Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 29/6/2022

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 29/6/2022

I. Vấn đề về thuế

1. Về thuế xăng dầu

Báo Lao động (29/6) có bài “Để hạ nhiệt giá xăng dầu: Có giảm được kịch khung thuế bảo vệ môi trường?” cho biết: Việc giá xăng dầu tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải rơi vào tình thế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải “cất xe” chờ giá xăng dầu giảm. Để giảm giá xăng dầu, vừa qua, thuế bảo vệ môi trường đã được giảm 2000 đồng/lít xăng và hiện Bộ Tài chính đang đề xuất giảm thêm 1000 đồng/lít, song mức giảm này không có tác động đáng kể khi giá xăng dầu đã tăng quá cao. Để hạ nhiệt giá xăng dầu, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng, cần mạnh dạn giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, hay giá trị gia tăng với xăng dầu. Có như vậy mới tránh được tác động tiêu cực thêm nữa với sản xuất, kinh doanh.

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), trước đây, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ trình phương án giảm 50% thuế bảo vệ môi trường và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý. Nếu muốn giảm 50% thuế bảo vệ môi trường còn lại sẽ thuộc thẩm quyền của Quốc hội, và tương tự với thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu….cũng vậy. Theo bà Nga, Chính phủ cần sớm nghiên cứu, trình Quốc hội giảm thuế ngay để giảm giá xăng dầu, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, kiềm chế lạm phát. Nhiều người cho rằng muốn giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường hoặc miễn, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu,… phải chờ kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, nhưng nếu cần thiết, Quốc hội vẫn có thể triệu tập kỳ họp bất thường để quyết định những vấn đề trọng đại, có ảnh hưởng lớn đến người dân.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho biết, sở dĩ Bộ Tài chính không đề nghị giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường mà chỉ đề xuất giảm thêm 1000 đồng với xăng, 500 đồng với dầu là vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định được, có thể làm được ngay. Cũng theo ông Bảo, bài toán kiểm soát giá xăng dầu cần được tính toán, đánh giá đầy đủ để dự báo được giá xăng dầu nhằm có lộ trình, giải pháp kiểm soát, điều hành mang tính bền vũng hơn.  

Báo Lao động (29/6) có bài “Lỗ gần 100 tỷ đồng/tháng, ngành hàng không mong giảm thuế môi trường, xăng dầu”; Báo Lao động (29/6) có bài “Kinh doanh dịch vụ, ăn uống ở TP HCM: Chật vật khi giá nguyên liệu tăng cao”; Công an nhân dân (29/6) có bài “Hãng bay lỗ lớn vì nhiên liệu tăng cao”; Tuổi trẻ (29/6) có bài “Khách tăng nhưng hàng không vẫn lỗ”; Đại đoàn kết (29/6) có bài “Xăng dầu tăng giá, tàu cá nằm bờ” cùng phản ánh tác động của giá xăng tăng đến doanh nghiệp ngành hàng không, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống và ngư dân.

Dù lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không tăng mạnh trong thời gian gần đây nhưng do biến động giá nhiên liệu, các hãng bay của Việt Nam vẫn đang chịu lỗ lớn. Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, kiến nghị Chính phủ giảm thuế môi trường, xăng dầu nhằm hỗ trợ chi phí hoạt động cho các hãng. Đồng thời, từng bước nới lỏng giá trần để các hãng linh hoạt vé hơn trong thời gian tới.

Tại TP HCM, gia xăng tăng cao kéo theo giá nhiều loại hàng hóa, nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến nhiều chủ cửa hàng ăn uống, đơn vị kinh doanh dịch vụ cũng đang phải chật vật giữ chân khách bằng cách ổn định giá, hay thay nguyên liệu rẻ hơn.

Tương tự, đối với ngư dân, trước đây, bình thường mỗi chuyến biển, đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, ngư dân thu về hơn 200 triệu đồng, trong khi chi phí chỉ khoảng 100 triệu đồng, thuyền viên cũng có thu nhập từ 7-15 triệu đồng/chuyến biển. Giờ đây xăng dầu tăng giá cùng các chi phí khác tăng cao nên tình thế đã khác. Thực tế, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ ngư dân nhưng việc xăng dầu và các nhu yếu phẩm, ngư lưới cụ tăng giá liên tục, ngư trường cạn kiệt hải sản khiến ngư dân thêm khó khăn, có địa phương 50% số tàu cá phải tạm thời nằm bờ. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đã có văn bản gửi các Bộ liên quan đề nghị đề xuất Chính phủ hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao…

II. Vấn đề về chứng khoán

2. Báo Thanh niên (29/6) có bài “Nâng hạng thị trường chứng khoán để hút vốn ngoại” cho biết: Không chỉ mất hàng chục tỉ USD, việc không được nâng hạng từ thị trường chứng khoán cận biên lên mới nổi khiến chúng ta mất nhiều cơ hội, giảm sức mạnh của doanh nghiệp, niềm tin của nhà đầu tư và đặc biệt là ảnh hưởng đến vị thế của quốc gia đang phát triển mạnh mẽ.

Vấn đề về xếp hạng không phải chúng ta không nhìn ra, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có quá trình phát triển mạnh mẽ nhưng rõ ràng sự quyết tâm, ý chí và cách làm chưa đúng khiến chúng ta bỏ lỡ nhiều cơ hội. Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Fiin Group nhiều lần bày tỏ trăn trở với việc nâng hạng, nâng hạng không khó ở kỹ thuật mà ở chính ý chí và vai trò của nhà quản lý. Ý chí ở đây theo ông Thuân là Việt Nam hoàn toàn có thể khắc phục các vấn đề về công nghệ, minh bạch, và “room” cho nhà đầu tư nước ngoài. Câu chuyện còn lại là Chính phủ quyết tâm làm đến đâu.

Nhiều chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần tập trung vào 3 yếu tố quan trọng. Đó là thanh toán bù trừ; tình trạng nghẽn lệnh; giao dịch T+0. Thứ hai, về độ mở thị trường với nhà đầu tư nước ngoài, cần giảm bớt ngành nghề trong danh mục ngành nghề hạn chế tiếp cạn thị trường. Cuối cùng là khả năng tiếp cận các văn bản, công ty đại chúng niêm yết cần thực hiện công bố thông tin song ngữ.

3. Báo Công thương (29/6) có tin “Từ loạt bài của Báo Công Thương phản ánh, Ủy ban Chứng khoán nhà nước ra cảnh báo”; Zingnews (28/6) có tin “Ủy ban Chứng khoán cảnh báo về mời chào giao dịch T+0”; VnEconomy (28/6) có tin “Uỷ ban Chứng khoán khuyến cáo nhà đầu tư cẩn trọng với các hội nhóm trên mạng xã hội”; Thời báo ngân hàng (29/6) có tin “Ủy ban chứng khoán Nhà nước khuyến cáo nhà đầu tư”; Pháp luật Việt Nam (29/6) có tin “Nhà đầu tư chứng khoán cần cẩn trọng với các hội nhóm trên mạng” và nhiều báo khác đưa tin: Thời gian gần đây, trên các không gian mạng, điển hình là zalo, facebook đã xuất hiện một số hiện tượng thành lập các hội nhóm, group để hô hào, mời chào, lôi kéo nhà đầu tư giao dịch mua và bán cổ phiếu trong ngày (T+0) hoặc đầu tư vào một số mã cổ phiếu sẽ đem lại tỷ lệ sinh lời rất cao.

Qua theo dõi, giám sát, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có một số khuyến cáo nhà đầu tư cần cẩn trọng, cân nhắc khi tham gia vào các hội nhóm trên các không gian mạng xã hội, tránh bị lôi kéo, dẫn dắt dẫn tới thiệt hại không đáng có. Hiện tại, theo quy định pháp luật hiện hành, nhà đầu tư muốn giao dịch trên thị trường cổ phiếu đều phải thông qua công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ mà nhà đầu tư mở tài khoản và công ty chứng khoán đó phải là thành viên của Sở giao dịch chứng khoán. Do đó, các giao dịch phát sinh liên quan (tiền, cổ phiếu…) đều phải thông qua pháp nhân là công ty chứng khoán. Mặt khác, theo quy định hiện hành, giao dịch T+0 vẫn chưa được áp dụng mà chỉ đang trong quá trình nghiên cứu và khi được cho phép được cơ quan quản lý công bố thông tin chính thức, rộng rãi. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chính thức khuyến cáo để nhà đầu tư tìm hiểu và cẩn trọng khi tham gia các hội nhóm, group trên các mạng xã hội. Cơ quan quản lý đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định của pháp luật chứng khoán và các quy định pháp luật có liên quan.

4. Báo Tuổi trẻ (29/6) có tin “Tiền đổ vào giao  dịch chứng khoán tăng dần” cho biết: Mặc dù vẫn chưa trở lại thanh khoản 1-2 tỷ USD/phiên như trước, nhưng những phiên gần đây dòng tiền được nhà đầu tư rót vào để mua bán cổ phiếu đã được cải thiện.

Ở phiên giao dịch 28-6, sắc xanh lan tỏa khắp các sàn chứng khoán và kéo dài đến cuối phiên. Chỉ số VN-Index tăng thêm 15,28 điểm, lên mốc 1.218,1 điểm. Trong khi đó, sàn HNX và rổ UPCoM cũng tăng lần lượt 3,45 điểm và 0,87 điểm. Phiên giao dịch cũng được chứng kiến dòng tiền đổ vào mua bán cổ phiếu được cải thiện rõ rệt với hơn 16.900 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với  phiên liền trước, tưang 66% so với phiên thứ ba tuần trước.

III. Vấn đề về công sản

5. Báo Công Lý (29/6) có bài “Hoàn thiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công” cho biết: Trong những năm qua, Bộ Tài chính đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương báo cáo Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao và đã đạt được những kết quả bước đầu. Trong đó, đáng kể là đã hình thành được hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ và đồng bộ để thực hiện công tác quản lý, sử dụng tài sản công. Đã tạo ra cơ chế phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, xã hội. Trong đầu tư xây dựng và mua sắm, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị mua sắm theo tiêu chuẩn… Đặc biệt là tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, góp phần thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách của nhà nước.

IV. Vấn đề khác

6. Báo Người lao động (29/6) có bài “Giải ngân vốn công chậm, vì sao?” cho biết: Đã gần hết quý II/2022 nhưng tình hình giải ngân vốn đầu tư công vẫn rất ì ạch, tái diễn tình trạng "có tiền nhưng không tiêu được" như những năm trước. Nếu tạm tính kết quả báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm của 20/126 bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương được cập nhật trên cổng thông tin về đầu tư công của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt khoảng 36,31% kế hoạch năm.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng cần nhìn nhận nguyên nhân quan trọng là do con người, cụ thể là khâu tổ chức thực hiện còn thiếu quyết liệt, sợ trách nhiệm ở các cấp, ngành. Bởi có địa phương, bộ, ngành giải ngân vốn đạt kết quả rất khả quan, như Bộ Giao thông Vận tải, tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Tây Ninh...

Để gỡ điểm nghẽn trong giải ngân vốn công, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng cần tập trung xử lý vấn đề giải phóng mặt bằng. Nên tách đền bù giải phóng mặt bằng các dự án khi được phê duyệt chủ trương đầu tư vì nếu mặt bằng được chuẩn bị sẵn sàng, dự án sẽ triển khai thuận lợi, tiến độ được đẩy nhanh. "Các cơ chế bồi thường giải phóng mặt bằng phải thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi cho người dân khi di dời, tái định cư để có được sự đồng thuận khi triển khai" - ông Cường lưu ý.

8. Các Tiền phong (29/6) có bài “Vietnam Airlines xin tăng vốn, bán Pacific Airlines”; Tuổi trẻ (29/6) còn có tin “Vietnam Airline tính bán 32 máy bay”; Tuổi trẻ (28/6) có bài “Vietnam Airlines để ngỏ khả năng chỉ nắm 0-30% cổ phần tại Pacific Airlines”; Thanh niên (28/6) có tin “Pacific Airlines có nguy cơ mất khả năng thanh toán và chấm dứt hoạt động” cho biết: Vietnam Airlines vừa lên phương án xin tăng vốn điều lệ, đồng thời hãng đang tìm nhà đầu tư để thoái vốn khỏi hãng hàng không giá rẻ Pacific Airlines do tình trạng tài chính khó khăn sau 2 năm Covid-19. Tính đến tháng 6, tình hình tài chính của Pacific Airlines đang rất nghiêm trọng, dòng tiền thiếu hụt, nợ quá hạn lớn đe dọa mất khả năng thanh toán và phải chấm dứt hoạt động.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00