Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 29/01/2024

Điểm báo ngày 29/01/2024

I. Vấn đề về quản lý thuế

1. Báo Lao động (28/1) có tin “Tổng cục Thuế đề nghị tăng cường quản lý tem điện tử thuốc lá, rượu”; An ninh thủ đô (229/1) có tin “Tràn lan rượu thủ công không tem điện tử, Tổng cục Thuế yêu cầu siết quản lý” cho biết: Tổng cục Thuế vừa có văn bản gửi các Cục Thuế địa phương về tăng cường giải pháp quản lý tem điện tử thuốc lá, rượu sản xuất trong nước.

Tổng cục Thuế đề nghị Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, thành phố báo cáo, tham mưu, đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND cấp huyên, các cấp, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp, Liên minh hợp tác xã... phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế tiếp tục quán triệt, chỉ đạo triển khai quyết liệt công tác quản lý tem điện tử thuốc lá, rượu trên đia bàn.

Giao Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố thành lập Tổ thường trực quản lý tem điện tử thuốc lá, rượu do lãnh đạo Cục làm Tổ trưởng. Danh sách Tổ thường trực gửi về Tổng cục Thuế trước ngày 8/2/2024. Định kỳ 6 tháng và khi hết năm, Tổ thường trực báo cáo UBND tỉnh, thành phố và Tổng cục Thuế về kết quả, giải pháp tăng cường quản lý tem điện tử gắn với quản lý thuế.

2. Báo Lao động (29/1) có tin “4.100 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đã thực hiện phát hành hóa đơn theo từng lần bán” cho biết: Theo thống kê mới nhất từ Tổng cục Thuế, trên cả nước hiện đã có hơn 4.100/17.000 cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu thực hiện phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng, tăng 151,8% so với thời điểm 1/12/2023.

Trước những ý kiến cho rằng, việc xuất hóa đơn khiến doanh nghiệp phải chịu chi phí lớn, trong khi người dân không mặn mà, ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định, việc Thủ tướng Chính phủ 2 lần liên tiếp có công điện chỉ đạo cho thấy sự quan tâm rất lớn của Chính phủ trong đẩy mạnh các hoạt động triển khai liên quan đến tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Bên cạnh đó, lợi ích của việc áp dụng hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu là điều đã được thực tiễn chứng minh thông qua việc triển khai hóa đơn điện tử đã được một số công ty xăng dầu đầu mối triển khai.

3. Báo Tiền phong (29/1) có bài “Cận Tết, nở rộ mạo danh cơ quan thuế để lừa đảo” cho biết: Gần Tết Nguyên đán, DN phản ánh tình trạng nở rộ thư điện tử, cuộc gọi lừa đảo tiền gia hạn chữ ký số với thủ đoạn ngày càng tinh vi như lập email có địa chỉ gần giống của cơ quan thuế, gọi điện thoại, gửi thư thông báo. Cơ quan thuế cảnh báo người dân, DN cần tỉnh táo, tránh nguy cơ bị lừa tiền.

Trước nhiều hình thức mạo danh lừa đảo, Tổng cục Thuế khẳng định, cơ quan thuế không ủy quyền cho bất cứ công ty hoặc cá nhân ngoài ngành Thuế nào thực hiện thu thuế hộ (trừ hệ thống bưu điện). Để tránh tình trạng lừa đảo khi thực hiện giao dịch với cơ quan thuế hoặc thực hiện các nghiệp vụ về thuế, người nộp thuế có thể liên hệ các đầu mối của cơ quan Thuế trên địa bàn được hỗ trợ. Tổng cục Thuế cũng khuyến cáo người nộp thuế khi nhận được các tin nhắn, cần kiểm tra kỹ nội dung, không vội vã trả lời hay thực hiện theo hướng dẫn trong tin nhắn.

4. Báo Tiền phong (29/1) có tin “Thuế thương mại điện tử vẫn là nguồn thu lớn?” cho biết: Vài năm gần đây, cơ quan thuế tìm đủ cách chống thất thu thuế từ hoạt động TMĐT. Để đảm bảo nguồn thu cho NSNN theo xu hướng của các ngành nghề kinh doanh mới, ngành Thuế đã nỗ lực cập nhật các biện pháp chống thất thu thuế thương mại điện tử. Nhiều bí quyết được cơ quan thuế áp dụng như: lần theo dòng tiền, doanh thu, chuyển phát, thu thập cá nhân bán hàng online… Đến hết tháng 10/2023, có 74 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai thuế và nộp thuế qua Cổng TTĐT với gần 11.500 tỷ đồng, trong đó, có nhiều đơn vị lớn nộp thuế như Google, Meta, Microsoft, Tiktok.

II. Vấn đề về chứng khoán

5. Báo Người lao động (29/1) có bài “Chứng khoán bứt phá sau Tết?” cho biết: Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ sớm có "sóng" sau kỳ nghỉ Tết trong bối cảnh một loạt chính sách về tín dụng, bất động sản mới được thông qua, như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)…

Các chuyên gia Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, việc sớm thông qua các luật sửa đổi sẽ giúp các cơ quan lập pháp có thời gian từ nay đến cuối năm 2024 để hoàn thiện thông tư, nghị định hướng dẫn thực thi. Những chính sách mới này khi có hiệu lực sẽ giúp TTCK phát triển theo hướng minh bạch, lành mạnh và bền vững hơn, thông qua việc giải quyết những nút thắt pháp lý tồn đọng, quy định chặt chẽ hơn về các yêu cầu đối với chủ đầu tư và bảo vệ quyền lợi của người mua nhà.

 Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc CTCK Maybank, nhận định thông tin tích cực từ một loạt luật liên quan lĩnh vực  ngân hàng, bất động sản thực tế đã được phản ánh vào TTCK thời gian qua khi còn ở giai đoạn dự thảo. Những quy định trong các luật này sẽ tác động tích cực trong trung và dài hạn nhiều hơn.

III. Vấn đề về dự trữ nhà nước

6. Báo Lao động (29/1) có tin “Cục dự trữ Nhà nước khu vực Nghệ Tĩnh thu mua gạo chỉ đạt 40% chỉ tiêu” cho biết: Theo lãnh đạo Cục DTNN khu vực Nghệ Tĩnh, trong năm 2023, do nhiều tác động của thị trường thế giới và trong nước, giá gạo tăng đột biến dẫn đến kết quả thu mua gạo DTQG của cơ quan chỉ đạt 40% chỉ tiêu. Các bước thực hiện mời thầu đều được triển khai sớm và đúng quy trình, tuy nhiên kết quả vẫn tùy thuộc nhiều yếu tố, trong đó có biến động thị trường.

IV. Vấn đề về tài chính ngân hàng

7. Báo Hà Nội mới (27/1) có bài “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024: Nhiều kỳ vọng khởi sắc” cho biết: Năm 2023, với nhiều giải pháp tháo gỡ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã dần ổn định trở lại, tiếp tục là kênh huy động vốn quan trọng cho sản xuất, kinh doanh. Bước sang năm 2024, chuyên gia cho rằng, thị trường có thể phục hồi tích cực, song khó khăn sẽ còn tiếp diễn.

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng, năm 2024, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP được triển khai đầy đủ sau một thời gian giãn, hoãn. DN khi phát hành TPDN riêng lẻ phải có xếp hạng tín nhiệm DN, có người môi giới, có người bảo lãnh, chỉ được bán cho nhà đầu tư chuyên nghiệp. Dù DN khi phát hành trái phiếu có thể gặp khó khăn nhưng về lâu dài sẽ giúp lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư.

Tại buổi họp báo chính thường kỳ vừa qua, về những kỳ vọng cho năm 2024, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, trong bối cảnh niềm tin đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã trở lại thì với sự hồi phục trở lại của nền kinh tế, thị trường TPDN năm nay sẽ tiếp tục tăng trưởng bền vững và thực chất. Chất lượng của thị trường sẽ được nâng lên một bước cả đối với các tổ chức phát hành, các DN phát hành cũng như nhà đầu tư và nhà cung cấp dịch vụ.

8. Báo Tuổi trẻ (29/1) có bài “Vé số tết: Chỗ đắt như tôm tươi, nơi thất thỏm lo” cho biết: Theo nhiều người bán vé số dạo, các năm trước vào dịp Tết vé số tại miền Tây bán rất đắt. Do vậy nhiều bà con bán dạo thường tranh thủ lấy thêm vé số để bán kiếm tiền tiêu Tết. Nhiều người muốn nhận thêm vé số để bán nhưng không được đại lý phân phối. Trong khi đó, tại khu vực TP.HCM và Đông Nam Bộ, những người bán vé số dạo đang thấp thỏm trước thông tin các đại lý lớn ép họ phải lấy vé số bán không được nghỉ Tết, nếu không qua Tết sẽ bị cắt không được giao vé số.

Ông Lê Thanh Hải, chủ tịch Công ty Xổ số kiến thiết Cà Mau, cho biết Tết năm nay cho tăng 4 kỳ phát hành với khoảng 8 triệu vé (khoảng 80 tỉ). "Năm nào Tết nhu cầu người dân sẽ tiêu thụ vé số nhiều hơn, nhưng do đây là kinh doanh có điều kiện nên tôi thấy việc tăng này cũng đáp ứng được một phần nhu cầu người tiêu dùng nên kiểm soát trong mức độ không nên tăng quá nóng", ông Hải chia sẻ.

V. Vấn đề về quản lý giá

9. Thời báo Ngân hàng (29/1) có tin “Chuẩn hóa toàn diện pháp lý thẩm định giá” cho biết: Bộ Tài chính đang dự thảo 9 thông tư quy định về chuẩn mực thẩm định giá. Đại diện Hội thẩm định giá Việt Nam (VVA) nhận định rằng, đây là lần đầu tiên các chuẩn mực về thẩm định giá được Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi bổ sung đồng loạt, cùng lúc.

Ông Nguyễn Thế Phượng, Phó Chủ tịch VVA cho biết, trong thời gian, Quốc hội đã thông qua nhiều dự án Luật, vì thế các văn bản hướng dẫn luật trong thời gian tới sẽ được Chính phủ và các bộ, ngành bổ sung, sửa đổi phù hợp với các quy định mới. Do đó, Bộ Tài chính cần bám sát hoạt động hoàn thiện pháp lý của các luật liên quan để tích hợp, bổ sung, sửa đổi bổ sung các Thông tư liên quan đến quy tắc, chuẩn mực thẩm định giá.

VI. Vấn đề về tài chính hành chính sự nghiệp

10. VTV.vn (26/1) có tin “Bất cập trong quản lý tiền công đức Đền Chợ Củi” cho biết: UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có kết luận thanh tra chỉ ra nhiều vi phạm trong công tác quản lý tiền công đức ở Di tích Quốc gia Đền Chợ Củi, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó, từ năm 2015 đến năm 2022, UBND huyện Nghi Xuân giao mức khoán thu đối với hộ “Thủ nhang” Đền Chợ Củi là 2,5 tỉ đồng/năm…Song hằng năm, UBND Nghi Xuân đã không ban hành quyết định về mức thu và cũng không thực hiện việc điều chỉnh mức khoán thu theo quy định…Việc kiểm kê tiền công đức không có sự tham gia giám sát của Ban Quản lý di tích; chính quyền địa phương cũng không nắm được số liệu thực tế các khoản thu, chi tại đền.

Gia đình "Thủ nhang" chưa thực hiện tốt việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn công đức, không lập sổ ghi chép rõ ràng, không công khai minh bạch các khoản thu, chi theo quy định của pháp luật. Đến thời điểm thanh tra, hộ thủ nhang vẫn còn nợ 3 tỉ đồng chưa thanh toán cho UBND huyện Nghi Xuân.

Trước thực trạng này, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao các Sở, ban, ngành xây dựng và ban hành Quy chế quản lý di tích Đền Chợ Củi. Đồng thời, chấm dứt việc khoán quản lý tiền công đức cho hộ gia đình "Thủ nhang"; thành lập Hội đồng quản lý, kiểm kê hằng ngày hoặc hằng tuần và nộp tiền công đức vào ngân sách để thực hiện quản lý thu, chi theo đúng quy định pháp luật.

VII. Vấn đề khác

11. Baochinhphu.vn (28/1) có tin “Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024”; Hà Nội mới (29/1) có tin “Ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024”; Quân đội nhân dân (29/1) có tin “Bảo đảm chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả” cho biết: Phó Thủ tướng vừa ký Quyết định số 1764/QĐ-TTg ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024. Theo đó, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: thực hiện siết chặt kỷ luật tài khóa - NSNN; bảo đảm chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng dự toán được Quốc hội thông qua; triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, các khoản chi chưa thực sự cần thiết để bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bổ sung vốn đầu tư phát triển và hỗ trợ phục hồi kinh tế…

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00