Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 02/4/2024

Điểm báo ngày 02/4/2024

I. Vấn đề về chính sách thuế

1. Vietnamnet (01/4) có bài “Làm thêm tăng được chục triệu thu nhập, thuế TNCN trừ mất luôn khoản tiết kiệm” cho biết: Nhiều người lao động cho biết, họ phải đóng thuế rất nhiều khi tham gia làm thêm do mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với chi tiêu thực tế. Nhiều chuyên gia cho rằng, thuế TNCN hiện nay bộc lộ nhiều bất cập khi mức giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp với biến động liên tục mặt bằng giá chung, quá nhiều bậc...

Tại họp báo thường kỳ quý I/2024 của Bộ Tài chính về các vấn đề liên quan đến thuế TNCN, ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, căn cứ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là sửa luật hoặc khi chỉ số giá tiêu dùng biến động 20%. Về việc sửa đổi tổng thể Luật Thuế TNCN, lộ trình vẫn là năm 2025-2026 như Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ và UBTVQH. “Khi sửa đổi luật này, chúng tôi sẽ sửa tổng thể các nội dung gồm thu nhập chịu thuế, thu nhập tính thuế, giảm trừ gia cảnh...", ông Tuấn cho hay.

Trong khi đó, rất nhiều ý kiến cho rằng cần đẩy nhanh hơn việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, vì những bất cập của luật thuế này đã được Bộ Tài chính nhận diện. Việc để đến năm 2026 mới sửa là quá muộn.

II. Vấn đề về quản lý thuế

2. Thanh niên (2/4) có bài “Cửa hàng xăng dầu “về đích” với quy định hóa đơn điện tử” cho biết: Tính đến chiều ngày 1/4 chỉ còn khoảng chục cửa hàng bán lẻ xăng dầu chưa thể về đích xuất hóa đơn bán lẻ xăng dầu từng lần bán hàng. Về cơ bản, toàn hệ thống đã hoàn thành kế hoạch. Theo quy định, 10 cửa hàng không hoàn thành việc xuất hóa đơn điện tử từng lần bán hàng sẽ phải đóng cửa nhưng cơ quan thuế hiện chưa đưa ra thông tin về phương án xử lý với các cửa hàng này.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, trong việc buộc tất cả các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải tuân thủ xuất hóa đơn điện tử từng lần bán hàng nhằm bảo đảm chống thất thu thuế chỉ là vấn đề nhỏ. Vấn đề là giúp chống hàng giả, hàng nhái, buôn lậu xăng dầu, bảo đảm tính công bằng, bình đẳng cho các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện thì buộc phải tạm dừng hoạt động, thậm chí bị rút giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi. Các dữ liệu cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã tuân thủ đúng quy định trong triển khai hóa đơn điện tử từng lần bán hàng. Đây là nỗ lực lớn. Tuy nhiên, các cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, hạ tầng internet còn hạn chế sẽ là thách thức lớn.

3. Tuổi trẻ (2/4) có bài “Hóa đơn điện tử xăng dầu: Nghẽn mạng, hệ thống quá tải” cho biết: Ghi nhận của báo Tuổi trẻ trong ngày 1/4 cho thấy hầu hết khách hàng đến đổ xăng đều không lấy hóa đơn mua hàng. Trong khi đó, nhiều trạm xăng dầu gặp không ít khó khăn khi cập nhật dữ liệu vào hệ thống sau từng lần bán hàng.

Bài báo dẫn ý kiến nhiều doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh xăng dầu cho biết họ đã đưa hệ thống hóa đơn điện tử vào toàn bộ các cửa hàng xăng dầu, đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý song việc vận hành vẫn còn gặp trục trặc. Các hóa đơn khi được phát hành có hiện tượng bị nghẽn mạng do đường truyền quá tải, dẫn tới các hóa đơn xuất cho khách hàng bị mất thời gian. Có những trường hợp phải mất vài ba tiếng mới xuất được hóa đơn, hoặc thậm chí không thể đẩy được hóa đơn do đường truyền khá chậm và nghẽn, có nguy cơ “vỡ trận” lúc cao điểm trong trường hợp nhiều người cùng có nhu cầu xuất hóa đơn. Nếu cơ quan chức năng đi kiểm tra sẽ có thể xử phạt hoặc thậm chí là tước giấy phép kinh doanh của họ.

Nhiều DN và chuyên gia cho rằng, cần có quy trình tiêu chuẩn cho việc xuất hóa đơn từng lần đổ xăng, đồng thời cho phép doanh nghiệp có thể xuất hóa đơn kèm mã số khách hàng có kết nối với ngành thuế do nhiều người dân không có nhu cầu lấy hóa đơn điện tử. Ngành Thuế cũng cần làm việc với các đơn vị cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng, các cơ quan chức năng về tiêu chuẩn đo lường, phòng cháy chữa cháy và các Bộ, ngành liên quan để thống nhất triển khai thực hiện bởi hạng mục này doanh nghiệp đã đầu tư một số tiền không nhỏ nhưng quá trình vận hành gặp trục trặc và khó khăn, vướng mắc phát sinh nhiều, trong khi các hướng dẫn chưa rõ ràng, thống nhất nên chưa đảm bảo được yêu cầu kết nối dữ liệu, xuất hóa đơn sau từng lần bán hàng cho từng khách hàng và cho cơ quan thuế.

III. Vấn đề về tài sản công

4. Lao động (2/4) đưa tin “Bên trong trụ sở thuế 60 tỷ để không khiến hơn 100 cán bộ phải đi “ở nhờ” cho biết: Hơn 6 tháng qua, trụ sở Chi cục thuế khu vực Hòa Bình - Đà Bắc khang trang vừa được đầu tư 60 tỉ đồng để xây dựng bị bỏ trống khiến hơn 100 cán bộ phải đi "ở nhờ" để làm việc trong tình trạng chật chội.

Tháng 10/2023, Báo Lao Động có bài “Chi cục thuế ở Hòa Bình bỏ hoang trụ sở 60 tỉ đồng để đi ở nhờ, chưa hẹn ngày trở lại”, phản ánh về việc Chi cục thuế khu vực Hòa Bình - Đà Bắc phải ở nhờ Cục thuế tỉnh để làm việc từ tháng 9/2023, trong khi trụ sở lại bị bỏ trống do không có lối đi. Tuy nhiên, đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết triệt để. Bên trong khuôn viên là cảnh hoang vắng với một người bảo vệ trông coi, các căn phòng của tòa nhà 7 tầng cửa đóng then cài.

Trụ sở được đầu tư xây dựng với số vốn gần 60 tỉ đồng, đưa vào sử dụng từ năm 2020. Theo quy hoạch, mặt trước khu đất xây dựng trụ sở là dự án đường Chi Lăng kéo dài. Tuy nhiên, dự án đường phải dừng lại vì không có vốn (quyết toán hoàn thành giai đoạn 1 năm 2022). Ngoài ra, diện tích hơn 700 m2 đất trước cổng trụ sở Chi cục thuế này vẫn chưa giải phóng được mặt bằng.Từ khi đi vào hoạt động, đơn vị này phải mượn một phần diện tích đất của Công an tỉnh Hòa Bình để lấy lối ra vào cơ quan. Cuối tháng 8.2023, Công an tỉnh có thông báo lấy lại, sau khi trả đất, chi cục không có đường đi vào trụ sở. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc phải chuyển nơi làm việc.

Ông Phạm Hồng Sơn - Chi cục trưởng Chi cục thuế khu vực Hòa Bình - Đà Bắc  xác nhận, trụ sở đang bỏ trống và cho biết, hiện 100 cán bộ của đơn vị được bố trí làm việc tại Cục thuế tỉnh. Theo ông Sơn, trụ sở để trống đang gây lãng phí, ảnh hưởng đến người nộp thuế cũng như cán bộ, công chức phải cố gắng vì chật chội, có đội hơn 10 người phải làm việc chung một phòng...

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Hòa Bình cho biết, thành phố đang xin điều chỉnh chủ trương để tiếp tục dự án đường Chi Lăng kéo dài, qua đó giải quyết lối đi vào Trụ sở Chi cục thuế.

IV. Vấn đề về quản lý giá

6. Tiền phong (2/4) có bài “Nghị định mới về xăng dầu: Doanh nghiệp kiến nghị giải pháp bình ổn thị trường” thông tin: Chia sẻ với phóng viên Tiền phong, đại diện nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở các vùng miền cho rằng, dự thảo nghị định mới về xăng dầu của Bộ Công thương còn nhiều lỗ hổng, cần được hoàn thiện.

Tại cuộc họp của nhiều doanh nghiệp bán lẻ cuối tuần qua, các ý kiến cho rằng, dự thảo của Bộ Công Thương đang có nhiều vấn đề rất mập mờ, không rõ. Theo các doanh nghiệp, thị trường xăng dầu bất ổn thời gian qua do nhiều đầu mối gây ra, từ chiết khấu, nhập nhèm Quỹ bình ổn giá cho tới nguồn cung xăng dầu cho thị trường. Vì vậy, dự thảo cần xác định lại vai trò của các doanh nghiệp đầu mối, các thương nhân phân phối cũng như doanh nghiệp bán lẻ để xây dựng chính sách cho phù hợp, thay vì chỉ tập trung giao quyền cho doanh nghiệp đầu mối quyết định giá bán, bỏ qua thương nhân phân phối và bán lẻ.

Góp ý cho dự thảo, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho rằng, dự thảo vẫn chưa có bước đột phá hoàn toàn trong quản lý khi việc trao quyền cho DN tự quyết định giá mới dừng ở mức độ của doanh nghiệp đầu mối. Theo ông Bảo, quan điểm của VINPA là để doanh nghiệp tự công bố giá trên cơ sở chi phí thực tế sẽ tạo được động lực cạnh tranh đến khâu bán lẻ cuối cùng. Còn vẫn duy trì mức giá tối đa như đề xuất, doanh nghiệp sẽ không có động lực giảm giá và sẽ tối ưu lợi nhuận theo mức giá cao nhất được Nhà nước công bố.

V. Vấn đề về chứng khoán

 7. Người lao động (2/4) có bài “Nhà đầu tư chứng khoán sốt ruột vì “lỡ sóng”” cho biết: Tính chung cả quý I/2024, VN-Index tăng 13,64%, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2019. Với mức tăng này, VN-Index lọt tốp các chỉ số có hiệu suất tốt nhất thế giới kể từ đầu năm.

Trong bối cảnh đó, rất nhiều cổ phiếu và nhóm cổ phiếu thuộc các nhóm ngành đã tăng giá, không ít mã vượt xa vùng đỉnh lịch sử khi VN-Index còn trên 1.500 điểm. Dù vậy, với nhiều nhà đầu tư, quá trình đi lên của thị trường không tỉ lệ thuận với tài khoản của họ. Bởi từ sau Tết Nguyên đán, các chỉ số tăng điểm liên tục nhưng chủ yếu nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn hay còn gọi là cổ phiếu trụ và nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm áp đảo về vốn hóa trên thị trường. Những nhóm ngành còn lại chủ yếu đi ngang, thậm chí giảm. Nhà đầu tư nắm giữ các nhóm này gần như không có lãi, thậm chí thua lỗ. Một số phiên thị trường điều chỉnh giảm, khiến các nhà đầu tư choáng váng, đến mức phải cắt lỗ để bảo toàn vốn.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS), cho rằng từ sau Tết đến nay, TTCK có nhiều yếu tố thuận lợi. Hiện tại, thị trường vẫn đang trong đà hưng phấn do nhà đầu tư đặt kỳ vọng báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2024 của một số công ty đang khá tốt và mùa đại hội cổ đông. Đặc biệt, cơ quan quản lý đang đẩy mạnh triển khai vận hành hệ thống giao dịch KRX, đồng thời mở rộng cơ chế, chính sách để thu hút nhà đầu tư quốc tế nên thời gian tới thị trường chứng khoán vẫn diễn biến theo chiều hướng tích cực.

VI. Vấn đề về Đầu tư

8. Công an nhân dân (02/4) đưa tin “Chuyển biến tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công” cho biết: Qúy I/2024, vốn đầu tư ngân sách Nhà thực hiện ước đạt 13,9% kế hoạch vốn năm 2024, tăng 3,7% so với quý I/2023. Con số này đã thể hiện sự chuyển biến tích cực trong việc đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm 2024.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00