Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 06/02/2024

Điểm báo ngày 06/02/2024

I. Vấn đề về thuế

1. Báo Thanh niên (5/2) có bài “Tổng cục Thuế 'siết' cửa hàng xăng dầu không xuất hóa đơn điện tử từng lần bán” cho biết: Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), tính đến ngày 1/2, toàn quốc đã có 6.144 cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu thực hiện phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng theo quy định. Hiện nay, nhiều địa phương có tỷ lệ triển khai phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng đạt cao như: Bắc Ninh đạt 97%, Thanh Hóa 95%, Yên Bái 87%, Quảng Nam 79%, Bà Rịa - Vũng Tàu 76%, Đắk Lắk 75%, Quảng Ngãi 74%, Hà Nội 71%...

Để đảm bảo 100% cửa hàng xăng dầu trong cả nước thực hiện nghiêm theo tinh thần của Chính phủ về phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng, Bộ Tài chính tiếp tục yêu cầu Tổng cục Thuế chỉ đạo cơ quan thuế tại địa phương quyết liệt triển khai hóa đơn điện tử đối với kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo đúng quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

Theo đó, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện quy định về phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng.

II. Vấn đề về trái phiếu

2. VnEconomy (5/2) có bài “Doanh nghiệp dè dặt phát hành trái phiếu, cả tháng 1 chỉ đạt 6,45 nghìn tỷ giảm mạnh so với nhiều năm” cho biết: Thống kê mới nhất từ FiinRatings cho thấy, tính đến ngày 5/2/2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận 4 giao dịch phát hành với tổng giá trị 6,45 nghìn tỷ từ 4 doanh nghiệp. Mặc dù giá trị phát hành trong tháng 1/2024 khá khiêm tốn, nhưng nếu so với cùng kỳ năm 2023, tổng giá trị phát hành cũng chỉ ở mức 490 tỷ đồng. Nhìn xa hơn về những giai đoạn năm 2021 và 2022, thì tổng giá trị chào bán thành công trong tháng 1/2024 này còn quá khiêm tốn, khi đó đang ở trong giai đoạn rất sôi động với tổng giá trị phát hành ở mức tương ứng là 10,4 nghìn tỷ đồng (2021) và 19,7 nghìn tỷ đồng (2022). Mặc dù rất khó để có thể dự báo được giá trị phát hành dự kiến cả năm 2024 nhưng FiinRatings vẫn cho rằng triển vọng cho kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 sẽ sôi động hơn năm 2023

3. Báo Hà Nội mới (6/2) có bài“Nghịch lý giá nhà - trái phiếu” cho biết: Theo số liệu thống kê, lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2024 lên tới hơn 297.000 tỷ đồng; trong đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ lệ lớn, với khoảng 123.000 tỷ đồng, nhóm ngân hàng khoảng 80.000 tỷ đồng, nhóm xây dựng và vật liệu khoảng 22.000 tỷ đồng, nhóm du lịch - giải trí gần 20.000 tỷ đồng…

Bộ Tài chính cho hay, năm 2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu tích cực, số lượng trái phiếu phát hành tăng so với năm 2023, trong đó một phần được doanh nghiệp thanh toán trái phiếu đến hạn. Các quy định cho phép doanh nghiệp gia hạn thời hạn thanh toán, cho phép mua lại trái phiếu chưa niêm yết cũng đã giúp giảm áp lực cho thị trường.

Tuy nhiên, nói một cách sòng phẳng, ngoài việc thỏa thuận kéo dài thời hạn thanh toán trái phiếu, nhà đầu tư cũng không còn cách nào khác khi doanh nghiệp bất động sản không còn dòng tiền, thị trường bất động sản trầm lắng. Nói cách khác, nhà đầu tư tiếp tục là chủ nợ bất đắc dĩ và áp lực đáo hạn trái phiếu tiếp tục được đẩy về... tương lai.

4. VnEconomy (6/2) có bài “Hoạt động mua lại trái phiếu đã được đẩy mạnh, khoảng 105 doanh nghiệp thông báo về việc chậm/hoãn thanh toán gốc, lãi trái phiếu” cho biết: Công ty chứng khoán MB vừa công bố báo cáo phân tích thị trường trái phiếu. Trong tháng 1/2024, đã ghi nhận khoảng 4,563 tỷ đồng TPDN phát hành thành công hầu hết đến từ nhóm ngành xây dựng. MBS Research kỳ vọng thị trường TPDN sẽ khởi sắc hơn trong năm 2024 trong bối cảnh các hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi, thị trường bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất, môi trường lãi suất thấp, cũng như các quy định pháp lý rõ ràng sẽ thúc đẩy niềm tin của DN phát hành cũng như nhà đầu tư TPDN.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00