Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 03/4/2024

Điểm báo ngày 03/4/2024

I. Vấn đề về chính sách thuế

1. Đại đoàn kết (3/4) có bài “Cần sớm điều chỉnh mức thuế thu nhập cá nhân”, Tạp chí Cộng sản (3/4) có bài “Thuế thu nhập cá nhân đã lỗi thời: Đừng để người dân mòn mỏi “cõng””, Báo Lao Động (3/4) có bài “Linh hoạt sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh theo thực tiễn” cho biết: Mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) để tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã duy trì gần 10 năm, trong khi giá cả hàng hóa không ngừng tăng. Vì vậy, cần sớm sửa Luật Thuế TNCN theo hướng tăng mức giảm trừ gia cảnh.

Theo quy định, Luật Thuế TNCN sẽ được xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Mới đây, khi trả lời câu hỏi vì sao chưa đề xuất giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế TNCN, ông Trương Bá Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) nói rằng, vì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ năm 2020 đến nay chưa biến động tới mức 20% nên theo quy định chưa điều chỉnh mức GTGC tính thuế TNCN.

Bình luận vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính cho biết, đúng là Luật quy định CPI không quá 20% thì không sửa mức giảm trừ gia cảnh nhưng như thế thì Bộ Tài chính lại thiếu lắng nghe. Kinh tế tăng trưởng, thu nhập người dân được cải thiện đồng nghĩa với mức chi tiêu, mức sống của người dân cũng tăng theo. Làm đúng luật thì an toàn nhưng chúng ta phải nhìn nhận rằng phải tích cực chủ động thay đổi để quy định phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Ngọc Tú, Giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ cho rằng, ý kiến của đại diện Bộ Tài chính còn theo khuôn mẫu sách vở, không phù hợp tính thực tiễn của Luật Thuế này. Việc không sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh mà bắt người nộp thuế phải chờ thêm 3 năm nữa càng là bất hợp lý khi lạm phát tăng cao, thu nhập của người làm công ăn lương vẫn bị bào mòn, nhất là khi cải cách tiền lương đang đến gần, việc chậm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh sẽ làm suy giảm niềm tin với người nộp thuế. Về lâu dài, cần thiết thay đổi cơ chế xây dựng luật. Hiện Bộ Tài chính vừa là cơ quan xây dựng luật nhưng cũng đồng thời quản lý thu thuế. Điều này giống vừa đá bóng, vừa thổi còi.

Bà Vũ Thu Hà - Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế Deloitte Việt Nam cho rằng, việc xem xét điều chỉnh và cập nhật mức GTGC hiện nay là cần thiết. Theo đó, các nhà hoạch định chính sách cần nghiên cứu và đề xuất mức GTGC cập nhật trước khi Luật Thuế TNCN được sửa đổi; thay vì chỉ điều chỉnh khi CPI biến động vượt 20%.

Bên cạnh việc điều chỉnh mức GTGC, còn có thể cân nhắc nâng ngưỡng thu nhập tối thiểu bình quân của người phụ thuộc (hiện đang ở mức 1 triệu/tháng) để mở rộng đối tượng người nộp thuế có thể hưởng lợi ích từ chính sách này, tương tự như việc Singapore vừa công bố điều chỉnh nâng ngưỡng thu nhập của một số đối tượng người phụ thuộc từ 4.000 đô la Singapore/năm lên 8.000 đô la Singapore áp dụng cho năm 2024.

Về lâu dài, lộ trình và cơ chế điều chỉnh mức GTGC cần được xây dựng và phản ánh vào Luật Thuế TNCN sửa đổi. Hơn nữa, xét về mặt tích cực, việc điều chỉnh GTGC thậm chí có thể đóng vai trò khuyến khích mức độ tuân thủ của người nộp thuế, khi mức giảm trừ đã được thiết kế để phản ánh thực tế và công bằng hơn mức sống của người dân.

2. Petro Times (3/4) đưa tin “Bất cập của Luật thuế 71” cho biết: Năm 2014, Quốc hội đã ban hành Luật thuế 71/2014/QH13-Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế (sau đây gọi tắt là Luật thuế 71), có hiệu lực từ năm 2015.

Tuy nhiên, ngay sau khi triển khai thực hiện, Luật thuế 71 đã nảy sinh khá nhiều bất cập, không những giá bán phân bón trong nước không giảm mà còn tăng lên, làm hạn chế sản xuất kinh doanh, kìm hãm sự phát triển của các dự án đầu tư sản xuất phân bón.

Để đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp thì ngành sản xuất kinh doanh phân bón trong nước phải phát triển do phân bón là vật tư thiết yếu, chiếm khoảng 40 - 50% chi phí sản xuất. Nhưng hiện nay, ngành phân bón, doanh nghiệp phân bón trong nước đang lao đao xuất phát từ những bất cập của chính sách thuế GTGT. Do đó, ngành nông ngiệp, nông dân, các doanh nghiệp phân bón đang rất trông chờ vào những cơ chế chính sách, quyết sách thật sự đúng đắn; cụ thể là sớm sửa đổi Luật thuế 71, đưa thuế GTGT phân bón về mức 5% như kiến nghị, mong muốn của các Bộ, ban ngành liên quan, nhất là các doanh nghiệp và người nông dân.

II. Vấn đề về quản lý thuế

3. Thanh niên (3/4) có tin “PVOIL bị tấn công mã hóa dữ liệu, Tổng cục Thuế tạm thời đóng kết nối”; Lao động (2/4) có tin “PVOIL bị tấn công mạng, Tổng cục Thuế đóng kết nối tạm thời”; VTV.vn (3/4) có tin “Tổng cục Thuế hỗ trợ hệ thống hóa đơn điện tử của PVOIL sớm hoạt động lại”; Công an nhân dân (2/4) có tin “Tổng cục thuế tạm thời đóng cổng kết nối trực tiếp với PVOIL”; Người lao động (2/4) có tin “PVOIL bị tấn công mạng, Tổng cục Thuế đóng cổng kết nối”; VOV (2/4) có tin “PVOIL bị tấn công mạng, Tổng cục Thuế tạm thời đóng kết nối”; Tin tức (2/4) có tin “Ngành Thuế hỗ trợ hệ thống hóa đơn điện tử sau sự cố PV OIL bị tấn công mạng”; Vietnamnet (2/4) có tin “Tổng cục Thuế lên tiếng việc PVOil bị tấn công ransomware”; Giao thông (2/4) có tin “PVOil bị hacker tấn công, Tổng cục Thuế tạm thời đóng kết nối”; Kinh tế & Đô thị (2/4) có tin “PVOIL bị tấn công mạng: Tạm thời đóng cổng kết nối trực tiếp với cơ quan thuế”; An ninh thủ đô (2/4) có tin “PVOIL bị tin tặc tấn công: Tổng cục Thuế tạm thời đóng cổng kết nối”; VnExpress (2/4) có tin “PV Oil bị hacker tấn công mã hóa dữ liệu”; Vietnamplus (2/4) có tin “Cơ quan Thuế đang hỗ trợ hệ thống hóa đơn điện tử của PVOil sớm hoạt động lại” và nhiều báo khác cho biết: Tối ngày 2/4, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, hệ thống Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) bị tấn công có chủ đích theo hình thức mã hóa dữ liệu vì vậy đã gây ra sự cố ngừng hoạt động trong toàn hệ thống PVOIL, trong đó có hệ thống hóa đơn điện tử (HĐĐT).

Theo thông tin vận hành, quản trị hệ thống HĐĐT của cơ quan thuế, dữ liệu hóa đơn từ PVOIL gửi đến cơ quan thuế chỉ phát sinh đến 4h sáng ngày 2/4/2024 và Hệ thống HĐĐT của cơ quan thuế không có dấu hiệu bị tấn công gián tiếp qua Hệ thống của PVOIL.

Tổng cục Thuế đang hỗ trợ PVOIL trong quá trình khắc phục sự cố. Tổng cục Thuế đã tạm thời đóng cổng kết nối trực tiếp và sẽ mở lại khi hệ thống PVOIL đã được khắc phục.

Hiện nay, PVOIL đã làm việc và sẽ sử dụng HĐĐT trực tiếp trên hệ thống HĐĐT của đơn vị cung cấp giải pháp HĐĐT cho PVOIL. Đồng thời, PVOIL đang khẩn trương thực hiện các thủ tục để lập hóa đơn cho doanh nghiệp, tổ chức và hóa đơn bán lẻ trong trường hợp người mua có yêu cầu.

Cơ quan thuế sẽ tiếp tục hỗ trợ để hệ thống hóa đơn điện tử của PVOIL có thể trở lại hoạt động trong thời gian sớm nhất.

III. Vấn đề về hải quan

4. Lao động (3/4) có tin “Gần 1,6 tấn ngà voi được sơn đen hòng qua mặt lực lượng chức năng” cho biết: Cục Hải quan TP. Hải Phòng vừa chủ trì, phối hợp với Đoàn Trinh sát số 1 – Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển bắt giữ vụ nhập lậu ngà voi quy mô lớn. Theo đó, gần 1,6 tấn ngà voi được nhập lậu với chiêu thức tinh vi. Số ngà voi nhập lậu được cất giấu trong 1 container nhập khẩu về Cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng). Đáng chú ý, để qua mặt lực lượng chức năng, đối tượng đã sơn đen số ngà voi này. Đây là thủ đoạn mới, lần đầu được phát hiện tại khu vực cảng Hải Phòng và cả nước.

5. Quân đội nhân dân (2/4) có tin “Quảng Trị: Bắt 100kg ma túy giấu trên trần xe khách mang biển kiểm soát Lào”; Lao động (2/4) có tin “Kiểm tra 1 xe ôtô trên quốc lộ 9, phát hiện 100kg ma túy đá”; Tin tức- TTXVN (2/4) có tin “Vây bắt các đối tượng vận chuyển 100 kg ma túy đá giấu trên trần xe khách”; VOV.vn (2/4) có tin “Quảng Trị bắt giữ 100kg ma túy đá”; VTV.vn (2/4) có tin “Triệt phá đường dây vận chuyển 100 kg ma túy từ Lào sang Việt Nam”; Dân trí (2/4) có tin “Phá đường dây ma túy xuyên quốc gia, bắt 9 đối tượng và 1 tạ ma túy đá” và nhiều báo khác cho biết: Vào lúc 17h30 phút ngày 30/3, tại Km 73 + 200 quốc lộ 9 thuộc địa phận Làng Vây (xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), các lực lượng đã chặn đầu 1 chiếc xe ôtô biển số Lào có dấu hiệu nghi vấn. Qua kiểm tra, phát hiện trên trần xe có 100 gói nilon màu vàng và màu trắng có trọng lượng 100kg là ma túy tổng hợp dạng đá.

Có 5 đối tượng có hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy bị bắt quả tang, tất cả cùng trú tại tỉnh Bo Li Kham Xay (Lào). Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng đã bắt thêm 4 đối tượng nữ đang lẩn trốn tại thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị); thông báo cho Công an huyện Sê Pôn (Lào) tạm giữ thêm 2 đối tượng có nghi vấn, liên quan trong đường dây đang ở bản Phường (huyện Sê Pôn, Savannakhet- Lào).

Qua đấu tranh ban đầu, một trong số các đối tượng bị bắt khai nhận đối tượng Tik Xay Ya Sa Ne (một trong số các đối tượng bị bắt) khai nhận, vào ngày 27/3/2024, người đàn ông quốc tịch Lào, trú tại Viêng Chăn - Lào thuê vận chuyển 100kg ma túy đá từ Lào vào Việt Nam để giao cho một đối tượng người Việt Nam tại thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị).

IV. Vấn đề về tài sản công

6. Đầu tư (3/4) có bài “Bịt “lỗ hổng” đấu giá tài sản công” cho biết: Ô tô công, đất công được đấu giá cả gói, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh, đó đều là “lỗ hổng” trong đấu giá tài sản công cần phải được bịt lại khi sửa Luật Đấu giá tài sản.

Theo đó, nội dung đáng chú ý ở lần sửa đổi này là Dự thảo đã quy định rõ về tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù. Bên cạnh đó, Dự thảo bổ sung chế tài xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá. Cụ thể, bổ sung trường hợp người trúng đấu giá quyền sử dụng đất mà vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị hủy thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 6 tháng đến 5 năm.

Khẳng định quy định mới rất cần thiết, song đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, nếu vi phạm mà chỉ bị cấm tham gia đấu giá trong thời hạn từ 6 tháng là quá ít, cần nâng lên 1 năm trở lên.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nam (Hải Dương) đề nghị cân nhắc bổ sung quy định là: trong trường hợp người trúng đấu giá vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá, dẫn đến quyết định công nhận đấu giá bị hủy từ 2 lần trở lên trong thời hạn 1-2 năm liên tục, thì mới áp dụng quy định về cấm tham gia đấu giá. Điều này vẫn có ý nghĩa trong việc ngăn chặn các hành vi tiêu cực, tình trạng bỏ cọc, thổi phồng giá trị tài sản, mà có sự mềm mỏng hơn, tôn trọng thỏa thuận dân sự giữa các bên trong hoạt động đấu giá.

V. Vấn đề về xăng dầu

7. Công Lý, Tuổi trẻ (3/4) có bài “Tiếp tục lấy ý kiến về Quỹ bình ổn giá xăng dầu” cho biết: Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu hiện đang được lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn và các tổ chức có liên quan, Bộ Công Thương sẽ cùng với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá để hoàn thiện và xin ý kiến rộng rãi.

Thông tin thêm về những nội dung tại Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết Nghị định kinh doanh xăng dầu mới thay thế 3 Nghị định quản lý kinh doanh xăng dầu hiện nay yêu cầu rất gấp rút, cố gắng trong tháng 3/2024 đã phải trình Chính phủ.

Dự kiến dự thảo Nghị định có rất nhiều đổi mới, đảm bảo mục tiêu cuối cùng là cân đối cung - cầu, không thiếu hụt, đảm bảo an ninh năng lượng. Ngoài ra, điều hành giá xăng dầu tiếp cận cơ chế thị trường nhưng phải có sự điều tiết của cơ quan nhà nước.

Liên quan đến điều hành giá, Thứ trưởng Tân cho biết liên Bộ đưa ra mức giá trần để làm tham khảo, từ đó các doanh nghiệp tính toán đưa ra mức giá phù hợp với tình hình kinh doanh thực tế, nhưng không vượt mức giá trần. Đây là điểm mới của Nghị định nhằm đảm bảo bình ổn thị trường, đảm bảo hài hoà giữa các bên.

Đối với nội dung về giữ Quỹ bình ổn xăng dầu, đây là nội dung còn nhiều tranh luận nên Bộ Công Thương tiếp tục lấy ý kiến. Vấn đề trích lập quỹ hiện cũng có một số vấn đề cần điều chỉnh và cụ thể hoá đưa vào dự thảo Nghị định.

VII. Vấn đề về bảo hiểm

8. Thanh niên (2/4) đưa tin “Công bố kết luận thanh tra bảo hiểm nhân thọ AIA”, Tuổi trẻ (3/4) đưa tin “Khách vay vẫn bị ép mua bảo hiểm” ; Lao động (2/3) đưa tin “57% khách hàng hủy hợp đồng mua bảo hiểm chỉ sau 1 năm”, Sài Gòn giải phóng (2/4) đưa tin “Bộ Tài chính công bố kết luận thanh tra AIA”, Thanh tra (2/4) đưa tin “Công bố kết luận thanh tra bảo hiểm AIA: Lộ diện loạt vi phạm, kiến nghị xử lý tài chính trên 900 tỷ đồng”, Giao thông (2/4) đưa tin “Kết luận thanh tra AIA bán bảo hiểm qua 6 ngân hàng”, Tin nhanh chứng khoán (3/4) đưa tin “Tỷ lệ hủy hợp đồng mua qua ngân hàng sau 1 năm tại AIA là hơn 50%” cho biết: Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa công bố kết luận thanh tra hoạt động bán bảo hiểm thông qua ngân hàng tại công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam (AIA) trong năm 2022.  Năm 2022, Công ty bảo hiểm AIA bán bảo hiểm qua 6 tổ chức tín dụng gồm VPBank, Bản Việt, KienlongBank, CitiBank, HSBC Việt Nam, PVBank, trong đó ngân hàng có doanh thu bảo hiểm khai thác mới chiếm tỉ trọng lớn nhất là VPBank. Năm 2022, AIA phát hành mới 73.474 hợp đồng bảo hiểm qua kênh phân phối ngân hàng, trong đó có 6% tổng số hợp đồng bảo hiểm bị hủy bỏ trong thời gian cân nhắc (21 ngày). Báo cáo của AIA cho biết, tỷ lệ duy trì hợp đồng năm thứ nhất với các hợp đồng bảo hiểm khai thác qua ngân hàng là 43%, tương ứng với tỷ lệ hủy năm thứ nhất là 57%.

Về kết quả thanh tra, báo cáo cho biết đã phát hiện một số hành vi vi phạm của đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng trong hoạt động bán sản phẩm bảo hiểm liên kết; đồng thời có các cá nhân thuộc đại lý tổ chức không đảm bảo đủ điều kiện theo quy định pháp luật khi thực hiện hoạt động đại lý, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư… Từ những vi phạm, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm kiến nghị xử lý tài chính đối với kỳ kế toán năm 2022 với tổng chi phí hạch toán giảm gần 918 tỷ đồng.

Căn cứ các kết luận thanh tra, Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đề nghị tổng giám đốc AIA Việt Nam rà soát, tăng cường công tác quản lý hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng để kiểm soát tình trạng hủy hợp đồng bảo hiểm, nhằm đảm bảo quyền lợi của người mua bảo hiểm.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00