Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 14/3/2024

Điểm báo ngày 14/3/2024

I. Vấn đề Quốc hội quan tâm

1. Báo Tiền phong (14/3) có tin “Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét nhiều dự luật”; Quân đội nhân dân (14/3) có tin “Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 31 xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng” và một số báo khác cho biết: Ngày 14/3, UBTVQH sẽ khai mạc phiên họp thứ 31, xem xét, cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng. Tại phiên họp này, UBTVQH sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong ngày 18/3, với hai nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính và ngoại giao. Trong lĩnh vực tài chính, trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Hai Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Lê Minh Khái cùng các Bộ trưởng, trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

2. Một số báo chiều ngày 13-14/3 tiếp tục khai thác thông tin về lĩnh vực tài chính ngân hàng và bảo hiểm được đề cập tại báo cáo của Bộ Tài chính gửi các Đại biểu Quốc hội chuẩn bị cho phiên chất vấn tại UBTVQH ngày 18/3 tới, như báo: Thanh tra (14/3) có bài “Bộ trưởng Bộ Tài chính nói về kinh doanh casino, đặt cược bóng đá quốc tế”; Tuổi trẻ (14/3) có bài “Casino cho người Việt vào chơi, vì sao lỗ?”; Congly.vn (13/3) có bài “Casino thí điểm cho người Việt vào chơi lỗ lũy kế hơn 3.700 tỷ đồng”; VnExpress (13/3) có bài “Casino ở Phú Quốc lỗ hơn 3.700 tỷ đồng sau 4 năm”; Tiền phong (13/3) có bài “Casino đầu tiên cho người Việt vào chơi lỗ lũy kế 3.724 tỷ đồng”; Vtcnews.vn (13/3) có bài “Dự án thí điểm cho người Việt vào chơi casino lỗ hơn 3.700 tỷ đồng”; Tạp chí Tài chính doanh nghiệp (14/3) có bài “Bộ Tài chính: Phát triển thị trường bảo hiểm bền vững không thể ngày một, ngày hai” và một số báo khác.

- Về tài chính ngân hàng: Các báo cho biết, theo báo cáo hiện có 9 dự án casino đang hoạt động, gồm 6 casino quy mô nhỏ, 3 casino quy mô lớn. Năm 2019-2021, doanh thu từ hoạt động kinh doanh casino bị sụt giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, không có khách nước ngoài vào chơi. Từ năm 2022, khách nước ngoài bắt đầu quay trở lại. Năm 2023, nộp ngân sách là 2.541 tỉ đồng, tăng 56% so với thực hiện năm 2022, bằng 1,8 lần so với trước khi xảy ra dịch và đã tạo ra khoảng 8.500 việc làm.

Năm 2016, Bộ Chính trị cho phép thí điểm cho người Việt vào chơi casino tại Phú Quốc và Vân Đồn trong 3 năm. Nhưng mới có casino tại Phú Quốc hoạt động từ đầu năm 2019. Bộ Tài chính cho biết casino này ghi nhận doanh thu 6.400 tỷ đồng trong 4 năm (2019-2023), trong đó một phần ba đến từ nguồn thu năm 2023, khoảng 2.180 tỷ. Kinh doanh khởi sắc trong năm ngoái, nhưng dự án casino đầu tiên cho người Việt vào chơi lỗ lũy kế 3.720 tỷ đồng sau 4 năm hoạt động. Nguyên nhân lỗ do dự án có chi phí khấu hao, trả lãi giai đoạn đầu lớn và khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (giai đoạn 2019-2021).

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng thông tin định hướng trong thời gian tới, chỉ cấp phép kinh doanh casino cho các dự án quy mô lớn tại các khu dịch vụ, du lịch, thương mại, vui chơi giải trí tổng hợp với tổng mức đầu tư tối thiểu là 2 tỉ USD. Chỉ được tổ chức kinh doanh casino sau khi dự án đã giải ngân tối thiểu 50% tổng vốn đầu tư. Địa điểm kinh doanh casino được Bộ Chính trị chấp thuận đối với từng dự án cụ thể và phải được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư...

- Về bảo hiểm: Các báo cho biết, theo Bộ Tài chính, thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp làm việc, cung cấp thông tin với các cơ quan của Bộ Công an nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh. Bộ Tài chính cũng đã chuyển các đơn thư có nội dung phản ánh các hành vi có dấu hiệu hình sự sang cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật….

Để đạt được mục tiêu phát triển chất lượng, bền vững, thì không thể thay đổi ngay trong “ngày một, ngày hai” mà cần một quá trình, làm từng bước. Trong thời gian tới, thị trường bảo hiểm Việt Nam đặt chất lượng phát triển lên hàng đầu, nhưng để “hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ”, cần các giải pháp đồng bộ từ cả phía cơ quan quản lý, sự chung tay vào cuộc thực sự của cả các doanh nghiệp bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và người tham gia bảo hiểm.

Về phía cơ quan quản lý, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến sản phẩm bảo hiểm, công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp bảo hiểm để người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin khi tìm hiểu, lựa chọn cho mình sản phẩm bảo hiểm phù hợp. Cơ quan quản lý đã và tiếp tục yêu cầu rà soát, tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm và tiến hành xử lý nghiêm minh nếu phát hiện các trường hợp đại lý bảo hiểm sai phạm quy định pháp luật…

II. Vấn đề về thuế, phí, lệ phí

3. Báo Đại đoàn kết (14/3) có bài “Cần thiết điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh” cho biết: Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2024, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu và đề xuất việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh nhằm đảm bảo thuế thu nhập cá nhân phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội. Đây cũng là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của người nộp thuế khi mức giảm trừ gia cảnh hiện tại được cho là không phù hợp.

Theo bà Vũ Thu Hà, Phó Tổng Giám đốc tư vấn thuế của Deloitte Việt Nam, cơ chế và các hình thức giảm trừ thuế TNCN hiện hành của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa đa dạng và chưa mang tính thực tiễn cao. Việc chỉ sử dụng CPI 20% để xem xét điều chỉnh chưa hoàn toàn phản ánh khách quan mức sống của người dân do CPI được tính dựa trên các nhóm mặt hàng và dịch vụ cố định trong khi đó luôn xuất hiện các mặt hàng mới, đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ mới có lượt mua cao trên thị trường mà CPI chưa kịp cập nhật, dẫn tới chỉ số CPI được tính toán có thể không thể hiện được sức mua của đồng tiền. Việc xem xét điều chỉnh và cập nhật mức giảm trừ gia cảnh hiện nay là cần thiết. Bên cạnh đó, Chính phủ cân nhắc nâng ngưỡng thu nhập tối thiểu bình quân của người phụ thuộc (hiện đang ở mức 1 triệu đồng/tháng) để mở rộng đối tượng người nộp thuế có thể hưởng lợi ích từ chính sách này. Về lâu dài, lộ trình và cơ chế điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cần được xây dựng và phản ánh vào Luật Thuế TNCN sửa đổi. Bên cạnh đó, cân nhắc thiết kế các hình thức giảm trừ đa dạng hơn thay vì chỉ áp dụng một mức giảm trừ tuyệt đối, cố định như hiện tại.

Cũng theo bà Hà, để có phương án và lộ trình điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp và hiệu quả, cần cân nhắc nhiều yếu tố. Trong đó, cần đánh giá tác động của việc điều chỉnh này đến nguồn thu NSNN. Thực tế, những lần điều chỉnh giảm trừ gia cảnh trước đây không tạo ra bất lợi về thu NSNN, hơn thế, còn có tác dụng khuyến khích mức độ tuân thủ của người nộp thuế, về tổng thể có thể giúp tăng nguồn thu NSNN.

4. Báo Đại đoàn kết (14/3) có bài “Bác đề xuất áp thuế VAT với hoạt động kinh doanh vàng theo doanh thu” cho biết: Để quản lý thuế, chống thất thu NSNN với hoạt động mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý, nhiều ý kiến đề xuất sử dụng phương pháp tính thuế trên doanh thu, khoán thuế cũng như quy định tỷ lệ thuế thay vì phương pháp tính trực tiếp như đề xuất của Bộ Tài chính. Bài báo dẫn ý kiến của tỉnh Quảng Nam, TP Cần Thơ, TP Hải Phòng về nội dung này.

Tuy vậy, Bộ Tài chính cho rằng, quy định như vậy sẽ rất phức tạp, khó khăn cho công tác quản lý. Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị hoạt động kinh doanh, chế tác vàng, bạc, đá quý chỉ áp dụng một phương pháp trực tiếp.

5. Báo Quân đội nhân dân (14/3) đưa tin “Đơn giản hóa thủ tục quản lý thuế” cho biết: Tính đến hết năm 2023, trên cả nước có hơn 6,2 tỷ hóa đơn điện tử (HĐĐT) được tiếp nhận và xử lý. Việc sử dụng HĐĐT trên cả nước góp phần giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh giảm chi phí quản lý, sử dụng hóa đơn, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, giảm thiểu rủi ro so với sử dụng hóa đơn giấy.

Nhằm cải thiện những vấn đề phát sinh từ thực tiễn của các doanh nghiệp và cơ quan thuế trong quá trình sử dụng HĐĐT, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ. Dự thảo Nghị định tập trung sửa đổi, bổ sung một số nhóm nội dung liên quan đến người nộp thuế, nhằm bảo đảm tính minh bạch, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, đơn giản hóa thủ tục thực hiện.

Theo các chuyên gia, việc sớm hoàn thiện khung pháp luật cho công tác triển khai HĐĐT có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế sẽ thu hút người dân cùng tham gia vào quá trình quản lý thuế. Việc sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền sẽ tạo sự yên tâm cho người mua hàng hóa, dịch vụ, bởi sau khi nhận HĐĐT, khách hàng có thể kiểm tra ngay trên hệ thống của cơ quan thuế để biết chính xác thông tin hóa đơn người bán khai báo với cơ quan thuế và thông tin người bán cung cấp cho người mua.

III. Vấn đề về quản lý giá

6. Báo Pháp luật Việt Nam (14/3) có bài “Đề xuất nhiều quy định mới về kinh doanh xăng dầu” cho biết: Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu mới đang được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến được đánh giá có nhiều điểm mới đáng chú ý.

Trong Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu (KDXD), Bộ Công Thương đưa ra điều kiện đối với thương nhân đầu mối KDXD “là thương nhân phân phối xăng dầu tối thiểu trong 3 năm liền kề, không bị cơ quan quản lý nhà nước xử lý vi phạm, trong đó có hình thức tước Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu”.…

Đáng chú ý, Dự thảo quy định “thương nhân đầu mối KDXD, thương nhân phân phối xăng dầu thực hiện điều chỉnh giá bán xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần, bắt đầu tính từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành. Trường hợp thời gian điều chỉnh giá trùng vào ngày cuối cùng của năm âm lịch, việc điều chỉnh giá xăng dầu được thực hiện vào ngày liền kề trước đó. Nếu thời gian điều chỉnh giá rơi vào ngày mùng 1, mùng 2 hoặc mùng 3 Tết, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu được thực hiện vào ngày mùng 4 Tết.

Một điểm mới nữa là việc quy định mức chi phí kinh doanh. Trong đó, quy định “trường hợp tỷ lệ % chi phí kinh doanh của doanh nghiệp tăng, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh tỷ lệ % chi phí kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với tình hình thực tế”.

Theo một chuyên gia về quản lý giá, cần áp dụng nguyên tắc giá thị trường đối với KDXD thông qua việc đổi mới căn bản và thực chất việc giao quyền định giá, thỏa thuận về giá và cạnh tranh về giá. Cần bãi bỏ toàn bộ các quy định hiện hành về việc Nhà nước công bố các chỉ tiêu tính giá để DN thực hiện. Thay vào đó, Nhà nước điều tiết giá chủ yếu bằng giải pháp điều hòa cung - cầu, thuế, phí và các biện pháp tài chính, tiền tệ khác…

7. Báo Nhân Dân (14/3) có bài “Nghiên cứu xóa bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu” cho biết: Theo quy định tại Luật Giá (Luật số 11/2012/QH13), việc áp dụng biện pháp lập Quỹ bình ổn giá là có thời hạn. Tuy nhiên, hiện vẫn được áp dụng thường xuyên, liên tục, đồng thời theo quy định, việc quản lý Quỹ bình ổn giá đang được giao cho nhiều cơ quan tham gia như Bộ Tài chính chủ trì, Bộ Công thương phối hợp,… Việc này đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được xử lý kịp thời cùng sự đùn đẩy trách nhiệm, buông lỏng quản lý gây ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Kết quả thanh tra ngày 4/1/2024 của Thanh tra Chính phủ cho thấy, Bộ Công Thương chưa có ý kiến kịp thời để sửa đổi, bổ sung về phương pháp xác định mức trích, chi quỹ tính cho một đơn vị sản lượng, khi bình ổn giá theo Thông tư liên tịch số 39/2014/TT/BCT-BTC quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng quỹ và điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Thông tư số 103/2021/TT-BCT, dẫn đến từ năm 2017 đến năm 2021, liên bộ Công Thương-Tài chính quyết định mức trích, chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu thiếu cơ sở pháp luật.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu đùn đẩy trách nhiệm; thiếu quy định, quy chế phối hợp trong quản lý cũng như chậm xử lý vi phạm về quỹ của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu dẫn đến 7/15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu sử dụng quỹ sai mục đích bình ổn giá, không kết chuyển về tài khoản quỹ mà để lại tài khoản thanh toán của DN thường xuyên, trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả lại quỹ với số tiền hơn 7.927 tỷ đồng,…

Việc điều hành và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian qua chưa phát huy hiệu quả. Quỹ hoạt động theo nguyên tắc trích lập trước để chi sau qua giá, không giúp hạ thấp chi phí xăng dầu. Trong khi các nước chuyển sang dự trữ bằng nguồn xăng dầu, Việt Nam lại dự trữ bằng Quỹ bình ổn giá và những gì xảy ra đã được dự báo từ trước.

Về lâu dài, Nhà nước cần nghiên cứu xóa bỏ quỹ này để thị trường xăng dầu trong nước vận hành theo cơ chế thị trường và tiệm cận dần với giá xăng dầu trên thị trường thế giới.

IV. Vấn đề về chứng khoán - tài chính ngân hàng

8. Báo Tiền phong (14/3) có bài “Tiền ảo, tài sản ảo – Quản hơn cấm”; Báo Người lao động (14/3) có bài “Hoàn thiện quy định về tài sản ảo để chống rửa tiền” cho biết: Ngày 13/3, tại Hội thảo góp ý xây dựng khung pháp lý tài sản ảo và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo do Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, việc cấm tài sản ảo là không khả thi, thay vào đó, cần nhanh chóng ban hành quy định quản lý phù hợp với tiêu chuẩn phòng chống rửa tiền của Lực lượng Đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền nhằm đưa Việt Nam ra khỏi “danh sách xám”.

Bộ Tài chính cho biết, khung pháp lý cho tài sản ảo, tiền ảo là vấn đề khó, có nhiều rủi ro. Một số nước trên thế giới đã công nhận tiền ảo, tài sản ảo và cho giao dịch. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chưa công nhận tiền ảo là tài sản. Muốn được giao dịch, tiền ảo phải được công nhận (tài sản), để lập sàn giao dịch, tổ chức giao dịch, đưa ra các quy định pháp lý.

Tại Quyết định số 194 ngày 23/2/2024 về kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh tài sản ảo trongtháng 5/2025.

Về phía nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) CoinEx cho biết việc hoàn thiện khung pháp lý theo hướng tạo điều kiện tích cực cho các VASP hoạt động và phát triển sẽ khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, đưa Việt Nam thành điểm đến công nghệ trong khu vực…

9. VnEconomy (14/3) có bài “Áp lực đáo hạn trái phiếu thực chất sẽ cao hơn so với con số 279.000 tỷ” cho biết: Năm 2024 ước tính có khoảng 279 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, với hơn 115 nghìn tỷ là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên số liệu trên chưa tính những khoản đáo hạn 'lần 2' sau khi được gia hạn, nên áp lực đáo hạn trong năm nay thực chất sẽ cao hơn...

10. Báo Thanh tra (14/3) có tin “Nhiều tổ chức, cá nhân bị xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán” cho biết: Theo số liệu tổng hợp, trong tháng 2/2024, UBCKNN và Thanh tra UBCKNN xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với 31 tổ chức, cá nhân với số tiền gần 8,5 tỷ đồng, ngoài ra còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc cải chính thông tin theo quy định tại khoản 6 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại điểm d khoản 33 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP. Đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán có thời hạn theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 33 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 27 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP.

V. Vấn đề về quản lý tài sản công

9. Báo Đại đoàn kết (14/3) có bài “Lúng túng trong khai thác tài sản công” cho biết: Qua hoạt động giám sát, chính quyền nhiều quận, huyện của TP HCM thừa nhận còn lúng túng trong khai thác tài sản công.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00