Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 12/3/2024

Điểm báo ngày 12/3/2024

I. Vấn đề về thuế                                                         

1. Báo Lao động (12/3) có tin“Sợ bị rút giấy phép, cây xăng rốt ráo xuất hóa đơn điện tử” cho biết: Kết luật phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 2/3, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương phối hợp với cơ quan thuế xử lý các doanh nghiệp (DN) đến hết ngày 31/3 chưa triển khai việc xuất hóa đơn bán lẻ xăng dầu. Chế tài xử lý nặng nhất là yêu cầu DN vi phạm tạm ngừng hoạt động, thu hồi giấy phép, chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Lo bị rút giấy phép, nhiều DN rốt ráo tìm giải pháp nhưng còn gặp vướng liên quan đến kỹ thuật như lựa chọn công nghệ, kiểm định cột bơm. Theo ghi nhận, ngoài hệ thống cửa hàng xăng dầu của Tập đoàn Petrolimex, nhiều cây xăng tư nhân đã áp dụng xuất HĐĐT. Tuy nhiên, đa số người mua xăng dầu ở các cửa hàng bán lẻ là khách sử dụng xe máy nên người mua không mấy quan tâm đến việc nhận hóa đơn.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn, Tổng cục Thuế đã họp với các Cục Thuế địa phương ráo riết kiểm tra việc thực hiện. Cục Thuế địa phương cần tăng cường phối hợp với UBND các tỉnh, nhất là đối với các địa phương có kết quả đạt chưa cao. Các Cục Thuế đạt kết quả chưa cao cần tìm nguyên nhân, từ đó có giải pháp phù hợp để triển khai thực hiện đạt được chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính. Đáng chú ý, ông Tuấn yêu cầu các Cục Thuế thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, báo cáo thời gian, cụ thể kế hoạch về Tổng cục.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty Xăng dầu Hải Âu Phát, các giải pháp quản trị xăng dầu tại các DN như Igas, Egas,…là giải pháp tương đối phù hợp để thực hiện xuất HĐĐT từng lần. Song việc không có các quy trình tiêu chuẩn trong việc xuất HĐĐT từng lần trong xăng dầu dẫn đến mỗi giải pháp lại có quy trình thực hiện khác nhau, không đồng bộ, không tiêu chuẩn. Đó là chưa kể chi phí cho một hóa đơn khi xuất ra lên tới 40-60 đồng cũng là áp lực cho DN. Các giải pháp công nghệ phục vụ HĐĐT như máy POS, camera AI,… chỉ là các giải pháp tình thế bởi không có độ chính xác cao, thao tác vận hành bằng tay mất thời gian, cản trở việc kinh doanh liên tục của DN. Việc các đơn vị cung cấp hóa HĐĐT quy định các gói hóa đơn từ 40 đồng đến 1.500 đồng/hóa đơn là không phù hợp xu thế HĐĐT hiện tại.

Ông Thắng kiến nghị cơ quan quản lý nhà ước cần nhanh chóng điều chỉnh và công bố các quy trình tiêu chuẩn về xuất HĐĐT từng lần trong xăng dầu. Đồng thời, công khai các thủ tục một cửa về xin đăng ký và cấp số HĐĐT, cung cấp cổng kết nối kèm tài khoản. Giá HĐĐT phải đồng bộ về một giá, không quy định gói như hiện tại.

2. Báo Nhân dân (12/3) có bài “Mùa” cao điểm quyết toán thuế 2023” cho biết: Hiện tại đang là cao điểm quyết toán thuế năm 2023. Với đặc thù là Cục Thuế lớn, số lượng người nộp thuế đông, để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, Cục Thuế thành phố Hà Nội tập trung triển khai chương trình “Đồng hành cùng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện quyết toán thuế năm 2023” từ ngày 18/3 đến ngày 2/5 tại Văn phòng Cục và 25 Chi cục Thuế với ba chức năng hỗ trợ về chính sách, hỗ trợ về công nghệ thông tin, hỗ trợ về kê khai thuế.

3. Kênh Truyền hình Thông tấn (12/3) có tin “Không nâng ngưỡng chịu thuế VAT lên 250 triệu” cho biết: Bộ Tài chính không đồng ý nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế VAT với cá nhân, hộ kinh doanh lên 250 triệu đồng hay 300 triệu đồng mà giữ nguyên đề xuất nâng lên mức 150 triệu đồng.

Trước đó, tại Dự thảo Luật Thuế VAT sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất ngưỡng doanh thu chịu thuế VAT với cá nhân, hộ kinh doanh là 150 triệu (tăng 50 triệu đồng so với hiện hành). Nhiều cơ quan, địa phương như Bộ GTVT, VCCI đề nghị nâng mức doanh thu này lên 250 -300 triệu đồng tuy nhiên Bộ Tài chính cho rằng tại dự thảo luật đã dự thảo nâng mức ngưỡng doanh thu chịu thuế VAT của hộ, cá nhân kinh doanh, mức đề xuất này căn cứ vào chỉ số lạm phát và tình hình thực tế. Việc nâng mức doanh thu chịu thuế sẽ ảnh hưởng đến số thu NSNN tại các địa phương, nhất là ở các địa phương có số thu thấp, bên cạnh đó quy định này cũng không khuyến khích các hộ, cá nhân kinh doanh lên DN.

II. Vấn đề về chứng khoán

4. Báo Hà Nội mới (12/3) có bài“Gỡ “nút thắt” nâng hạng thị trường chứng khoán” cho biết: Việt Nam đang phấn đấu để TTCK được nâng hạng vào năm 2025, qua đó kỳ vọng thu hút dòng vốn lớn hơn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Tiến trình này có hai “nút thắt” về ký quỹ trước giao dịch và tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài. Vấn đề này đang được các Bộ, ngành liên quan đẩy mạnh tháo gỡ.

Đại diện UBCKNN cho biết, UBCKNN đã trao đổi với các tổ chức xếp hạng quốc tế để tìm giải pháp cho việc ký quỹ; đồng thời trình Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi bổ sung một số quy định, trước mắt không yêu cầu ký quỹ 100% bằng tiền đối với nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức và phải bảo đảm hoạt động thanh toán.

Về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, UBCKNN cùng với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang rà soát ngành nghề, đồng thời công bố thông tin minh bạch bằng tiếng Anh để nhà đầu tư nắm thông tin tỷ lệ sở hữu của các DN một cách dễ dàng nhất. Cùng với đó là kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, ngành khác tiến hành rà soát các ngành nghề, có thể mở rộng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài với một số ngành nghề không thiết yếu.

UBCKNN sẽ báo cáo Bộ Tài chính sửa đổi quy định công bố thông tin bằng tiếng Anh áp dụng với các công ty đại chúng, công ty niêm yết có quy mô lớn.

5. Báo Tuổi trẻ (11/3) có tin “Chứng khoán lại 'đỏ lửa', phản ứng với thông tin về tín phiếu?” cho biết: Áp lực bán tháo vẫn đè nặng lên TTCK khiến gần 400 mã giảm điểm trên sàn HoSE trong phiên ngày 11/3, VN-Index đóng cửa về mốc 1.235 điểm, giảm gần 12 điểm (0,95%).

Bà Trần Thị Khánh Hiền - giám đốc khối nghiên cứu của Chứng khoán MB (MBS) cho rằng TTCK có sự điều chỉnh là khó tránh. TTCK thế giới cũng có sự điều chỉnh mạnh. Giai đoạn tháng 3-4 thường là thời gian "trống thông tin", thị trường khá "yếu" trong giai đoạn này. Khi thị trường yếu, bất kỳ thông tin gì bất lợi cũng đều khuếch đại và tác động tiêu cực. Thông tin Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu để hút VND chủ yếu làm giảm áp lực lên tỉ giá.

Nhiều chuyên gia chứng khoán cũng cho rằng hoạt động chào thầu tín phiếu chỉ tác động về mặt tâm lý đối với nhà đầu tư, còn chưa có gì đáng lo ngại.

III. Vấn đề về bảo hiểm

6. Tin nhanh chứng khoán (12/3) đưa tin “Sẽ thanh tra việc bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”; Đầu tư online (12/3) có bài “Sẽ thanh tra việc bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài” cho biết: Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của UBTVQH. Bộ trưởng Phớc cho biết: qua phản ánh của báo chí, dư luận, cũng như công tác quản lý, giám sát, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Tài chính đã tăng cường nhiều giải pháp để chấn chỉnh những mặt trái, sai lệch trong triển khai hoạt động khai thác các sản phẩm bảo hiểm trên thị trường bảo hiểm nhân thọ nói chung và kênh bancassurance nói riêng.

Trong năm 2022 và năm 2023, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 10/17 DNBH nhân thọ có triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (có doanh thu phí bảo hiểm khai thác qua kênh bancassurance chiếm 96,83% tổng doanh thu phí khai thác qua kênh bancassurance của cả thị trường bảo hiểm nhân thọ). Qua thanh tra đã phát hiện các hành vi vi phạm qua kênh này: Sai phạm về việc ban hành quy trình, quy chế, sai phạm về việc tuân thủ biểu phí sản phẩm, đại lý bảo hiểm không tuân thủ quy định Công ty và quy định pháp luật. Kiến nghị xử lý về tài chính tổng số tiền là 21.000 tỷ đồng. Xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 DBBH, phạt tiền 310 triệu đồng.

Năm 2024, theo kế hoạch đã được phê duyệt, Bộ Tài chính có kế hoạch thanh tra đối với 6 DNBH, Trong đó sẽ tiến hành thanh tra việc triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 02 DNBH nhân thọ (Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Mirae Asset Prévoir, Công ty TNHH bảo hiểm Cathay Life Việt Nam)

IV. Vấn đề khác

7. Các báo: Pháp luật Việt Nam (12/3) có bài “Cần các sản phẩm nhà ở có giá bán phù hợp, bảo đảm chất lượng”; Lao động (12/3) có bài “Thúc đẩy nhà ở phân khúc bình dân, khắc phục tình trạng thổi giá” cho biết: Ngày 11/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp và trực tuyến của Tổ công tác của Thủ tướng về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho địa phương, doanh nghiệp (gọi tắt là Tổ công tác) sau khi hàng loạt luật sửa đổi như: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Tổ chức tín dụng, Luật Nhà ở được Quốc hội ban hành.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00