Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 31/01/2024

Điểm báo ngày 31/01/2024

I. Vấn đề về quản lý thuế

1. Báo Thanh niên (31/1) có bài “Không quản được sẽ thất thu dài dài” cho biết: Nói về vấn nạn xe hợp đồng trá hình hoạt động bát nháo và việc ngăn chặn thất thu thuế của nhà nước, ông Nguyễn Hoàng Huy, Tổng Giám đốc Bến xe Miền Đông mới (TP HCM) cho biết, hiện nay tình trạng xe bỏ bến, ra ngoài thuê mặt bằng để hoạt động diễn ra tràn lan. Để đối phó với cơ quan chức năng, các nhà xe này đăng ký vận chuyển hành khách theo hình thức hợp đồng. Đây là một trong những hành vi có dấu hiệu trốn thuế, gây thất thu thuế cho nhà nước.

Theo bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế), đối với các xe kinh doanh vận tải (biển số màu vàng), cơ quan thuế đều nắm được theo dữ liệu cung cấp của Bộ GTVT. Về câu chuyện xe hợp đồng trá hình né thuế, bà Lan cho rằng, thuế với tuyến cố định hay xe hợp đồng cũng đều quản lý khoán hoặc theo tuyến do DN kê khai, việc thu này áp dụng với cả xe vào bến hay không vào bến. Song về góc độ vận tải, xe hợp đồng trá hình không vào bến sẽ né được các loại phí do bến xe thu.

Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, việc thu thuế hiện rất thuận lợi thông qua việc phát hành hóa đơn điện tử, có thể phát hành ngay trên taxi, hoặc ngay trên xe khách thông thường qua nhiều hình thức, nhưng câu chuyện là khách hàng cũng phải lấy hóa đơn, việc đó sẽ giúp minh bạch trong việc quản lý doanh thu để thu thuế.

2. Thời báo ngân hàng (31/1) có tin“Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền tăng mạnh” cho biết: Theo Tổng cục Thuế, cả nước hiện có trên 40.355 cơ sở kinh doanh đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, đạt 94,36% so với kế hoạch. Số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền sử dụng là 104,8 triệu hóa đơn.

Hiện nay, Tổng cục Thuế tiếp tục triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền vận động người nộp thuế chuyển đổi và tiếp cận với hình thức hóa đơn điện tử mới. Tuy nhiên, các biện pháp khuyến khích người tiêu dùng chưa đủ mạnh, vì vậy tới đây sẽ cần phải có quy định bắt buộc người bán phải áp dụng giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

3. Báo Người lao động (30/1) có tin “Cục Thuế TP HCM công bố 30 doanh nghiệp bị ngừng sử dụng hóa đơn” cho biết: Sau 2 tháng liên tiếp thông báo hàng loạt đơn vị bị cưỡng chế ngưng sử dụng hóa đơn, hóa đơn không còn giá trị sử dụng, tháng 1/2024, Cục Thuế TP HCM tiếp tục công bố 30 doanh nghiệp bị cưỡng chế thuế bằng biện pháp này. Nguyên nhân là các doanh nghiệp nợ thuế quá hạn 90 ngày kể từ khi hết thời hạn nộp theo quy định. Mỗi doanh nghiệp nợ thuế từ vài trăm triệu đến hàng chục tỉ đồng.

4. Báo Thanh niên (30/1) có bài “Vì sao Sở GD-ĐT TP.HCM có kiến nghị với Cục Thuế về các khoản thu trong trường?” cho biết: Ngày 30/1, trước phản ánh về yêu cầu khai thuế một số khoản thu trong trường học của chi cục Thuế các quận, huyện, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản gửi Cục Thuế TP.HCM về chính sách thuế đối với các đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục.

Theo đó, nhiều trường học tại quận 6, 10, Gò Vấp, huyện Nhà Bè (TP.HCM) nhận được văn bản của chi cục Thuế các quận, huyện yêu cầu kê khai thuế đối với hoạt động trong lĩnh vực GD-ĐT mà ở đây là các khoản thu. Theo yêu cầu của chi cục Thuế một số quận, huyện, các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa và phục vụ đều phải đóng thuế TNDN. Các khoản thu dịch vụ phục vụ cho hoạt động bán trú phải đóng thuế GTGT và thuế TNDN. Đáng chú ý là các khoản tiền suất ăn trưa bán trú và tiền suất ăn sáng cũng phải đóng thuế TNDN.

Để có cơ sở triển khai cho các cơ sở giáo dục công lập thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về thuế, Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị Cục Thuế có ý kiến trao đổi hướng dẫn việc thực hiện nghĩa vụ thuế (thuế suất thuế GTGT, thuế TNDN nếu có) đối với các khoản thu quy định tại Nghị quyết số 04/2023/NQ-HĐND TP.HCM quy định mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập năm học 2023-2024, đặc biệt là các khoản thu quy định có nêu trên.

II. Vấn đề về hải quan

5. Báo Thanh niên (31/1) có tin “Nhiều doanh nghiệp bị dừng thủ tục hải quan vì nợ thuế” cho biết: Liên tục trong vài ngày qua, các Chi cục, Cục Hải quan địa phương ban hành loạt quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK. Số tiền nợ thuế quá hạn của các DN lên tới hàng chục tỷ đồng. Trong đó, tại địa bàn TP Thủ Đức (TPHCM), Công ty CP Phát triển và kinh doanh nhà nợ hơn 445,5 tỷ đồng; Công ty TNHH Xây dựng trang trí Việt Quốc nợ hơn 15,9 tỷ đồng…

6. Vietnamplus (30/1) có tin “Tổng cục Hải quan: Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 384 triệu USD” cho biết: Theo Tổng cục Hải quan, trong kỳ 1 tháng 1/2024 (đến ngày 15/1), cán cân thương mại hàng hóa đang thặng dư 384 triệu USD. Cụ thể, tổng trị giá XNK hàng hóa của Việt Nam trong 15 ngày đầu năm đạt xấp xỉ 29,8 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái với giá trị tăng 1,24 tỷ USD. Trong số đó, xuất khẩu tăng 3,3%, tương ứng 488 triệu USD và nhập khẩu tăng 5,4%, tương ứng 752 triệu USD.

III. Vấn đề về bảo hiểm

7. Báo Đầu tư (31/1) có bài “Ngân hàng hết thời “hái ra tiền” nhờ bảo hiểm” cho biết: Năm 2023 là năm khó khăn nhất của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và cũng là năm ghi nhận mức sụt giảm sâu nhất trong hoạt động bán chéo sản phẩm bảo hiểm của ngân hàng. Báo cáo tài chính quý IV/2023 cho thấy, doanh thu bán bảo hiểm của nhiều ngân hàng giảm tới 60-70%.

Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, trong đó có quy định cấm ngân hàng bán bảo hiểm “bia kèm lạc”. Trước đó, cuối năm 2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 67/2023/TT-BTC quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Thông tư này yêu cầu phải ghi âm quá trình tư vấn sản phẩm bảo hiểm đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm phải cung cấp tài liệu tóm tắt về sản phẩm, hỗ trợ bên mua hiểu thông tin trong hợp đồng. Ngoài ra, để bảo vệ quyền chủ động tham gia của khách hàng, Thông tư bổ sung quy định: tổ chức tín dụng không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời hạn trước 60 ngày và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc thắt chặt khung khổ pháp lý với hoạt động kinh doanh bảo hiểm trước mắt sẽ khiến doanh thu của ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm sụt giảm trong năm 2024. Tuy nhiên, về lâu dài, pháp lý chặt chẽ sẽ giúp TTBH phát triển minh bạch, bảo vệ khách hàng tốt hơn, từ đó vực dậy niềm tin.

IV. Vấn đề về quản lý giá

8. Báo Đại đoàn kết (31/1) có bài “Áp lực lên mặt bằng giá” cho biết: Chuẩn bị Tết, giá nhiều mặt hàng nhích lên nên có khả năng tăng áp lực lên mặt bằng giá cả trong Quý I/2024. Theo Bộ Tài chính, cần điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Ngoài ra phải chủ động công tác dự báo, tính toán, xây dựng và cập nhật kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường; tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá…

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00