Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 04/3/2024

Điểm báo ngày 04/3/2024

I. Vấn đề nổi bật

1. Chiều ngày 01/3, Văn phòng Bộ phát đi Thông tin báo chí về các vấn đề xã hội quan tâm trong tháng 2/2024, nhiều báo đưa tin về các nội dung này, như:

- Báo Đại đoàn kết, Người lao động, Tin tức, Bnews (2/3) có tin “Bộ Tài chính thông tin tiến độ trình dự án 3 Luật Thuế (sửa đổi) quan trọng” cho biết: Bộ Tài chính đang hoàn thiện Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) (sửa đổi), Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) (sửa đổi) và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi) để sớm trình Quốc hội xem xét. Theo đó, Luật Thuế TNDN (sửa đổi) và TTĐB (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Đối với Luật Thuế GTGT (sửa đổi), Bộ Tài chính, các nội dung dự kiến sửa tập trung vào các vấn đề liên quan đến người nộp thuế, đối tượng không chịu thuế GTGT, giá tính thuế, thuế suất thuế GTGT và việc khấu trừ, hoàn thuế GTGT… Bộ Tài chính dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

- Báo Tuổi trẻ (1/3) có tin “Cây xăng đang 'ráo riết' xuất hóa đơn, khách hàng nên lấy hóa đơn thúc đẩy minh bạch”; Đầu tư, Dangcongsan, Công Thương (2/3) có tin “Đã có 7.542 cửa hàng kinh doanh xăng dầu phát hành hóa đơn điện tử” cho biết: Tính đến ngày 26/02/2024, toàn quốc đã có 7.542 cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu đã thực hiện phát hành hóa đơn điện tử đối với từng lần bán hàng theo quy định (tăng 5.849 cửa hàng so với thời điểm 01/12/2023).

Nhiều địa phương có tỷ lệ triển khai đạt cao như: Bắc Ninh đạt 100%, Đăk Lăk đạt 97%, Thanh Hóa đạt 95%, Yên Bái đạt 91%, Nam Định đạt 89%, Hà Nội đạt 88%, Hải Dương đạt 88%, Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 83%, Quảng Nam đạt 82%, Vĩnh Phúc đạt 81%,...

Nhiều chủ doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM cho biết đang thúc phía đối tác công nghệ xong "demo" để áp dụng xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hoàn chỉnh, áp dụng ngay trong tháng này, tránh bị thu hồi giấy phép.

- Báo Thanh niên (1/3) có bài “Thông tin mới nhất từ Bộ Tài chính về quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu” cho biết: Bộ Tài chính đã có những thông tin mới nhất về các giải pháp quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG). Trong đó nêu rõ, theo quy định hiện hành, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có nghĩa vụ trích lập BOG; hạch toán và theo dõi riêng BOG bằng tài khoản mở tại ngân hàng; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc quản lý và bảo toàn số dư BOG.

Tài khoản BOG chỉ được sử dụng vào mục đích trích lập và chi sử dụng BOG của doanh nghiệp theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công thương. Định kỳ 6 tháng, trước ngày 15.8, ngày 15.2 hằng năm, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm báo cáo kiểm toán (độc lập) chuyên đề về BOG.

Trường hợp thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về trích lập, chi sử dụng, kết chuyển quỹ thì xem xét, xử lý theo quy định.

II. Vấn đề về chính sách thuế

2. Báo Tuổi trẻ (4/3) có bài “Đành sang Singapore mở công ty vậy” cho biết: Trong văn bản góp ý dự thảo luật gửi tới Bộ Tài chính về đề xuất đánh thuế VAT 10% với dịch vụ xuất khẩu, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chỉ ra 5 bất cập lớn trong dự thảo luật. Đó là đề xuất áp thuế VAT 10% với các trường hợp: dịch vụ xuất khẩu; doanh nghiệp chế xuất khi bán hàng vào nội địa; hàng hóa, dịch vụ biếu tặng cho với mục đích từ thiện; áp thuế VAT với cả công ty mẹ, công ty con trong cùng một tập đoàn; ngưỡng doanh thu không chịu thuế với hộ gia đình cá nhân kinh doanh từ 100-150 triệu đồng chưa phù hợp.

Phân tích về những bất cập của đề xuất áp thuế với dịch vụ xuất khẩu, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam –VCCI cho rằng, VAT là thuế đánh vào tiêu dùng, doanh nghiệp chỉ thu hộ, nộp hộ. Nếu người tiêu dùng ở nước ngoài, đương nhiên thuế là 0%, doanh nghiệp sẽ được khấu trừ và hoàn thuế đầu vào. Nhưng điều 9.1 của dự thảo luật đang đề xuất đánh thuế VAT đối với hầu hết dịch vụ xuất khẩu, không cho phép hưởng thuế suất 0% như hiện nay. Lý do áp thuế 10% với dịch vụ được cơ quan soạn thảo đưa ra khá bất ngờ: trong thời gian qua cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc phân biệt doanh thu nào đến từ dịch vụ được xuất khẩu doanh thu nào đến từ dịch vụ tiêu dùng trong nước. Ông Đức cho rằng, việc phải chịu thuế VAT 10% khi xuất khẩu sẽ khiến các nhà cung cấp dịch vụ cho nước ngoài của Việt Nam gặp khó khăn cạnh tranh với đối thủ đến từ quốc gia khác.

III. Vấn đề về quản lý thuế

3. Báo Thanh niên (2/3) có bài “Doanh nghiệp lại than trời vì hoàn thuế chậm” cho biết: Câu chuyện doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế GTGT và rơi vào tình trạng khó khăn tài chính kéo dài vẫn chưa có hồi kết. Bài báo trích dẫn nhiều trường hợp doanh nghiệp nội bị chậm hoàn thuế. Trong buổi đối thoại mới đây về thuế, hải quan, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc cũng phản ánh việc bị chậm hoàn thuế.

Theo ông Trương Văn Bắc, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Cao su Việt Nam, tháng 5/2023, công ty nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế của 2 kỳ hoàn thuế tháng 10/2021. Dù quy định chậm nhất là 40 ngày phải giải quyết nhưng đến nay hồ sơ của công ty vẫn không được giải quyết. Chi cục Thuế quận Phú Nhuận nói đã chuyển hồ sơ lên Cục Thuế TP HCM. Cục Thuế TP HCM trả lời là không trực tiếp quản lý hồ sơ của công ty, mọi thắc mắc liên hệ với Chi cục Thuế quận Phú Nhuận để được giải đáp.

Theo ông Bắc, việc đùn đẩy và không giải quyết hồ sơ hoàn thuế của cơ quan thuế cho kỳ hoàn thuế từ năm 2021 kéo dài đã làm tồn đọng lũy kế số thuế GTGT rất lớn, đến nay đã hơn 60 tỷ đồng khiến doanh nghiệp kiệt quệ về tài chính, không còn khả năng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, mất khách hàng, thị trường sau bao năm gây dựng. Điều trớ trêu là tiền thuế GTGT không được hoàn nhưng công ty ông vẫn phải vay mượn để trả tiền thuế TNDN. Nếu không sẽ bị tính lãi nộp chậm, quá hạn sẽ thu hồi, treo mã số thuế.

Tương tự, công ty CP Fococev Việt Nam cũng có hồ sơ đề nghị hoàn thuế 355 tỷ đồng, Cục Thuế TP HCM đã kiểm tra xong, đủ điều kiện hoàn thuế nhưng vẫn chưa giải quyết hoàn thuế cho công ty này.

Từ cuối năm 2023, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) có công văn gửi Văn phòng Chính phủ nêu vướng mắc, khó khăn trong đó có việc kê khai khấu trừ thuế GTGT với hóa đơn của các cơ sở kinh doanh bỏ trốn, ngưng hoạt động, bị đóng mã số thuế, cưỡng chế hóa đơn. Tại công văn trả lời VASEP, Bộ Tài chính cho rằng để kịp thời ngăn chặn hành vi gian lận hoàn thuế, cơ quan thuế phối hợp với các cơ quan liên quan để kiểm tra xác minh các hồ sơ hoàn thuế có dấu hiệu rủi ro cao, đây là biện pháp cần thiết và là một trong các biện pháp nghiệp vụ của cơ quan thuế. Khi DN đáp ứng đủ điều kiện hoàn thuế thì doanh nghiệp được hoàn thuế GTGT theo quy định….

Theo Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, việc xác minh hóa đơn là chuyện nội bộ ngành thuế nhưng vẫn phải đảm bảo quy định của pháp luật là giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho doanh nghiệp trong vòng 40 ngày. Những hóa đơn nào nghi ngờ chờ xác minh thì bỏ sang một bên, giải quyết những hóa đơn còn lại trong hồ sơ hoàn thuế nhằm đảm bảo thời gian theo quy định, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nhận tiền hoàn thuế nhanh hơn. Hơn nữa, hiện nay, cơ quan thuế đã có quy định phân nhóm doanh nghiệp rủi ro nhằm tránh gian lận hoàn thuế. Do đó, cần tuân thủ đúng quy định 40 ngày trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế.

4. Báo An ninh thủ đô (2/3) có tin “Kiến nghị xử lý hơn 3.700 tỷ đồng tiền thuế qua thanh tra, kiểm tra trong 2 tháng đầu năm”; Thanh niên (4/3) có tin “Đã hoàn 21.687 tỷ đồng tiền thuế”; Hà Nội mới (4/3) có tin “Tổng thu ngân sách do cơ quan Thuế quản lý bằng 24,3% dự toán”; Dangcongsan.vn (4/3) có tin “Thu ngân sách nhà nước từ thuế 2 tháng đầu năm đạt 24,3% dự toán” cho biết: Theo số liệu của Tổng cục Thuế, tổng thu NSNN lũy kế 02 tháng đầu năm 2024 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 361.672 tỷ đồng, đạt 24,3% so với dự toán pháp lệnh, bằng 112,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Toàn ngành đã thực hiện được 3.830 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 5,8% kế hoạch năm 2024; kiểm tra được 8.593 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 3.746 tỷ đồng. Đối với nợ thuế, thực hiện thu nợ thuế trong tháng 02/2024 ước đạt 6.000 tỷ đồng. Lũy kế tính đến cuối tháng 02/2024 ước thu được 21.000 tỷ đồng.

Liên quan đến hoàn thuế, tính đến cuối tháng 2, cơ quan thuế đã ban hành 3.017 quyết định hoàn thuế GTGT với tổng số tiền thuế hoàn là 21.687 tỷ đồng, bằng 12,7% so với dự toán hoàn thuế GTGT năm 2024.

5. Báo Tiền phong (4/3) có bài “Doanh nghiệp nợ thuế có dấu hiệu gia tăng” phản ánh: Đến cuối năm 2023, tổng số tiền nợ thuế của người dân, doanh nghiệp trên cả nước gần 164 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm 2022. Kinh doanh xăng dầu, bất động sản, khoáng sản là những lĩnh vực có nhiều doanh nghiệp nợ thuế lớn.

Tại Hà Nội, từ cuối năm 2023, Cục Thuế TP Hà Nội đã đưa ra hàng loạt các giải pháp đối phó với tình trạng nợ đọng thuế. Tuy vậy, số lượng doanh nghiệp, cá nhân nợ thuế do Cục Thuế TP quản lý không ngừng gia tăng. Đến cuối năm 2023, có hơn 2.200 DN ở Hà Nội nợ gần 1000 tỷ đồng tiền thuế.

Đại diện một doanh nghiệp cho biết, cực chẳng đã mới phải nợ thuế vì nợ thuế sẽ bị dừng xuất hóa đơn và không thể xuất bán hàng hóa. DN mong cơ quan thuế có chính sách hỗ trợ như giãn, hoãn thời gian nộp tiền thuế.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc quay vòng vốn để sản xuất kinh doanh nên khất nợ thuế để có vốn đầu tư. Doanh nghiệp bị cưỡng chế, ngưng sử dụng hóa đơn hay cấm xuất cảnh người đại diện sẽ rất khó tạo doanh thu. Vì vậy, cơ quan thuế nên có giải pháp hỗ trợ giúp doanh nghiệp nuôi dưỡng nguồn thu. Khi có doanh thu, doanh nghiệp mới có nguồn để nộp thuế.

6. Báo Nhân Dân (2/3) có tin “Tích cực hoàn thiện chính sách thuế đối với đầu tư nước ngoài” tiếp tục đưa tin về Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính và các doanh nghiệp Hàn Quốc về chính sách, thủ tục hành chính thuế, hải quan tổ chức ngày 29/2/2024. Bài báo dẫn lời Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, với tinh thần, nỗ lực luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế chính trị thế giới có nhiều biến động, Bộ Tài chính đã thực hiện tiếp nhận và xử lý hàng trăm văn bản của các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư trên cả nước gửi tới, liên quan đến các vấn đề phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Hàn Quốc đã và đang đầu tư tại Việt Nam.

Trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 và tác động của các vấn đề kinh tế, chính trị quốc tế, Bộ Tài chính đã kịp thời nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và các DN Hàn Quốc nói riêng với nhiều giải pháp quy mô lớn và chưa có tiền lệ, các giải pháp đã nhận được sự đánh giá cao của doanh nghiệp, người dân, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động…

IV. Vấn đề về chứng khoán

7. Báo Người lao động (4/3) có bài “Năm 2025, hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo”; Tiền phong (2/3) có bài “Cách nào quản tiền ảo, tài sản ảo?” cho biết: Theo Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ vũ khí vừa được ban hành, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan hoàn thành xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo trong tháng 5/2025.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết đã giao các đơn vị thuộc bộ, trong đó có Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý đối với tiền ảo, tài sản ảo, đáp ứng tiến độ đề ra. Bộ Tài chính cũng nhìn nhận tiền ảo, tài sản ảo là lĩnh vực khó và "tương đối nhạy cảm" ở Việt Nam. Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ cho phép thành lập tổ công tác liên ngành để xây dựng đề án quản lý tài sản ảo, tiền ảo.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, khung pháp lý cho tài sản ảo, tiền ảo là vấn đề khó, nhiều rủi ro. Một số nước trên thế giới đã công nhận tiền ảo, tài sản ảo và cho giao dịch. Tuy nhiên, pháp luật Việt nam chưa công nhận tiền ảo là tài sản. Muốn được giao dịch, tiền ảo phải được công nhận, để lập sàn giao dịch, tổ chức giao dịch, đưa ra các quy định pháp lý.

Nội dung bài báo cho biết, mặc dù chưa có khung pháp lý, song hoạt động mua bán, giao dịch tiền ảo tại Việt Nam diễn ra khá sôi động thông qua các sàn quốc tế. Các loại tiền số phổ biến hiện nay như Bitcoin, Ethereum... được không ít cá nhân giao dịch mua bán, đầu tư.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng, việc chậm chân trong xây dựng khung pháp lý cho lĩnh vực tiền ảo, tài sản ảo có thể dẫn đến những khó khăn trong công tác quản lý. Các loại tài sản số được đánh giá rất tiềm năng, là xu thế, nếu chúng ta không kịp thời quản lý, cơ hội có thể trôi qua.

8. Báo Baochinhphu.vn (2/3) có tin “Chứng khoán áp dụng hệ thống công bố thông tin một đầu mối từ ngày 8/3”; Tuổi trẻ (4/3) có tin “Ủy ban Chứng khoán sẽ công bố thông tin một đầu mối từ 8-3”; VnEconomy.vn (3/3) có tin “Từ ngày 8/3, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ vận hành Hệ thống công bố thông tin "một cửa"”; Thời báo Ngân hàng (2/3) có tin “Ủy ban Chứng khoán vận hành hệ thống công bố thông tin một đầu mối”; Znews (2/3) có tin “Từ 8/3, doanh nghiệp niêm yết chỉ phải công bố thông tin một đầu mối”; An ninh thủ đô (3/3) có tin “Ủy ban Chứng khoán vận hành hệ thống công bố thông tin một đầu mối” cho biết: UBCKNN cho biết sẽ vận hành hệ thống công bố thông tin một đầu mối áp dụng đối với tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán từ 8/3. Trước mắt sẽ áp dụng đối với các tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Việc vận hành hệ thống một đầu mối sắp tới sẽ giảm tải thủ tục hành chính đáng kể cho tổ chức niêm yết trong việc thực hiện công bố thông tin. Sau quá trình triển khai tại HNX, Ủy ban Chứng khoán sẽ tiếp tục triển khai việc công bố thông tin một đầu mối đối với các doanh nghiệp niêm yết trên HoSE.

9. VnExpress (3/3) có tin “HoSE chạy thử hệ thống công nghệ mới KRX”; Dân trí (3/3) có tin “Hệ thống KRX sắp diễn tập lần 1, chứng khoán chờ đợi giao dịch trong ngày”; Tiền phong (3/3) có tin “Sắp diễn tập chuyển đổi hệ thống chứng khoán KRX”; Vietnamnet (3/3) có tin “HOSE chạy thử hệ thống KRX: Thời điểm chính thức, thanh khoản sẽ tăng vọt?” cho biết: Trong văn bản gửi các công ty chứng khoán mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đã có thông báo về kế hoạch diễn tập chuyển đổi hệ thống lần 1. Dự kiến, từ ngày 4 đến 8/3, các công ty sẽ chuẩn bị hệ thống để chuyển đổi theo lịch trình, thực hiện kiểm tra hệ thống và Cutover Test vào ngày 7/3. Trong giai đoạn từ 11-15/3, công ty chứng khoán sẽ thử nghiệm việc nhập lệnh giao dịch, đảm bảo hoạt động giao dịch chứng khoán một ngày bình thường.

10. Báo Tuổi trẻ (2/3) có bài “Khi thị trường chứng khoán khoác “áo mới””; Lao động (2/3) có bài “Vá lỗ hổng để thị trường chứng khoán đón dòng vốn tỉ USD” cho biết: Muốn thị trường chứng khoán VN được nâng hạng theo như lộ trình năm 2025, các cơ quan quản lý cần gỡ vướng về yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài... theo tiêu chí phân hạng của FTSE Russell.

Bài báo dẫn lời các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp để xử lý các vướng mắc nêu trên, đồng thời cho rằng cơ quan chức năng cần thúc đẩy mạnh hơn nữa việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn nhằm tăng thêm nhiều hàng hóa mới và chất lượng hơn cho thị trường. Bởi nếu chứng khoán Việt Nam có được nâng hạng, nhưng thị trường không đa dạng hàng hóa chất lượng thì cũng không thể hấp dẫn các dòng vốn ngoại.

V. Vấn đề về quản lý công sản

11. Báo Tuổi trẻ (4/3) có bài “Xót xa nhà, đất công 'đắp chiếu' vì vướng quy định cho thuê” cho biết: Nhiều chuyên gia dự tính số tiền thu được từ việc cho thuê các nhà, đất công đang "đắp chiếu" tại TP.HCM sẽ rất lớn. Nếu khai thông được nguồn lực này sẽ thu rất nhiều tiền để tính toán thêm cho các dự án hạ tầng đang khát vốn. Vấn đề này được nhắc đến khi thị trường phải chắt chiu từng mét vuông sàn xây dựng để thu lợi thì hàng ngàn nhà, đất công lại hoang phí, số bỏ không, số cho thuê rẻ, khai thác không hiệu quả.

Theo thống kê, hiện TP.HCM có gần 9.300 địa chỉ nhà, đất thuộc đối tượng quản lý theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Trong số này có khoảng 7.300 địa chỉ của các cơ quan nhà nước, hành chính sự nghiệp, còn lại khoảng 2.000 địa chỉ thuộc quản lý của khối doanh nghiệp.

Trước đây, ngoài nhà, đất công làm trụ sở các cơ quan, tại TP.HCM, số lượng lớn khác được giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM và các công ty dịch vụ công ích quận, huyện quản lý, khai thác. Qua quá trình quản lý lâu ngày, nhiều nơi được cho người dân thuê để ở. Việc cho thuê để làm văn phòng, sản xuất, kinh doanh... thì các đơn vị bế tắc vì không có cơ chế. Có đơn vị vận dụng cho thuê ở một số địa chỉ nhưng cũng "nơm nớp", số còn lại bỏ trống.

Nhiều chuyên gia cho rằng thực tế trong số các nhà, đất công TP.HCM quản lý có nhiều nhóm, trong đó có một số nhóm vướng mắc cần có giải pháp, kể cả giải pháp đặc thù ngoài luật để giải quyết.

TS Nguyễn Thị Anh, Phó trưởng khoa Luật thuộc Trường kinh tế, luật và quản lý nhà nước, Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng nghị quyết của Quốc hội về tài sản công định hướng phân cấp mạnh thẩm quyền trong phê duyệt phương án xử lý và quyết định xử lý nhà, đất cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương và UBND cấp tỉnh. Do vậy có thể xin cơ chế tăng quyền tự chủ cho TP để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất công làm sao khai thác, sử dụng hiệu quả nhất.

VI. Vấn đề về quản lý giá

12. Báo Lao động (4/3) đưa tin “Để không còn ám ảnh tăng giá trước khi tăng lương” cho biết: Khi triển khai chính sách cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024, công chức, viên chức và người lao động kỳ vọng sẽ được nâng cao thu nhập, đáp ứng các nhu cầu tối thiểu của đời sống. Tuy nhiên, người lao động cũng canh cánh nỗi lo giá cả sinh hoạt thường “té nước theo mưa” thậm chí chưa đến ngày tăng lương nhưng giá cả hàng hóa đã có dấu hiệu rục rịch tăng.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, việc quản lý giá luôn bám sát diễn biến thị trường, nhưng đối với những tình huống như tăng lương cơ sở hay một số diễn biến đặc biệt thì sẽ xây dựng kịch bản, kế hoạch với một số điều chỉnh cụ thể phù hợp với tình hình mới. Việc quản lý giá đảm bảo kiểm soát giá cả theo đúng mục tiêu lạm phát được Quốc hội đưa ra, đồng thời chú ý đến những mặt hàng chiến lược và tiêu dùng thiết yếu trong đời sống.

Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, để tăng lương mà giá không tăng là bài toán rất khó và muốn giải được chúng ta phải điều tiết thị trường thật tốt. Phương pháp điều hành này phụ thuộc vào các giải pháp tổng thể của Chính phủ. Cần phải tránh tuyệt đối tình trạng “a dua”, nghĩa là tăng giá chỉ vì tăng lương. Chính phủ nên tập trung vào việc quản lý tốt một số mặt hàng trong danh mục quản lý giá của Nhà nước. Với các mặt hàng thiết yếu, chúng ta nên có sự kiểm soát chặt chẽ trong hoạt động kinh doanh cũng như giá cả. Điều quan trọng để giữ được giá cả ổn định, chúng ta phải có giải pháp để phát triển sản xuất và hạ giá thành sản phẩm.

13. Báo Hà Nội mới (4/3) có bài “Nâng giá trần bay nội địa: Bảo đảm hài hào lợi ích” cho biết: Việc nâng giá trần các đường bay nội địa kể từ ngày 1/3 là điều kiện để các hãng hàng không điều chỉnh dải giá vé bay trong mạng đường bay nội địa, ở cả phân khúc cao và thấp.

Ngày 1/3, Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa có hiệu lực. Theo đó, sẽ điều chỉnh giá trần trên các đường bay nội địa tăng 5% so với mức trước đây.

Theo Thông tư mới này, mức giá tối đa đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ thuế giá trị gia tăng và các khoản thu hộ cho cảng hàng không. Mức giá này bao gồm giá phục vụ hành khách và giá bảo đảm an ninh hành khách, hành lý; khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm.

Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho rằng, điều chỉnh tăng trần giá vé máy bay nội địa là điều kiện để các hãng hàng không bù đắp chi phí và cũng là cơ hội để điều chỉnh dải giá vé bay của mình trong mạng đường bay nội địa.

VII. Vấn đề về tài chính ngân hàng

14. Báo Công an nhân dân (4/3) có tin “Đã giải ngân 900 tỷ đồng vốn ưu đãi mua máy tính cho học sinh” cho biết: Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, thực hiện Chương trình tín dụng chính sách mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến thực hiện theo Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg ngày 44/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng đã giải ngân hơn 900 tỷ đồng. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 02/2024-QĐ-TTg bãi bỏ Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg. Như vậy, sau gần 2 năm triển khai, chương trình sẽ chính thức chấm dứt từ ngày 30/3/2024.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00