Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 01/02/2024

Điểm báo ngày 01/02/2024

I. Vấn đề nổi bật

1. Báo Thanh niên (31/1) có tin “Trao quyết định bổ nhiệm tân Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng”; Tiền phong (31/1) có tin “Trao quyết định bổ nhiệm tân Thứ trưởng Bộ Tài chính”; Dân trí (31/1) có tin “Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh làm thứ trưởng Bộ Tài chính”; Baochinhphu.vn (31/1) có tin “Phó Chủ tịch Quảng Ninh làm Thứ trưởng Bộ Tài chính”; VOV (31/1) có tin “Phó Chủ tịch Quảng Ninh làm Thứ trưởng Bộ Tài chính”; Người lao động (31/1) có tin “Trao quyết định bổ nhiệm tân Thứ trưởng Bộ Tài chính”; Tin tức (31/1) có tin “Trao quyết định điều động, bổ nhiệm ông Bùi Văn Khắng giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài chính”; Thanh tra (31/1) có tin “Ông Bùi Văn Khắng giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài chính”; Pháp luật Việt Nam (1/2) có tin “Trao Quyết định điều động, bổ nhiệm tân Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng” và nhiều báo khác cho biết: Chiều 31/1, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã trao Quyết định điều động, bổ nhiệm đ/c Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài chính.

Nhìn nhận việc đ/c Bùi Văn Khắng được trao trọng trách mới là vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề đối với cá nhân, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tin tưởng rằng tân Thứ trưởng sẽ phát huy khả năng chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm công tác cùng tập thể lãnh đạo Bộ Tài chính tiếp tục củng cố, xây dựng và phát triển ngành tài chính ngày càng vững mạnh.

Phát biểu nhận nhiệm vụ, tân Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt là lãnh đạo và các công chức, viên chức trong ngành tài chính để nhanh chóng tiếp cận công việc mới và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

II. Vấn đề về quản lý thuế

2. Báo Laodong.vn (31/1) có tin “Chuyển hồ sơ các trường hợp cố ý trây ỳ nợ thuế sang cơ quan công an” cho biết: Theo Tổng cục Thuế, dự báo năm 2024 nền kinh tế sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn thách thức. Vì vậy có thể sẽ có DN rời bỏ thị trường, mất khả năng thanh toán, điều này dẫn đến công tác cưỡng chế nợ thuế sẽ càng gặp nhiều khó khăn.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh đề nghị các cơ quan thuế cần kiên quyết thực hiện áp dụng đầy đủ các biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với người nộp thuế thuộc trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế. Tập trung rà soát các trường hợp bỏ địa chỉ kinh doanh, phối hợp chuyển hồ sơ các trường hợp cố ý trây ỳ nợ thuế sang cơ quan Công an để có các chế tài mạnh đối với các trường hợp này nhằm nâng cao tính răn đe đến người nợ thuế…

3. VTV.vn (31/1) có bài “Thu thuế qua thương mại điện tử tăng mạnh” cho biết: Thu thuế qua TMĐT đang dần khởi sắc. Số liệu thống kê chưa đầy đủ của Tổng cục Thuế cho thấy năm 2023, số thuế thu từ thương mại điện tử bao gồm cả trong nước và ngoài nước là 8.632,5 tỷ đồng. Điều này cho thấy nhiều giải pháp quản lý thuế với TMĐT đang phát huy hiệu quả, đặc biệt là trong việc quản lý thuế với các cá nhân bán hàng qua các trang mạng xã hội.

Hiện nay Tổng cục Thuế đang rà soát dữ liệu lớn để tiếp tục quản lý chặt chẽ loại hình thuế này. Đại diện Tổng cục Thuế cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công thương để hướng dẫn các sàn TMĐT tiếp tục cung cấp đầy đủ các dữ liệu về người bán một cách chính xác, để có đủ cơ sở thu thuế, nhất là trên các mạng xã hội.

4. Dân Việt (1/2) có tin “Website của cơ quan thuế "treo" vì sự cố truy cập, Tổng cục Thuế nói gì?” cho biết: Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) vừa phát đi thông báo về sự cố kỹ thuật của Cổng TTĐT Tổng cục Thuế khiến người nộp thuế gặp khó khi truy cập vào hệ thống thuế để khai, nộp thuế điện tử.

Theo đó, ngày 30/1/2024, có hiện tượng website của Tổng cục Thuế quá tải do có quá đông người nộp thuế truy cập. Nhiều người truy cập vào hệ thống thuế điện tử để kê khai, nộp thuế điện tử theo chu kỳ song không thể. Tổng cục Thuế khẳng định, cơ quan thuế đang xử lý sự cố và sẽ khắc phục trong thời gian sớm nhất. Sau khi sự cố được khắc phục, Tổng cục Thuế sẽ thông báo cho người nộp thuế biết tại địa chỉ website thuế điện tử của Tổng cục.

Theo một số doanh nghiệp, càng về cuối năm hệ thống thuế khó đăng nhập do ảnh hưởng đường truyền và nhiều người truy cập cùng lúc. Đáng chú ý, hiện, nhiều lĩnh vực, ngành nghề đang phải áp dụng hình thức xuất hoá đơn điện tử như bán lẻ xăng dầu, bán lẻ, cửa hàng tạp hoá…

III. Vấn đề về chứng khoán

5. Báo Tiền phong (1/2) có bài “Chứng khoán năm rồng: Nhiều cơ hội sau Tết”; Đại đoàn kết (1/2) có bài “Thị trường chứng khoán kỳ vọng phục hồi tích cực” cho biết: Mở màn năm mới 2024, VN-Index khép lại tháng 1 với mức tăng hơn 3%. Cận kề Tết Nguyên đán, dòng tiền có dấu hiệu thận trọng. Diễn biến này không ngoài nhiều dự báo trước đó, do lo ngại thị trường bước vào vùng trũng thông tin hỗ trợ trước Tết Âm lịch. Tuy nhiên, triển vọng của cả năm 2024, những cơ hội rõ ràng hơn sau tết Nguyên đán được kỳ vọng có nhiều điểm sáng.

Báo cáo chiến lược năm 2024 của Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, thị trường có nhiều cơ hội trong năm 2024. Lãi suất duy trì ở mức thấp, trong đó lãi suất huy động dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp trong nửa đầu năm 2024 và tăng nhẹ trong 6 tháng cuối năm 2024 cũng là yếu tố tích cực cho thị trường chứng khoán. Việc triển khai hệ thống KRX và nâng hạng trong năm 2024 được xem là động lực thúc đẩy cho thị trường.

Nhóm phân tích của Chứng khoán An Bình dự báo, VN-Index năm 2024 sẽ tăng vượt định năm 20243. Mức định giá được nâng lên nhờ vào sự cải thiện kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và dòng tiền thị trường, trên nền mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp.

IV. Vấn đề về quản lý nợ

6. Báo Lao động Thủ đô (31/1) có bài “Khuôn khổ pháp lý về quản lý nợ công tiếp tục được củng cố”; VnEconomy (30/1) có bài “Nợ công cách xa mức trần, cơ cấu nợ chuyển biến tích cực” cho biết: Thông tin từ Bộ Tài chính cho thấy nợ công của Việt Nam năm 2023 ở mức bền vững, ổn định. Các chỉ tiêu an toàn nợ công tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn được Quốc hội phê chuẩn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và góp phần củng cố dư địa chính sách tài khóa. Quy mô nợ công đến cuối năm 2023 khoảng 37% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần 60% Quốc hội đề ra. Nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn nhiều so với trần 50%. Cơ cấu nợ tích cực, dư nợ trong nước tăng lên, chiếm khoảng 71% dư nợ Chính phủ, góp phần giảm thiểu rủi ro tỷ giá. Nợ trong nước chủ yếu là TPCP có kỳ hạn phát hành dài, hạn chế rủi ro vay cơ cấu lại tài chính…

Để đạt được kết quả kiểm soát nợ công tích cực, Chính phủ, Bộ Tài chính đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc vay, trả nợ công, Bộ Tài chính đã phối hợp tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành các Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật liên quan; sửa đổi, bổ sung một số Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý nợ công.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp quản lý nợ bền vững, chương trình quản lý nợ trung hạn, kế hoạch vay, trả nợ hằng năm, quản lý chặt chẽ bảo lãnh Chính phủ và vay về cho vay lại. Bộ Tài chính cũng tích cực đẩy mạnh công tác quảng bá nhà đầu tư, triển khai có hiệu quả công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia, góp phần giảm chi phí huy động vốn vay của Chính phủ theo lộ trình cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030.

V. Vấn đề về đầu tư công

7. Baochinhphu.vn (01/2) có tin “Giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025”; Đấu thầu (01/2) có tin “Bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương 2021 – 2025” cho biết: Phó Thủ tướng vừa ký Quyết định về việc giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSTW giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu NSTW năm 2022. Theo đó, giao bổ sung 30.683,441 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSTW giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung cho các bộ, cơ quan trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đồng thời, Phó Thủ tướng giao danh mục dự án và mức vốn ngân sách trung ương bố trí cho từng dự án đã đủ thủ tục đầu tư, đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khoá XV cho từng dự án của các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương…

VI. Vấn đề khác

8. Báo Tuổi trẻ (31/1) có tin “TP.HCM yêu cầu công ty làm đường dẫn cầu Phú Mỹ nộp trả ngân sách hơn 328 tỉ đồng” cho biết: Văn phòng UBND TP.HCM vừa có công văn gửi Công ty cổ phần đầu tư xây dựng cầu Phú Mỹ (Công ty PMC) truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường về thực hiện nộp ngân sách nhà nước theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với dự án đường dẫn kết nối cầu Phú Mỹ.

Theo đó, xét đề nghị của Sở Tài chính TP.HCM (tổ trưởng Tổ công tác thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước đối với dự án BT xây dựng đường dẫn kết nối cầu Phú Mỹ), Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị Công ty PMC chủ động đôn đốc, thu hồi các chi phí theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, đồng thời khẩn trương nộp NSNN số tiền còn lại hơn 328,7 tỉ đồng theo đúng quy định.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00