Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 06/3/2024

Điểm báo ngày 06/3/2024

I. Vấn đề về dự trữ nhà nước

1. Báo Người lao động (5/3) có tin “Bắt một Chi Cục trưởng Chi cục Dự trữ nhà nước tỉnh tham ô”; Dân trí (6/3) có tin “Bắt chi cục trưởng dự trữ nhà nước Tuyên Quang và thuộc cấp”; Vietnamnet (5/3) có tin “Bắt tạm giam 2 cán bộ Chi cục Dự trữ Nhà nước ở Tuyên Quang”; Lao động (5/3) có tin “Bắt giam 2 cán bộ Chi cục Dự trữ Nhà nước tỉnh Tuyên Quang”; Đại đoàn kết (5/3) có tin “Khởi tố, bắt tạm giam Chi Cục trưởng, kế toán trưởng Chi cục Dự trữ nhà nước tỉnh Tuyên Quang”; Thanh niên (5/3) có tin “Bắt Chi cục trưởng Dự trữ nhà nước tỉnh Tuyên Quang” và nhiều báo khách cho biết: Ngày 5/3, Công an tỉnh Tuyên Quang cho đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Văn Đoàn, Chi Cục trưởng Chi cục Dự trữ Nhà nước tỉnh Tuyên Quang và Nguyễn Anh Tuấn, Kế toán trưởng Chi Cục trưởng Chi cục Dự trữ Nhà nước tỉnh Tuyên Quang, về tội tham ô tài sản.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, từ năm 2022, ông Nguyễn Văn Đoàn đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, chỉ đạo và cùng Nguyễn Anh Tuấn làm sai lệch thủ tục đấu thầu, thanh quyết toán tiền bốc xếp gạo và kê lót kho bảo quản gạo do Chi cục quản lý. Từ đó, chiếm đoạt tiền của nhà nước để hưởng lợi cá nhân. Tại cơ quan điều tra, ông Nguyễn Văn Đoàn và Nguyễn Anh Tuấn đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Hiện, vụ án đang được công an điều tra mở rộng.

II. Vấn đề về chính sách thuế

2. Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp (6/3) có bài “Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh – xu hướng tất yếu” dẫn lời bà Vũ Thu Hà - Phó Tổng Giám đốc tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam cho biết, trong lần điều chỉnh gần nhất (năm 2020), mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) tăng khoảng 22% so với mức điều chỉnh năm 2013. Tuy nhiên, nếu ước tính nghĩa vụ thuế TNCN của người nộp thuế, có thể thấy, mức tăng GTGC này cũng chưa tạo ra ảnh hưởng đáng kể về mặt tiết kiệm thuế.

Để kịp thời hỗ trợ người nộp thuế, các nhà hoạch định chính sách cần nghiên cứu và đề xuất mức GTGC cập nhật trước khi Luật thuế TNCN được sửa đổi. Cần nhấn mạnh, việc rà soát và điều chỉnh này nên được tiến hành hàng năm hoặc chu kỳ 2 năm/lần, để kịp thời phản ánh những biến động về môi trường kinh tế, xã hội có ảnh hưởng trực tiếp đến người nộp thuế, thay vì chỉ điều chỉnh khi CPI biến động vượt 20%. Bên cạnh đó, Chính phủ có thể cân nhắc nâng ngưỡng thu nhập tối thiểu bình quân của người phụ thuộc (hiện đang ở mức 1 triệu/tháng) để mở rộng đối tượng người nộp thuế có thể hưởng lợi ích từ chính sách này.

Về lâu dài, lộ trình và cơ chế điều chỉnh mức GTGC cần được xây dựng và phản ánh vào Luật thuế TNCN sửa đổi, cân nhắc thiết kế các hình thức giảm trừ đa dạng hơn thay vì chỉ áp dụng một mức giảm trừ tuyệt đối, cố định như hiện tại.

3. Thời báo ngân hàng (6/3) có bài “Nâng ngưỡng chịu thuế giá trị gia tăng cần sát với thực tế” cho biết: Một trong số những nội dung được dư luận quan tâm trong thời gian qua là mức doanh thu chịu thuế GTGT được đề xuất tăng lên 150 triệu đồng/năm. Với thời giá hiện nay thì mức trên quá thấp, không hợp lý và không công bằng. Do đó, các chuyên gia cho rằng các cơ quan chức năng cần nghiên cứu lại chính sách để tạo sự công bằng giữa các loại hình, quy mô DN.

III. Vấn đề về quản lý thuế

4. Báo Tiền Phong (6/3) có tin “Khánh Hòa: Tập đoàn Phúc Sơn chưa nộp đủ gần 12 nghìn tỷ đồng tiền thuế” cho biết: Theo nguồn tin của Tiền Phong, đến nay Tập đoàn Phúc Sơn mới tạm nộp 376 tỷ đồng nghĩa vụ tài chính tại dự án khu đô thị Nha Trang. Số tiền này được tập đoàn nộp từ năm 2018 và thời gian qua chưa nộp tiếp khi thực hiện dự án này.

Theo thông báo kết luận của UBKTTW và Kết luận của Thanh tra Chính phủ (tháng 6/2021), Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn phải nộp gần 12 nghìn tỷ đồng thực hiện nghĩa vụ tài chính tại dự án trên. UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã có văn bản đề nghị công ty này khẩn trương nộp tiền vào NSNN. Tuy nhiên, theo đại diện Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn, số tiền gần 12 nghìn tỷ đồng mà UBND tỉnh Khánh Hòa thông báo thu hồi “chưa có đầy đủ căn cứ pháp lý” để tính toán, xác định, đảm bảo nguyên tắc ngang bằng giá trong việc thực hiện đầu tư xây dựng các dự án theo hình thức BT mà DN này thực hiện.

UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, Cục CSĐT - Bộ Công an vừa có công văn đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu về Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn.

5. Hà Nội mới (5/3) có tin “Cục Thuế thành phố Hà Nội giải đáp trực tuyến vướng mắc về quyết toán thuế năm 2023”; Dangcongsan.vn (5/3) có tin “Hà Nội hỗ trợ người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế”; Nhân dân (5/3) có tin “Hà Nội giải đáp trực tuyến vướng mắc về quyết toán thuế năm 2023”; Lao động (5/3) có tin “Hà Nội tổ chức đối thoại trực tuyến, hỗ trợ quyết toán thuế cho người dân” cho biết: Ngày 5/3, Cục Thuế TP Hà Nội tổ chức Hội nghị hỗ trợ trực tuyến để tiếp nhận và giải đáp cụ thể, chi tiết các vướng mắc khó khăn của người nộp thuế trong việc tuân thủ chính sách pháp luật thuế, đặc biệt là thủ tục quyết toán thuế.

Ông Vũ Mạnh Cường - Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, Hội nghị có sự tham gia của hơn 200.000 DN, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, người nộp thuế trên địa bàn. Đây sẽ thực sự là kênh hỗ trợ hiệu quả, giúp NNT trên địa bàn hiểu và dễ dàng hơn trong thực hiện chính sách, pháp luật thuế.

IV. Vấn đề về chứng khoán

6. Báo Đầu tư (6/3) có bài “Chứng khoán Việt tăng tốc trên hành trình nâng hạng thị trường” cho biết: Sau hơn chục năm đề cập, nâng hạng thị trường là câu chuyện đang được quan tâm hơn bao giờ hết và có những bước đi rốt ráo. Dự kiến ngay trong tháng 3/2024, UBCKNN sẽ chính thức công khai và lấy ý kiến các thành viên thị trường về Dự thảo sửa đổi Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán và một bản dự thảo thông tư sửa đổi cùng lúc 4 thông tư hướng dẫn. Mục tiêu chính của những thay đổi tại các văn bản pháp lý này là gỡ một phần “nút thắt” trong việc đáp ứng tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán.

Hiện tại, hai dự thảo đã được trình Bộ trưởng Bộ Tài chính và đang thực hiện tiếp các khâu. Mục tiêu được UBCKNN đưa ra là “cố gắng ban hành nghị định sửa đổi trước tháng 8/2024”, đồng nghĩa kịp thời điểm tổ chức xếp hạng thị trường FTSE Russell công bố Báo cáo phân loại thị trường định kỳ nửa năm vào tháng 9/2024.

7. Báo Tuổi trẻ (6/3) có bài “Ngậm trái đắng với “thầy” chứng khoán online” cho biết: Với các chiêu thức không mới như cam kết lợi nhuận khủng, lên tới vài chục lần, thậm chí chia lãi theo ngày, mua cổ phiếu với giá rẻ hơn thị trường, các "thầy" chứng khoán online tiếp tục đưa nhiều nạn nhân vào bẫy khi chứng khoán "nóng" trở lại.

Theo các công ty chứng khoán, không ít đối tượng lừa đảo - chủ các "room", kêu gọi đầu tư với cam kết lợi nhuận khủng từng là nhân viên môi giới hay chuyên viên phân tích công ty chứng khoán, thậm chí là nhà đầu tư lâu năm, có kinh nghiệm đầu tư. Dựa trên sự hiểu biết, thông tin lượm lặt đâu đó, phân tích đánh giá cổ phiếu để lấy lòng tin của nhà đầu tư nhằm mục đích lừa đảo.

UBCKNN cho biết cũng vừa nhận được báo cáo của công ty chứng khoán về việc một số cá nhân giả mạo nhân viên rồi lập hội nhóm Zalo nhằm dụ dỗ, lôi kéo và lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư. Một lãnh đạo của UBCKNN khuyến cáo nhà đầu tư cần cẩn trọng, cân nhắc kỹ để tránh bị lôi kéo, cuốn theo các luồng thông tin trên không gian mạng, các nhóm chat. Các hành vi tung tin đồn sai sự thật, cấu kết, lôi kéo người khác mua bán để thao túng giá chứng khoán là các hành vi bị cấm theo quy định tại Luật Chứng khoán. UBCKNN sẽ tăng cường theo dõi, xử lý thông tin trên không gian mạng.

8. Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp (6/3) có bài “Cần thiết hoàn thiện pháp lý về tiền ảo” dẫn lời luật sư Nguyễn Trọng Hiệp - Giám đốc Công ty Luật HPVN cho rằng, việc thiếu khung pháp lý rõ ràng dẫn đến hệ quả là các quan hệ dân sự như sở hữu, kế thừa, hợp đồng hay bồi thường thiệt hại liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo không có cơ chế để giải quyết một cách phù hợp, đi kèm với đó là nguy cơ rửa tiền…Cần thống nhất ản chất pháp lý, vị trí, vai trò của tài sản ảo, tiền ảo là tài sản pháp định. Việc pháp luật ghi nhậ tài sản ảo, tiền ảo là một loại tài sản là hướng đi phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam hiện nay, cũng như bắt kịp với xu hướng chung của thế giới.

V. Vấn đề về hải quan

9. Dangcongsan.vn (5/3) có tin “Tình hình buôn lậu tiếp tục diễn biến phức tạp” cho biết: Theo Tổng cục Hải quan, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trong tháng 02/2024 tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt tình hình vận chuyển trái phép pháo nổ có chiều hướng gia tăng do đây là tháng cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Trong tháng 02/2024, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 1.222 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 1.671,7 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 8 vụ. Số tiền thu nộp NSNN là 67,6 tỷ đồng. Lũy kế từ ngày 16/12/2023 - 15/02/2024, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 2.475 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 3.289,4 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 03 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 18 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước gần 90,39 tỷ đồng.

Trong đấu tranh phòng, chống ma tuý, tháng 02/2024, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ 29 vụ/12 đối tượng, trong đó cơ quan Hải quan chủ trì 23 vụ. Tang vật thu giữ gồm: 9,7 kg cần sa; 3,15 kg heroin; 30,4 kg ketamine; 119,43 kg ma túy tổng hợp. Lũy kế từ ngày 16/12/2023 đến ngày 15/02/2024, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ 67 vụ/61 đối tượng, trong đó cơ quan Hải quan chủ trì 30 vụ. Tang vật thu gồm: 11,35 kg cần sa; 17,8 kg heroin; 43 kg và 900 viên ketamine; 145,89 kg và 03 viên ma túy tổng hợp; 3,99 gram và 50 viên ma túy khác.

VI. Vấn đề về đầu tư công

10. Thời báo ngân hàng (5/3) có tin “Giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 8,7%” cho biết: Theo báo cáo của Bộ Tài chính về giải ngân vốn kế hoạch năm 2024, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/1/2024 là 31.524,5 tỷ đồng/tổng kế hoạch là 689.775,9 tỷ đồng, đạt 4,57% kế hoạch. Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 29/2/2024 là 59.998,1 tỷ đồng, đạt 8,7% tổng kế hoạch, đạt 9,13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Có 4/44 bộ, cơ quan trung ương và 38/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Có 32 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân là 0%, có 6 địa phương tỷ lệ giải ngân thấp dưới 5%.

Từ kết quả nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục triển khai ngay các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

VII. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

11. VietnamFinance (6/3) có bài “Trái phiếu doanh nghiệp: Thời điểm đảo chiều cho giai đoạn phát triển mới”; Diễn đàn doanh nghiệp (6/3) có bài “Giảm dần rủi ro trái phiếu doanh nghiệp”; Tiền phong (5/3) có tin “Trái phiếu có rủi ro cao ở doanh nghiệp bất động sản, xây dựng” cho biết: Theo số liệu được công ty xếp hạng tín nhiệm Vis Rating công bố trong báo cáo góc nhìn thị trường TPDN 2024, giá trị trái phiếu có rủi ro cao (sẽ chậm trả gốc/lãi) ước tính khoảng 40.000 tỷ đồng đến từ 35 tổ chức phát hành, chiếm 19% tổng lượng trái phiếu đáo hạn. Phần lớn số này là các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng.

Tuy nhiên, giá trị trái phiếu có rủi ro cao năm nay đã thấp hơn đáng kể so với con số 147.000 tỷ của năm 2023. VIS Rating chỉ ra, xu hướng giảm này do dòng tiền từ hoạt động kinh doanh cải thiện và khả năng tiếp cận các nguồn tài chính mới tăng lên, đặc biệt với nhóm ngành có tỷ lệ chậm trả cao như bất động sản, xây dựng và năng lượng, nhờ vào các chính sách hỗ trợ và môi trường lãi suất thấp.

VIS Rating kỳ vọng, kỷ luật thị trường sẽ cải thiện, nhờ các quy định pháp lý chặt chẽ hơn đối với phát hành mới, giám sát công bố thông tin chi tiết và kịp thời hơn, cùng với sự tham gia nhiều hơn của các nhà đầu tư tổ chức. Phát hành trái phiếu riêng lẻ phải công bố thông tin đúng thời hạn về mục đích sử dụng vốn, tình hình trả gốc lãi, tình hình tài chính của tổ chức phát hành. Trái chủ cũng có nhiều kênh thông tin hơn để đánh giá rủi ro trái phiếu bao gồm kết quả xếp hạng tín nhiệm, và thông tin giao dịch trên thị trường thứ cấp.

VIII. Vấn đề về quản lý bảo hiểm

12. Báo Người lao động (6/3) có bài “Bảo hiểm nhân thọ tìm cách sửa sai” cho biết: Doanh số bảo hiểm và niềm tin khách hàng bị sụt giảm nghiêm trọng đã buộc các công ty bảo hiểm nhân thọ phải nhanh chóng “sửa sai”, đưa ra nhiều giải pháp để gây dựng lại thị trường cũng như để tuân thủ các quy định mới của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022. Bài báo dẫn chứng việc nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ứng dụng công nghệ thông tin, siết chặt quy trình kiểm tra độc lập cũng như quá trình tư vấn, cung cấp thông tin cho khách hàng bảo hiểm…

Theo ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, những giải pháp kiểm tra, kiểm soát quy trình tư vấn và phát hành hợp đồng chặt chẽ được các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai là cần thiết, giúp minh bạch và xây dựng lại niềm tin cho khách hàng.

IX. Vấn đề về tài chính doanh nghiệp

13. Báo Đầu tư (6/3) có bài “Bài toán tự chủ của doanh nghiệp nhà nước” cho biết: Mặc dù đã có không ít thay đổi, nhưng khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa được giải bài toán về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, khiến thách thức trong thực hiện nhiệm vụ năm 2024 rất lớn.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00