Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 27/3/2024

Điểm báo ngày 27/3/2024

I. Vấn đề về thuế

1. Báo điện tử Vietnamnet (27/3) có bài “Cần giảm thuế thu nhập cá nhân, xóa giảm trừ 'cào bằng'” thông tin: Việc giữ quy định về thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sau nhiều năm chưa thay đổi khiến người nộp thuế đã và đang rơi vào tình cảnh thu không đủ chi nhưng vẫn phải đóng thuế.

Chia sẻ với phóng viên Vietnamnet, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng, những bất cập của sắc thuế liên quan đến đời sống người dân, khiến họ bức xúc cần sớm thực hiện, càng nhanh càng tốt. Đáng lẽ phải xem xét từ mấy năm rồi chứ không thể chờ theo chương trình sửa đổi luật đến năm 2026 mới thực hiện. Theo luật sư, Luật thuế TNCN cần phải sửa tổng thể những điểm cơ bản nhất để tránh chuyện vừa sửa xong đã lạc hậu.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng, biểu thuế quá nhiều mức, cần xem lại để giảm bớt bậc thuế. Theo ông, chỉ nên để 4 hoặc 5 bậc và khoảng cách giữa các bậc thuế cũng nên giãn ra, mức thuế suất phải thay đổi thấp đi để phù hợp xu hướng chung. Mức thuế suất ở bậc cao nhất đang là 35% - mức rất cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới; cần xem lại cho phù hợp.

2. Diễn đàn doanh nghiệp (27/3) đưa tin “Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi): Doanh nghiệp chế xuất “khó chồng khó”” cho biết: Trong khi vẫn đang “gặp khó” với các quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) hiện hành thì doanh nghiệp chế xuất tiếp tục đối diện với “khó chồng khó”, vì sẽ bị tăng chi phí trong năm tính thuế với quy định tại dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi.

Trao đổi với Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp, bà Nguyễn Hải Vân, Phó Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam nhận định, một số vấn đề về thuế GTGT áp dụng với doanh nghiệp chế xuất cần phải nghiên cứu để có hướng xử lý phù hợp, tránh việc doanh nghiệp “khó chồng khó”. Trong nội dung sửa đổi Luật thuế GTGT, nhóm đối tượng áp dụng thuế suất GTGT 0% được áp dụng cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu đã bị thu hẹp và thậm chí đã loại bỏ nhóm dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp chế xuất. Điều này khiến các doanh nghiệp nội địa cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp chế xuất sẽ phải xuất hóa đơn GTGT 10%. Vấn đề này đi ngược lại nguyên lý địa điểm tiêu dùng trong thuế GTGT cung cấp cho khu phi thuế quan, tương đương xuất khẩu, dẫn tới doanh nghiệp chế xuất phải ghi nhận giá trị thuế GTGT lớn vào chi phí vì không có cơ chế hoàn. Hệ quả là dòng tiền của các doanh nghiệp chế xuất bị ảnh hưởng, sức cạnh tranh giảm, dẫn đến tình trạng lỗ do tỷ suất lợi nhuận thường nhỏ hơn 10%. Việc loại bỏ nhóm dịch vụ cung cấp cho khu phi thuế quan ngay lập tức sẽ gây nên ảnh hưởng tài chính sâu rộng và tâm lý kinh doanh của các nhà đầu tư.

3. Diễn đàn doanh nghiệp (27/3) đưa tin “Trên 92% cửa hàng, doanh nghiệp đã xuất hóa đơn điện tử từng lần bán hàng”, báo Công thương (26/3) đưa tin “92% cửa hàng bán lẻ xăng dầu phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán”, Báo Công an nhân dân (27/3) có tin “1.254 cửa hàng xăng dầu chưa phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng”, qdnd.vn (26/3) có tin “Cần xử lý 1.254 cửa hàng xăng dầu chưa thực hiện xuất hóa đơn điện tử” cho biết: Theo Tổng cục Thuế, tính đến ngày 24/3, 92,2% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước với 14.727 cửa hàng đã phát hành hóa đơn điện tử cho từng lần bán hàng. Như vậy, còn 1.254 cửa hàng, chiếm 7,8% chưa thực hiện việc xuất hóa đơn điện tử cho từng lần bán hàng.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ tháng 2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu giải quyết dứt điểm việc phát hành hóa đơn điện tử trong bán lẻ xăng dầu trong tháng này.

Theo đó, đến 31/3 xem xét xử lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không thực hiện quy định về hóa đơn điện tử, trong đó có cả việc yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận kinh doanh theo quy định.

4. Nhandan.vn (25/3) có bài “Điều tra, khám phá vụ án “In, mua bán trái phép hóa đơn” và “Trốn thuế” với tổng số tiền 730 tỷ đồng” cho biết: Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Hà Nam vừa khởi tố vụ án “In, mua bán trái phép hóa đơn” và “Trốn thuế” xảy ra từ năm 2022 trên địa bàn tỉnh Hà Nam; ra các quyết định khởi tố bị can đối với Lê Thị Hậu và 12 bị can khác để điều tra về hành vi bán trái phép 1.500 hóa đơn giá trị gia tăng cho hơn 300 đơn vị, cá nhân tại nhiều tỉnh, thành phố với tổng số tiền hàng hóa, dịch vụ ghi trên hóa đơn khoảng 730 tỷ đồng.

5. Laodong.vn (26/3) có bài “Doanh nghiệp nợ thuế nhưng không thể chuyển hồ sơ sang công an” cho biết: Ngày 26/3 Cục Thuế tỉnh Ninh Bình cho biết, hiện nay, tổng số nợ thuế của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chiếm khoảng 2% so với dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Đinh Nam Thắng - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Ninh Bình cho biết, thời gian qua, Cục Thuế tỉnh Ninh Bình đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đầy đủ các giải pháp theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và UBND tỉnh Ninh Bình đối với công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

“Theo quy định thì những đơn vị nào trốn thuế, kê khai thiếu số tiền thuế phải đóng, gian lận thuế... thì mới chuyển hồ sơ sang công an được. Còn lại các đơn vị nợ thuế thì theo quy định không chuyển hồ sơ sang cơ quan công an được - điều này cũng gây khó khăn cho công tác thu hồi nợ đọng thuế hiện nay” - ông Thắng cho hay.

6. Diễn đàn doanh nghiệp (27/3) đưa tin “Kỷ nguyên xe máy điện khi nào sẽ đến?” cho biết: Các doanh nghiệp tỏ ra lạc quan khi Việt Nam đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tiêu thụ xe máy điện. Dư địa thị trường còn rất lớn để các hãng xe đầu tư. Tuy nhiên, lộ trình chuyển đổi vẫn chưa cụ thể và rõ ràng. Trong khi các nước lân cận như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ…đang rất quyết liệt chuyển dịch phương tiện chạy điện, thì Việt Nam vẫn “đủng đỉnh”.

Đến nay, xe máy điện nhận được nhiều hỗ trợ. Việt Nam chưa có chính sách hỗ trợ người dân mua xe máy điện. Hiện xe máy điện vẫn chịu lệ phí trước bạ và phí cấp biển như xe máy xăng. Về phía doanh nghiệp sản xuất lắp ráp, nhập khẩu linh kiện phải chịu thuế suất 20%, không nhận được hỗ trợ về hạ tầng… Chính vì thế, giá xe máy điện còn khá cao so với xe máy xăng.

II. Vấn đề về chứng khoán

7. Báo Người lao động (27/3) có bài “Cảnh báo về bảo mật sau vụ VNDirect bị tấn công”; Tuổi trẻ (27/3) có bài “Chứng khoán tăng đối phó với tấn công mạng” cho biết: Tính đến chiều tối 26/3, tức hơn 2 ngày sau khi hệ thống của công ty chứng khoán VNDirect và các đơn vị liên quan bị tin tặc nước ngoài đánh sập, các nhà đầu tư vẫn chưa thể truy cập vào website và ứng dụng của các công ty này để kiểm tra tài khoản.

Liên quan đến những thiệt hại của khách hàng, ông Nguyễn Vũ Long, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán VNDirect khẳng định về mặt nguyên tắc, toàn bộ quyền lợi của nhà đầu tư mở tài khoản đều được bảo đảm. Đồng thời, sau quá trình khắc phục, công ty sẽ có những chính sách để bảo đảm thêm quyền lợi cho khách hàng, giúp nhà đầu tư có thể khắc phục được hậu quả trong những ngày không giao dịch.

Đánh giá về sự cố này, ông Huỳnh Minh Tuấn, sáng lập và điều hành Công ty CP FIDT, cho rằng VNDirect thuộc tốp 3 thị phần công ty chứng khoán nên việc ảnh hưởng tới thị trường là không tránh khỏi. Việc cổ phiếu VND của VNDirect sụt giảm 2 ngày qua phần nào phản ánh sự thất vọng và lo lắng của nhà đầu tư. Sự vụ cũng cho thấy khi quy mô thị trường ngày càng lớn thì yêu cầu về bảo mật đối với các thành viên giao dịch trên thị trường phải siết chặt để tránh những sự cố tương tự.

Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cũng nhấn mạnh sau vụ việc này, các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề an ninh mạng, bởi sự cố tương tự có thể xảy ra với bất cứ tổ chức tài chính nào trên thế giới. Do vậy, các công ty chứng khoán cần rút ra được bài học để nâng cao quy trình bảo mật của mình.

Ngay sau sự cố của VNDirect, các công ty chứng khoán đều tập trung rà soát vấn đề bảo mật, tổ chức các cuộc diễn tập hoạt động khôi phục và ứng phó với tình huống bị tấn công mạng, do lo ngại sẽ là mục tiêu của các hacker.

III. Vấn đề về hải quan

8. Báo Pháp luật Việt Nam (27/3) có bài “Lựa chọn ngân hàng làm đại lý hoàn thuế VAT cho người nước ngoài” thông tin: Tổng cục Hải quan mới thông báo lựa chọn ngân hàng làm đại lý hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nước ngoài tại sân bay quốc tế Đà Nẵng. Theo đó, Tổng cục Hải quan đã gửi danh sách 32 ngân hàng thương mại đã phối hợp thu ngân sách nhà nước để các ngân hàng nghiên cứu đăng ký tham gia làm đại lý hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho người nước ngoài tại sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Theo Tổng cục Hải quan, ngày 31/5/2014, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 72/2014/TT-BTC quy định về hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang theo khi xuất cảnh được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 92/2019/TT-BTC. Theo đó, sân bay quốc tế Đà Nẵng là sân bay quốc tế áp dụng việc hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

9. Báo Công an nhân dân (27/3) có tin “Việt Nam tăng nhập khẩu xăng dầu từ Malaysia” thông tin: Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam trong tháng 02/2024 tăng 0,06% về lượng và tăng 4,3% về kim ngạch so với tháng trước đó, đạt 743.919 tấn, trị giá 617,03 triệu USD. Tính chung trong 02 tháng đầu năm 2024, lượng xăng dầu nhập khẩu đạt 1.480.983 tấn, trị giá 1,2 tỷ USD, giảm 19,8% về lượng và giảm 26,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam nhập khẩu xăng dầu nhiều nhất từ Malaysia trong 02 tháng đầu năm 2024, chiếm hơn 38-39% trong tổng lượng và kim ngạch nhập khẩu, đạt 583.964 tấn, trị giá 457,2 triệu USD, tăng 80,2% về lượng và tăng 68,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.

IV. Vấn đề về quản lý giá

10. Thanh niên (27/3) có bài “Xăng tăng giá, quỹ bình ổn giá ở đâu?”, Đại đoàn kết (27/3) có bài “Giữ hay bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu?” cho biết: Từ đầu năm đến nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước liên tục tăng với tổng mức tăng gần 4.000 đồng/lít xăng. Trong khi đó, tồn dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu gần 6.700 tỉ đồng lại không được sử dụng…

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nhận xét mục đích quỹ là bình ổn thị trường, song để tồn gần 7.000 tỉ đồng, không được đưa ra sử dụng thì cần đặt vấn đề về trách nhiệm của cơ quan quản lý quỹ. Quỹ BOG xăng dầu là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước, song toàn bộ phần trích lập, chi sử dụng để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá bán xăng dầu trong nước. Nguồn hình thành quỹ bình ổn này được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả (tối đa 300 đồng/lít), nhưng được quản lý tại doanh nghiệp đầu mối và việc sử dụng quỹ do nhà điều hành quyết định.

Theo Bộ Tài chính, việc công khai thông tin về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG xăng dầu được thực hiện theo nguyên tắc công khai minh bạch theo quy định tại Nghị định số 83 và Nghị định 95 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Tuy vậy, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) cho rằng Quỹ BOG chưa được quản lý minh bạch.

Ở một góc nhìn khác, chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh phải có dự trữ bằng vật chất, thay vì bằng tiền. Dự trữ bằng vật chất là xăng dầu thành phẩm, dầu thô… Khi giá thấp, có thể mua vào theo hợp đồng tương lai, giá cao quá mức chịu đựng của nền kinh tế, có thể bán ra. Qua đó, giúp bình ổn được giá bán, vừa có dư địa để bù đắp khi giá thế giới tăng mạnh.

V. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

11. Báo Đầu tư (27/3) có bài “Phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản giảm mạnh: Doanh nghiệp xoay đâu ra tiền trả nợ?” cho biết: Phát hành trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm mạnh trong tháng 3/2024. Dự đoán năm nay, các doanh nghiệp bất động sản sẽ rất vất vả trong việc xoay xở tiền khi đáo hạn trái phiếu.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00