Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 05/02/2024

Điểm báo ngày 05/02/2024

I. Vấn đề về thuế

1. Các báo: Điện tử Chính phủ (3/2) có tin“Miễn thuế thu nhập cá nhân, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động khởi nghiệp”; VnExpress (4/2) có tin “Miễn thuế với khoản thu từ đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp tại TP HCM”, Tiền phong (3/2) có tin “Quy định mới về miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn TPHCM”; Dân trí (3/2) có tin “Chính phủ miễn thuế thu nhập cho nhiều doanh nghiệp, cá nhân ở TPHCM”; Công thương (3/2) có tin “Quy định lãi vay, phương thức thanh, quyết toán dự án đầu tư theo hợp đồng BT”; Đầu tư chứng khoán (4/2) có tin “Đã có quy định lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán dự án đầu tư theo hợp đồng BT”; Vietnamplus (3/2)  có tin “Quy định lãi vay, phương thức thanh toán dự án đầu tư theo hợp đồng BT” và nhiều báo khác cho biết: Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 11/2024/NĐ-CP ngày 2/2/2024 quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán dự án đầu tư theo hợp đồng BT; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Theo Nghị định, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp có thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TP HCM được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp với khoản thu này.

Đây là chính sách ưu đãi thuộc Nghị quyết số 98 về cơ chế đặc thù cho TP HCM. Do đó, doanh nghiệp sẽ được miễn thuế 5 năm, trong thời gian Nghị quyết 98 có hiệu lực. Sau khi Nghị quyết 98 hết hiệu lực thi hành, doanh nghiệp vẫn tiếp tục được miễn thuế nếu thời hạn 5 năm chưa kết thúc. Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được hưởng chính sách miễn thuế này phải đáp ứng quy định của Hội đồng nhân dân TP HCM về lĩnh vực ưu tiên; tiêu chí, điều kiện, nội dung hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

2. Báo Sài Gòn giải phóng (5/2) có bài “Xử lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nợ thuế “đầm đìa””; Đại đoàn kết (5/2) có bài “Kiên quyết xử lý các trường hợp chây ỳ nợ thuế” cho biết: Bối cảnh khó khăn chung của DN khiến công tác thu thuế kém thuận lợi hơn các năm. Trước tình hình đó, vấn đề đặt ra là làm cách nào để việc siết nợ thuế không đẩy DN đang lao đao xuống bờ vực, không còn khả năng hoạt động để tiếp tục nộp thuế. Bởi các biện pháp cưỡng chế ít nhiều đều gây khó, áp lực để buộc DN phải trả nợ thuế. Chẳng hạn, khi bị áp dụng biện pháp ngưng sử dụng hóa đơn, nếu DN tiếp tục phát sinh hoạt động kinh doanh thì phải mua hóa đơn lẻ và phải chấp nhận nộp 18% giá trị hóa đơn.

Phó Cục trưởng Cục Thuế TP HCM Nguyễn Tiến Dũng cho biết, cơ quan thuế kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế, tuy nhiên cũng cố gắng bám sát hoạt động của từng DN để động viên, tháo gỡ khó khăn cho DN nộp NSNN.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, năm 2024, ngành Thuế tiếp tục phân tích sâu theo từng sắc thuế nợ, nhóm nợ, đánh giá biện pháp áp dụng ở các địa phương. Tổng cục trưởng cũng yêu cầu các Cục Thuế địa phương đánh giá kỹ các biện pháp cưỡng chế, không để cưỡng chế “đùng một cái” khiến DN chết đứng mà khối nợ vẫn còn nguyên. Ngành Thuế cũng hướng tới tự động hóa công tác quản lý nợ, theo dõi, cảnh báo nợ tự động tới cơ quan thuế và người nộp thuế.

II. Vấn đề về dự trữ

3. Các báo: Quân đội nhân dân (4/2) có tin “Xuất cấp hơn 7.000 tấn gạo cho 9 địa phương”; Tiền phong (3/2) có tin “Xuất cấp hơn 7 nghìn tấn gạo cho 9 địa phương”, Vietnamplus (2/2) có tin “Xuất cấp hơn 7.000 tấn gạo cho 9 địa phương dịp Tết Giáp Thìn và giáp hạt”; Dân trí (2/2) có tin “Xuất cấp hơn 7.000 tấn gạo hỗ trợ nhân dân 9 tỉnh dịp Tết Nguyên đán”; Điện tử Chính phủ (2/2) có tin “Xuất cấp hơn 7 nghìn tấn gạo cho 9 địa phương” cho biết: Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 141/QĐ-TTg giao Bộ Tài chính xuất cấp  7.315,335 tấn gạo từ nguồn DTQG cho 9 địa phương gồm Cao Bằng, Bình Định, Gia Lai, Nghệ An, Bạc Liêu, Đắk Nông, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Bình Phước để hỗ trợ nhân dân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và dịp giáp hạt năm 2024.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xử lý cụ thể theo quy định; theo chức năng, nhiệm vụ được giao chịu trách nhiệm về căn cứ, thông tin, số liệu báo cáo. Ủy ban Nhân dân các tỉnh nhận gạo xuất cấp chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo và thực hiện hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, đúng định mức theo quy định.

III. Vấn đề về hải quan

4. VnEconomy (4/2) có bài “Hải quan số tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nỗ lực hãm đà giảm xuất nhập khẩu” cho biết: Tình hình thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều yếu tố ảnh hưởng kinh tế - xã hội thế giới. Do đó, trong năm 2024, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục cải cách chính sách, thủ tục hải quan, bảo đảm quản lý nhà nước về hải quan, ngăn chặn và phòng ngừa gian lận thương mại; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh kinh tế. Đồng thời, đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc xây dựng, triển khai mô hình hải quan số, hải quan thông minh, góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, hỗ trợ thúc đẩy thương mại, góp phần đưa kinh tế cả nước đạt mục tiêu tăng trưởng.

IV. Vấn đề về quản lý giá

5. Báo Sài Gòn giải phóng (3/2) có bài “Xăng dầu tăng giá cận tết, khó kềm giá cước vận tải” cho biết: Trước tình hình giá xăng dầu tăng mạnh vào thời điểm cận Tết, nhiều đơn vị vận tải cho biết có khả năng phải tăng giá cước do nhu cầu đi lại cao.

Các bến xe trên địa bàn TPHCM đang khuyến khích các đơn vị vận tải không tăng giá cước dịp Tết. Nếu cần kê khai điều chỉnh giá vé để đảm bảo đủ chi phí, đơn vị vận tải phải làm văn bản đề xuất gửi đến các cơ quan chức năng theo đúng quy định của Bộ Tài chính và thông báo cho hành khách, niêm yết giá tại quầy bán vé.

V. Vấn đề khác

6. Báo Thanh niên (3/2) có bài “Vàng tăng vọt trước Tết” cho biết: Giá vàng trong nước tăng nhanh trong những ngày qua với tốc độ nhanh hơn so với giá thế giới. Giá vàng miếng SJC cao hơn giá thế giới gần 18 triệu đồng/lượng. Khi được hỏi về việc thị trường vàng trầm lắng nhưng giá vẫn tăng vù vù, đại diện Công ty SJC cũng lắc đầu "không hiểu nổi" và cho biết "thấy các đơn vị khác điều chỉnh giá lên thì cũng tăng theo".

Về quản lý, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tuyên bố triển khai phương án can thiệp thị trường vàng và cho biết sẽ sớm trình báo cáo tổng kết Nghị định 24/2012 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng. Đây là giai đoạn thị trường chờ đợi những giải pháp cụ thể từ NHNN về việc tăng nguồn cung, kéo giảm khoảng cách chênh lệch giữa giá trong và ngoài nước. Thế nhưng ngoài công văn đề nghị Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra công tác sử dụng hóa đơn, chứng từ trong hoạt động kinh doanh vàng và đề nghị Bộ Công an phối hợp hạn chế tình trạng đầu cơ trục lợi, nhập lậu vàng, NHNN tới nay chưa đưa ra giải pháp cụ thể nào nhằm khắc phục "tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua..." như chỉ đạo ở Công điện 1426 của Thủ tướng Chính phủ trước đó.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00