Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 01/4/2024

Điểm báo ngày 01/4/2024

I. Vấn đề nổi bật

Ngày 29/3, Bộ Tài chính tổ chức Họp báo thường kỳ Quý I/2024. Tại buổi họp báo, nhiều vấn đề được dư luận xã hội quan tâm như: Sự cố bị tấn công của Công ty chứng khoán VNDirect; Quản lý tiền ảo, tài sản ảo; tiến độ sửa đổi Nghị định 123/2020 về giao dịch liên kết; các chính sách hỗ trợ thuế, phí cho DN; công bố kết luận thanh tra các DNBH nhân thọ; sửa đổi Luật thuế TNCN; vấn đề mạo danh cán bộ thuế để lừa đảo; việc chuyển đổi mã số thuế cá nhân theo mã định danh công dân; mối quan hệ giữa hai chính sách tài chính và tiền tệ…đã được Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cùng Lãnh đạo một số đơn vị chức năng giải đáp thấu đáo. Cụ thể:

1. Báo Pháp luật Việt Nam (1/4) có bài “Phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa được nâng tầm” cho biết: Trả lời câu hỏi của phóng viên về sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã khẳng định hai chính sách này có mối quan hệ hữu cơ, chặt chẽ và không thể tách rời. Trong bối cảnh chưa từng có tiền lệ, Chính phủ cũng đã sử dụng các chính sách tài khóa, tiền tệ chưa từng có trong tiền lệ để hỗ trợ người dân, DN, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Chính sách tiền tệ thời gian qua đã xoay chuyển linh hoạt trước bối cảnh rất khó khăn, chính sách tài khóa vững vàng hơn vượt qua được khó khăn để có mức tăng trưởng ấn tượng; thành công trong thực hiện các mục tiêu về tài chính - ngân sách nhà nước; nợ công, nợ chính phủ được kiểm soát thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra, thu ngân sách đảm bảo cho các nhu cầu chi tiêu của Chính phủ, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

2. Báo Tuổi trẻ (30/3) có tin “Chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh”, Báo Công an nhân dân (30/3) có bài “Vì sao chưa nâng mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân?”, vneconomy.vn (30/3) có bài “Chính sách thuế thu nhập cá nhân lạc hậu, đại diện Bộ Tài chính nêu rõ thời điểm sửa đổi”, Báo Người lao động (29/3) có bài “Bộ Tài chính nói về việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh”, laodong.vn (30/3) có bài “Không thay đổi mức giảm trừ gia cảnh, người dân thất vọng”, vov.vn (29/3) có bài “Vì sao chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân?”, Báo điện tử Dân trí (29/3) có bài “2 lý do Bộ Tài chính chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh” cho biết: Thông tin tới báo chí tại cuộc họp báo về vấn đề mức giảm trừ gia cảnh, ông Trương Bá Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, căn cứ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là sửa luật hoặc khi chỉ số giá tiêu dùng biến động 20%. Luật Thuế TNCN quy định chỉ số giá tiêu dùng biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình UBTVQH điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

Theo ông Trương Bá Tuấn, qua theo dõi chỉ số giá tiêu dùng từ năm 2020 đến nay, mức biến động chưa đến 20%. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến của chỉ số này để chủ động đề xuất theo quy định trong thời gian tới. Đối với việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân lộ trình là năm 2025. Lộ trình này đã được Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền.

3. VnEconomy (29/3) có tin “Trước hạn chót 3 ngày, còn 182 cửa hàng bán lẻ xăng dầu chưa xuất hoá đơn điện tử”; Vietnamplus (29/3) có tin “99% tổng số cửa hàng xăng dầu phát hành hóa đơn bán điện tử”; Chinhphu.vn (29/3) có tin “Còn trên 100 cửa hàng xăng dầu chưa phát hành hóa đơn điện tử từng lần”; Vov.vn (29/3) có tin “99% số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc đã phát hành hóa đơn điện tử”; Pháp luật TP HCM (29/3) có tin “Còn trên 100 cửa hàng xăng dầu chưa xuất hóa đơn điện tử từng lần bán”; Đại đoàn kết (30/3) có tin “Gần 99% cửa hàng bán lẻ xăng dầu phát hành hóa đơn điện tử”; Quân đội nhân dân (30/3) có tin “Gỡ khó xuất hóa đơn điện tử bán lẻ xăng, dầu” và nhiều báo khác cho biết: Tại cuộc họp báo quý I/2024 do Bộ Tài chính tổ chức, ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, đến ngày 28/3, toàn quốc đã có 15.762 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện phát hành hóa đơn điện tử (HĐĐT) từng lần bán hàng, đạt khoảng 98,9% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Còn khoảng 100 cửa hàng chưa thực hiện, chiếm 1,1%. Đã có 59/63 địa phương đạt tiến độ trên 90%; 40 địa phương hoàn thành 10)% tiến độ. Phấn đấu đến hết 31/3, về cơ bản các cửa hàng xăng dầu trên cả nước sẽ thực hiện phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng.

Ông Mai Sơn cũng cho biết, tại từng địa phương, cơ quan thuế chủ trì tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo và chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan thực hiện các giải pháp như đẩy mạnh tuyên truyền đến người nộp thuế quy định về hoá đơn, chứng từ và lợi ích của việc phát hành HĐĐT từng lần bán hàng; các hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm. Đặc biệt, ngành thuế thành lập các đoàn công tác liên ngành làm việc trực tiếp với các đơn vị kinh doanh bán lẻ xăng dầu, nắm bắt thực trạng, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện gắn với từng địa bàn, doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu….

4. Báo Người lao động (29/3) có tin “Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán nói về việc VNDirect bị tấn công”; Tin tức (29/3) có tin “VNDirect bị tấn công mạng, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nói gì”; Dân trí (29/3) có tin “Bộ Tài chính: Sự cố của VNDirect là lời nhắc nhở các công ty chứng khoán”; VnMedia (29/3) có tin “VNDirect bị tấn công mạng: Cảnh báo bảo mật hệ thống giao dịch chứng khoán trực tuyến”; VOV.vn (29/3) có tin “VNDirect bị tấn công, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nói gì?”; Thời báo Ngân hàng (29/3) có tin “Bất kỳ công ty chứng khoán nào có trục trặc đều ảnh hưởng đến thị trường”; Vietnamplus (29/3) có tin “VNDirect công bố chính sách hỗ trợ nhà đầu tư sau sự cố giao dịch”  và nhiều báo khác cho biết: tại cuộc họp báo quý I/2024 của Bộ Tài chính, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCKNN cho rằng vụ việc Công ty Chứng khoán VNDirect "bị tấn công" vừa qua là sự cố đáng tiếc.

Theo báo cáo của DN, hệ thống công ty bị hacker tấn công. Ngay sau đó, DN đã báo cáo sự cố lên UBCKNN, các sở giao dịch chứng khoán. UBCKNN cũng đã có chỉ đạo kịp thời, yêu cầu công ty VNDirect khẩn trương khắc phục sự cố, đảm bảo an toàn cho tài khoản của các nhà đầu tư. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Phạm Hồng Sơn cho rằng rất khó để nói trước về các sự cố an ninh mạng, tấn công mạng. UBCKNN luôn yêu cầu các doanh nghiệp chú trọng công tác này để đảm bảo an toàn cho hệ thống giao dịch chứng khoán.

Thông tin thêm về việc này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết các cơ quan quan lý nhà nước, các sở giao dịch chứng khoán, công ty chứng khoán đã xử lý kịp thời, rất trúng sau khi xảy ra sự cố. Đây cũng là sự cố để nhắc nhở các công ty chứng khoán tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng, an toàn hệ thống.

II. Vấn đề về hóa đơn điện tử

5. Báo Nhân Dân (1/4) có tin “Siết chặt công tác quản lý hóa đơn” cho biết: Trong các công tác quản lý thuế, hoàn thuế GTGT là nội dung được đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, Tổng cục Thuế đã có nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế. Kết quả, hoàn thuế GTGT đã có nhiều chuyển biến tích cực. Khó khăn trong hoàn thuế hiện nay là vừa phải đảm bảo hoàn thuế GTGT kịp thời, đúng quy định, vừa phải kiểm soát chặt chẽ, phòng, chống gian lận hoàn thuế gây thất thoát NSNN. Để giải quyết căn cơ các khó khăn trong hoàn thuế GTGT, cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về thuế GTGT, pháp luật về quản lý thuế, pháp luật về HĐĐT, pháp luật chuyên ngành có liên quan. Các cơ chế, chính sách quản lý thuế cũng cần phân định rõ trách nhiệm của cơ quan thuế, cán bộ thuế với người nộp thuế trong công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT. Đối với DN, ngoài sự thường xuyên cập nhật các chính sách pháp luật, nâng cao trình độ, sự tự giác chấp hành nghĩa vụ và nâng cao trách nhiệm thuế là chìa khóa để cơ quan thuế thuận lợi trong thực thi nhiệm vụ NSNN.

III. Vấn đề về tài chính doanh nghiệp

6. Liên quan đến Hội thảo: “Lấy ý kiến sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp” do Bộ Tài chính phối hợp với UBTVQH và Viện Konrad Adenauer Stiftung (Đức) tổ chức tại Bình Thuận ngày 28/3, nhiều báo có tin bài đưa tin:

Chinhphu.vn (29/3) có bài “Gỡ rào cản để phát huy hiệu quả vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, Báo Điện tử Đảng cộng sản có bài “Hoàn thiện khung pháp lý về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp”; báo Đại biểu nhân dân có bài “Lấy ý kiến sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp”; báo Pháp luật Việt Nam có bài “Sửa luật để nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh”; báo Quân đội nhân dân có bài “Sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp”; Thời báo Ngân hàng có bài “Nâng cao tính cạnh tranh của DNNN”…cho biết: Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn đã trình bày về quá trình triển khai xây dựng hồ sơ dự án Luật. Theo đó, đến nay đề nghị xây dựng Luật thay thế Luật 69/2014/QH13 chưa được UBTVQH/Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh. Bộ Tài chính đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, tập trung quyết liệt và xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy trình, trình tự của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để báo cáo Thủ tướng, Thường trực Chính phủ, Chính phủ nhiều vòng. “Đến nay, cơ bản hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đã được Bộ Tài chính tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện theo yêu cầu của Chính phủ để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp luật theo quy định”, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết.

Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; đề nghị cần xác định rõ nguyên tắc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp bảo đảm tách bạch rõ chức năng quản lý, đầu tư vốn của cơ quan, người đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản trị, điều hành của doanh nghiệp theo nguyên tắc “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ”, bảo toàn, hiệu quả, công bằng, thị trường, linh hoạt và công khai, minh bạch.

IV. Vấn đề về đầu tư công

7. Báo Công an nhân dân (1/4) có bài “Giải ngân vốn đầu tư công: Nơi cao, nơi vẫn rất thấp” cho biết: Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân 3 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm trước. Ước thanh toán đến hết tháng 3/2024 trên 89.874 tỷ đồng, đạt 12,96% tổng kế hoạch, đạt 13,67% kế hoạch Thủ giao, tăng so với cùng kỳ năm 2023. Có 4 Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt. Vẫn còn 23 Bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân 0%, có 15 địa phương giải ngân dưới 10%.

Bộ Tài chính đã chỉ ra các nhóm vướng mắc, khó khăn chủ yếu đang ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công gồm: bất cập trong công tác phân bổ vốn; vướng mắc liên quan đến các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia. Ngoài ra là các vướng mắc đã tồn tại trong thời gian dài đã được Bộ Tài chính và các Bộ chuyên ngành báo cáo trước đó.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt 95% kế hoạch vốn được giao khi kết thúc năm, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải và các địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ quy định. Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng theo tiến độ yêu cầu; khẩn trương xác định đủ nguồn cung vật liệu, phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu thi công hoàn thành các thủ tục về mỏ vật liệu xây dựng thông thường theo cơ chế đặc thù…

V. Vấn đề về quản lý giá

8. Người lao động (30/3) có bài “Doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu: Nên hay không?”, Tuổi trẻ (30/3) có bài “Doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu”, Tiền Phong (30/3) có bài “Nhận diện bất cập, sắp xếp lại thị trường xăng dầu”, Công an nhân dân (1/4) có bài “Lo thiếu cạnh tranh song phẳng nếu doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu” cho biết: Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo nghị định thay thế các nghị định hiện hành về kinh doanh xăng dầu, gồm Nghị định 83 năm 2014, Nghị định 95 năm 2021 và Nghị định 80 năm 2023. Theo đề xuất mới, các doanh nghiệp đầu mối có thể được tự quyết giá bán xăng dầu, nhà nước chỉ công bố giá thế giới bình quân 15 ngày. Cơ quan soạn thảo cho rằng để DN đầu mối tự quyết định giá bán sẽ giúp cạnh tranh về chi phí để chiếm lĩnh thị phần. Đặc biệt, doanh nghiệp (DN) được phép bán thấp hơn giá bán tối đa theo công thức tính giá, qua đó loại bỏ được việc áp dụng giá bán xăng dầu vùng 2 của DN. Trường hợp tỉ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của DN tăng, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng xem xét điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Việc điều chỉnh giá sẽ thực hiện theo kỳ 15 ngày/lần.

PGS - TS Ngô Trí Long cho rằng, đề xuất hướng đến cơ chế tự quyết định giá của DN là bước đi mới, hướng đến sự thay đổi mạnh mẽ về mặt quản lý, điều hành giá. Tuy nhiên, cần xem xét thấu đáo khi trao quyền quyết định giá bán xăng dầu cho DN đầu mối. Mặt khác, hiện có một số "ông lớn" xăng dầu giữ vị thế thống lĩnh thị trường, nếu để cho họ được quyết định giá bán, liệu họ có tạo ra "luật chơi" hay không và có bảo đảm yếu tố thị trường hay không.

Ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính cho biết hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu để góp ý theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Về nguyên tắc quản lý giá nói chung, đây là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá nên sẽ có một số vấn đề cần xem xét cụ thể, thấu đáo về nguyên tắc điều hành giá.

Tại cuộc họp báo của Bộ Công Thương, theo Vụ Thị trường trong nước, việc xây dựng, đề xuất các quy định về kinh doanh xăng dầu là thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng. Với cơ chế giá xăng dầu, dự thảo dự kiến tiến dần hơn với cơ chế thị trường, nhà nước ban hành nguyên tắc công thức giá để thương nhân đầu mối xăng dầu quyết định giá bán. Nhưng giá này không cao hơn công thức giá quy định.

9. Sài Gòn giải phóng (1/4) có bài “Kiểm soát chặt chi phí giá điện” cho biết: Thủ tướng vừa phê duyệt Quyết định số 05 quy định cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, cho phép rút ngắn chu kỳ điều chỉnh từ 6 tháng còn 3 tháng. PGS-TS Ngô Trí Long cho biết, để giám sát giá điện, hằng năm EVN có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương về chi phí sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán và căn cứ báo cáo này cùng với báo cáo tài chính của EVN, Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện, với sự tham gia của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, UBTWMTTQ, VCCI, các cơ quan, hiệp hội liên quan.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00