Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 13/02/2023

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 13/02/2023

I. Vấn đề về thuế, phí

1. Bản tin Thời sự 19h00 – VTV1 (12/2) đưa tin “Tiếp tục giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp và người dân”; Vietnamplus – TTXVN (10/2) có tin “Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giãn, hoãn nộp thuế cho doanh nghiệp” cho biết: Trong năm qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ về thuế cho doanh nghiệp và người dân với tổng số tiền trên 230 nghìn tỷ đồng. Qua đó giúp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần đưa kinh tế tăng trưởng cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây.

Năm nay, trước những bất ổn của kinh tế thế giới, Chính phủ tiếp tục có thêm các chính sách giãn, giảm thuế... để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tạo động lực cho phát triển và thực hiện an sinh xã hội.

Đầu tuần này, Chính phủ đã ban hành quyết định giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước phải nộp của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hiện Chính phủ cũng đang xây dựng Nghị định về gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2023.

Trả lời phỏng vấn VTV, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết: “Giảm tiền thuê đất và mặt nước như mức năm 2022. Gia hạn 6 tháng với thuế GTGT từ tháng 1 đến tháng 5 và quý I/2023. Gia hạn thuế GTGT của tháng 6 và quý II năm 2023, với tổng thuế gia hạn khoảng 65 nghìn tỷ đồng. Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn thời hạn nộp thuế với thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của quý I, II của năm 2023 và ước tính số thuế gia hạn khoảng 43 nghìn tỷ đồng”.

Bộ Tài chính cũng tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa các lĩnh vực của ngành Tài chính, đặc biệt là thuế và hải quan nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và qua đó giúp tiết giảm thời gian, chi phí và công sức cho người dân, doanh nghiệp.

2. Tiền phong (11/2) có các bài “Chậm sửa thuế thu nhập cá nhân: Chờ đến bao giờ”?, “Lắng nghe hơi thở người dân”, “Nuôi chồng thất nghiệp, quẫn bách vì thuế” thông tin: Chi phí sinh hoạt, nhu cầu cuộc sống ngày càng tăng trong khi mức đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) duy trì 10 năm qua khiến người dân rơi cảnh “còng lưng gánh thuế”. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần sớm thay đổi mức giảm trừ gia cảnh để tránh tình trạng người dân bị “vắt kiệt sức”.

Trước bất cập của Thuế TNCN, cơ quan dự thảo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 đề xuất một số sửa đổi. Trong đó, một trong những điểm sửa đổi đề cập phương án nghiên cứu cắt giảm số bậc thuế từ 7 xuống 5. Bên cạnh đó, cơ quan thuế có thể xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn với những người có thu nhập cao.

Một trong những quy định được người dân quan tâm là nâng mức giảm trừ gia cảnh. Tuy nhiên, ngành Thuế vẫn duy trì quan điểm, chỉ khi số giá tiêu dùng (CPI) tăng 20% sẽ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi lạm phát tăng 20% là quá cứng nhắc. Theo ông Thịnh, không thể điều hành thuế theo lạm phát, vì mỗi năm, mức sống của người dân tăng lên.

3. Pháp luật Việt Nam (13/2) có bài “Đề xuất thu thuế nhà đất thứ 2: Giải pháp chống đầu cơ, lãng phí và hoang hóa đất đai” cho biết: TPHCM từng 2 lần đề nghị kiến nghị tăng thu thuế nhà đất mà người sở hữu không trực tiếp sử dụng hoặc bất động sản thứ 2 trở lên. Đề xuất này được nhiều chuyên gia đánh giá là giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế đầu cơ bỏ hoang nhà, đất trong dự án bất động sản, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Theo Luật sư Đoàn Minh Đức, việc tăng thuế với bất động sản thứ 2 là phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm chống đầu cơ, lãng phí và hoang hóa đất đai. Tuy nhiên, cần xây dựng cơ sở dữ liệu để xác định đúng và trúng đối tượng và phải có cơ sở tính thuế hợp lý.

4. Pháp luật Việt Nam (13/2) có bài “258 sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin cho cơ quan thuế”; Đại đoàn kết (13/2) có bài “Thương mại điện tử: Ngành Thuế “soi” thông tin doanh nghiệp lên sàn” cho biết: Theo Tổng cục Thuế, tính đến nay đã có 258 sàn thương mại điện tử (TMĐT) cung cấp trên Cổng thông tin TMĐT của Tổng cục Thuế.

Đại diện Tổng cục Thuế đánh giá, do đây là kỳ đầu tiên cung cấp thông tin nên các doanh nghiệp còn nhiều lúng túng, cơ quan thuế cũng có những hỗ trợ trực tiếp, kịp thời đặc biệt là các sàn lớn, đã có dữ liệu, thông tin định danh. Về các thông tin về giao dịch và giá trị hàng hóa, theo đánh giá sơ bộ của Tổng cục Thuế vẫn chưa tương xứng với thực tế, cơ quan thuế cần tiếp tục phân tích, đánh giá rủi ro để chỉ đạo cơ quan thuế các cấp triển khai các nghiệp vụ quản lý thuế tại địa bàn đến từng tổ chức, cá nhân có liên quan, phục vụ công tác quản lý thuế.

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường (ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng, quản lý thuế trong lĩnh vực TMĐT không phải chuyện riêng của ngành Tài chính mà còn là nhiệm vụ của các bộ, ngành liên quan. Như vậy, để có khuôn khổ pháp lý về quản lý thuế đối với TMĐT, chúng ta đã phối hợp hoạt động khá tốt trong bộ máy quản lý.

5. Thời báo ngân hàng (13/2) có bài “Vi phạm về thuế và nợ thuế tăng” cho biết: Theo ghi nhận của Tổng cục Thuế, trong hơn một tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp phát sinh nợ thuế và bị phạt truy thu thuế do vi phạm khai báo đều có xu hướng tăng nhanh.

Năm 2023, Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành Thuế dự toán thu NSNN khoảng trên 1.373.200 tỷ đồng. Trong bối cảnh các chính sách miễn, giảm thuế ban hành năm 2022 vẫn còn ảnh hưởng đến nguồn thu NSNN; mặt khác, Chính phủ đang nghiên cứu trình Quốc hội một số giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp, áp lực trong việc thu ngân sách nội địa khá lớn. Do đó, việc đẩy mạnh hoạt động thanh tra về thuế, tăng thu thuế nợ đọng rất cần được các địa phương đẩy mạnh nhằm đảm bảo thu ngân sách đạt chỉ tiêu và đảm bảo công bằng. Ngay từ đầu năm, ngành Thuế đã đặt ra 10 nhóm giải pháp nhằm tăng thu ngân sách thông qua thu thuế nội địa.

6. Công an nhân dân (13/2) có bài “Hỗ trợ môi trường kinh doanh bình đẳng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”; Đại đoàn kết (11/2) có bài “Xử phạt các đơn vị cố tình trì hoãn xuất hóa đơn điện tử” cho biết: Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, từ 01/7/2022, Bộ Tài chính đã chỉ đạo ngành Thuế triển khai áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) với 100% các doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo phương pháp kê khai. Việc thực hiện HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng, doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, người nộp thuế cũng chủ động hơn trong việc điều chỉnh sai sót do HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền được gửi vào cuối ngày không phải gửi từng hóa đơn như loại hóa đơn có mã thông thường. Mặc dù tiện lợi và minh bạch nhưng theo Bộ Tài chính, đến nay số cơ sở kinh doanh đã đăng ký thành công HĐĐT kết nối với máy tính tiền với cơ quan thuế chỉ mới đạt khoảng 20% kế hoạch giai đoạn 1 mà ngành thuế đề ra.

Để triển khai đồng bộ, thời gian tới Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an để nghiên cứu giải pháp kỹ thuật cho phép đọc thông tin người mua hàng từ thẻ căn cước công dân giúp cho việc lập và xuất HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền nhanh chóng, thuận lợi.

Được biết, lộ trình được Tổng cục Thuế đưa ra là đảm bảo đến hết tháng 2/2023 phải đạt tối thiểu 70% số doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký và phấn đấu đến hết tháng 3/2023 triển khai đối với 100% các doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo danh sách báo cáo Tổng cục Thuế của giai đoạn 1.

II. Vấn đề về Kho bạc Nhà nước

7. Báo Công Thương (12/2) có bài “Nghiêm cấm công chức Kho bạc Nhà nước yêu cầu khách hàng gửi thêm hồ sơ ngoài quy định” cho biết: Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước (Bộ Tài chính) vừa ban hành Chỉ thị tăng cường công tác kiểm soát chi, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng trong giao dịch thanh toán của hệ thống Kho bạc Nhà nước. Đặc biệt, nghiêm cấm công chức kiểm soát chi yêu cầu khách hàng gửi thêm hồ sơ, chứng từ ngoài quy định. Trường hợp phát hiện các cá nhân, đơn vị thực hiện không đúng quy định, có thái độ ứng xử không phù hợp và có biểu hiện gây sách nhiễu, phiền hà với khác hàng giao dịch thì bị xử lý, kỷ luật theo đúng quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

III. Vấn đề về chứng khoán

8. Thời báo ngân hàng (13/2) có bài “Loạt “ông lớn” chứng khoán báo giảm lãi” cho biết: Dù đã hồi phục nhanh và mạnh từ giữa tháng 11/2022 song nhịp điều chỉnh những tháng cuối năm đã đẩy chỉ số VN-Index trong quý IV/2022 giảm 11%.

Số liệu cho thấy các công ty chứng khoán trong quý IV/2022 ghi nhận lãi ròng sụt giảm mạnh 96,6% so với cùng kỳ. Với bức tranh kết quả kinh doanh ảm đạm trong năm 2022, các chuyên gia nhận định, dù thị trường được dự báo sẽ hồi phục mạnh mẽ hơn trong năm nay song nhóm công ty chứng khoán vẫn khó quay trở lại mức lợi nhuận như đã từng đạt khi thị trường khởi sắc. 

IV. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

9. Báo Người lao động (13/2) có bài “Lời giải cho trái phiếu doanh nghiệp” và tin “Tăng cường giám sát, thanh tra công ty chứng khoán”; VTV.vn (12/2) có tin “Lấy lại niềm tin về trái phiếu riêng lẻ” cho biết: Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP với nhiều quy định mới được kỳ vọng sẽ vực dậy thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), nhất là trong bối cảnh thị trường này đang gặp nhiều khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết trong bối cảnh thị trường đang khó khăn, tinh thần sửa đổi của nghị định mới là giãn thời gian áp dụng một số quy định để hỗ trợ cho cả bên cung và bên cầu trên thị trường TPDN riêng lẻ.

Theo đó, cơ quan soạn thảo đề xuất giãn thời gian thực hiện thêm một năm đối với quy định về xác định tư cách nhà dầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; lùi thời hạn bắt buộc xếp hạng tín nhiệm khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu khối lượng lớn; đề xuất cho phép doanh nghiệp được kéo dài kỳ hạn trái phiếu đã phát hành thêm tối đa 2 năm…

Cùng với sửa đổi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ tổng rà soát các quy định liên quan, trao đổi với các bộ ngành để sửa đổi, bổ sung quy định phù hợp hơn với thực tiễn thị trường. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng tăng cường giám sát, thanh kiểm tra các tổ chức phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán, công ty kiểm toán.

10. Báo Tiền phong (13/2) có bài “Nhiều doanh nghiệp ‘khất nợ’ nghìn tỷ trái phiếu đến hạn”; Đầu tư Chứng khoán (Số 7 ngày 13-19/2) có bài “Thị trường trái phiếu không thể tự điều tiết” cho biết: Ngay từ đầu năm 2023, một số doanh nghiệp đã công bố không có khả năng trả lãi và gốc trái phiếu đến hạn thanh toán trong bối cảnh giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của cả năm lên tới 157.970 tỷ đồng.

Trả lời Đầu tư Chứng khoán, Ông Nguyễn Minh Cường - Kinh tế trưởng Ngân hàng ADB tại Việt Nam cho rằng, vấn đề trái phiếu đang gây tắc nghẽn thị trường. Nếu để thị trường tự xử lý thì không chỉ tắc nghẽn dòng vốn mà có thể dẫn đến những rủi ro hệ thống, lan sang cả hệ thống ngân hàng và toàn bộ thị trường tài chính.

Theo ông Nguyễn Văn Thân - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cần quan tâm giải quyết vấn đề của thị trường này ngay từ đầu năm. Tháo gỡ về thủ tục hành chính có thể giải quyết được phần nào những vấn đề của thị trường trái phiếu hiện nay.

Theo Finn Rating, việc gỡ ách tách pháp lý để các doanh nghiệp xoay xở dòng tiền là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Bởi nếu các doanh nghiệp đạt được thỏa thuận với các trái chủ về việc giãn nợ hoặc hoán đổi các sản phẩm bất động sản cho các khoản gốc và lãi vay trái phiếu, cũng chỉ có thể hỗ trợ duy trì thanh khoản trong khoảng thời gian ngắn.

V. Vấn đề quản lý giá

11. Diễn đàn doanh nghiệp (10/2) có bài “Sửa Nghị định về xăng dầu: Mấu chốt là cơ chế giá bán lẻ”, Đại đoàn kết (11/2) có bài “Loay hoay với giá xăng dầu”, Tiền Phong (13/2) có bài “Doanh nghiệp xăng dầu lại kiến nghị gỡ khó cho thị trường” đều đề cập đến vấn đề điều hành chiết khấu tối thiểu (hoặc giá bán buôn tối đa) để bảo đảm đồng bộ cơ chế quản lý. Theo các chuyên gia, quan trọng nhất là phải sửa đổi đồng bộ các quy định cho các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối cũng như các điều kiện kinh doanh xăng dầu. Cùng với đó, cần sửa theo hướng, quy định thương nhân đầu mối hay thương nhân phân phối đến giai đoạn nào đó phải có bao nhiêu cửa hàng.

Ngoài ra, cần sửa đổi quy định về nhập hàng, cho thương nhân phân phối lấy hàng từ nhiều nhất ba thương nhân đầu mối với điều kiện phải đăng ký với đầu mối về sản lượng mỗi năm, để đầu mối phải có trách nhiệm cung cấp đủ hàng.

Cùng với đó, phải cập nhật tất cả các chi phí phát sinh kịp thời cho doanh nghiệp, kịp thời điều hành giá trong mọi tình huống, không có chuyện nghỉ lễ, Tết.

12. Vietnam Finance (13/2) có bài “Quỹ bình ổn xăng dầu: Cả lý thuyết và thực tiễn đều không đạt mục tiêu” cho biết: Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, cả lý thuyết và thực tiễn đều cho thấy Quỹ Bình ổn không đạt được mục tiêu giúp bình ổn giá như mong muốn của Nhà nước. Vì cơ quan Nhà nước kỳ vọng rằng Quỹ Bình ổn sẽ giúp làm giảm biên độ biến động giá xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, khi so sánh cho thấy không có sự khác biệt bởi nhà điều hành không thể tiên đoán (dự đoán) được giá xăng dầu trong tương lai. Cho nên, việc xả quỹ không đúng thời điểm đã khiến cho công tác điều hành đạt được mục tiêu như kỳ vọng. Do đó VCCI đề nghị bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cần cân nhắc lựa chọn phương án hỗ trợ từ phía Nhà nước đối với các chi phí phát sinh để thực hiện nghĩa vụ dự trữ lưu thông bắt buộc.

Trong trường hợp giá được vận hành theo cung cầu thị trường thì Nhà nước cần chi trả chi phí dự trữ xăng dầu này, có thể theo hình thức đặt hàng giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu từ nguồn ngân sách.

Nhiều chuyên gia cũng đồng tình với việc thay quỹ bình ổn bằng kho dự trữ vì quỹ này hoàn toàn không cần thiết, gây phiền hà cho hoạt động doanh nghiệp. Đối với người tiêu dùng, đáng lẽ lúc giá thấp, họ phải được hưởng giá thấp chứ không phải “cõng” mức trích quỹ.

13. VTV (11/2) có bài “Tăng giá điện: Chia nhỏ đợt tăng tránh tác động lớn”, Báo Sài Gòn giải phóng (12/2) đưa tin “Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam: Giá điện có thể tăng thêm 15%” cho biết: Theo Quyết định số 02/2023/QĐ-TTg về khung giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 3/2), mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh (tăng 220 đồng so với khung giá cũ) và tối đa là 2.444,09 đồng/kWh (tăng 538 đồng).

Đánh giá về khung giá mới, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) đề nghị, cần xem xét điều chỉnh giá bán điện ở mức hợp lý để đảm bảo hài hòa quyền lợi của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điện lẫn doanh nghiệp, đơn vị và người tiêu dùng điện. Do đó có thể chia lộ trình tăng giá điện làm hai đợt, mỗi đợt tăng 7-8%. Sau đó theo dõi, tính toán, nếu trong những tháng cuối năm tình hình thuận lợi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát trong mục tiêu đề ra thì có thể điều chỉnh giá đợt 2.

VI. Vấn đề về hành chính sự nghiệp

14. Báo Công an nhân dân (11/2) có bài “Tiền tỷ đổ vào dâng sao, giải hạn đầu năm. Bài 2: Tiền chùa, ai quản lý?” cho biết: Dâng sao giải hạn, tiền công đức, giọt dầu, tiền thỉnh vong giải nghiệp, tiền lễ,… mỗi năm, hàng chục triệu dân Việt đang gửi gắm niềm tin và mong muốn hưởng lộc từ đền, chùa. Những ngôi chùa lớn, một mùa lễ hội thu tới hàng trăm tỷ đồng, chùa vừa cùng tiền nhiều chục tỷ. Trước những bất cập liên quan đến câu chuyện quản lý tiền công đức, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Quy định đã có, song để thực hiện quản lý thu chi thực sự minh bạch và không tạo cơ hội cho một số cá nhân biến chất sử dụng “tiền chùa”, nhiều ý kiến cho rằng cần có sự sát sao hơn trong quản lý. Chuyên gia kiểm toán Lê Đình Thăng cho rằng, các khoản tiền chi tiêu này cần được kiểm toán định kỳ.

Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, khó khả thi việc kiểm toán bởi đầu vào không quản lý được thì việc kiểm toán đầu ra không có ý nghĩa. Kiểm toán chủ yếu ở những hạng mục như vé vào cửa, vé đò, vé cáp treo và dịch vụ trông xe… tức là các khoản thu có chứng từ, còn các khoản thu người dân tự đóng góp công đức vào hòm, hay đặt lễ lên mâm cúng sẽ không thể kiểm soát được. Bởi vậy, quan trọng là phải thay đổi từ suy nghĩ của người dân, du khách, đó mới là gốc rễ.

Cũng đề cập đến quản lý thu chi tiền công đức, Bản tin Thời sự 19h ngày 12/2/2023 – Đài Truyền hình Việt Nam có phóng sự “Thất thoát tiền công đức” cho biết: Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19/1/2023 hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội với nhiều điểm mới đáng chú ý. Các chuyên gia cho rằng, việc ban hành Thông tư 04 là cần thiết trước xu hướng thương mại hoá, lợi dụng lễ hội để vì mục đích kinh tế. Thế nhưng, để tăng tính khả thi cần ban hành quy trình cụ thể hơn nữa. Các quy định trong Thông tư 04 chỉ mang tính nguyên tắc nên rất cần tính tự giác của các cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo. Thông tư 04 có hiệu lực từ ngày 19/3/2023 cũng chưa thể bao quát hết các vấn đề của câu chuyện tiền công đức nên các cơ quan nhà nước cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử phạt nghiêm minh, làm gương cho các hiện tượng tiêu cực, sai phạm. Thực tế đã chứng minh tại các tổ chức tôn giáo một số nơi thờ tự công khai minh bạch và đã làm cho chính nơi thờ tự, di tích ấy nhận được nhiều sự quan tâm hơn, có thêm nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị.

VII. Vấn đề về bảo hiểm

15. Đầu tư Chứng khoán (Số 7 ngày 13-19/2) có bài “Rộng cửa cho môi giới bảo hiểm” cho biết: Hành lang pháp lý cởi mở đang mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới bảo hiểm. Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, từ ngày 1/1/2023, ngoài kinh doanh mảng chính là môi giới bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được mở rộng thêm hoạt động liên quan tới hợp đồng bảo hiểm. Như vậy, khối doanh nghiệp này không chỉ cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm thông thường, mà còn cung cấp dịch vụ phụ trợ liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của bên mua bảo hiểm.

Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 tiếp tục sửa đổi theo hướng chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, dịch vụ và mở rộng phạm vi hoạt động để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của các doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

16. Báo Thanh niên (13/2) có bài “Chấm dứt ngay việc ngân hàng 'ép' người vay phải mua bảo hiểm”, Báo Tuổi trẻ (13/2) có bài “Không mua bảo hiểm, chấm dứt khoản vay” cho biết: Dù Ngân hàng Nhà nước đã cấm ép khách mua bảo hiểm, nhưng gần sáu tháng tìm hiểu và đồng hành cùng bạn đọc, phóng viên Tuổi trẻ vẫn ghi nhận được hàng loạt góc khuất trong việc “gài” thế buộc phải… tự nguyện mua bảo hiểm nhân thọ khi vay vốn.

Trao đổi với báo Tuổi trẻ về giải pháp ngăn chặn tình trạng ngân hàng ép khách vay phải mua bảo hiểm, đại diện Bộ Tài chính cho biết đã đề xuất một loạt nội dung rất chặt chẽ tại dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, để đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, ngăn chặn việc ngân hàng ép khách vay phải mua bảo hiểm, tới đây các ngân hàng phải ghi âm và lưu ít nhất trong 5 năm toàn bộ nội dung tư vấn sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00