Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 25/3/2024

Điểm báo ngày 25/3/2024

I. Vấn đề về thuế

1. Đại đoàn kết (25/3) có bài “Thu hẹp phạm vi áp dụng thuế VAT 0% với dịch vụ xuất khẩu”, Thời báo ngân hàng (25/3) có bài “Dự thảo luật thuế giá trị gia tăng: Lo tăng gánh nặng, giảm khả năng cạnh tranh” cho biết: Tại Hội nghị Thủ tướng gặp mặt cộng đồng DN FDI và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) mới đây, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) cho biết, vào tháng 12/2023, UBTVQH đã đưa nội dung sửa đổi Luật Thuế VAT hiện hành vào kế hoạch ban hành luật năm 2024 và trong dự thảo sửa đổi có bổ sung Điểm a Khoản 1 Điều 9: “Bãi bỏ áp dụng thuế suất thuế VAT 0% đối với dịch vụ tiêu dùng trong khu phi thuế quan”.

Điều này khiến cho nhiều DN, hiệp hội và chuyên gia lo ngại nếu một số quy định tại dự thảo sửa đổi Luật Thuế VAT được giữ nguyên như hiện nay, khi luật được thông qua sẽ làm tăng chi phí, tác động tiêu cực đến sức cạnh tranh xuất khẩu và làm ảnh hưởng tới cả chuỗi cung ứng của Việt Nam.

Theo ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, Quốc hội và Bộ Tài chính cần đánh giá tác động tổng thể và tham khảo kinh nghiệm quốc tế về thuế VAT trước khi quyết định thực hiện thu hẹp phạm vi áp dụng thuế suất VAT 0% với dịch vụ xuất khẩu, vì thực tiễn đã áp dụng thuế suất thuế VAT 0% cho dịch vụ xuất khẩu nhiều năm nay, việc thay đổi có thể làm ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của môi trường đầu tư và tác động trực tiếp đến chi phí và vận hành của các doanh nghiệp (DN) FDI hiện nay.

Bên cạnh đó, Luật Thuế VAT chưa có quy định rõ ràng về việc xác định dịch vụ xuất khẩu. Do dịch vụ có tính vô hình, nên rất khó xác định một số loại dịch vụ được tiêu dùng tại Việt Nam hay ở nước ngoài, gây tranh cãi cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế trong việc đánh giá, chứng minh dịch vụ như thế nào được xem là “tiêu dùng ngoài lãnh thổ Việt Nam”.

Thực tế, cơ quan thuế và DN gặp vướng mắc trong quá trình quản lý cũng như hướng dẫn DN thực hiện áp dụng thuế VAT 0%, DN cũng gặp khó khăn khi thực hiện hoặc thêm nghĩa vụ chứng minh, giải trình, và trong một số trường hợp phát sinh thêm chi phí thuế, giảm sức cạnh tranh.

Bởi vậy, cần xem xét thận trọng để điều chỉnh quy định phù hợp tại Dự thảo Luật Thuế VAT (sửa đổi), đảm bảo hài hòa từ cả góc độ quản lý thuế và chi phí kinh doanh của DN. Deloitte cũng đã kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá kỹ tác động kinh tế của việc thu hẹp đối tượng dịch vụ được xác định là dịch vụ xuất khẩu để đảm bảo chính sách thuế VAT được sửa đổi một cách toàn diện nhưng không gây xáo trộn hoạt động đầu tư và kinh doanh của DN.

2. Báo Thanh niên (25/3) có bài “Thuế thu nhập cá nhân đã quá lạc hậu” cho biết: Thuế TNCN đã lạc hậu lại có nguy cơ càng lạc hậu hơn khi từ ngày 1/7, lương cơ bản chính thức tăng. Thế nhưng, mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ Tài chính vẫn cho biết tới năm 2025 mới điều chỉnh ngưỡng thuế này.

Thời gian qua, nhiều chuyên gia kinh tế, ĐBQH đã kiến nghị cần phải sửa đổi thuế TNCN khi nhiều quy định đã lạc hậu. Mới nhất, trong phiên chất vấn của UBTVQH ngày 18/3 vừa qua, nhiều đại biểu phản ánh mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) cho người nộp thuế TNCN hiện nay không còn phù hợp với các chỉ số lạm phát tăng và tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, theo kế hoạch, sắp tới trong năm 2025 Bộ Tài chính mới bắt đầu sửa luật Thuế TNCN. Lúc đó mới xây dựng lại yếu tố về GTGC trình Chính phủ, Chính phủ trình với UBTVQH. Dự kiến sau khi Quốc hội ban hành quy định sửa đổi thì đến năm 2026, các quy định hiện tại mới được thay đổi.

Chuyên gia về thuế, luật sư Trần Xoa cảm thán người lao động nghe lương tăng chưa kịp mừng thì đã phải đóng thuế tăng theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Tăng 10 đồng, đóng thuế đến mấy đồng thì còn gì mà vui? Đó là chưa kể, tiền lương tăng lên, giá hàng hóa tiêu dùng cũng tăng, dẫn đến phần chi tiêu cho cuộc sống hằng ngày cũng gia tăng qua các năm. Ông Trần Xoa cho rằng quy định mức GTGC hiện nay đã lạc hậu mà chờ đến năm 2025 mới sửa và qua năm 2026 mới áp dụng thì thật sự quá lâu. Việc sửa luật Thuế TNCN là sửa tổng thể, liên quan đến nhiều quy định khác nhau còn riêng mức GTGC đã lạc hậu, tồn tại từ nhiều năm và các cơ quan bộ ngành ai cũng thấy thì nên sửa ngay chứ không nên chờ.

3. Thời báo ngân hàng (25/3) có bài “Nhiều vướng mắc hóa đơn mùa quyết toán thuế” cho biết: Mặc dù ngành thuế các địa phương đã rất tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thực hiện quyết toán thuế, nhưng còn nhiều vướng mắc liên quan tới hóa đơn; nhất là về thời điểm xuất hóa đơn, đối tượng xuất hóa đơn, xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, xử lý hóa đơn đối với doanh nghiệp bị cảnh báo rủi ro…vẫn đang gặp nhiều vướng mắc.

Do đó, các doanh nghiệp đề nghị ngành Thuế các địa phương cần tăng cường nhiều hơn các hoạt động đối thoại, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể để các doanh nghiệp, người dân kịp thời cập nhật, giảm áp lực quá tải khi vào mùa cao điểm quyết toán hàng năm.

4. Thời báo ngân hàng (25/3) có bài “Doanh nghiệp phân bón mong được điều chỉnh lãi suất” cho biết: Hiệp hội Phân bón Việt Nam và nhiều chuyên gia kiến nghị cơ quan quản lý và đề xuất sửa đổi Luật Thuế GTGT theo hướng đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT 0% thay cho không chịu thuế, hoặc quay trở lại tỷ lệ 5% như trước đây. Đồng thời, các nhà sản xuất phân bón muốn giảm thuế xuất khẩu về 0% trong bối cảnh một số loại phân bón trong nước sản xuất đã dư cung, cần khuyến khích xuất khẩu.

5. Báo Tuổi trẻ (25/3) đưa tin “Cảnh báo nạn giả danh cán bộ thuế để chiếm đoạt tiền”, VTV.vn (23/3) đưa tin “Cảnh báo giả danh cơ quan thuế để lừa đảo trong tháng cao điểm quyết toán thuế”, Thời báo ngân hàng (23/3) đưa tin “Cảnh báo những hành vi giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế để lừa đảo”, báo Đại đoàn kết (24/3) đưa tin “Cảnh báo thủ đoạn giả danh cán bộ thuế để lừa đảo” cho biết: Ngày 23/3, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã phát đi cảnh báo hành vi giả danh cán bộ thuế để lừa đảo dịp quyết toán thuế. Mặc dù các cục thuế trong cả nước thường xuyên cảnh báo, tuyên truyền về các hình thức giả danh cán bộ thuế để lừa đảo, nhưng vẫn có người dân mắc bẫy các đối tượng này, nhất là trong tháng 3 là tháng cao điểm quyết toán thuế. Thủ đoạn chính của các đối tượng lừa đảo đó là giả mạo cán bộ thuế để gọi điện thoại, nhắn tin, kết bạn Zalo, cung cấp đường link và hướng dẫn người nộp thuế quyết toán thuế, hướng dẫn cài đặt các phần mềm giả mạo ứng dụng của cơ quan thuế, nhằm lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng với mục đích chiếm đoạt tài sản.

Trước tình trạng trên, Tổng cục Thuế khẳng định: “Không ủy quyền cho bất cứ công ty hoặc cá nhân ngoài ngành Thuế nào thực hiện thu thuế hộ. Đồng thời cảnh báo đến doanh nghiệp, người nộp thuế, khi nhận được các cuộc gọi như trên cần liên hệ trực tiếp với cơ quan thuế qua các kênh chính thức để được hỗ trợ, tránh bị kẻ gian lợi dụng lừa đảo”.

6. Báo Công an nhân dân (25/3) có bài “Xử lý nghiêm doanh nghiệp chây ỳ, nợ thuế” cho biết: Thời gian gần đây, nhiều tỉnh, thành phố ở khu vực Bắc miền Trung đều hụt thu ngân sách, trong đó có nguyên nhân là một số công ty, doanh nghiệp chây ỳ nợ thuế. Lãnh đạo một số địa phương và ngành thuế đang có những biện pháp quyết liệt để thu hồi thuế cho NSNN như thông báo công khai trên các phương tiện truyền thông đơn vị nợ thuế; đóng băng tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp nợ thuế; cấm chủ doanh nghiệp nợ thuế xuất cảnh…Cách làm quyết liệt về việc thu ngân sách của một số tỉnh đã từng bước mang lại kết quả nhất định, trong đó Quảng Bình là một địa phương điển hình.

            7. Báo Sài gòn Giải phóng (24/3) có tin “Hàng loạt giám đốc doanh nghiệp ở tỉnh Bình Phước bị đề nghị tạm hoãn đi nước ngoài”, Báo Công thương (23/3) có tin “Bình Phước: Hàng loạt giám đốc doanh nghiệp bị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế’ cho biết: Cục Thuế tỉnh Bình Phước vừa có thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với một số giám đốc doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn với lý do nợ thuế. Cục Thuế tỉnh Bình Phước nêu rõ, thời hạn đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp trên từ ngày ra thông báo đến khi đã thực hiện hoàn tất việc cưỡng chế thu hồi số tiền nợ.

II. Vấn đề về hải quan

8. Báo Sài Gòn giải phóng (25/3) có tin “Bắt 2 cán bộ Hải quan cửa khẩu cảng Phú Mỹ nhận hối lộ”, Báo điện tử Vietnamnet (23/3) có tin “Công an TP.HCM khởi tố 2 cán bộ hải quan Vũng Tàu về tội nhận hối lộ”, baotintuc.vn (24/3) có tin “Khởi tố hai cán bộ Hải quan Cửa khẩu Cảng Phú Mỹ về tội nhận hối lộ”, Báo Tiền phong (23/3) có tin “Khởi tố 2 cán bộ Hải quan Cửa khẩu Cảng Phú Mỹ”, báo Thanh tra (23/3) có tin “Hai công chức Hải quan Cửa khẩu Cảng Phú Mỹ bị khởi tố tội "Nhận hối lộ"” và nhiều báo đưa tin cho biết: Ngày 23/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC03 - Công an TP Hồ Chí Minh) cho biết đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với Hồ Việt Tân (SN 1963, quê tỉnh Tiền Giang) và Bùi Huỳnh Bá Phước (SN 1984, quê tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), cùng là công chức Hải quan Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Phú Mỹ, Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, về tội “Nhận hối lộ”.

Đây là kết quả của quá trình điều tra, mở rộng vụ án “buôn lậu” dầu FO, DO do đối tượng Lê Tấn Hòa (SN 1976, ngụ tại Quận 7) cùng đồng bọn thực hiện. Với thủ đoạn hoạt động núp bóng pháp nhân Công ty TNHH Vận tải xăng dầu Saigon Transco, chuyên thực hiện các hợp đồng vận chuyển dầu FO, DO (thuộc diện tạm nhập, tái xuất) từ Tổng kho xăng dầu Nhà Bè giao cho các tàu quốc tế (đang neo đậu tại khu vực Sông Đồng Nai, cảng Phú Mỹ - Vũng Tàu, cảng Lotus…), các đối tượng trên đã móc nối với các thuyền trưởng và máy trưởng để mua lại một phần dầu FO, DO thuộc lô hàng vận chuyển cho tàu nước ngoài, sau đó cất giấu vào các khoang bí mật được thiết kế trên salan của Công ty và vận chuyển về tiêu thụ tại thị trường nội địa mà không làm thủ tục khai báo hải quan theo quy định.

Các cán bộ Hải quan bị khởi tố khai nhận đã nhận tiền chung chi của đối tượng Lê Tấn Hòa và các nhân viên Saigon Transco để không thực hiện đầy đủ quy trình giám sát Hải quan theo quy định; tạo điều kiện để Lê Tấn Hòa và đồng bọn mua bán dầu FO, DO từ các tàu quốc tế mà không khai báo hải quan.

III. Vấn đề về dự trữ nhà nước

9. Báo Tiền phong (25/3) có bài “Chậm hỗ trợ gạo cho học sinh: Tổng cục Dự trữ Nhà nước hỏa tốc yêu cầu xuất cấp đúng” thông tin: Sau khi báo Tiền Phong có bài phản ánh việc chậm xuất cấp gạo hỗ trợ học sinh miền núi, nhiều trường học bán trú phải mua nợ gạo giá cao, vay ăn từng ngày, Tổng cục DTNN cho biết, đã có văn bản hỏa tốc gửi các cục DTNN khu vực giao nhiệm vụ xuất gạo rà soát, bảo đảm thực hiện giao gạo theo đúng tiến độ, thời gian.

Những địa phương đã ban hành quyết định phân bổ, tiếp nhận gạo của UBND cấp tỉnh cần khẩn trương lựa chọn đơn vị vận chuyển, tổ chức xuất kho, vận chuyển. Cục DTNN phối hợp chặt chẽ với trường học tiếp nhận gạo. Tại địa phương chưa ban hành quyết định phân bổ, tiếp nhận gạo hỗ trợ, cục DTNN khu vực chủ động có văn bản đề nghị UBND tỉnh khẩn trương ban hành quyết định phân bổ, tiếp nhận gạo. Từ đó, làm căn cứ để thực hiện thủ tục giao, nhận gạo; bảo đảm đúng tiến độ, xong trước ngày 25/4.

IV. Vấn đề về chứng khoán

10. Báo Người lao động (25/3) có bài “Gỡ rào cản cho vốn ngoại vào chứng khoán” cho biết: UBCKNN vừa lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Trong đó, quy định về "giao dịch không ký quỹ 100% tiền của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài" được kỳ vọng thông qua, gỡ nút thắt trong tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo các chuyên gia, tỉ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài hiện chỉ chiếm khoảng 10%-15% TTCK song lại tác động rất lớn đến VN-Index, nhất là tâm lý của nhà đầu tư trong nước. Do đó, việc tháo gỡ nút thắt trong giao dịch ký quỹ cho các nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết để nâng hạng thị trường và thu hút thêm dòng vốn ngoại.

V. Vấn đề về đầu tư

11. Báo Nhân dân (25/3) đưa tin “Đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công”, Chinhphu.vn (24/3) đưa tin “Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công”, báo Công an nhân dân (25/3) đưa tin “Đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công”, báo Quân đội nhân dân (24/3) đưa tin “33.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ, Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ”, Tạp chí Tài chính doanh nghiệp (24/3) đưa tin “Thủ tướng thúc tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công”, Thời báo ngân hàng (24/3) đưa tin “Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công”, báo Sài Gòn giải phóng (25/3) đưa tin “Ưu tiên thực hiện giải ngân vốn đầu tư công” và nhiều báo khác đưa tin cho biết: Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Công điện số 24/CĐ-TTg ngày 22/3/2024 về việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Để phấn đấu đạt kết quả cao nhất (trên 95% kế hoạch giao), Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo KBNN kịp thời thực hiện thanh toán khối lượng hoàn thành, đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến của KBNN nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí của các chủ đầu tư, công khai minh bạch quá trình xử lý hồ sơ tại cơ quan kiểm soát thanh toán; chỉ đạo các đơn vị chức năng bảo đảm nguồn thanh toán cho các dự án; kịp thời xử lý các vướng mắc về thanh, quyết toán, đàm phán, ký kết hiệp định, rút vốn từ nhà tài trợ; khẩn trương rà soát và phê duyệt vốn kế hoạch đầu tư công nguồn NSNN hằng năm trên Tabmis theo đúng quy định; Phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Bộ KHĐT trong việc rà soát, tổng hợp giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024…

12. Báo Nhân dân (25/3) đưa tin “Đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công” cho biết: Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Tài chính đánh giá việc nhiều bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ một lượng vốn tương đối lớn đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm. Bộ Tài chính cũng chỉ ra ba nhóm vướng mắc, khó khăn chủ yếu đang ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đó là những bất cập trong công tác phân bổ vốn và những vướng mắc liên quan các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia.

VI. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

13. Báo Thanh niên (24/3) có bài “Điều gì xảy ra nếu tòa tuyên trái phiếu Tân Hoàng Minh vô hiệu?”; Đầu tư (25/3) có bài “Hợp đồng mua bán trái phiếu của Tân Hoàng Minh là vô hiệu”; Lao động (24/3) có bài “Vụ Tân Hoàng Minh, tranh luận về đề nghị trả tiền lãi mua trái phiếu”; Người lao động (24/3) có tin “Vụ Tân Hoàng Minh: Nhà đầu tư lấy lại tiền bị chiếm đoạt như thế nào?” cho biết: Tại phiên tòa xét xử vụ án Tân Hoàng Minh, đại diện Viện KSND TP.Hà Nội (VKS) nhận định việc phát hành 9 lô trái phiếu rồi bán cho nhà đầu tư của Tập đoàn Tân Hoàng Minh là trái quy định pháp luật, nên phải thu hồi và tiêu hủy. Do đó, hợp đồng mua bán giữa nhà đầu tư với Tập đoàn Tân Hoàng Minh là vô hiệu, cần giải quyết theo quy định về giao dịch vô hiệu.

Hiện cơ quan tố tụng đang tạm giữ hơn 8.600 tỉ đồng, gồm: gần 3.000 tỉ đồng thu hồi trong quá trình điều tra và hơn 5.600 tỉ đồng do bị cáo Dũng cùng gia đình tự nguyện nộp. Số tiền này đủ để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án. Căn cứ khoản 2 điều 47 và khoản 1 điều 48 bộ luật Hình sự (về việc trả lại tài sản đã bị chiếm đoạt cho chủ sở hữu), đại diện VKS đề nghị xử lý để bồi thường cho các bị hại.

Theo luật sư Nguyễn Thị Mai, Công ty luật Hà Trọng đại, số lượng các bị hại trong vụ án rất lớn, lên tới 6.630 người, rất dễ nhầm lẫn thông tin trong quá trình giải quyết vụ án. Do đó, các bị hại cần nhanh chóng rà soát, đối chiếu thông tin cá nhân của mình trong hồ sơ vụ án, có những kiến nghị sửa đổi, bổ sung đến thư ký phiên toàn để chỉnh sửa, điều chỉnh kịp thời. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, các bị hại cần liên hệ với Cục Thi hành án dân sự có thẩm quyền để làm thủ tục yêu cầu thi hành án, hoàn trả toàn bộ số tiền được bồi thường theo nội dung đã thể hiện trong phần trách nhiệm dân sự của bản án

VII. Vấn đề khác

14. Báo Người lao động (23/3) có bài “Triển khai chương trình phục hồi kinh tế còn hạn chế”, daibieunhandan.vn (24/3) có bài “Quyết sách đúng đắn, kịp thời, có nhiều đổi mới, sáng tạo của Quốc hội”, baodauthau.vn (25/3) có bài “Đánh giá kỹ việc thực hiện cơ chế đặc thù tại Nghị quyết 43/2022/QH15” cho biết: Ngày 22/3, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc với Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KTXH và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00