Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 25/01/2024

Điểm báo ngày 25/01/2024

I. Vấn đề nổi bật

1. Báo Nhân dân (số Xuân Giáp Thìn) đăng tải bài viết “Tạo động lực tăng trưởng bền vững” dẫn lời Bộ trưởng Hồ Đức Phớc về việc điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm cho biết: Nhiệm vụ đặt ra trong năm 2024 đối với ngành Tài chính hết sức nặng nề: dự toán thu NSNN là 1,7 triệu tỷ đồng; dự toán chi NSNN là 2,1 triệu tỷ đồng; bội chi NSNN là 399,4 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,6% GDP.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính sẽ triển khai quyết liệt một số nhóm giải pháp: tập trung điều hành chính sách tài khóa mở rộng, chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu NSNN, tăng cường quản lý thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất, đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; quản lý chi NSNN chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN; kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng đảm bảo các chỉ tiêu trong giới hạn an toàn nợ theo quy định…

2. Bnews.vn (24/1) có bài “Bộ Tài chính tặng quà người lao động tại tỉnh Bình Định”, baophapluat.vn (24/1) có bài “Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thăm và chúc tết công nhân khu công nghiệp Phú Tài, Bình Định”, dangcongsan.vn (24/1) có bài “Bộ trưởng Bộ Tài chính thăm và chúc tết công nhân khu công nghiệp Phú Tài”, baochinhphu.vn (24/1) có bài “Bộ trưởng Bộ Tài chính thăm, tặng quà người lao động tại Bình Định”, nhandan.vn (24/1) có bài “Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thăm, tặng quà Tết tại Bình Định”, Truyền hình Quốc hội (24/1) có tin “Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thăm, tặng quà Tết cho công nhân lao động tỉnh Bình Định” cho biết: Ngày 24/1, đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cùng Đoàn công tác của Bộ Tài chính đã đến thăm, tặng quà và chúc tết người lao động tại Khu công nghiệp Phú Tài, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Tại Khu công nghiệp Phú Tài, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã gửi lời chúc sức khỏe, lời chúc mừng năm mới tới công nhân và người lao động đang làm việc tại khu công nghiệp. Nhân dịp này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã trao 100 suất quà cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Cũng trong sáng ngày 24/1, Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc tại MTTQ tỉnh Bình Định. Tại đây, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã chứng kiến Lễ trao tặng các chương trình ASXH của các đơn vị thuộc Bộ đối với Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Theo đó, Sở GDCK Việt Nam đã trao 2 tỷ đồng, Vietcombank ủng hộ tỉnh 300 triệu đồng cho Quỹ Vì người nghèo của tỉnh.

II. Vấn đề về quản lý thuế

3. Báo Pháp luật Việt Nam (25/1) đưa tin “Các nhà cung cấp nước ngoài nộp thuế hơn 8.000 tỷ đồng” cho biết: Chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết: Kể từ khi triển khai Cổng TTĐT dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN), đến nay đã có 74 NCCNN đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng TTĐT đến từ nhiều quốc gia như: Hoa kỳ, Hà Lan, Hàn Quốc…Trong đó các công ty công nghệ đa quốc gia, TMĐT hàng đầu như Meta, Google, Apple…đã đăng ký thuế và kê khai, nộp thuế hàng nghìn tỉ đồng.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Việc thu thuế thành công đối với các NCCNN đã khẳng định chủ quyền quốc gia về quản lý thuế (QLT) đối với hoạt động TMĐT xuyên biên giới, khẳng định vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập ngày càng sâu, rộng. Điều này cũng cho thấy QLT của Việt Nam đã ngày càng đổi mới, phù hợp với các thông lệ quốc tế, bảo đảm công bằng, minh bạch cho các công ty nước ngoài khi kinh doanh tại Việt Nam, được các tập đoàn, công ty lớn trong lĩnh vực TMĐT và kinh tế số ghi nhận và thực hiện nghĩa vụ thuế.

4. Vnexpress (24/1) có bài “Doanh nghiệp nhà 'đại gia kim cương' bị cưỡng chế thuế vì nợ gần 1.000 tỷ đồng”, Báo Tiền phong (25/1) có bài ““Ông lớn” xăng dầu ở Nghệ An bị cưỡng chế tài khoản ngân hàng” cho biết: Công ty Thiên Minh Đức của nhà "đại gia kim cương" Chu Đăng Khoa nợ thuế gần 1.000 tỷ đồng, vừa bị Cục thuế Nghệ An cưỡng chế bằng việc trích tiền từ ngân hàng. Theo đó, khoản nợ thuế gần 940 tỷ đồng gồm tiền nộp chậm TNCN, thuế GTGT, BVMT, các khoản tiền phạt vi phạm hành chính...Công ty Thiên Minh Đức, địa chỉ số 2A, đường Lê Mao, TP Vinh, bị cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ 12 tài khoản của họ tại ngân hàng.

Cục thuế Nghệ An đề nghị các ngân hàng trích tiền từ các tài khoản này nộp vào tài khoản chuyên thu của KBNN Nghệ An. Trường hợp tiền trên tài khoản của công ty nhỏ hơn số tiền trên quyết định cưỡng chế, ngân hàng vẫn phải trích số tiền còn lại sau khi trừ đi số dư tối thiểu để duy trì tài khoản và tiếp tục theo dõi, trích tiếp số tiền phát sinh có trên tài khoản.

5. Lao Động (25/1) có bài “Chây ỳ nợ thuế ở Thái Bình, một loạt chủ doanh nghiệp bị tạm hoãn xuất cảnh” cho biết: Theo thông tin công khai từ Cục thuế tỉnh Thái Bình, trong tháng 12/2023 và tháng 1/2024, các Chi cục thuế trực thuộc đã ban hành 21 thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với 21 cá nhân là người đại diện theo pháp luật của 21 công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn tỉnh vì chây ỳ nợ thuế.

Theo số liệu từ ngành thuế tỉnh Thái Bình, đến hết ngày 31/12, còn trên 200 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (người nộp thuế) do ngành thuế địa phương quản lý còn nợ thuế tổng số tiền trên 3.500 tỉ đồng. Trong đó, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà đã nợ trên 1.700 tỉ đồng, chủ yếu là thuế bảo vệ môi trường.

Trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam vào ngày 22/1, bà Trần Tuyết Mai (62 tuổi, trú thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) là người đại diện theo pháp luật của Hải Hà Petro cũng đã bị Cục thuế tỉnh Thái Bình ra thông báo tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 30/8/2023.

III. Vấn đề về dự trữ

6. Báo Thanh tra (25/1) có bài “Không để người dân thiếu, đói trong dịp Tết” cho biết: Đó là khẳng định của ông Vũ Xuân Bách, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN với PV Báo Thanh tra về công tác cứu trợ cho người dân bị thiên tai, lũ lụt, khó khăn vùng sâu, vùng xa, các đối tượng thuộc diện được hưởng trợ cấp trong năm 2023 và trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Ông Bách cho biết, dự báo kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, phát triển chậm, công ăn việc làm bị ảnh hưởng, thu nhập người dân bị giảm sút. Vì vậy, nhu cầu hỗ trợ gạo Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 có thể lớn hơn các năm trước. Đến hết ngày 8/1/2024, Tổng cục DTNN tổng hợp sơ bộ về nhu cầu hỗ trợ gạo của các địa phương là 13.718 tấn.

Ngay sau khi Thủ tướng ban hành quyết định xuất cấp gạo, Tổng cục DTNN sẽ triển khai thực hiện xuất cấp gạo cho các địa phương, đảm bảo người dân được nhận gạo trước Tết Nguyên đán. Để công tác giao nhận đúng thời gian, hiệu quả, Tổng cục DTNN đề nghị UBND các tỉnh (địa phương nhận gạo) phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với cục DTNN khu vực được giao nhiệm vụ xuất gạo để tổ chức giao, nhận gạo hỗ trợ cho người dân kịp thời, đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả.

7. Báo Lao Động (25/1) có các bài “Cần cấm thầu doanh nghiệp trúng thầu gạo dự trữ quốc gia nhưng “bỏ chạy”, “Nhà thầu “bỏ chạy” không cung cấp gạo dự trữ quốc gia - tạo tiền lệ xấu”, “Tăng chế tài để doanh nghiệp không dám xù thầu” “Lãnh đạo Quảng Bình, Quảng Trị nêu lý do rút đề nghị hỗ trợ gạo cứu đói” cho biết: Sau trúng thầu cung cấp gạo nhập kho DTQG 2023, 3/6 nhà thầu đã từ chối thực hiện hợp đồng cung cấp gạo, chấp nhận vi phạm Luật Đấu thầu và bị phạt số tiền hàng trăm triệu đồng. Việc bỏ thầu của DN làm dấy lên lo ngại “lời ăn, lỗ chịu”, tạo tiền lệ xấu, khi lúa gạo còn là vấn đề an ninh lương thực quốc gia.

Trao đổi với Lao động, đại diện Tổng cục DTNN cho biết, nhà thầu có vết xù thầu không bị cấm thầu mà chỉ bị trừ điểm.

Theo Luật sư Trương Anh Tú, để siết chặt vấn đề nhà thầu trúng thầu gạo dự trữ quốc gia nhưng “bỏ chạy” thông qua pháp lý tương đối khó khăn. Chúng ta đang ở trong nền kinh tế thị trường, mọi vấn đề được giải quyết theo quy luật thị trường. Ở đó, chúng ta rất khó can thiệp hành chính, pháp luật. Đây là bài học để Tổng cục DTNN, DN có phương pháp để giải quyết bài toán trong lúc giá cả biến động mạnh. Chúng ta cần có những giải pháp mang tính kỹ thuật, không thể trông chờ vào hành chính pháp luật vì nhà thầu họ đã chấp nhận mất tiền. Ví dụ linh động biên độ về giá, thay vì mức cọc hiện tại thì có thể thỏa thuận mức đặt cọc cao… Khi đặt cọc cao hơn có lẽ DN sẽ cần một mức giá khác mới có thể tham gia cuộc chơi.

Bài viết “Lãnh đạo Quảng Bình, Quảng Trị nêu lý do rút đề nghị hỗ trợ gạo cứu đói” cho biết: Gửi công văn xin Chính phủ hỗ trợ gạo cứu đói cho người nghèo, nhưng sau khi rà soát lại, tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị bất ngờ rút lại đề nghị hỗ trợ gạo vì địa phương tự cân đối được và muốn “tự đứng lên”.

IV. Vấn đề về quản lý giá

8. Báo Pháp luật Việt Nam (25/1) có tin “Tăng cường quản lý, bình ổn giá cả thị trường dịp Tết” cho biết: Nhằm quản lý, điều hành và bình ổn giá thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan đơn vị chức năng theo dõi sát tình hình kinh tế - chính trị và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có giải pháp ứng phó phù hợp; tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, quyết toán thuế, hoàn thuế.

V. Vấn đề về chứng khoán

9. Báo Tiền phong (25/1) có bài “83.000 tỷ đồng nằm chờ: Dòng tiền vẫn “né” chứng khoán?” cho biết: Báo cáo tài chính quý IV/2023 vừa công bố của các công ty chứng khoán cho thấy dữ liệu đáng lưu ý về số dư tiền gửi của nhà đầu tư, dư nợ cho vay margin. Con số này tiếp tục xu hướng tăng, bất chấp chứng khoán trong nước sụt giảm vào các tháng cuối năm.

Thống kê của một chuyên trang tài chính từ báo cáo tài chính quý IV cho thấy số dư tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán vào thời điểm cuối năm 2023 đạt khoảng 83.000 tỷ đồng. Đây là quý 3 liên tiếp lượng tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán tăng so với quý trước, đạt mức cao nhất trong vòng 7 quý trở lại đây.

Theo quan điểm của nhóm phân tích từ Chứng khoán KB Việt Nam, năm 2024, thanh khoản sẽ quay về ngưỡng tỷ USD/phiên, khi hệ thống giao dịch mới KRX đi vào vận hành. Đơn vị này kỳ vọng khi KRX đi vào hoạt động ổn định, có thể giúp giá trị giao dịch trung bình phiên của VN-Index tiến dần về mức 0.3-0.4% vốn hóa thị trường, tương đương tăng 30%-70% so với thanh khoản trung bình 5 năm gần đây. Tức là khoảng 1 tỷ USD mỗi phiên.

VI. Vấn đề về đầu tư công

10. Diễn đàn doanh nghiệp (24/1) có bài “Thúc đẩy…“tiêu tiền” đầu năm” cho biết: Ngay từ những ngày đầu năm 2024, các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo các quy định của Chính phủ.

Trong bối cảnh kỳ vọng về đòn bẩy đầu tư công càng cao, sự chờ đợi hiệu ứng lan tỏa của dòng vốn này cả trong ngắn hạn để đóng góp cho tăng trưởng và kích thích tiêu dùng nội địa càng lớn, Bộ Tài chính cũng đã có công văn đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương phân bổ, nhập dự toán trên Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn NSNN năm 2024.

11. Đầu tư chứng khoán (25/1) có bài “Đầu tư công sẽ lan toả mạnh hơn tới thị trường bất động sản” cho biết: Năm 2024, hiệu ứng từ đầu tư công với các lĩnh vực, ngành nghề khác có thể sẽ tăng đáng kể, do bối cảnh đã có nhiều thay đổi. Nhiều chuyên gia cho rằng, năm 2024, trong môi trường lãi suất giảm mạnh, chi phí đầu vào của các doanh nghiệp giảm, có thể chứng kiến nhiều DN thực hiện tăng vốn để phát triển sản xuất - kinh doanh.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng đánh giá cao triển vọng hồi phục của thị trường địa ốc nhờ lực đẩy từ đầu tư công. Đặc biệt, năm 2024, thị trường sẽ được hưởng lợi từ chính sách tiền tệ, lãi suất dễ tiếp cận và dư địa mở rộng cho tăng trưởng kinh doanh bất động sản. Quy mô đầu tư công ở các đầu tàu kinh tế như Hà Nội và TP.HCM có thể đạt mức tăng trưởng 19%.

VII. Vấn đề về chứng khoán

12. Báo Lao động (25/1) có tin “Xử phạt nhiều cá nhân, tổ chức bán chui, thao túng chứng khoán” cho biết: UBCKNN vừa ban hành một loạt quyết định về việc xử phạt các cá nhân, tổ chức vi phạm trên TTCK. Đáng chú ý, có cá nhân bị xử phạt hơn 1 tỷ đồng. UBCKNN cũng đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 12 tổ chức, cá nhân cho ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch Louis Holdings mượn tài khoản để GDCK dẫn đến hành vi thao túng TTCK.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00