Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 20/03/2023

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 20/03/2023

I. Vấn đề về thuế, phí

1. Cổng TTĐT Chính phủ (19/3) có bài “Dự kiến mức thuế TNDN đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thấp hơn mức thuế suất thông thường” cho biết: Theo đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu bổ sung quy định về mức thuế suất đối với doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thấp hơn mức thuế suất thông thường để đồng bộ với Luật Hỗ trợ DNNVV.

Xác định nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ luôn là đối tượng cần phải có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đồng thời cũng là nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài cho NSNN, trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2012, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành các giải pháp hỗ trợ về thuế đối với nhóm doanh nghiệp này (trong đó có giải pháp về giảm thuế TNDN).

Cùng với đó, trong giai đoạn từ ngày 01/7/2013 đến hết ngày 31/12/2015, doanh nghiệp có quy mô nhỏ (doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 20% (thấp hơn mức thuế suất 25%, 22% áp dụng đối với các DN khác).

Từ 01/01/2016 đến nay, DN có quy mô nhỏ đang áp dụng chính sách thuế TNDN như các doanh nghiệp khác (mức thuế suất phổ thông là 20%), riêng năm 2020-2021 bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 các doanh nghiệp này còn được giảm 30% số thuế TNDN phải nộp.

Thực tế là phần lớn các nước áp dụng mức thuế suất thuế TNDN thấp hơn mức thuế suất phổ thông cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, có phân biệt theo quy mô doanh thu, thu nhập chịu thuế. Theo đó, cần nghiên cứu, bổ sung vào Luật thuế TNDN quy định áp dụng thuế suất thấp hơn đối với các DNNVV.

2. Báo Tiền phong (19/3) có bài“Thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn ‘đè’ ngành chăn nuôi, thủy sản” cho biết: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có công văn gửi Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT đề xuất giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam nhằm hỗ trợ ngành sản xuất thức ăn thủy sản nói riêng, thức ăn chăn nuôi nói chung, để ngành nuôi trồng thủy sản tiếp tục củng cố vị thế là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản lớn trên thế giới.

3. Báo Đầu tư online (19/3) có tin “Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online” cho biết: Báo cáo tổng kết, đánh giá thực hiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính cho rằng, chính sách thuế TTĐB đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nhất định cần tiếp tục được hoàn thiện như đối tượng chịu thuế còn hẹp so với thông lệ quốc tế, chưa bao quát hết được các mặt hàng phải hạn chế tiêu dùng, các mặt hàng cần định hướng sản xuất...

Theo Bộ Tài chính, kinh doanh game hiện có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi, tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ tham gia. Để góp phần định hướng sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và góp phần tăng cường quản lý hoạt động này, cần nghiên cứu bổ sung loại hình “kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng” vào đối tượng chịu thuế TTĐB với mức thuế suất hợp lý để đảm bảo hạn chế dịch vụ này.

4. Báo Pháp luật Việt Nam (19/3) có bài“Dự kiến mức thuế tối thiểu 15% đối với doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu” cho biết: Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2023 diễn ra ngày 19/3, đánh giá về chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, về các giải pháp chính sách thuế, trước mắt chúng tôi dự kiến sẽ đưa mức thuế tối thiểu 15% đối với các DN và các tập đoàn chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu theo khung của OECD. Tiếp theo là ban hành các quy định, quy chế về khấu trừ thuế tại nguồn tại Việt Nam…Về trung hạn, sẽ kiến nghị sửa đổi các ưu đãi thuế bảo vệ nguồn thu trong nước; ban hành thuế tối thiểu 15%; ban hành ưu đãi thuế theo hướng hỗ trợ các chi phí đầu tư, đào tạo lao động; hỗ trợ cho tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường…

5. Báo Đại đoàn kết, Doanh nhân Sài gòn, Chinhphu.vn, Diễn đàn doanh nghiệp (19, 20/3) có bài “Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi: 4 nhóm chính sách được đề cập” cho biết:  Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó đề xuất 4 nhóm chính sách lớn, bao gồm: Mở rộng cơ sở thuế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và phù hợp thông lệ quốc tế thông qua việc điều chỉnh phạm vi, đối tượng, rà soát chính sách miễn, giảm thuế; Sửa đổi, bổ sung các nội dung của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm giải quyết những vấn đề bất cập, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế; Sửa đổi, bổ sung các nội dung nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật; Sửa đổi, bổ sung các nội dung nhằm đảm bảo mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển.

Đáng chú ý, nhóm chính sách sửa đổi, bổ sung các nội dung của Luật Thuế TNDN nhằm giải quyết những vấn đề bất cập, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế được dư luận quan tâm.

6. Diễn đàn doanh nghiệp (17/3) có bài “Ưu tiên phát triển xe điện” thông tin: Các chính sách ưu tiên giảm thuế, phí nên hướng tới sản xuất xe điện, xe chạy năng lượng mặt trời để giảm ô nhiễm môi trường, thay vì hỗ trợ các nhà sản xuất, lắp ráp xe có động cơ đốt trong. Đây là chia sẻ của ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội với Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp trước kiến nghị gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, gia hạn chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ cho ngành ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

7. Thời báo Ngân hàng (20/3) có bài “Sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt cần được cân nhắc kỹ” cho biết: Việc xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Ý kiến chung cho rằng, việc bổ sung đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; tiếp tục điều chỉnh tăng thuế TTĐB đối với rượu, bia cần được cân nhắc, xem xét một cách tổng thể, phù hợp với bối cảnh thực tế.

PGS-TS. Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Rượu – Bia - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, ngành đồ uống là một trong những đối tượng chịu tác động trực tiếp, sâu rộng của Luật Thuế TTĐB. Trong khi đó, những đóng góp của ngành vào NSNN khá lớn với hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm. Bởi thế, cần đảm bảo chính sách pháp luật khi ban hành có sự đồng thuận cao, hài hòa các lợi ích và đảm bảo nuôi dưỡng nguồn thu bền vững cho NSNN. Cần xem xét chưa sửa đổi Luật Thuế TTĐB ít nhất trong thời gian 2023-2024 để giúp các DN ổn định sản xuất kinh doanh và phục hồi sau đại dịch; không bổ sung mặt hàng đồ uống có đường và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

II. Vấn đề hải quan

8. Báo Tiền phong (18/3) có tin “4 tiếp viên hàng không mang ma tuý từ Pháp về Việt Nam”; Công an nhân dân (18/3) có tin “Vụ bắt giữ 4 nữ tiếp viên hàng không: Thu giữ hơn 11 kg ma tuý nguỵ trang trong tuýp kem đánh răng”; Thanh niên (18/3) có tin “4 tiếp viên hàng không “xách tay” gần 11,5 kg ma tuý từ Pháp về Việt Nam”; Tuổi trẻ online (17/3) có tin “Vụ bắt 4 tiếp viên Vietnam Airlines: 11,4kg ma túy trong các tuýp kem đánh răng”; VnExpress (17/3) có tin “4 tiếp viên hàng không bị tạm giữ ở Sài Gòn” và nhiều báo khác đồng loạt có tin cho biết: Chiều 17/3, Cục Hải quan TP HCM có thông tin chính thức về vụ 4 tiếp viên hàng không của Hãng hàng không Vietnam Airlines mang gần 11,5 kg ma tuý từ Pháp về Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo đó, vào sáng 16/3, lực lượng Hải quan tại cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất qua sàng lọc, soi chiếu, đã nghi vấn trong va li của đoàn tiếp viên có chất cấm. Qua kiểm tra, bên trong những tuýp kem đánh răng, nước súc miệng các tiếp viên mang về có tổng cộng 8,4 kg viên nén máu xám và 3,080 kg chất bột màu trắng. Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trưng cầu giám định tang vật nghi vấn là ma tuý đã thu giữ trong vụ việc trên, sau khi có kết quả giám định với kết quả là ma tuý, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất có công văn đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra (PC04) Công an TP HCM tiếp nhận điều tra xử lý theo thẩm quyền. Chi cục tiếp tục phối hợp cùng các đơn vi chức năng tiếp tục thực hiện các bước nghiệp vụ tiếp theo.

III. Vấn đề về hành chính sự nghiệp

9. Báo Lao động (19/3) có tin “Quy định quản lý tiền công đức chính thức có hiệu lực” cho biết: Từ ngày 19.3, Thông tư số 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội chính thức có hiệu lực.

Về tiếp nhận tiền công đức, tài trợ, Thông tư quy định phải mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.

Đối với di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo, người đại diện cơ sở tôn giáo tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.

Liên quan đến vấn đề này, vào giữa tháng 2, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ VHTT&DL có kế hoạch kiểm tra tổng thể vấn đề quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên phạm vi toàn quốc, thí điểm từ tỉnh Quảng Ninh, báo cáo Thủ tướng trong Quý II/2023.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Vũ Thị Hải Yến - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính sẽ làm đề cương để yêu cầu Quảng Ninh hướng dẫn các cơ sở di tích báo cáo. Dự kiến, đầu tháng 5, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra khảo sát tại Quảng Ninh và tháng 6 sẽ trình cấp trên về kế hoạch kiểm tra tổng thể trên phạm vi toàn quốc về quản lý tiền công đức.

IV. Vấn đề về quản lý giá

10. Báo Công Thương (17/3) có bài “Cần thiết duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu” cho biết:  Theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, nhiều ý kiến tán thành về sự cần thiết duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định làm rõ tính chất hoạt động có thời hạn, Chính phủ chịu trách nhiệm công khai, hiệu quả, kịp thời trong quản lý, sử dụng Quỹ.

V. Vấn đề về công sản

11. Diễn đàn doanh nghiệp (17/3) có bài “Lập cơ sở dữ liệu để quản lý”, và bài “Sớm ban hành tiêu chuẩn định mức” thông tin: Bà Trần Diệu An, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Trong đó có nội dung sửa đổi Nghị định sô 151/2017/NĐ-CP theo hướng đảm bảo việc kinh doanh, liên doanh, liên kết tài sản công hiệu quả, tránh thất thoát và đủ điều kiện để thực thi.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, số tiền thu về ngân sách 2% từ doanh thu dùng tài sản công để kinh doanh, cho thuê là quá ít và thiếu công bằng. Đã đến lúc tổng rà soát, thống kê và lập cơ sở dữ liệu để quản lý tài sản công. Tất cả tài sản công được phép cho thuê, không được thuê hay buộc phải thu hồi cần phải làm rốt ráo và “mạnh tay” hơn, trong thời gian tới. Từ đó, tạo ra một bức tranh mới về việc nâng cao hiệu quả tài sản công của các đơn vị, đặc biệt là các đơn vị hành chính sự nghiệp ở các địa phương.

VI. Vấn đề về tài chính ngân hàng

12. Diễn đàn doanh nghiệp (17/3) có bài “Rủi ro đổi trái phiếu lấy tài sản” cho biết: Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ra đời được đánh giá phần nào gỡ rối cho các doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quy định hoán đổi trái phiếu trong Nghị định này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro…

Luật sư Nguyễn Thành Luân cho rằng: Nếu chấp nhận hoán đổi trái phiếu lấy cổ phiếu của DN phát hành đồng nghĩa việc trái chủ sẽ chuyển vai trò từ chủ nợ sang sở hữu công ty. Trái chủ lúc này cùng chung vai góp sức cùng công ty để vượt qua khó khăn, theo hướng lợi ích cùng hưởng, rủi ro chia sẻ. Việc hoán đổi có thể sẽ tạo ra khối lượng cổ phiếu rất lớn, gây pha loãng giá trị DN. Ngoài ra giá cổ phiếu hoàn toàn có thể đi xuống nếu công ty không cải thiện được năng lực kinh doanh…

VII. Vấn đề về đầu tư công

13. Báo Quân đội nhân dân (19/3) có bài “Giao bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025” cho biết: Phó Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 215/QĐ-TTg giao bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các dự án trong nội bộ của bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00