Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 28/02/2024

Điểm báo ngày 28/02/2024

I. Vấn đề về quản lý thuế

1. Tiền Phong (28/2) có bài “Thuế & thương mại số”, “Mạnh tay thu thuế với kinh doanh qua mạng” cho biết: Trào lưu mua sắm qua mạng đang bùng nổ tại Việt Nam chưa từng thấy. Bài báo cho rằng, ngành thuế cần dùng phần mềm chuyên dụng có thể quét hoặc dò qua tài khoản cũng có thể thu đúng, thu đủ vì trong thực tế, nhiều người bán hàng không chuyên nhưng vẫn có thể rao bán sản phẩm mà mình có.

 Các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều động thái mạnh để ngăn chặn việc trốn thuế trên nền tảng số, như sẽ công khai người vi phạm trên truyền thông, cấm xuất cảnh…Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc từ khi nhậm chức đã sớm quan tâm tới việc này. Ngay cả việc tiếp cận phát hành hóa đơn điện tử với khoảng 17 nghìn cửa hàng xăng dầu trên cả nước cũng được thực hiện sát sao (để tránh thất thu thuế). Số thuế thu hàng nghìn tỷ đồng gần đây đã cho thấy hiệu quả từ chính sách và thực thi, nhất là trong bối cảnh các nguồn thu truyền thống giảm sút.

Về lâu dài, hình ảnh cán bộ thuế “4.0” thành thạo sử dụng phần mềm chuyên dụng sẽ dần thay thế những cá nhân mẫn cán thường thấy. Phần mềm đó cần dự báo được muốn thu tốt thì phải nuôi dưỡng nguồn thu ra sao.

II. Vấn đề về chính sách thuế

2. Công an nhân dân (28/2) có bài “Nâng mức giảm trừ gia cảnh để bù trượt giá” cho biết: Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2024 vừa qua, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế TNCN để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân. Lộ trình thực hiện sửa Luật Thuế TNCN được đề nghị đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2025 và thông qua tại kỳ họp tháng 5/2026. Vậy, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh hiện nay như thế nào để đảm bảo phù hợp?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, hiện nay, Luật Thuế TNCN của Việt Nam đang ở mức quá cao trong khi xu thế các nước hạ thấp. Ví dụ, Singapore đã giảm mức thuế TNCN về mức 20%, Indonesia 25%, trong khi Việt Nam hiện lên tới 35%.

“Người kiếm được hàng trăm triệu đồng/tháng thường là những người giỏi, tạo công ăn việc làm và đó chính là sự đóng góp cho xã hội chứ không phải đơn thuần thông qua đóng thuế. Ngoài ra, ở Việt Nam, chủ yếu người gánh thuế TNCN là làm công ăn lương. Vì vậy, cần tăng mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với tốc độ trượt giá, chi phí sinh hoạt tăng”, vị chuyên gia này khuyến nghị.

Đồng quan điểm, một số ý kiến cũng đề xuất, có thể nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 18 - 20 triệu đồng/tháng với người nộp thuế và 8 - 10 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc. Cùng với đó, cần tính đến yếu tố vùng miền, có thể lấy lương cơ sở theo vùng làm cơ sở cho việc quy định mức giảm trừ gia cảnh phù hợp, bởi, mức sống nhiều tỉnh như: Yên Bái, Lào Cai,… không thể giống như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

III. Vấn đề về Hải quan

4. Báo Người Lao động (28/2) có tin “Nhiêu khê xử lý hàng tồn kho ở cảng” cho biết: Hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển ở TPHCM tăng đột biến nhưng việc xử lý lại đang vướng nhiều quy định. Theo báo cáo về tình hình hàng hóa tồn đọng của Cục Hải quan TP HCM, đến đầu tháng 2-2024, trên địa bàn vẫn còn hàng ngàn container và cả trăm tấn hàng tại các kho ở sân bay. Cụ thể, tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, tính đến cuối tháng 1-2024, số lượng hàng hóa tồn đọng quá 30 ngày và 60 ngày là 1.227 container, tăng hơn 400 container so với tháng trước. Đáng lưu ý, hàng tồn quá 90 ngày tại các cảng biển tính đến cuối tháng 12-2023 lên tới 5.092 container. Trong đó, riêng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (cảng Cát Lái) tồn đọng 4.784 container…

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP. HCM, cho biết theo quy định, với hàng tồn đọng quá 90 ngày kể từ khi cập cảng, hải quan sẽ phối hợp với cơ quan chức năng xử lý theo Thông tư 203/2014/TT-BTC và Thông tư 57/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính. Theo quy trình xử lý hàng tồn đọng, khi quá 90 ngày, nghĩa là hải quan đã liên hệ, thông báo nhiều lần mà không có đơn vị nhận, hàng hóa mới xác định là vô chủ, chủ hàng từ bỏ... Việc xử lý hàng tồn đọng phải triển khai theo quy trình khác, đòi hỏi nhiều đơn vị tham gia.

5. Báo Pháp luật Việt Nam (28/2) đưa tin “Tăng cường phát triển quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp” cho biết: Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp và các bên liên quan năm 2024. Theo đó, mục đích của kế hoạch triển khai công tác là để cộng đồng DN và các bên liên quan ủng hộ và tích cực tham gia vào tiến trình cải cách, hiện đại hóa hải quan; góp phẩn nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về hải quan và thực thi công vụ trong ngành Hải quan. Bên cạnh đó, giải quyết kịp thời và hiệu quả các khó khăn, vướng mắc nhằm chia sẻ, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình làm thủ tục hải quan cho cộng đồng doanh nghiệp; góp phần nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng ngày càng lành mạnh, thuận lợi, minh bạch và hiệu quả.

IV. Vấn đề về quản lý giá

6. Báo Người lao động (28/2) có bài “Giám sát chặt Qũy bình ổn giá xăng dầu” cho biết: Liên quan các vi phạm trong quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá,  đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa nhận được thông tin về việc thực hiện chuyển nộp số dư Quỹ Bình ổn giá từ 2 doanh nghiệp Xuyên Việt Oil và công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính cho biết, các doanh nghiệp trên thuộc diện thu hồi Quỹ Bình ổn giá về NSNN. Hiện nay, các DN đầu mối xăng dầu này liên quan một số vụ án đang trong quá trình điều tra. Do đó, việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế, thu hồi cần phối hợp với các bên liên quan theo trình tự, quy định. Về phía Bộ Tài chính, ông Bình cho biết sẽ thực hiện các biện pháp theo chức năng, nhiệm vụ để thu hồi Quỹ Bình ổn giá về ngân sách.

Trước những tồn tại liên quan Quỹ Bình ổn giá, chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long cho rằng ngoài báo cáo từ các doanh nghiệp đầu mối, liên bộ Tài chính - Công Thương cần tăng cường giám sát việc trích lập, sử dụng quỹ này để sớm phát hiện những bất thường, từ đó ngăn chặn, xử lý vi phạm.

Nhằm khắc phục những bất cập trong việc quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá thời gian qua, Bộ Tài chính cho biết sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện các quy định về trích lập, chi sử dụng quỹ. Trước tình trạng DN đầu mối chiếm dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết thời gian tới sẽ phối hợp với NHNN, các NHTM - nơi thương nhân kinh doanh xăng dầu mở tài khoản quỹ này nhằm theo dõi việc sử dụng tài khoản quỹ. Qua đó, kịp thời phát hiện dòng tiền bất thường ra - vào tài khoản Quỹ Bình ổn giá.

7. Đầu tư (28/2) có bài “Vụ sai phạm trong đấu giá đất tại Đông Anh (Hà Nội): Hội đồng Thẩm định giá đất bị “vô hiệu” cho biết: Hội đồng Thẩm định giá đất TP. Hà Nội đã tiến hành định giá đất chỉ dựa vào chứng thư thẩm định đã bị “dìm giá” của công ty tư vấn và tờ trình của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Như Báo Đầu tư đã đăng tải thông tin, Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án Nhân dân cùng cấp để đưa ra xét xử Nguyễn Thị Loan, sinh năm 1970, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn dược phẩm Vimedimex (Công ty Vimedimex) cùng đồng phạm trong vụ sai phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất ở tại thôn Cổ Dương (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội).

Cáo trạng nêu rõ, trong quá trình định giá đất để xác định giá khởi điểm làm cơ sở tổ chức đấu giá khu đất phía Đông Nam, thôn Cổ Dương, các bị can Nguyễn Diệu Linh, Nguyễn Ngọc Thắng, Nguyễn Đức Phương là thẩm định viên Công ty VVAI, có chức năng, nhiệm vụ thẩm định giá theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trong quá trình định giá đất khu đất nói trên, các bị can đã không định giá đất khách quan, mà theo đề nghị của Trần Công Tuyên và Vương Thị Thu Thủy, là cán bộ Ban Quản lý dự án huyện Đông Anh, thống nhất cố ý hạ giá trị khu đất để ban hành Chứng thư định giá đất không đúng với giá trị thực tế.

Theo đó, giá trị khu đất được xác định là 504 tỷ đồng (tương đương 30 - 31 triệu đồng/m2), nhưng các bị can nói trên đã cố ý “dìm” xuống, chỉ còn 334 tỷ đồng. Việc này đã làm sai lệnh giá khởi điểm đưa vào đấu giá, tạo điều kiện cho các công ty tham gia đấu giá của Nguyễn Thị Loan thông đồng dìm giá và trúng đấu giá với giá trị thấp, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 135 tỷ đồng.

V. Vấn đề về Thanh tra, kiểm tra

8. Vietnamnet (28/2) đưa tin “Vụ FLC: Bộ Tài chính từng phát hiện dấu hiệu bất thường về góp vốn tại Công ty Faros” cho biết: Thời điểm tháng 3/2017, Bộ Tài chính có quyết định về việc kiểm tra Công ty Faros và giao dịch cổ phiếu tại công ty này. Trong số các nội dung kiểm tra có kiểm tra việc tăng vốn và sử dụng vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

 Khi đó, đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính đã phát hiện một số dấu hiệu bất thường trong việc góp vốn và sử dụng vốn góp tại Công ty Faros. Đoàn kiểm tra đã thu thập các chứng từ kế toán thể hiện số vốn góp đã được chuyển vào tài khoản của Faros nhưng sau đó được sử dụng chủ yếu vào các hoạt động đầu tư tài chính. Dù phát hiện các dấu hiệu đáng ngờ, nhưng theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ đoàn kiểm tra không có khả năng điều tra, xác minh “để kiểm tra về khả năng góp vốn và đã góp đủ vốn theo số vốn đã cam kết”.

Đoàn kiểm tra cũng đã tham vấn ý kiến của NHNN, Bộ KHĐT và đối chiếu với các quy định của pháp luật, phát hiện nhiều bất cập, sơ hở trong các quy định của pháp luật về DN, hoạt động đăng ký kinh doanh, hoạt động đầu tư tài chính, cho vay, ủy thác đầu tư nên không có căn cứ xử lý đối với các vi phạm của Faros.

Thời điểm đó, đoàn thanh tra đã tham mưu cho Bộ Tài chính ban hành các văn bản báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành 9 nội dung, trong đó có nội dung đề nghị xử phạt hành chính đối với Công ty Faros về hành vi vi phạm công bố thông tin.

Trước khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, UBCKNN cũng đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra việc tuân thủ quy định pháp luật trong giao dịch chứng khoán đối với nhóm cổ phiếu FLC…

Theo cơ quan điều tra (CQĐT), không phát hiện vi phạm trong hoạt động thanh kiểm tra của đoàn kiểm tra, do đó không có căn cứ xem xét trách nhiệm đối với các thành viên đoàn kiểm tra do UBCKNN, Bộ Tài chính thành lập.

Khi hoàn tất kết luận điều tra vụ ông Trịnh Văn Quyết thao túng thị trường chứng khoán, CQĐT Bộ Công an đã chỉ ra những kẽ hở của pháp luật mà các doanh nghiệp có thể lợi dụng để cố tình làm sai. Do đó, CQĐT đề nghị Bộ Tài chính và UBCKNN khẩn trương rà soát các quy định pháp luật liên quan đến thị trường chứng khoán và phát hành, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp; Tăng cường giám sát thị trường chứng khoán, trong đó tập trung vào giao dịch các mã cổ phiếu có dấu hiệu biến động giá mạnh, chạm tiêu chí giám sát do các Sở Giao dịch chứng khoán chuyển nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp yếu kém hoặc chuyển từ lỗ thành lãi.

Kịp thời nhận diện mã cổ phiếu có giao dịch bất thường và phát hiện giao dịch của các mã cổ phiếu được lôi kéo, hô hào thông qua hội nhóm online, diễn đàn, mạng xã hội, có biến động giá thuộc tiêu chí giám sát của Sở Giao dịch chứng khoán để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

VI. Vấn đề về dự trữ

9. Báo Công an nhân dân (28/2) có tin “Xuất cấp hơn 34.100 tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ học sinh kỳ II năm học 2023-2024”, Báo điện tử Chính phủ (27/2) có tin “Xuất cấp hơn 34.100 tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ học sinh” cho biết: Tổng cục DTNN vừa ban hành quyết định số 117/QĐ-TCDT về việc xuất gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ học sinh học kỳ 2 năm học 2023 - 2024.

Theo đó, Tổng cục DTNN giao 18 cục DTNN khu vực xuất cấp hơn 34.164 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia giao cho 41 tỉnh để hỗ trợ cho 531.337 học sinh học kỳ II năm học 2023 - 2024, theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 295/QĐ-BTC của Bộ Tài chính.

VII. Vấn đề về tài chính ngân hàng

10. Vnexpress, VOV.vn (27/2) có bài “Chính phủ yêu cầu hoàn thiện pháp lý về tiền ảo để chống rửa tiền”, Vneconomy (27/2) có bài “Tháng 5/2025, hoàn thiện khung pháp lý đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo” cho biết: Tại Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ vũ khí, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính và các Bộ/ngành liên quan hoàn thành xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản này, hoàn thành trong tháng 5/2025.

Hiện nay, Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể về tiền ảo và tài sản ảo. Trước đó, Chính phủ từng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, thí điểm tiền ảo, nhằm ngăn ngừa rủi ro rửa tiền, hệ thống ngân hàng. Cơ quan quản lý nhiều lần khẳng định tiền ảo không phải là tiền tệ, phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) thông qua cuối 2022 chưa luật hóa các loại tiền ảo, tài sản ảo. Song, thực tế mua bán, trao đổi tài sản ảo tại Việt Nam hiện nay được thực hiện qua các sàn giao dịch quốc tế hoặc hình thức thỏa thuận trực tiếp, tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền, cá nhân tham gia. Do đó, cách đây hai năm, Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm có hành lang pháp lý về loại tài sản mới này.

Cũng theo kế hoạch của Chính phủ, các bộ ngành liên quan phải đưa ra kế hoạch cụ thể với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro rửa tiền cao, như sử dụng tiền mặt, vàng trong nền kinh tế để mua bán bất động sản, tham nhũng.

11. Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp (28/2) có các bài “Điểm sáng” trái phiếu doanh nghiệp”, “Nâng cao chất lượng trái phiếu doanh nghiệp” thông tin: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp 2024 được kỳ vọng sẽ có nhiều chuyển động tích cực, song cũng đối mặt với những thách thức.

Theo thống kê của Saigon Ratings, trong năm 2024, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp sẽ đến hạn là 276.990 tỷ đồng, trong đó có 41% thuộc nhóm bất động sản với gần 113.486 tỷ đồng, tiếp sau đó là nhóm ngân hàng với gần 54.497 tỷ đồng, chiếm 20%. Với sức khỏe tài chính của nhiều doanh nghiệp vẫn chưa cải thiện nhiều thì đây là áp lực cần theo dõi. Bên cạnh đó, năm 2024 là thời điểm phù hợp để tiến dần đến việc nâng phân hóa và nâng cao chất lượng các trái phiếu niêm yết theo hướng có xếp hạng tín nhiệm và không xếp hạng tín nhiệm.

12. Đầu tư (28/2) có bài “Lãi suất cao, trái phiếu doanh nghiệp vẫn đìu hiu” cho biết: Nhiều D đang phát hành trái phiếu với lãi suất 10-15%/năm, cao gấp đôi, gấp ba lãi suất ngân hàng. Dù vậy, kênh trái phiếu vẫn chưa thể sôi động trở lại do áp lực thanh khoản của các DN năm nay và năm 2025 rất lớn. Nguy cơ mất khả năng thanh toán của một số DN cao hơn, dẫn đến việc chậm trả trái phiếu, từ đó tiếp tục gây mất lòng tin của nhà đầu tư trong bối cảnh niềm tin đang được xây lại từ đầu.

Theo các chuyên gia, vấn đề lớn nhất của thị trường TPDN hiện nay là thiếu sức cầu và thị trường này sẽ phục hồi theo hình chữ U chứ không phải chữ V.

Từ đầu năm đến nay, việc thực hiện đầy đủ Nghị định 65/2022/NĐ-CP có thể gây khó khăn ngắn hạnh cho doanh nghiệp phát hành, đặc biệt là quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp và xếp hạng tín nhiệm có điều kiện. Nếu các doanh nghiệp đáp ứng tốt các điều kiện này thì thị trường sẽ tăng trưởng lành mạnh, hiệu quả, hạn chế các rủi ro phát sinh trong tương lai.

VIII. Vấn đề về tài sản công

13. Tuoitre.vn (27/2) có bài “Hàng ngàn m² nhà đất công ở TP.HCM bỏ không do thiếu cơ chế cho thuê” phản ánh: Hàng loạt địa chỉ nhà đất công tọa lạc vị trí "vàng" ở quận 1, 3, 5, 6, Bình Thạnh, Phú Nhuận... trong tình trạng trống không lâu ngày do thiếu cơ chế cho thuê. Theo Lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công không có quy định về việc UBND cấp tỉnh ban hành mức giá cho thuê tối thiểu đối với nhà, đất công phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Do đó UBND TP.HCM không có cơ sở ban hành biểu giá cho thuê nhà, đất sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh.

Chính phủ đang xây dựng dự thảo Nghị định về quy định việc quản lý sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho các tổ chức quản lý kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác. Trong thời gian chờ Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn, Sở Xây dựng đã kiến nghị UBND TP phê duyệt đề án thực hiện thí điểm đấu giá cho thuê các cơ sở nhà, đất thuộc đối tượng sắp xếp lại xử lý theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP để quản lý nhà, đất công có hiệu quả, đảm bảo tính công khai minh bạch và giá cho thuê phù hợp với giá thị trường, tránh lãng phí nguồn lực tài sản công.

IX. Vấn đề về hành chính sự nghiệp

14. Báo Công an nhân dân (27/2) có bài “Tiền tỷ công đức đi đâu?, Bài cuối: Sẽ kiểm tra trên toàn quốc” cho biết: Sau rất nhiều lùm xùm xung quanh việc thu chi tiền công đức tại các chùa chiền, lễ hội, di tích…đầu năm 2023, Bộ Tài chính đã chính thức ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội (Thông tư số 04).

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00