Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 11/3/2024

Điểm báo ngày 11/3/2024

I. Vấn đề về thuế

1. Báo Thanh niên (11/3) có bài “Giá vàng đang tăng phi mã, thuế vào cuộc” cho biết: Giá vàng liên tục phá các kỷ lục cao nhất từ trước đến nay với biên độ giữa giá mua và giá bán từ 1-3%. Không chỉ về giá, thị trường vàng còn nóng hơn khi có sự vào cuộc của cơ quan chức năng. Mới đây, Tổng cục Thuế có công văn yêu cầu các Cục Thuế địa phương tăng cường công tác quản lý thuế với hoạt động mua bán vàng, bạc, đá quý.

Đề cập đến thuế GTGT, bài báo cho biết, nhìn lại hiện nay, cách tính thuế GTGT với DN mua bán, chế tác vàng, đá quý là phương pháp trực tiếp. Tức là thuế GTGT bằng giá trị tăng thêm (giá bán – giá mua) nhân với thuế suất. DN phải có giá mua và bán mới có thể tính được thuế phải nộp. Điều này, đòi hỏi DN phải xuất hóa đơn mới có thể thực hiện đúng quy định về thuế.

Theo ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP HCM, vừa qua một số DN đã triển khai thực hiện kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế. Tuy nhiên, số lượng DN kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế chưa nhiều và họ chỉ xuất hóa đơn khi có yêu cầu của người tiêu dùng. Thực tế, người tiêu dùng không lấy hóa đơn khi mua vàng, bạc, đá quý là tương đối phổ biến. Đây là lỗ hổng khiến thất thu thuế trong lĩnh vực này khá lớn.

Tại Dự thảo Luật Thuế GTGT, Bộ Tài chính đề xuất giữ nguyên cách tính thuế GTGT trực tiếp như hiện nay. Tuy nhiên, theo tỉnh Quảng Nam, hiện nay mặt hàng vàng, bạc, đá quý là hàng hóa đặc biệt, vừa là hàng hóa, vừa là phương tiện thanh toán, rất khó kiểm soát giá. Các giao dịch mua bán vàng, bạc, đá quý thường là giao dịch nhỏ, lẻ, không có đủ hóa đơn, chứng từ đầu vào. Đồng thời, GTGT của vàng, bạc, đá quý giữa giá bán ra với giá mua vào tại một thời điểm mức chênh lệch không cao. Vì vậy, áp dụng phương pháp trực tiếp trên GTGT thì khó quản lý, dẫn đến thất thu NSNN. Góp ý Dự thảo Luật Thuế GTGT, tỉnh Quảng Nam đề nghị áp dụng phương pháp tính thuế GTGT theo tỷ lệ % trên doanh thu với DN có hoạt động mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý. Đồng thời, quy định mức tỷ lệ % trên doanh thu riêng đối với hoạt động kinh doanh mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý (không áp dụng tỷ lệ của các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ).

Tương tự, Cần Thơ cũng có kiến nghị nên quy định tính thuế đối với lĩnh vực này theo phương pháp trực tiếp theo doanh thu hoặc theo phương pháp khoán thuế quy định tại Luật Quản lý thuế. Thêm vào đó, quy định bắt buộc đối tượng này phải thực hiện hóa đơn điện tử từ máy tính tiền.

Thế nhưng, Bộ Tài chính cho rằng, không có cơ sở để đưa ra mức tỷ lệ đối với hoạt động kinh doanh mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý. Ngoài ra, doanh thu của hoạt động này rất lớn, nên theo đó, đề nghị giữ như dự thảo.

Cũng liên quan đến Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi), Thời báo Ngân hàng (11/3) có bài “Xuất khẩu dịch vụ lo thuế chồng thuế” thông tin: Hiện nay, dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương. Đáng chú ý, trong dự thảo này, Bộ Tài chính sửa đổi Điều 9.1 theo hướng đánh thuế đối với hầu hết dịch vụ xuất khẩu, mà không cho phép hưởng thuế suất 0% như trước đây.

Trong văn bản góp ý với Bộ Tài chính, VCCI cho rằng, khi phải chịu thuế suất 10%, các DN Việt Nam cung cấp dịch vụ cho thị trường nước ngoài sẽ mất lợi thế cạnh tranh với các đối thủ đến từ các quốc gia khác. Theo VCCI, đa số các quốc gia đều áp thuế suất 0% cho dịch vụ xuất khẩu và cho phép DN được hoàn thuế đầu vào và chưa có trường hợp nào đánh thuế đối với dịch vụ xuất khẩu.

Các chuyên gia trong lĩnh vực thuế cho rằng, Bộ Tài chính cần nghiên cứu các hướng dẫn của OECD về thuế GTGT đối với dịch vụ và hàng hóa vô hình trong thương mại quốc tế để ban hành các tiêu chí nhằm xác định địa điểm tiêu dùng dịch vụ. Việc ban hành bộ tiêu chí này cần thực hiện sớm và song song với hoạt động tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn luật để tránh chồng chéo, thiếu đồng bộ về pháp lý khi các quy định mới về thuế GTGT được sửa đổi và chính thức được Quốc hội ban hành.

2. Báo Tuổi trẻ (9/3) có bài “Vụ Tập đoàn Phúc Sơn: Bắt Bí thư, Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc và Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi” cho biết: Ngày 8/3, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam với bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc, ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc để điều tra về tội nhận hối lộ trong vụ án liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn.

Trước đó, ngày 26/2, ông Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn bị bắt với cáo buộc để ngoài sổ sách kế toán doanh thu, gây thiệt hại cho NSNN. Cơ quan điều tra bước đầu xem xét hai dự án ở Vĩnh Phúc song đã xác định nhóm lãnh đạo, cán bộ của Tập đoàn Phúc Sơn bỏ ngoài sổ sách, không kê khai tài chính, trốn thuế gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 640 tỷ đồng. Tập đoàn Phúc Sơn còn đang nợ thuế hàng chục ngàn tỷ đồng. Theo Trung tướng Tô Ân Xô, có trách nhiệm của cơ quan quản lý khi không kiểm kê tài chính, năng lực của doanh nghiệp, mặc dù không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính và thuế nhưng công ty vẫn được hoạt động…

3. Báo Tiền phong online (10/3) có bài “Tổng cục Thuế thông tin về 'lùm xùm' của doanh nghiệp ở Kiên Giang”; Người lao động (10/3) có bài “Diễn biến bất ngờ vụ Công ty Phú Cường Kiên Giang bị cho là nợ thuế” cho biết: Tổng cục Thuế vừa có công văn trả lời Cục Thuế tỉnh Kiên Giang về việc khoanh tiền thuế nợ đối với tiền sử dụng đất khi xác định lại giá về chuyển mục đích sử dụng đất, đối với trường hợp của Công ty Phú Cường Kiên Giang.

Tổng cục Thuế dẫn Điều 83 Luật Quản lý thuế, quy định có 5 trường hợp được khoanh tiền nợ thuế, nhưng trường hợp của Công ty Phú Cường Kiên Giang không thuộc các trường hợp trên. Cục Thuế tỉnh Kiên Giang đã ban hành Thông báo 1340 ngày 3/7/2023 về nộp tiền thuê đất nhưng quá thời hạn quy định (quá 90 ngày), Công ty Phú Cường Kiên Giang chưa nộp nên công ty phải nộp tiền chậm nộp theo quy định.

Trước đó, qua thanh tra, Thanh tra tỉnh Kiên Giang cũng kết luận, Công ty Phú Cường Kiên Giang thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch sử dụng đất tại khu đất ký hiệu BT31 thuộc Khu I, Khu đô thị mới Phú Cường, TP. Rạch Giá làm thay đổi mục đích sử dụng đất. Công ty đã lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và đã có thông báo nộp tiền sử dụng đất của Cục Thuế tỉnh, với số tiền hơn 46,4 đồng, đến nay công ty chưa nộp.

Sau khi báo chí phản ánh liên quan đến kết luận thanh tra, Công ty Phú Cường Kiên Giang có thông cáo báo chí phản hồi vụ việc. Theo Công ty Phú Cường Kiên Giang, số tiền nộp thuế chuyển mục đích sử dụng đất là "quá cao, giá tính chưa phù hợp", nên công ty đã gửi kiến nghị đến UBND tỉnh Kiên Giang xem xét định giá lại…

4. Báo Sài gòn giải phóng (10/3) có tin “Cả nước còn hơn 9.000 cửa hàng chưa xuất hóa đơn bán lẻ xăng dầu từng lần” cho biết:  Theo Tổng cục Thuế, đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có 7.542 cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu xuất hóa đơn điện tử cho từng lần bán hàng theo quy định. Như vậy, đến nay còn 9.458 cửa hàng xăng dầu chưa thực hiện. Tổng cục Thuế đang yêu cầu Cục Thuế các địa phương thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, cụ thể hóa kế hoạch để đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy định xuất hóa đơn cho từng lần bán lẻ xăng dầu.

II. Vấn đề về kho bạc Nhà nước

5. Báo Đại biểu Nhân dân (11/3) có bài “Bổ sung tiện ích, hỗ trợ người dùng dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước” cho biết: Năm 2023, KBNN đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức kiểm soát chi. Đến nay, 100% đơn vị đã tham gia giao dịch trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, trừ khối an ninh quốc phòng, chiếm 99,5% hồ sơ kiểm soát chi NSNN, 100% các thủ tục hành chính lên mức độ 4.

Đáng chú ý, KBNN đã hoàn thiện liên thông dữ liệu giữa các hệ thống công nghệ thông tin phục vụ kiểm soát chi đầu tư, góp phần đẩy nhanh tốc độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Đẩy mạnh thanh toán tự động điện nước, viễn thông thông qua ủy quyền của các đơn vị sử dụng ngân sách. Hoàn thành kiểm thử dịch vụ thanh toán, chi trả cho cá nhân qua tài khoản mở tại ngân hàng thương mại của đơn vị giao dịch tham gia dịch vụ công trực tuyến. Kiểm thử chương trình quản lý văn bản điều hành tập trung; đưa vào hoạt động hệ thống giám sát các hệ thống thông tin của KBNN. Thời gian tới, KBNN sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo điều kiện thuận tiện hơn nữa cho các đơn vị sử dụng ngân sách và KBNN.

III. Vấn đề về hải quan

6. Báo Công an nhân dân (11/3) có tin “Bán gần 18.000 sản phẩm quần áo không khai báo với Hải quan” cho biết: Công an tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 3 bị can về tội “Buôn lậu” theo quy định tại Điều 188 Bộ luật Hình sự xảy ra tại Công ty TNHH MTV Takson Huế. Qua điều tra xác minh ban đầu cho thấy, Công ty Takson Huế đã mở tờ khai hải quan nhập khẩu hàng hóa là nguyên liệu vải và các loại phụ liệu, mã loại hình nhập khẩu E21 (là loại nhập nguyên liệu, vật tư để gia công cho nước ngoài) để gia công, sản xuất sau đó xuất trả lại hàng thành phẩm sang nước ngoài.

Tuy nhiên, đối tượng Kang Myung Gyu (Giám đốc công ty) đã bàn bạc với Vũ Thị Nguyệt (thông dịch viên) và Nguyễn Ngọc Hiệp (nhân viên) đem bán với số lượng lớn gần 18.000 sản phẩm quần áo (là thành phẩm được sản xuất từ các nguyên phụ liệu nhập khẩu từ nước ngoài) ra thị trường nội địa Việt Nam mà không khai báo với cơ quan hải quan.

Hiện nay cơ quan Công an đang tạm giữ toàn bộ các sản phẩm quần áo trên và tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý các đối tượng theo quy định pháp luật.

IV. Vấn đề về đầu tư

7. Thời báo Ngân hàng (11/3) có bài “Đầu tư công: Để đạt mục tiêu, cần sớm hóa giải vướng mắc”; Tiền phong (11/3) đưa tin “Phân bổ vốn đầu tư công: Nguy cơ tốc độ “rùa bò” thông tin: Theo Bộ Tài chính, ước thanh toán vốn đầu tư công của cả nước đến ngày 29/2/2024 là trên 59.998 tỷ đồng; đạt 8,7% tổng kế hoạch vốn; đạt 9,13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số liệu này cho thấy giải ngân đã cao hơn cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức. Điển hình như còn tới 40 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng đầu năm dưới mức trung bình của cả nước. Bên cạnh đó, tình hình thực hiện các dự án trọng điểm cũng còn nhiều khó khăn.

Để công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2024 thuận lợi, đạt tỷ lệ theo đúng mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đặt ra là đạt 95%, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, cơ quan trung và địa phương báo cáo phương án xử lý cụ thể đối với các vướng mắc liên quan. Ngoài ra, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục triển khai ngay các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; đôn đốc tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ….

Trao đổi với báo Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công là tiền đề, quyết định tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Cùng quy định pháp luật nhưng nhiều địa phương phân bổ vốn sớm, giải ngân vốn tốt. Trong khi, không ít địa phương khác “xí phần” vốn rồi chưa phân bổ chi tiết sẽ tiềm ẩn nguy cơ lãng phí. Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm tình trạng chậm phân bổ vốn đầu tư công. Việc phân bổ vốn, giải ngân vốn phải gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Tránh tình trạng, vốn đầu tư công “nằm kho” tiềm ẩn nguy cơ lãng phí.

V. Vấn đề về quản lý giá

8. Các báo: Vnexpress, Đại đoàn kết, VTC news (9, 11/3) có bài “Đề xuất phương thức cùng điều hành giá điện”, Công an nhân dân (10/3) có bài “Bộ Công Thương đề xuất điểm mới trong điều hành giá điện” cho biết: Bộ Công Thương vừa có báo cáo số 36/BC-BCT về Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, tại báo cáo này, Bộ Công Thương nêu rõ: Bộ Công Thương sẽ là cơ quan "chủ trì kiểm tra, rà soát"; còn Bộ Tài chính giữ vai trò là cơ quan "quản lý nhà nước về giá"; các bộ, cơ quan liên quan phối hợp theo "chức năng, nhiệm vụ" được giao và quy định của pháp luật.

Báo cáo cũng nêu rõ, trong trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương sẽ yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thuê tư vấn độc lập để thẩm tra báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN cùng các đơn vị thành viên.

Trước đó, trong quá trình xây dựng dự thảo sửa đổi Quyết định 24, Bộ Tài chính từng đề nghị không quy định trách nhiệm phối hợp của Bộ Tài chính tại dự thảo Quyết định và bỏ nội dung "Tập đoàn Điện lực Việt Nam gửi hồ sơ báo cáo phương án giá điện tới Bộ Tài chính". Thay vào đó, Bộ Tài chính chỉ phối hợp trong những trường hợp có biến động bất thường, hoặc tác động lớn.

Riêng đề xuất về mức điều chỉnh giá điện được Bộ Công Thương bảo lưu tại tờ trình báo cáo này. Tức là, khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng. Còn khi giá điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá hiện hành thì được phép điều chỉnh tăng. Trường hợp giá điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với mức hiện hành, có ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, kiểm tra rà soát, gửi lấy ý kiến các cơ quan liên quan và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

VI. Vấn đề về chứng khoán – trái phiếu doanh nghiệp

9. Báo Đại đoàn kết (9/3) có tin “Chứng khoán hút nhà đầu tư” cho biết: Theo Tổng công ty Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, số lượng tài khoản của nhà đầu tư chứng khoán trong nước đã tăng thêm 113.175 tài khoản trong tháng 2/2024, thấp hơn so với tháng đầu năm. Dù vậy, con số này vẫn phản ánh lượng nhà đầ tư tham gia thị trường khá tích cực khi tháng 2 chỉ có 29 ngày, đồng thời trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài.

Như vậy, sau giai đoạn sụt giảm do hoạt động rà soát và thanh lọc của các cơ quan chức năng về dữ liệu người tham gia chứng khoán, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư chứng khoán đã tăng trở lại trong 3 tháng gần đây.Tính đến cuối tháng 2/2024, Việt Nam có gần 7,5 triệu tài khoản chứng khoán cá nhân, tương đương khoảng 7,5% dân số.

10. Báo Công Thương (10/3) có bài “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn ảm đạm, chỉ phát hành được 1.165 tỷ đồng trong tháng 2/2024” cho biết: Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho biết, trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục tình trạng phát hành ảm đạm trong tháng 1, giá trị phát hành trong tháng 2 vẫn ở mức rất thấp so với mặt bằng năm 2023 khi một số điều trong Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực trở lại. Trong tháng 2/2024 chỉ có ba đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thành công với trị giá 1.165 tỷ đồng.

Một dữ liệu khác về trái phiếu doanh nghiệp do WiGroup tổng hợp cho thấy, ngành bất động sản và ngành ngân hàng vốn là những đối tượng phát hành trái phiếu chính trên thị trường chưa cho thấy hoạt động phát hành mới. Các doanh nghiệp thực hiện phát hành trái phiếu mới trong tháng 2 thuộc về ngành công nghiệp. Các doanh nghiệp thực hiện phát hành trái phiếu mới tháng 2 chủ yếu nằm ở kỳ hạn trung và dài hạn.

VII. Vấn đề về quản lý công sản

11. Báo Đại đoàn kết (9/3) có tin “Xử lý dứt điểm khu “đất vàng” 152 Trần Phú, TPHCM” cho biết: Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc báo cáo kết quả thực hiện Kết luận thanh tra tại Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba).

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an, SCIC, UBND TPHCM, UBND TP Hà Nội, Vinataba và các Bộ, ngành, địa phương liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền khẩn trương thực hiện đầy đủ, dứt điểm các nội dung kết luận, kiến nghị tại kết luận thanh tra số 966/KL-TTCP ngày 20/9/2022 của Thanh tra Chính phủ.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00