Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 07/3/2024

Điểm báo ngày 07/3/2024

I. Vấn đề nổi bật

1. Chiều ngày 6/3, Văn phòng Bộ phát đi thông cáo báo chí về tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 2/2024 của Bộ Tài chính, một số báo, tạp chí đã đưa tin về các nội dung này, như:

- Dangcongsan.vn (6/3) có tin “Thu ngân sách đạt hơn 399 nghìn tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm”; Quân đội nhân dân (6/3) có tin “Thu ngân sách nhà nước tháng 2-2024 ước đạt 132,7 nghìn tỷ đồng”; Người đưa tin (6/3) có tin “Thu ngân sách Nhà nước khởi sắc trong 2 tháng đầu năm”; VnEconomy (6/3) có tin “Thu ngân sách 2 tháng đầu năm ước đạt 400.000 tỷ đồng, tăng 10,4%” cho biết: Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tháng 2/2024, thực hiện thu ngân sách nhà nước ước đạt 132,7 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 2 tháng đầu năm ước đạt 399,4 nghìn tỷ đồng, bằng 23,5% dự toán (ngân sách trung ương ước đạt 25,2% dự toán; ngân sách địa phương ước đạt 21,7% dự toán), tăng 10,4% so cùng kỳ năm 2023.

Số thu nội địa 2 tháng đầu năm đạt khá so dự toán và tăng so cùng kỳ chủ yếu do hoạt động của nền kinh tế những tháng đầu năm vẫn duy trì đà tăng trưởng khả quan từ cuối năm trước và tác động tích cực của thị trường tiêu thụ hàng hóa trong dịp Tết nguyên đán; 2 tháng này cũng tập trung thu các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng phát sinh quý IV/2023 theo chế độ nộp ngân sách nhà nước đầu năm 2024.

Luỹ kế chi 02 tháng ước đạt 270,7 nghìn tỷ đồng, bằng 12,3% dự toán, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt gần 60 nghìn tỷ đồng, bằng 8,9% dự toán Quốc hội quyết định, tỷ lệ giải ngân đạt 9,13% kế hoạch vốn đầu tư phát triển Thủ tướng Chính phủ giao; chi trả nợ lãi ước đạt 23% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 13,9% dự toán.

- Baochinhphu.vn (6/3) có tin “Bộ Tài chính: Các thị trường chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu khởi sắc” cho biết: Trong tháng 2, diễn biến thị trường chứng khoán có các phiên tăng, giảm đan xen, nhưng vẫn theo xu hướng tăng.

Tính đến ngày 27/2/2024, VN-Index đạt 1.237,46 điểm, tăng 6,3% so với cuối tháng trước và tăng 9,5% so với cuối năm 2023; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6.360 nghìn tỷ đồng, tăng 7,1% so với cuối năm 2023, tương đương 62,2% GDP ước tính năm 2023.

Hiện có 739 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán, 868 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM và gần 7,4 triệu tài khoản đầu tư chứng khoán; giá trị giao dịch bình quân tháng 2 là 22,4 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 19,6% so với tháng trước; bình quân 2 tháng đầu năm là 20 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với bình quân năm 2023.

Để nâng hạng thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính đã tích cực làm việc với các tổ chức xếp hạng thị trường như FTSE Russell và MSCI nhằm tìm hiểu các tiêu chí phân loại thị trường của các tổ chức này và trao đổi thông tin về các nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý của Việt Nam.

Bộ Tài chính đang tiếp tục hoàn thiện các đề án lớn về chiến lược phát triển thị trường chứng khoán, cơ cấu lại thị trường chứng khoán, thành lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra các công ty đại chúng và tổ chức kinh doanh chứng khoán nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường.

II. Vấn đề về chính sách thuế

2. VOV (6/3) đưa tin “Ngưỡng doanh thu không chịu thuế với hộ kinh doanh thế nào cho hợp lý?”; Thanh niên (6/3) có tin “Ngưỡng tính thuế hộ kinh doanh 150 triệu đồng/năm, chưa áp dụng đã lạc hậu?”; Công an nhân dân (7/3) có tin “Nâng ngưỡng chịu thuế của hộ, cá nhân kinh doanh lên 1,5 lần theo lạm phát”; VnEconomy (6/3) có bài “Ngưỡng thu thuế cá nhân và hộ kinh doanh quá lạc hậu, tranh luận mức thu hợp lý” cho biết: Tại dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Bộ Tài chính đã đề xuất nâng mức doanh thu chịu thuế của hộ, cá nhân kinh doanh từ 100 triệu lên mức 150 triệu đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng mức này lên cao hơn nếu không sẽ nhanh chóng lạc hậu.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cho rằng quy định mức doanh thu 100 triệu đồng/năm đối với cá nhân, hộ kinh doanh đến nay đã lạc hậu, trong bối cảnh các chỉ tiêu về kinh tế, nhất là chỉ số giá tiêu dùng, đã thay đổi nhiều. Để phù hợp với thực tiễn và bảo đảm công bằng cho các hộ kinh doanh, việc xem xét nâng mức doanh thu chịu thuế là việc cần thiết.

Tại công văn gửi Bộ Tài chính góp ý dự thảo luật Thuế GTGT, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh từ 100 triệu đồng/năm lên 150 triệu đồng/năm vẫn tương đối thấp. VCCI cũng đưa ra bài toán so sánh giữa người làm công ăn lương và hộ kinh doanh để thấy sự bất hợp lý.

VCCI đề nghị ngưỡng doanh thu chịu thuế của của hộ, cá nhân kinh doanh từ 180 - 200 triệu đồng mỗi năm. Đồng thời, cân nhắc phân loại theo ngành nghề về phương pháp tính thuế trực tiếp, ví dụ ngành phân phối, cung cấp hàng hóa có ngưỡng cao hơn ngành dịch vụ, xây dựng…

III. Vấn đề về quản lý thuế

3. Báo Người lao động (7/3) có bài “Xuất hóa đơn bán lẻ xăng dầu cấp thiết nhưng vướng đủ thứ” cho biết: Theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngay trong tháng 3 này, 9.500 cửa hàng xăng dầu trên cả nước phải triển khai việc xuất hóa đơn điện tử (HĐĐT), nếu không sẽ bị thu hồi giấy phép. Tuy nhiên, việc triển khai thực tế tại các địa phương cho thấy có rất nhiều nguyên nhân khiến việc nhiều cửa hàng xăng dầu chưa triển khai, áp dụng HĐĐT theo quy định.

Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Yên Bái cho rằng trong quá trình triển khai gặp những khó khăn nhất định khi doanh nghiệp chưa đủ trang thiết bị để in hóa đơn theo từng lần bán hàng; chi phí cho việc in hóa đơn theo từng lần cũng là vấn đề, trong khi khách mua lẻ đa số không có nhu cầu lấy hóa đơn.

Ngoài ra còn phát sinh các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, kiểm định thiết bị trự bơm xăng… Liên quan đến vướng mắc này, Bộ Khoa học và Công nghệ yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp với cơ quan thuế tại địa phương hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tích cực triển khai các giải pháp phù hợp.

4. Báo Đấu thầu (6/3) có tin “67 nhà cung cấp nước ngoài đã kê khai, nộp thuế tại Việt Nam”; Vnmedia (6/3) có tin “Đã có 67 nhà cung cấp nước ngoài kê khai thuế tại Việt Nam”; Báo Thanh tra (6/3) có tin “Các nhà cung cấp nước ngoài nộp 2.030 tỷ đồng tiền thuế”; cho biết: 2 tháng đầu năm 2024, nhà cung cấp nước ngoài nộp 2.030 tỷ đồng tiền thuế. Hiện có 84 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký và được cấp mã số thuế qua Cổng thông tin điện tử. Trong đó, có 67 doanh nghiệp đã kê khai, nộp thuế theo quy định. Trong số này có những ông lớn công nghệ của thế giới như Meta (chủ sở hữu Facebook, Instagram), Microsoft, Google, Apple, TikTok,…

Năm 2024, Tổng cục Thuế triển khai nhiều giải pháp ngăn tình trạng thất thu thuế thương mại điện tử. Tổng cục Thuế cho biết sẽ tiếp tục tăng cường quản lý thuế trên các nền tảng thương mại điện tử. Tổng cục Thuế đề nghị ngân hàng cung cấp thông tin giao dịch thanh toán của nhà cung cấp nước ngoài. Đồng thời đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ dữ liệu nhà cung cấp nước ngoài phát sinh thu nhập tại Việt Nam, cá nhân có doanh thu phát sinh từ quảng cáo để quản lý, chống thất thu thuế.

IV. Vấn đề về chứng khoán

5. Báo Tuổi trẻ (6/3) có tin “Chứng khoán nghẽn lệnh, hàng loạt công ty bất ngờ gián đoạn với HOSE”; Thanh niên (6/3) có tin “Sàn HOSE lại bị nghẽn lệnh, chưa rõ nguyên nhân” “HOSE nói gì về việc nghẽn lệnh trong phiên giao dịch?”; Sài Gòn giải phóng (7/3) có tin “Sàn HOSE lại nghẽn lệnh”; Tiền phong (6/3) có tin “HoSE lên tiếng về sự cố nghẽn lệnh chứng khoán”; Tiền phong (6/3) có tin “HoSE nghẽn lệnh”; Lao động (6/3) có tin “Sau 3 năm lại nghẽn lệnh, HOSE vẫn khẳng định hệ thống hoạt động bình thường”; VnEconomy (6/3) có tin “HoSE: Đang phối hợp với FPT để kiểm tra xác định nguyên nhân gây nghẽn lệnh”; Dân trí (6/3) có tin “HoSE: Sự cố giao dịch chứng khoán chập chờn đang được xác định nguyên nhân” và nhiều báo khác cho biết: Trong phiên giao dịch ngày 6/3, nhiều nhà đầu tư chứng khoán đã gặp tình trạng đặt lệnh khó khăn, không thể đặt lệnh mua hay bán cũng như sửa lệnh trên sàn HOSE. Đặc biệt, khi mở cửa đợt giao dịch buổi chiều, nhiều công ty chứng khoán đã bất chợt bị mất kết nối với sàn HOSE nên lệnh giao dịch của nhà đầu tư cũng không thể hiển thị được.

Một số công ty chứng khoán đã thông báo với nhà đầu tư về sự cố nghẽn lệnh này nhưng cũng có những công ty chỉ thông tin qua các nhân viên môi giới. Tình trạng nghẽn lệnh diễn ra trong gần 1 giờ và được khắc phục dần dần. Đến sau 14 giờ, việc kết nối đã thực hiện trở lại ở hầu hết các công ty chứng khoán.

Trong thông tin báo chí phát đi chiều cùng ngày, HOSE cho biết vào đầu phiên giao dịch chiều ngày 06/3, kết nối từ hệ thống của một số công ty chứng khoán đến hệ thống của HOSE có hiện tượng chập chờn. Qua phiên giao dịch ATC, việc kết nối đã ổn định.

Hệ thống giao dịch trong phiên giao dịch ngày 06/3 hoạt động bình thường. Theo thống kê của HOSE, tổng số lệnh của toàn thị trường phiên giao dịch ngày 06/3 là 1.177.809 lệnh (bình quân của 10 phiên giao dịch liền trước: 1.142.638 lệnh).  HOSE hiện đang phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận hành hệ thống để kiểm tra, xác định nguyên nhân.

6. Báo Đại đoàn kết (7/3) có bài “Tín hiệu tích cực của thị trường chứng khoán” cho biết: Thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu tích cực. Tính từ đầu năm, thị trường đã tăng trưởng 12%, đây là mức tăng trưởng khá khả quan. Theo ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường Công ty CP Chứng khoán VPBankS, lãi suất huy động tiếp tục ở mức thấp vẫn là yếu tố tích cực để tạo sự xoay chuyển dòng vốn từ nơi hiệu quả thấp sang nơi hiệu quả cao hơn. Thị trường chứng khoán vẫn là nơi đón dòng tiền này.

Năm 2024 là năm chuyển dịch khi lợi nhuận tạo đáy từ năm 2023 sẽ tăng trưởng trở lại cao hơn so mức nền thấp. Đà phục hồi thị trường chứng khoán đang trong xu hướng mới, đến từ hai hướng: định hướng chính sách và sự phục hồi của doanh nghiệp. Hai yếu tố này bảo đảm cho thị trường năm nay tăng trưởng khá tốt. Dự báo chỉ số VN-Index có thể đạt được từ 1.326-1.350 điểm, là mức cao trong năm nay.

V. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

7. Báo Tin tức (7/3) có bài “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Nhà đầu tư không còn 'ham' lãi suất cao” cho biết: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang phát hành trái phiếu với lãi suất 10-15%/năm, cao hơn nhiều lãi suất tiền gửi ngân hàng, nhưng vẫn không thu hút được nhà đầu tư. Các chuyên gia cho rằng, một số vụ vi phạm tại các doanh nghiệp lớn diễn ra trên thị trường, cùng việc nhiều doanh nghiệp khó khăn trả nợ gốc và lãi trái phiếu đến hạn khiến giới đầu tư e ngại khi lựa chọn trái phiếu, mặc dù lãi suất cao.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00