 5 doanh nghiệp CPH với tổng giá trị doanh nghiệp là 642 tỉ đồng, giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 474 tỉ đồng. Tính chung trong giai đoạn 2016 - 2020, công tác CPH chỉ đạt 30% kế hoạch đề ra.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính, các tập đoàn, tổng công ty có khối lượng nhà, đất phải kiểm đếm, sắp xếp là rất lớn, nằm ở nhiều địa phương nhưng lại chưa chủ động triển khai các chính sách pháp luật về đất đai, đến khi phải thực hiện CPH mới bắt tay vào làm nên ảnh hưởng đến tiến độ. Việc sắp xếp nhà, đất có yếu tố khó khăn do lịch sử để lại nhưng nếu doanh nghiệp chủ động và quyết liệt thì tiến độ sẽ khác.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, cho rằng: "Có tình trạng người đứng đầu e ngại CPH, thậm chí sợ trách nhiệm nên triển khai cầm chừng, chờ đợi. CPH sẽ giúp cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, cạnh tranh hơn, tạo thêm được công ăn việc làm... Tuy nhiên, với tiến độ ì ạch cho thấy có tình trạng không muốn rời khỏi những ngành, lĩnh vực phát triển mạnh, có tỉ suất sinh lời cao. DNNN vẫn còn hiện diện trong nhiều ngành, lĩnh vực mà nhà nước không cần duy trì sở hữu vốn".

Để tháo gỡ điểm nghẽn đất đai trong CPH, nhiều ý kiến đề xuất tách việc xác định giá trị quyền sử dụng đất khỏi quy trình CPH, thoái vốn tại doanh nghiệp. Bộ Tài chính cho biết thời gian tới sẽ nghiên cứu đổi mới các quy định xác định giá trị quyền sử dụng đất bám sát tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; quy định việc không tính giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện CPH, thoái vốn. Theo đó, DNNN trước CPH phải chuyển sang thuê đất trả tiền hằng năm và sau CPH phải cam kết thực hiện đúng mục đích sử dụng đất cho sản xuất - kinh doanh, giữ nguyên hình thức thuê đất trả tiền hằng năm. Việc chuyển mục đích sử dụng đất, doanh nghiệp sau CPH phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm điều kiện, trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.

VII. Vấn đề về quản lý bảo hiểm

12. Báo Tin nhanh chứng khoán (27/6) có bài “Đã chốt dừng nộp quỹ bảo vệ người được bảo hiểm” cho biết: Quyết định dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm kể từ ngày 1/1/2023 là một trong những nội dung đáng chú ý tại Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua. Nhiều thành viên thị trường cho rằng, việc dừng trích nộp quỹ giúp giảm bớt nghĩa vụ tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài trong điều kiện quy mô của quỹ đã đủ lớn để vận hành theo mục đích đề ra. Tuy nhiên, cũng có ý kiến nhìn nhận rằng, như vậy là chưa thật công bằng giữa các DNBH tham gia trước và sau khi quỹ dừng trích nộp, bởi có nhiều DNBH đã tham giá trích nộp quỹ suốt 12 năm qua, nhưng cũng có DNBH mới tham gia trích nộp một vài năm, nhưng quỹ vẫn phải có nghĩa vụ chi trả theo quy định pháp luật bảo hiểm cho bất kỳ thành viên trích nộp quỹ mất khả năng thanh toán hoặc bị phá sản.

Theo giới quan sát, các DNBH không quá kỳ vọng vào quỹ bởi theo Thông tư 101/2013/TT-BTC quy định hạn mức chi trả của quỹ, đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cũng như hợp đồng bảo hiểm sức khỏe, quỹ chi trả tối đa 90% mức trách nhiệm của DNBH, nhưng không quá 200 triệu đồng/người được bảo hiểm/hợp đồng. Việc “fix cứng” mức chi trả được cho là chưa hợp lý, cần có quy định “mở” hơn theo hướng thay đổi phù hợp với tổn thất thực tế.

Tuy nhiên, cũng có DNBH cho rằng, việc quy định hạn mức chi trả là phù hợp bởi mục đích chủ yếu là xoa dịu người được bảo hiểm, hướng tới bảo vệ người mua bảo hiểm khi DNBH mất khả năng thanh toán, đồng thời hạn chế tạo ra rủi ro đạo đức, sự ỷ lại từ phía DNBH, người tham gia bảo hiểm vào quỹ.

VIII. Vấn đề khác

13. Báo Thanh niên (25/6) có bài “Cấp bách cải thiện chỗ ở cho người dân” cho biết: Ngày 24.6, Đoàn giám sát của HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát UBND TP.HCM về chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016 - 2025.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00